Thursday, March 28, 2024

Nước Mỹ trong một ngày ‘mặt trời đi vắng’

Hà Tường Cát/Người Việt

LITTLE SAIGON (NV) – Hôm Thứ Hai, 21 Tháng Tám 2017, từ duyên hải Thái Bình Dương đến Ðại Tây Dương dọc theo một hành lang rộng 70 dặm chạy dài 2,600 dặm qua 14 tiểu bang, nhiều triệu dân chúng đem theo viễn kính, máy chụp hình và video hay chỉ đơn giản với kính bảo vệ mắt, tập trung xem hiện tượng nhật thực toàn phần hàng trăm năm mới có dịp thấy tận mắt được một lần.

Nhật thực bắt đầu lúc 15.46 UTC (giờ quốc tế) tức là 8.46 giờ PDT (giờ California). Chiếc bóng của Mặt Trăng xuất hiện ngoài khơi Thái Bình Dương và di chuyển về hướng Ðông với vận tốc trên 2,000 dặm/giờ khi vào tới đất liền. Nơi đầu tiên cái bóng tối này đổ bộ là hải đăng Yaquina Head ở Newport, Oregon, cách thành phố Salem khoảng 40 dặm về hướng Tây-Tây Nam.

Trong một giờ rưỡi đồng hồ, những nơi nằm trong hành lang “toàn thực” từ Tây sang Ðông lần lượt chứng kiến cảnh tượng “đêm giữa ban ngày” trong thời gian khoảng 2 phút 40 giây.

Tại Salem, Oregon Mặt Trăng bắt đầu lấn lên Mặt Trời lúc 9.04 giờ PDT và Mặt Trời hoàn toàn bị che khuất từ 10.18 giờ tới 10.20 giờ PDT. Nơi có “đêm giữa ban ngày” lâu nhất là Carbondale ở Nam Illinois, 2 phút 44 giây, bắt đầu lúc 1.21pm giờ địa phương CDT (11.21 am PDT). Thành phố cuối cùng nhìn thấy nhật thực là Charleston, South Carolina, bắt đầu 1.16 pm EDT, hoàn toàn 2.47 pm EDT (10.16 am PDT và 11.47 am PDT). Chiếc bóng của Mặt Trăng sau đó đi ra Ðại Tây Dương và Mặt Trời được trả lại tự do lúc 19.20 UT (5.20 pm EDT).

Khoảng 200 triệu dân Mỹ sống cách xa hành lang toàn thực trong vòng một ngày lái xe nên có một số đông dân chúng dùng đường bộ hay đi máy bay nếu ở xa, đổ về các thành phố có thể thấy hiện tượng đêm tối trong mấy phút giữa ban ngày. Những khách sạn ở các nơi này đều không còn phòng trống từ cuối tuần trước và trên đường phố, công viên là cảnh tượng một ngày hội tấp nập hiếm thấy. Thời tiết dọc hành lang toàn thực hầu hết đều tốt, bầu trời quang đãng không phá đám dịp vui này.

Nhật thực toàn phần nhìn thấy ở Casper, Wyoming, khi mặt trăng hoàn toàn che lấp mặt trời làm trái đất chìm vào màn đêm trong ít phút. (Hình: Getty Images)

Giới khoa học, các nhà thiên văn tất nhiên rất phấn khích đối với một trong những cảnh tượng vĩ đại này của thiên nhiên, nhưng dân chúng cũng không kém sôi nổi hào hứng đón chờ nhật thực.

Alex Young, chuyên gia vật lý mặt trời của NASA nói rằng, chỉ có một lần gần đây vào năm 1968 khi phi thuyền Apollo 8 lần đầu tiên bay vòng quanh Mặt Trăng và gởi về hình ảnh của Trái Ðất nhìn từ xa là có nhiều người như vậy chú ý đến những chuyện lớn lao trong vũ trụ.

Ngày 21 Tháng Tám năm 2017 cũng là lần đầu trong thời đại thông tin này mà hiện tượng nhật thực toàn phần đi qua một vùng nhiều thành phố có dân cư đông đảo, những lần trước hầu hết xảy ra ở khu vực dân cư thưa thớt hay ngoài biển khơi. Những nơi chỉ thấy nhật thực bán phần và toàn thế giới đều có thể trực tiếp theo dõi cảnh tượng qua truyền hình hay Internet và các mạng xã hội. Các hệ thống truyền hình CNN, ABC, NBC, Fox, CBS,… làm phóng sự lần lượt ở nhiều thành phố khác nhau được may mắn trải qua 2 phút 40 giây hiếm có này.

Gần một thế kỷ, từ năm 1918, chưa có kỳ nhật thực toàn phần nào thấy được trên một vùng rộng lớn như vậy ở lục địa Mỹ. Kỳ nhật thực năm 1979, chỉ có 5 tiểu bang miền Ðông Bắc nhìn thấy Mặt Trăng che khuất hoàn toàn Mặt Trời. Tới năm 2024 nước Mỹ mới lại thấy nhật thực toàn phần trong một dải đất chạy dài từ Mexico qua Texas tới các tiểu bang vùng Ðông Bắc. Và năm 2045 sẽ có một kỳ nhật thực toàn phần đi ngang lục địa Mỹ tương tự như năm nay.

Các nhà khoa học cùng dân chúng cũng đặc biệt chú ý theo dõi phản ứng của động vật hay thực vật trong tình trạng bầu trời tối dần và nhiệt độ dịu xuống. Tại Tennessee khoảng 7,000 người đến vườn bách thú Nashville để xem những con thú nuôi cũng như các loài chim ở đây hoạt động như thế nào khi trời hoàn toàn tối vào lúc 1.28 pm giờ địa phương PDT (11.28 am PDT). Trước đó có một lúc bầu trời bị mây che kín khiên người ta thất vọng nhưng may mắn trời quang đãng trở lại khi gần tới “toàn thực.”

Ở California, Mặt Trời chỉ bị Mặt Trăng che khuất nhiều nhất là 75%, nhưng vẫn có hàng ngàn người tập trung đến đài thiên văn Griffith gần Hollywood, Los Angeles để xem nhật thực bán phần. (Hình: AP/Richard Vogel)

Little Saigon không nằm trong hành lang “toàn thực” nên tương đối ít chú ý đến hiện tượng nhật thực. Tuy vậy người ta cũng nhận thấy ánh nắng buổi sáng dịu bớt một phần. Nhiều người có hào hứng nao nức theo dõi phóng sự trên truyền hình, nhưng ít ai mua kính bảo hộ mắt, mà chỉ xem hình ảnh nhật thực gián tiếp phản chiếu trong một chậu nước theo lối cổ truyền từ xưa của dân Việt. Mức độ Mặt Trăng che khuất Mặt Trời ở đây nhiều nhất là 75% vào lúc 10 giờ 21 phút sáng.

Tại thủ đô Washington, nhật thực bán phần bắt đầu lúc 1.17pm EDT, cao điểm 2.42 pm EDT với án độ (magnitude) 0.85, Mặt Trời bị che khuất (obscuration) ở mức 80% có nghĩa là đủ hại mắt nếu nhìn thẳng lên.

Tuy nhiên hãng tin AP nói rằng Tổng Thống Donald Trump bất chấp khuyến cáo của các giới khoa học là có thể mù, có một lúc đã ra xem nhật thực và nhìn lên Mặt Trời bằng mắt thường không mang kính bảo vệ.

Ở South Carolina, cả hai chính đảng đều lợi dụng nhật thực để gây quỹ tranh cử. Ðảng Cộng Hòa gởi đi một email mang tựa đề “Eclipse the Democrats!” (Hãy che khuất những người Dân Chủ) đề nghị mỗi người ủng hộ $20.18 cho nỗ lực “đẩy đảng Dân Chủ hoàn toàn vào bống tối” trong mùa bầu cử năm 2018. Còn đảng Dân Chủ thì kêu gọi những người ủng hộ là “Không ai đui mù hôm nay, người Dân Chủ có nhiều việc phải làm cho tiểu bang.”

—————–
Liên lạc tác giả: [email protected]

Mời độc giả xem Điểm tin buổi sáng Thứ Hai, ngày 21 tháng 8 năm 2017

MỚI CẬP NHẬT