Saturday, April 27, 2024

Chuyến thăm Anh Quốc của TT Trump khác những vị tiền nhiệm?

LONDON, Anh (NV) – Ngày Thứ Ba 10 Tháng Bảy, Tổng Thống Donald Trump sẽ bắt đầu chuyến công du 4 nước Âu Châu, Bỉ, Anh, Scotland và cuối cùng là Phần Lan, nơi có cuộc họp thượng đỉnh với Tổng Thống Nga Vladimir Putin.

Ông Trump là tổng thống Mỹ thứ 12 đến Anh, nhưng đây là một chuyến đi công tác chứ không phải cuộc thăm viếng chính thức với tư cách nguyên thủ quốc gia.

Năm 1977, Jimmy Carter đến Anh trong chuyến đi nước ngoài đầu tiên để dự hội nhị G-7 ở London. Nhưng ông cũng tới thăm Newcastle, thành phố được coi là cây cầu nối Hoa Kỳ với thế giới, và vị tân tổng thống đứng đọc diễn văn tại khu trung tâm hành chính tráng lệ của Newcastle trước 20,000 dân chúng.

Tờ nhật báo địa phương The Chronicle tường trình: Dân chúng tập trung tới tận phi trường và đứng hai bên đường phố, tụ tập đông đảo chung quanh Civic Center, cầm cờ Anh và cờ Mỹ,  mở rộng vòng tay chào đón Tổng Thống Carter.

Dân Anh vẫn đón các tổng thống Mỹ như thế.

Khi Tổng Thống John F. Kennedy đến London năm 1961, nửa triệu dân chúng đứng hai bên đường từ phi trường về thành phố đón chào ông và Đệ Nhất Phu Nhân Jackie.

Sự thân thiện của dân chúng Anh một phần do nước Mỹ là đồng minh trong hai trận Thế Chiến. Nhưng các tổng thống Mỹ cũng không thường đến Anh.

Người đầu tiên là Woodrow Wilson năm 1918 thăm Anh trong giai đoạn thương thuyết hiệp ước hòa bình sau Thế Chiến Thứ Nhất. Mãi 27 năm sau, khi Thế Chiến Thứ Hai chấm dứt, mới có tổng thống Mỹ thứ nhì đến Anh. Nhưng Tổng Thống Harry S. Truman chỉ gặp King George VI trên một tuần dương hạm bỏ neo ở cảng Plymouth. Tổng Thống Dwight D. Eisenhower tới mãi 1959 mới sang Anh. Như vậy trong 40 năm chỉ có ba tổng thống Mỹ thăm viếng Anh. Hai Tổng Thống Lyndon B. Johnson và Gerald Ford chưa bao giờ tới Anh.

Các tổng thống Mỹ cũng có mối quan hệ nồng ấm với Hoàng Gia Anh. Tổng Thống Eisenhower được Nữ Hoàng đặc biệt quý trọng, đã mời ông ở lại lâu đài Balmoral của Nữ Hoàng ở Scotland, và là vị tổng thống Mỹ duy nhất được sự ưu ái này.

Giống như Tổng Thống Trump, Tổng Thống Eisenhower có một bất động sản ở Scotland, không phải một sân golf mà là một căn phòng trong lâu đài Culzean bên bờ biển Ayrshire, do các chủ nhân đã tặng để ghi nhớ công lao của ông trong vai trò Tổng Tư Lệnh Quân Lực Đồng Minh thời Thế Chiến Thứ Hai.

Tổng Thống Ronald Reagan cũng được trọng đãi, năm 1982, Nữ Hoàng đích thân mời ông ở lại điện Windsor và đi dạo Great Park trên xe ngựa. Năm 1994, Tổng Thống Bill Clinton và Đệ Nhất Phu Nhân Hillary Clinton được mời nghỉ một đêm trên du thuyền Britannia của Hoàng Gia đậu tại cảng Portsmouth.

Năm 2003, Tổng Thống George Bush là tổng thống Mỹ thứ nhì sau Tổng Thống Wilson năm 1918 nghỉ đêm tại điện Buckingham.

Riêng Tổng Thống Donald Trump, ông sẽ chỉ được mời uống trà khi ghé thăm điện Widsor ngày Thứ Sáu. Về mặt chính trị ông cũng không có được sự chào đón như những người tiền nhiệm. Ông sẽ không tham dự buổi họp nội các như Tổng Thống Bill Clinton năm 1997 ít lâu sau khi ông Tony Blair được bầu làm thủ tướng. Ông cũng không được mời ăn burger và uống bia trong vườn hoa phủ thủ tướng ở Downning Street và đọc diễn từ trước hai viện quốc hội như Tổng Thống Brack Obama năm 2011.

Thay vào đó, ông Trump sẽ chỉ có một cuộc thăm viếng ngắn ngủi tới tư thất “Chequesr” của  thủ tướng ở vùng quê giống như Tổng Thống Richard Nixon năm 1970, mang nhiều tính cách là một chuyến thăm công tác. Một cuộc thăm viếng với đầy đủ nghi thức chính thức có lẽ đã đươc đề nghị nhưng chưa có lịch trình khi nào sẽ diễn ra.

Tất nhiên các chuyến thăm của tổng thống Mỹ không phải bao giờ cũng êm ả.

Năm 1982 đã có một trục trặc ngoại giao khi Tòa Bạch Ốc chậm trễ trong việc phúc đáp lời mời Tổng Thống Reagan của Nữ Hoàng tới ở trong điện Windsor, vì chiêm tinh gia của bà vợ ông Reagan lo ngại về chuyến đi nước ngoài.

Năm 1997, các nhân viên an ninh thất kinh thấy đoàn xe của Tổng Thống Biil Clinton bị cắt làm đôi khi mặt cầu Tower Bridge đươc nâng lên cho một đoàn tàu kéo dưới sông Thames đi ngang.

Năm 1977, sau bữa tiệc tại điện Buckingham, Tổng Thống Carter chào từ biệt Hoàng Thái Hậu bằng cách hôn lên môi bà, một việc chưa từng có từ khi King George VI băng hà năm 1952. Sau này Hoàng Thái Hậu kể lại rằng: “Tôi bước lui lại. Nhưng không đủ xa.”

Hiện đang có nhiều nỗ lực để bảo đảm cho chuyến thăm của Tổng Thống Donald Trump được êm ả. Sẽ có nhiều cuộc biểu tình lớn, nhưng những biện pháp an ninh được thi hành trên lộ trình từ London đến Chequers, Windsor tới Scotland – phần lớn bằng đường bay – giúp ông sẽ không tiếp cận  quá gần với những người biểu tinh phản đối.

Cái khó khăn hơn nhiều để che đậy là khác biệt căn bản về đường lối giữa chính phủ Mỹ và Anh. Kể từ khi Tổng Thống Trump nhiệm chức, bà Thủ Tướng Theresa May đã bất dồng ý kiến với ông về việc áp đặt thuế mậu dịch, hủy bỏ thỏa hiệp Iran, dời tòa đại sứ Mỹ về Jerusalem, cấm một số dân Hồi Giáo vào Mỹ và phụ họa bằng tweet thông điệp chống Hồi Giáo của những nhóm cực hữu ở Anh.

Các bộ trưởng và giới chức Anh sẽ làm mọi cách tốt nhất để chào đón ông Trump nhưng ngay bây giờ họ đã nói về sự cần thiết tôn trọng chức vị tổng thống hơn là cá nhân người đương nhiệm. Do đó chuyến công du của Tổng Thống Trump sẽ trắc nghiệm mối quan hệ gần đây đã trở nên khó khăn hơn nhiều để duy trì mối quan hệ đặc biệt giữa hai đồng minh Anh-Mỹ. (C.H)

Video: Tin Trong Ngày Mới Cập Nhật

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

MỚI CẬP NHẬT