Saturday, April 27, 2024

Thảm họa cầu Baltimore: 6 công nhân di dân chết vì làm công việc ‘không ai muốn làm’

BALTIMORE, Maryland (NV) – Sáu nạn nhân của vụ sập cầu Francis Scott Key đều là những người nhập cư từ Mexico và Trung Mỹ, đang làm loại công việc mệt mỏi mà nhiều di dân phải đảm nhận, theo Reuters hôm Thứ Năm, 28 Tháng Ba.

Cuộc đời họ chấm dứt trong lòng sông Patapsco băng giá sau khi một tàu hàng đâm vào một chân cầu Francis Scott Key lúc 1 giờ 30 phút sáng Thứ Ba.

Cảnh tại hiện trường sập cầu Francis Scott Key ở Baltimore. (Hình: Kent Nishimura/AFP via Getty Images)

Những di dân này đến Mỹ để có cơ hội có được cuộc sống tốt đẹp hơn và làm công việc lấp ổ gà trên một cây cầu vào lúc nửa đêm, và cuối cùng bỏ mạng ở bến cảng Baltimore.

Các thợ lặn đã kéo thi thể của nạn nhân Alejandro Hernandez Fuentes và Dorlian Castillo ra khỏi một chiếc xe pickup truck màu đỏ ở độ sâu 25 foot dưới nước vào ngày hôm sau.

Bốn người mất tích và được cho là đã chết: Maynor Suazo người Honduras; Jose Lopez người Guatemala; Miguel Luna người El Salvador; và một người khác chưa được tiết lộ tên. 

Một số người cho biết họ không ngạc nhiên khi tất cả nạn nhân đều là di dân Nam Mỹ, dù nhóm này chỉ chiếm chưa đến 10% dân số ở thành phố lớn nhất Maryland.

“Một trong những nguyên nhân khiến nhiều người Latino dính líu đến vụ tai nạn này là vì chúng tôi làm công việc mà người khác không muốn làm. Chúng tôi phải làm, vì chúng tôi đến đây để có cuộc sống tốt đẹp hơn. Chúng tôi không đến đây để xâm lăng,” ông Lucia Islas, chủ tịch của tổ chức Comité Latino de Baltimore, một nhóm phi lợi nhuận, cho biết.

Theo Cơ Quan Thống Kê Lao Động Mỹ, những người lao động gốc Nam Mỹ gặp nhiều rủi ro tử vong khi làm việc hơn các nhóm chủng tộc và sắc tộc khác, trong đó xây dựng là một ngành đặc biệt nguy hiểm.

Số liệu của chính phủ và ngành cho thấy người gốc Tây Ban Nha chiếm tỷ lệ cao trong các công việc có rủi ro cao: 51% công nhân xây dựng, 34% công nhân lò mổ và 61% công nhân cắt cỏ, làm vườn.

Các nhà lãnh đạo cộng đồng cho biết nhiều người gốc Nam Mỹ trong thành phố nhận công việc lương thấp và có rất ít phúc lợi

Ông Carlos Crespo, 53 tuổi, một thợ cơ khí người Mexico, cho biết: “Lựa chọn duy nhất là đi làm khi bạn không có mức lương tương đương với mức lương mà một công dân có thể kiếm được.”

“Nhiều người không coi trọng cộng đồng người gốc Tây Ban Nha của chúng tôi. Họ coi chúng tôi như súc vật hoặc nghĩ rằng chúng tôi sống nhờ vào chính phủ. Nhưng điều đó không đúng, chúng tôi cũng phải đóng thuế,” ông Crespo nói.

Bà Susana Barrios, phó chủ tịch của Nhóm Công Lý Chủng Tộc Latino, cho biết: “Chúng ta đi từ cuộc khủng hoảng này sang cuộc khủng hoảng khác.”

Thảm họa xảy ra giữa cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, trong đó vấn đề nhập cư một lần nữa là mối quan tâm hàng đầu của cử tri, khi chính quyền của Tổng Thống Joe Biden đang phải vật lộn để quản lý số lượng vượt biên kỷ lục gần đây.

Ứng cử viên đảng Cộng Hòa Donald Trump đã sử dụng luận điệu phân biệt chủng tộc đối với người nhập cư, gọi họ là “thú vật” chứ không phải người “trong chiến dịch tranh cử” và nói rằng ông sẽ tăng cường trục xuất mạnh mẽ nếu tái đắc cử vào ngày 5 Tháng Mười Một. (MPL) [qd]

MỚI CẬP NHẬT