Saturday, May 18, 2024

Thị thực H1-B khó tìm việc ở Mỹ, người lao động hướng tới Canada

WASHINGTON, DC (NV) – H1-B là loại thị thực cho phép công dân sinh ra ở ngoại quốc, nhưng học tập tại Hoa Kỳ thì được làm việc từ ba tới sáu năm, nhưng việc này yêu cầu chủ hãng xưởng phải tài trợ và thường là vô nghĩa nếu người lao động muốn làm thường trú nhân.

Theo BBC hôm 19 Tháng Bảy, năm Leon Yang lên 16 tuổi, anh rời quê hương Tây An ở Trung Quốc đến Hoa Kỳ để học tập tại một quốc gia mà anh tin rằng nếu anh làm việc chăm chỉ mỗi ngày, anh sẽ gặt hái được thành công.

Canada đang thu hút nhân lực lành nghề và kỹ nghệ cao từ Mỹ. (Hình minh họa: Yves Herman/Pool/AFP via Getty Images)

Anh say mê phi cơ và những gì sải cánh trên bầu trời, niềm đam mê hàng không vũ trụ đã giúp anh tiến bước từ trường trung học ở Greenville, South Carolina, tới đại học New York University (NYU).

Với tấm bằng kỹ sư cơ khí, hiện anh chịu trách nhiệm vận hành dây chuyền xe ủi đất tại một hãng thiết bị xây dựng ở Atlanta, tiểu bang Georgia.

Nhưng chín năm sau quyết định đổi vận, anh mất niềm tin rằng mình vẫn còn đang đứng trên một sàn đấu sòng phẳng.

“Trong hơn ba năm qua, rất nhiều tuyển trạch viên của các hãng xưởng lớn đã liên lạc với tôi, khoảng 10 tới 20 bên mỗi tuần,” anh nói.

Và khi họ thấy được thị thực của anh thuộc chương trình H1-B, di trú vì nghề nghiệp đặc biệt, “gần như tất cả bọn họ đều cắt liên lạc với tôi ngay,” anh nói thêm.

Trong tuần này, anh Yang, 25 tuổi, đã nộp đơn cho một chương trình mới ở Canada cấp giấy phép lao động mở, với thời hạn lên tới ba năm, dành cho những người có thị thực H1-B và thân nhân gia đình của họ.

Đây là biện pháp nằm trong nỗ lực ngắn hạn của Canada nhằm thu hút nhân lực lành nghề và kỹ nghệ cao từ Hoa Kỳ. Chương trình mới mở cửa cho nộp đơn sáng Thứ Hai, 17 Tháng Bảy. Qua ngày Thứ Ba, số người ghi danh cho chương trình này đã lên mức cao nhất là 10,000 người.

Nguồn đơn ghi danh ồ ạt này là dấu hiệu cho thấy người lao động lành nghề ngày càng cảm thấy bức bách khi làm việc tại Hoa Kỳ, họ bị hệ thống nhập cư giam lỏng dù hợp pháp nhưng lạc hậu và kém thân thiện.

Bà Madeline Zavodny, giáo sư kinh tế nghiên cứu nhập cư và tương lai thị trường lao động Hoa Kỳ, thuộc đại học University of North Florida cho biết số lượng thị thực H1-B không hề đủ so với nhu cầu.

Năm 1990, khi được Quốc Hội Hoa Kỳ khai triển nhóm thị thực này, chỉ có khoảng 65,000 công dân ngoại quốc có thể ghi danh mỗi năm.

Mức ghi danh tối đa chỉ được nâng một lần duy nhất lên 85,000 đơn, nhưng theo bà Zavodny thì vẫn “chưa đủ.”

“Ấn tượng về Canada là họ linh động và uyển chuyển,” bà nói. “Họ cải tiến chính sách nhập cư liên tục, Hoa Kỳ thì không làm việc này trong nhiều thập niên.”

Ông Sean Fraser, bộ trưởng Bộ Di Trú Canada. (Hình: Lars Hagberg/AFP via Getty Images)

Ông Ron Hira, nhà nghiên cứu của Viện Chính Sách Kinh Tế phi đảng phái, cho biết chương trình H1-B như “một cái túi hỗn hợp,” đôi lúc trao thưởng cho các cá nhân “xuất chúng và thông minh nhất,” nhưng phần lớn chỉ có lợi cho dân lao động với những kỹ năng nghề nghiệp đã có sẵn rất đông tại Hoa Kỳ.

“Quả không có gì ngạc nhiên khi một số người lao động có H1-B vẫn muốn ra đi và nhắm tới Canada như một nơi tốt hơn,” ông Hira nói.

“Nếu chúng ta muốn tiếp nhận dân nhập cư,” ông nói, vào Hoa Kỳ, “thì nên trao cho họ thẻ xanh, không nên đặt họ vào tình thế bị các chủ hãng nắm quyền kiểm soát.” (TTHN)

MỚI CẬP NHẬT