Sunday, May 19, 2024

45 năm Người Việt, độc giả nghĩ thật và nói thẳng về tờ báo

Đoan Trang/Người Việt

LITTLE SAIGON, California (NV) – Trải qua biết bao thăng trầm, sau 45 năm, để trở thành nhật báo tiếng Việt lớn nhất hải ngoại, nhật báo Người Việt không thể không nhắc đến độc giả gần xa – những người góp phần “gìn giữ” tờ báo, một phần nào duy trì di sản văn hóa của cộng đồng người Việt bên ngoài Việt Nam.

Nhiều độc giả luôn xem nhật báo Người Việt là “món ăn tinh thần” không thể thiếu. (Hình minh họa: Đoan Trang/Người Việt)

Nhân dịp sinh nhật thứ 45 của tờ báo tiếng Việt duy nhất còn xuất bản mỗi ngày, 365 ngày mỗi năm, một số độc giả vùng Little Saigon bày tỏ nhận xét và có một số ý kiến đóng góp rất thẳng thắn.

Gần gũi với cộng đồng

Trong số những độc giả lâu năm của nhật báo Người Việt có ông bà Võ Quốc và Nguyễn Thị Thuận, cư dân Westminster.

Ông Võ Quốc, 80 tuổi, nhớ lại: “Hồi gia đình tôi mới qua năm 1995, chân ướt chân ráo, lo đi làm kiếm tiền nuôi con, nên thỉnh thoảng mới mua tờ nhật báo Người Việt về đọc tin tức. Nhưng càng ngày tôi càng thấy đây là ‘món ăn tinh thần’ không thể thiếu, và rất gần gũi với người Việt chúng ta.”

Ông Quốc là cựu sĩ quan quân lực VNCH, rất mê thơ ca và yêu tiếng Việt. Ông nói, thế hệ của ông đa số không rành Anh Ngữ, nên chỉ tìm báo tiếng Việt mà đọc.

Ông bà Võ Quốc và Nguyễn Thị Thuận. (Hình: Đoan Trang/Người Việt)

“Nhật báo Người Việt phát hành rộng rãi, bạn bè tôi cũng chỉ thích đọc tờ báo này, mà là báo giấy nhe, chứ tụi tôi không quen đọc báo online,” ông cho biết.

Bà Thuận, 75 tuổi, không theo dõi tin tức nhiều như chồng, mà chỉ quan tâm mục Cáo Phó, Phân Ưu, Cảm Tạ.

“Ông nhà tôi có nhiều đồng đội, qua đây theo diện HO, mỗi người một nơi, có khi chỉ nghe tin chứ không có dịp gặp, nhưng đọc Người Việt thì khắc biết ai mất, ai còn để mà tìm cách liên lạc với nhau,” bà nói.

Chị Phạm Mỹ Hảo, 59 tuổi, ở Anaheim, lại mê “giọng văn” của nhật báo Người Việt.

“Xúc tích, gọn gàng, không cầu kỳ mà mộc mạc, gần gũi, thân thiện với độc giả, đó là lý do tôi luôn đọc Người Việt,” chị Hảo nói. “Tin tức trên Người Việt cũng nhanh, nhất là tin hoạt động cộng đồng. À, mà khi cần cần quảng cáo hay rao vặt, gia đình tôi chỉ kiếm Người Việt thôi nha, vì rất hiệu quả.”

Gần nửa cuộc đời sống trên đất Mỹ, ông Đan Nguyễn, 65 tuổi, cư dân Irvine, nói là “bạn” của nhật báo Người Việt từ 30 năm qua. Ông không chỉ khen tin tức đầy đủ, bài vở phẩm chất, mà còn tỏ ra thích thú với tên của tờ nhật báo.

Độc giả Phạm Mỹ Hảo. (Hình: Phạm Mỹ Hảo cung cấp)

“Khởi sự, người lập nên tờ báo lấy tên là ‘Người Việt’ quá hay, nghe là có cảm tình ngay, vì mình là người Việt mà!” ông bày tỏ.

Ông nói từ khi có báo online, ông thấy thuận tiện hơn, vì lúc nào rảnh thì “lướt” xem tin tức, còn những lúc không đọc được, như khi lái xe, thì nghe tin tức từ các xướng ngôn viên, ở mục “Breaking News,” “Điểm Tin Trong Ngày,” “Điểm Tin Buổi Sáng,” hoặc là “Từ Thủ Đô…”

Chị Tuyết Lê, 45 tuổi, cư dân Santa Ana, mới định cư tại Mỹ hơn 10 năm, thích thú khi biết mình “bằng tuổi” với tờ báo Việt Ngữ lớn nhất hải ngoại này.

“Mình chỉ sanh được một bé gái, và muốn cháu phải biết tiếng mẹ đẻ, nên ngoài việc nói chuyện bằng tiếng Việt, mình hay mang báo Người Việt về, bắt cháu nhìn chữ và đọc cho quen,” chị Tuyết kể. “Mình làm nail, cứ rảnh là lại lên Người Việt Online nghe tin tức. Chỉ cần đọc trên Người Việt thôi, là đủ rồi.”

“Tui vượt biên qua đây năm 1980. Năm 1984, bố mẹ vợ tui làm tiệm bảng hiệu ‘Bướm Vàng,’ khi đó có quảng cáo trên nhật báo Người Việt, nên tui bắt đầu đọc báo Người Việt từ ấy,” ông Thông Phạm, 66 tuổi, ở Garden Grove, nhớ lại.

Độc giả Quân Nguyễn. (Hình: Đoan Trang/Người Việt)

Ông tiếp: “Hồi đó, mỗi lần muốn đọc báo là bỏ đồng 25 cent vô cái thùng, rồi rút tờ báo ra. Sau này có báo online, tui làm biếng chạy ra Bolsa, nên chỉ xem báo mạng. Giờ ngày nào tui cũng nghe và đọc tin tức trên Người Việt Online, nhưng vẫn thích cầm tờ báo giấy.”

Tránh ‘thiên tả, thiên hữu,’ cần chăm chút câu từ

“Đúng là nhật báo Người Việt trải qua nhiều thăng trầm, mà theo tôi, cái thời ‘hoàng kim’ của tờ báo tiếng Việt lớn nhất hải ngoại này là giai đoạn 1985-1990,” ông Quân Nguyễn, 65 tuổi, cư dân Garden Grove, nhận định.

“Tôi thích câu nói của người sáng lập, ông Đỗ Ngọc Yến, rằng ‘Làm báo có nghĩa là tin tức nóng hổi, là những món ăn tinh thần như hai bữa cơm không thể thiếu để bồi bổ cho thể chất hằng ngày.’ Tôi thấy nhật báo Người Việt uy tín nhất là thời ông Yến, sau này không còn được như trước.”

Ông Quân nhận định thêm, rằng nhật báo Người Việt thiên về đảng Dân Chủ, khiến ông có cảm giác cơ quan báo chí này ủng hộ đảng Dân Chủ, là tờ báo của đảng Dân Chủ.

Độc giả Đan Nguyễn. (Hình: Đoan Trang/Người Việt)

“Ngoài ra, các thương gia theo đảng Dân Chủ bên này chủ yếu làm kinh tế, nhưng vì công việc kinh doanh nên làm ăn với doanh nhân trong nước – những người có ‘sứ mạng chính trị’ của họ, mà cách đưa tin của nhật báo Người Việt khiến độc giả như tôi nghĩ tờ báo này có ‘quan hệ’ với doanh nhân trong nước, và ‘dính’ đến chế độ chính trị trong nước,” ông Quân nói.

Ông thêm: “Nếu góp ý, tôi nghĩ nhật báo Người Việt đừng nên ‘nghiêng’ về Dân Chủ nhiều quá, đừng thiên tả thiên hữu gì hết, vì nhà báo là trung lập mà. Tin tức cần nhanh nhạy hơn, cần có thêm bài phân tích, bình luận về chính trị, xã hội một cách sắc bén dưới góc nhìn của các ký giả am hiểu tình hình, với quan điểm sâu sắc. Chúng tôi cần, và thích đọc những bài như thế.”

Anh Khang Nguyễn, cư dân Philadelphia, Pennsylvania, tuy không sống vùng Little Saigon, nhưng lại là một trong những người “theo dõi” Người Việt rất sát.

Anh nhận xét: “Nhật báo Người Việt dạo gần đây tập trung vào quảng cáo nhiều quá mà thưa thớt các bài viết sâu sắc, chuyên sâu về các đề tài nóng hổi hay nhức nhối của xã hội, về các đề tài giúp ích, mang lại giá trị to lớn cho cộng đồng và cho con em chúng ta ở hải ngoại. Hiện giờ báo đưa tin, dịch tin là nhiều và thiếu đi những ‘cây viết’ xuất sắc để ‘đụng chạm’ đến những đề tài khó nhằn,” anh góp ý.

Anh Khang Nguyễn và gia đình trong một lần đến thăm Little Saigon. (Hình: Khang Nguyễn cung cấp)

Ông Quân cũng đồng tình với anh Khang về mặt quảng cáo, nhưng trên báo giấy.

Ông nói: “Tôi thích đọc báo giấy, nhưng cảm thấy ‘khó chịu’ khi nội dung của trang bìa bị nửa trang quảng cáo che mất. Vẫn biết làm báo thì phải có tài chính, nhưng cầm tờ báo lên là thấy phản cảm, giá trị tờ báo cũng bị giảm, trừ khi có nhu cầu đọc Rao Vặt, đâu phải ai cũng thích xem quảng cáo,” ông nói.

Mong nhật báo Người Việt sống mãi

“Trong nhà tôi, ngoại trừ đứa con gái lớn qua đây trễ còn đọc thông viết thạo Việt ngữ, chứ tụi nhỏ hoặc mấy đứa cháu nội cháu ngoại sanh bên này, giờ chỉ nói bập bẹ, không thể đọc báo tiếng Việt được đâu,” ông Võ Quốc nói. “Tương lai của báo chí Việt Ngữ, không chỉ nhật báo Người Việt mà các tờ báo khác nữa, sẽ khó phát triển, khi lớp già chúng tôi không còn.”

Độc giả Thông Phạm. (Hình: Đoan Trang/Người Việt)

Không đồng tình với nhận định trên, chị Phạm Mỹ Hảo kể: “Hai đứa con của mình dù sanh ở Mỹ, nhưng cả hai cháu đều có thể nói, đọc tiếng Việt, là do từ tấm bé, các cháu đã được cha mẹ dạy cho. Mấy đứa cháu ngoại của mình có cha là người Mỹ, mình cũng bắt nói tiếng Việt.”

“Tất nhiên không thể giỏi như mình, nhưng ít ra thế hệ trẻ cũng đọc được tiếng mẹ đẻ, và nếu cần thiết, các cháu vẫn phải tìm báo tiếng Việt mà đọc thôi, nên các bậc phụ huynh nếu không có thời gian dạy cho các con, thì nên cho con đi học Việt Ngữ, tuy khó, nhưng không phải không thực hiện được,” chị nói thêm. “Nhật báo Người Việt mang ‘trọng trách’ là bảo tồn tiếng Việt, nên mình mong tờ báo sẽ sống mãi. Và những người yêu quê hương, yêu đất nước, yêu tiếng dân tộc mình, thì vẫn mãi ủng hộ ‘tiếng nói’ của mình.” [đ.d.]

Liên lạc tác giả: [email protected]

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT