Tuesday, April 16, 2024

Tối Cao Pháp Viện Mỹ: ‘Luật trục xuất di dân phạm tội bạo động còn mơ hồ và vi hiến’

WASHINGTON, DC (NV) – Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ hôm Thứ Ba đưa ra phán quyết, theo đó, luật di trú trục xuất người phạm tội bạo động là mơ hồ và vi hiến.

Theo USA Today, đây là một thất bại của chính quyền Donald Trump – và nhờ lá phiếu của Thẩm Phán Neil Gorsuch, người được ông Trump đề cử vào Tối Cao Pháp Viện.

Ông Gorsuch đứng về phía bốn thẩm phán cấp tiến, và kết quả là 5-4.

Ông cùng với các thẩm phán này cho rằng luật hiện hành không xác định rõ ràng như thế nào là phạm tội bạo động.

Cũng theo USA Today, ông Gorsuch dựa theo quyết định tương tự của người tiền nhiệm của ông, cố Thẩm Phán Antonin Scala, viết trong quyết định hồi năm 2015.

“Luật lệ mơ hồ,” ông Gorsuch viết, “có thể dẫn đến độc tài… bằng cách không cho người ta biết rõ luật đòi hỏi những gì; cho nên sẽ cho phép các công tố viên và tòa án quyết định một cách tùy tiện. Luật hiện hành là một loại luật như thế.”

Ý kiến của đa số tòa, do Thẩm Phán Elena Kagan viết, là một chiến thắng cho ông James Garcia Dimaya, một di dân hợp pháp từng bị kết tội ăn trộm hai lần, nhưng bị coi là tội bạo động, theo luật hiện hành – cho nên dù không dính gì đến bạo động ông cũng bị trục xuất.

Đây cũng là thất bại cho Bộ Tư Pháp, từng bào chữa cho luật hiện hành hai lần, dưới thời Tổng Thống Barack Obama và Tổng Thống Donald Trump.

“Học thuyết bị xóa bỏ vì luật lệ mơ hồ, như chúng tôi thường gọi, bảo đảm một người dân bình thường phải được ‘thông báo một cách công bằng’ luật được áp dụng như thế nào,” Thẩm Phán Kagan viết.

Bà viết thêm: “Và học thuyết này ngăn xảy ra tình trạng độc tài hoặc trường hợp bị nhân viên công lực kỳ thị, vì cho rằng luật đã đưa ra đầy đủ tiêu chuẩn để chỉ đạo hành động của cảnh sát, công tố, bồi thẩm đoàn, và chánh án.”

Về phía thiểu số trong phán quyết của Tối Cao Pháp Viện, có hai ý kiến, một của Chủ Tịch Tối Cao Pháp Viện John Roberts, và một của Thẩm Phán Clarence Thomas.

Ông Roberts viết: “Phán quyết hôm nay làm vô giá trị một điều khoản của Luật Di Trú và Nhập Tịch… mà theo luật đó, chính quyền dựa vào để ‘bảo đảm là di dân phạm tội nguy hiểm phải bị trục xuất khỏi Hoa Kỳ.’”

Còn ông Thomas thì cảnh cáo, quyết định này của tòa có thể dẫn đến việc “vô hiệu hóa một số từ ngữ tương tự trong luật của tiểu bang và liên bang.”

Vụ này bắt đầu từ năm 2016, và bị kẹt với phán quyết 4-4 tại Tối Cao Pháp Viện, khi Thẩm Phán Scalia bất ngờ qua đời, và trước khi Thẩm Phán Gorsuch được Thượng Viện chuẩn thuận 14 tháng sau.

Sau khi được chuẩn thuận, ai cũng nghĩ ông Gorsuch sẽ làm cho tòa này nghiêng về bảo thủ, với năm thẩm phán do tổng thống Cộng Hòa đề cử và bốn do tổng thống Dân Chủ đề cử.

Tuy nhiên, việc đề cử ông Gorsuch của Tổng Thống Trump lại đưa tới phản ứng trái ngược với điều mọi người trông đợi, trong trường hợp này.

Trong phần tranh luận khi bắt đầu xét xử vụ này hồi Tháng Mười, 2017, Thẩm Phán Gorsuch đã đặt câu hỏi, làm sao tòa có thể quyết định được như thế nào là một tội phạm mang tính bạo động, nếu Quốc Hội không xác định rõ trong luật lệ?

“Ngay cả khi đem bỏ một người vào tù làm người ta mất tự do, đưa tới bị trục xuất, chúng ta có nên mong đợi là Quốc Hội có thể xác định được những người nào sẽ bị bắt vì luật lệ của họ hay không?” ông Gorsuch hỏi ông Edwin Kneekler, phó công tố viên toàn quốc.

Chủ trương không chấp nhận luật lệ mơ hồ nhắm để biện hộ trong trường hợp hình phạt hình sự hoặc dân sự rất nặng nề. Trong phần phản biện của ông, Thẩm Phán Samuel Alito thắc mắc làm sao xác định được hình phạt thế nào là nặng nề..

Thẩm Phán Gorsuch có câu trả lời ngay.

“Đời sống, tự do, hoặc tài sản,” ông nói. “Trong điều luật về xét xử công bằng đúng luật chúng ta thấy ngay.” (Đ.D.)

Thời tiết khô nóng, gió mạnh gây nguy cơ cháy rừng Tây Nam nước Mỹ

MỚI CẬP NHẬT