Tuesday, April 23, 2024

Lật lại hồ sơ người Việt di tản 1975 nhập cảnh Mỹ, tị nạn hay tạm dung?

Mai Phi Long/Người Việt

WESTMINSTER, California (NV) – Khoảng 130,000 người Việt di tản khỏi miền Nam Việt Nam vào thời điểm 30 Tháng Tư, 1975, khi cuộc chiến Việt Nam kết thúc, đều nhập cảnh vào Mỹ theo diện “tạm dung” (paroled status) không phải là diện “tị nạn” (refugee status).
Người nhập cảnh trong diện “tạm dung” chỉ được tạm cư tại Mỹ trong một thời gian, không được xem là “thường trú nhân” có Thẻ Xanh (green card). Do đó, người trong diện “tạm dung” không được nộp đơn xin nhập tịch.

Người Việt Nam vừa di tản từ Sài Gòn đến phi trường Utapo RTNAF, Thái Lan, hồi Tháng Tư, 1975. (Hình: National Archives/AFP via Getty Images)

Nhân chứng lịch sử

“Những người Việt di tản năm 1975 được nhập cảnh vào Mỹ theo diện tạm dung, chứ không phải là diện tị nạn,” ông Nam Lộc, đại sứ quốc tịch (Citizenship Ambassador) của Sở Di Trú và Nhập Tịch Hoa Kỳ (USCIS), nói với nhật báo Người Việt.

Ông Nam Lộc, 78 tuổi, cũng là người di tản khỏi Việt Nam năm 1975, từng là giám đốc di trú và tị nạn của tổ chức Catholic Charities, thuộc Tổng Giáo Phận Los Angeles, trong suốt 41 năm trước khi nghỉ hưu vào năm 2016.

“Với tình trạng nhập cảnh dưới quy chế ‘tạm dung,’ người Việt di tản năm 1975 không được hưởng những chương trình trợ cấp y tế hay xã hội. Họ chỉ nhận được những phúc lợi này qua hệ thống các tổ chức bảo trợ, hoặc những quy chế đặc biệt được áp dụng,” ông Nam Lộc cho biết.

“Điều đáng lưu tâm nhất là người trong diện ‘tạm dung’ không được trở thành ‘thường trú nhân,’ do đó không thể vào quốc tịch Mỹ,” đại sứ quốc tịch của USCIS nhấn mạnh.

Trả lời câu hỏi “những người tị nạn từ đảo Guam đi vào nội địa Mỹ theo diện nhập cảnh nào,” ông Tony Lâm, trưởng trại tị nạn ngay từ ngày đầu người di tản Việt có mặt tại đảo Guam, cho biết: “Người trong diện này được gọi trong tiếng Anh là ‘parolee.’ Tuy nhiên, vì số người quá đông, hơn 100,000 người, nên sau khi được đưa vào bốn trại tị nạn trong nội địa nước Mỹ, những người di tản mới được nhân viên di trú tiếp xúc, làm giấy I-94 khai báo nhập cảnh.”

“Trên các mẫu I-94 của những người di tản thời đó đều ghi rõ là nhập cảnh vào Mỹ theo quy chế ‘paroled status,’” ông Tony Lâm, 86 tuổi, dân cử gốc Việt đầu tiên trong lịch sử Hoa Kỳ, kể với nhật báo Người Việt.

Mẫu đơn nhập cảnh Mỹ, I-94, của một người di tản hồi năm 1975. Ô thứ ba (phải, dưới lên) ghi rõ tình trạng nhập cảnh là đi theo diện “đặc xá,” Paroled Pursuant to SEC.212. (Hình: Ông Nam Lộc cung cấp)

Quy chế “tạm dung” là gì?

Sở Di Trú định nghĩa quy chế “tạm dung” áp dụng cho một cá nhân, vốn có thể không được chấp thuận hoặc không đủ điều kiện hợp pháp vào Mỹ, nhưng vì hoàn cảnh khẩn cấp về mặt nhân đạo nên được “ân xá” cho quy chế “tạm dung” để nhập cảnh.

Quy chế nhập cảnh “tạm dung” chỉ được áp dụng trong một thời gian hạn định, người trong quy chế này được tạm cư ở Mỹ, không phải là “thường trú nhân” định cư chính thức.

Và phải là “thường trú nhân,” tức là có Thẻ Xanh, liên tục cư ngụ tại Mỹ năm năm mới được phép nộp đơn xin quốc tịch.

Trong hoàn cảnh Sài Gòn thất thủ, những người Việt ào ạt rời miền Nam Việt Nam, và ngoài Hoa Kỳ, không có một quốc gia thứ ba nào dung chứa, nên chính quyền Tổng Thống Gerald Ford phải cấp tốc cấp quy chế “tạm dung” cho họ để được nhập cảnh theo đúng luật pháp.

Thượng Nghị Sĩ Edward Kennedy (trái) hồi thập niên 1970. (Hình: AFP Photo/AFP via Getty Images)

Đương nhiên, trong tình trạng “tạm dung” những người Việt di tản không hội đủ tiêu chuẩn trở thành công dân Hoa Kỳ, nếu không đổi sang quy chế “tị nạn,” điều kiện đầu tiên để trở thành thường trú nhân.

Để thay đổi tình trạng này không phải là một việc dễ dàng, nhanh chóng, đặc biệt với số lượng hơn 130,000 người Việt có mặt đồng loạt tại Mỹ trong một thời gian ngắn. Chắc chắn quy chế “tạm dung” trong một thời gian hạn định không thể nào áp dụng dài hạn cho những người di tản, bởi vì họ phải nhận nước Mỹ là quê hương thứ hai, khi không thể nào quay về sống với chế độ Cộng Sản tại Việt Nam. Thêm vào đó, chẳng có một quốc gia thứ ba nào đón nhận số lượng người đông đúc như thế.

Dân tị nạn Việt cần Quốc Hội Mỹ đưa ra một đạo luật mới để thay đổi từ quy chế “tạm dung” thành “tị nạn” cùng một lúc cho toàn bộ tập thể hơn 130,000 người.

Cộng đồng người Việt non trẻ lúc đó vừa mới có mặt tại Mỹ, sống phân tán, không hề có kinh nghiệm chính trị để làm việc “đội đá vá trời” đó.

Tuy nhiên, nhờ có những chính trị gia người Mỹ quan tâm, và họ đã tranh đấu để tạo ra luật nhằm thay đổi quy chế nhập cảnh cho người Việt tị nạn.

Một quân nhân Mỹ quan sát người Việt di tản trên một chiến hạm Hải Quân. (Hình: AFP via Getty Images)

Chính phủ Ford áp dụng quy chế “tạm dung” để người Việt cấp tốc nhập cảnh vào Mỹ
Lúc đó, Quốc Hội Mỹ thông qua hai dự luật quan trọng liên quan đến người Đông Dương trong đó có người Việt Nam.

Dự Luật HR 6755 cho phép người Đông Dương vào Mỹ và cung cấp gần nửa tỷ đô la giúp họ hội nhập.

Dự Luật HR 7769 thay đổi quy chế những người này từ “tạm dung” sang “thường trú nhân.”
Cả hai dự luật này đều được Hạ Viện và Thượng Viện thông qua và được hai tổng thống, một Cộng Hòa và một Dân Chủ, ký ban hành.

Người vận động mạnh mẽ và thành công nhất cho cả hai dự luật này bên Thượng Viện là cố Thượng Nghị Sĩ Edward Kennedy (Dân Chủ-Massachusetts), em trai cố Tổng Thống John Kennedy.

Những nhà lập pháp vận động và bảo trợ hai dự luật này phần lớn thuộc đảng Dân Chủ, bây giờ tuổi tác cao hoặc đã qua đời.

Những dân cử vận động giúp người tị nạn Việt Nam

Theo bản tin của Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc (UNHCR) ngày 15 Tháng Chín, 2009, “Thượng Nghị Sĩ Edward Kennedy là người dẫn đầu nỗ lực của Mỹ khi nhận hàng trăm ngàn người tị nạn từ các quốc gia Đông Nam Á sau khi cuộc chiến Đông Dương chấm dứt.”

Theo UNHCR, kết quả là ông Kennedy vận động thành công Đạo Luật Trợ Giúp Người Tị Nạn và Di Dân Đông Dương (Indochina Migration and Refugee Assistance Act of 1975), HR 6755, do Dân Biểu Peter W. Rodino Jr. (Dân Chủ-New Jersey) làm tác giả, được Tổng Thống Gerald Ford (Cộng Hòa) ký ban hành ngày 23 Tháng Năm, 1975, cấp quy chế đặc biệt cho những người Đông Dương vào Mỹ, đồng thời thiết lập kế hoạch định cư cho họ.

Ông Tony Lâm, dân cử gốc Việt đầu tiên tại Hoa Kỳ, trong ngày khánh thành công viên mang tên ông ở Westminster, California, hôm 3 Tháng Năm, 2022. (Hình minh họa: Trà Nhiên/Người Việt)

HR 6755 cũng cung cấp $455 triệu để tài trợ cho chương trình giúp đỡ những người Đông Dương này.

Dưới sự lãnh đạo của cố Thượng Nghị Sĩ Kennedy, một lần nữa, đạo luật này được tu chính, qua Dự Luật HR 7769, do Dân Biểu Hamilton Fish (Cộng Hòa-New York) làm tác giả, được Tổng Thống Jimmy Carter (Dân Chủ) ký ngày 28 Tháng Mười, 1977, theo UNHCR.

HR 7769 cho phép những người Đông Dương được thay đổi tình trạng “tạm dung” để trở thành “thường trú nhân,” chính thức định cư tại Hoa Kỳ, và là bước khởi đầu để được nộp đơn thi quốc tịch Mỹ sau này, vẫn theo UNHCR.

Đồng bảo trợ HR 7769 là năm dân biểu thuộc đảng Dân Chủ gồm các ông Joshua Eilberg (Pennsylvania), bà Elizabeth Holtzman (New York), ông Sam B. Hall (Texas), ông Herbert E. Harris II (Virginia), và ông Billy Lee Evans (Georgia), và một dân biểu Cộng Hòa, ông Harold S. Sawyer (Michigan).

Cả hai đạo luật trên đều được thông qua vào thời điểm Quốc Hội Mỹ hoàn toàn do đảng Dân Chủ kiểm soát.

“Chương trình tái định cư cho những người Đông Dương là một trong những chương trình thành công nhất và trở thành nền tảng của hệ thống giúp di dân tái định cư ở Mỹ,” UNHCR cho biết.

Tấm bảng trên xa lộ 405 ở Westminster, California, chỉ lối vào Little Saigon, nơi có cộng đồng người Việt lớn nhất hải ngoại. (Hình minh họa: Đỗ Dzũng/Người Việt)

Cũng cần nhắc lại vào thời điểm 1975, việc thu xếp nơi ăn chốn ở cho người tị nạn Việt Nam cần sự hỗ trợ từ nhiều thành phần khác nhau trong xã hội Mỹ, từ những hội đoàn đến chính quyền tiểu bang.

“Nhằm chuẩn bị sẵn sàng tiếp đón những người tị nạn Đông Dương, Tổng Thống Ford tập hợp một liên minh bao gồm các cơ sở tôn giáo, các thống đốc Dân Chủ ở các tiểu bang miền Nam, các lãnh đạo nghiệp đoàn, và Nghị Hội Người Mỹ Gốc Do Thái, để hỗ trợ việc cung cấp nhà ở và việc làm cho những người mới đến Mỹ,” theo bộ phim tài liệu có tên “Resettling Vietnamese Refugees in the United States,” do National Geographic Society thực hiện và được công bố hôm 27 Tháng Chín năm nay. [đ.d.]

—–
Liên lạc tác giả: [email protected]

MỚI CẬP NHẬT