Friday, March 29, 2024

Chùa Bát Nhã làm lễ cầu siêu cố thi sĩ Nguyễn Chí Thiện

Ngọc Lan/Người Việt


 


SANTA ANA (NV) Trong cái lạnh bất thường đến tê buốt thịt da, một số chư tôn đức tăng ni Phật Giáo, cùng nhiều nhân sĩ, trí thức, đại diện các hội đoàn, và đồng hương Phật tử đã đến tham dự buổi lễ cầu siêu cho cố thi sĩ Nguyễn Chí Thiện tại chùa Bát Nhã, Santa Ana, dưới sự chủ trì của Hòa Thượng Thích Nguyên Trí, viện chủ chùa, vào chiều Thứ Bảy.







Hòa Thượng Thích Nguyên Trí nói về lý do tổ chức lễ cầu siêu cho cố thi sĩ Nguyễn Chí Thiện. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)


Phóng viên nhật báo Người Việt đặt câu hỏi, “Trước khi qua đời, được biết cố thi sĩ Nguyễn Chí Thiện có tâm nguyện về với niềm tin Công Giáo và đã được linh mục làm nghi thức bí tích rửa tội và xức dầu lần cuối cho ông. Vậy chùa Bát Nhã tổ chức lễ cầu siêu cho ông mang ý nghĩa như thế nào?”


Hòa Thượng Thích Nguyên Trí, cũng là chủ tịch điều hành Phong Trào Yểm Trợ Tự Do Tôn Giáo và Nhân Quyền Việt Nam, trả lời: “Ðối với Phật Giáo, không bao giờ mình phân biệt tôn giáo, miễn mình có lòng cầu nguyện cho người đó là tốt rồi. Lý do tại sao tôi để cho anh Nguyễn Chí Thiện pháp danh là vì trước đây mấy tháng, anh có đến xin tôi cho quy y Tam Bảo. Tôi chưa có dịp làm lễ quy y cho anh vì thấy anh là một nhân sĩ quá lớn ở đây, lại là người từng tranh đấu cho vấn đề nhân quyền, tự do tôn giáo cho Việt Nam không thể nào quy y một cách đơn giản được, nên tôi muốn phải làm một cái lễ đàng hoàng cho anh. Nhưng chưa kịp, tôi bận đi công việc ở nước ngoài khi về thì anh đã đi rồi, tôi thấy rất hối hận.”


“Thứ hai nữa là anh cho tôi hai lần chiêm bao trong hai ngày liền nói về ý nguyện ảnh muốn quy y, nên tôi không thể nào bỏ qua được. Vì tấm lòng của một tu sĩ Phật Giáo, vì hoàn cảnh như vậy, nên bắt buộc thầy phải làm lễ cho anh,” Hòa Thượng Thích Nguyên Trí nói tiếp.


Cũng theo lời viện chủ chùa Bát Nhã, pháp danh được chọn đặt cho cố thi sĩ Nguyễn Chí Thiện là Quảng Trí Thành.


“Theo bài kệ Tâm Nguyên Quảng, tôi chữ Nguyên, nên lấy chữ Quảng tiếp theo cho anh. Trí là người có trí tuệ, đầy đủ sáng suốt và Thành là sự thành công của anh trên đường tranh đấu,” Hòa Thượng Thích Nguyên Trí giải thích về pháp danh của tác giả tập thơ “Hoa Ðịa Ngục”.







Lễ cầu siêu cho cố thi sĩ Nguyễn Chí Thiện tại chùa Bát Nhã, Santa Ana,
vào chiều ngày Thứ Bảy, 10 Tháng Mười Một. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)


Có mặt tại buổi lễ cầu siêu, Giáo Sư Nguyễn Thanh Liêm, chủ tịch Hội Ðồng Cố Vấn Phong Trào Yểm Trợ Tự Do Tôn Giáo và Nhân Quyền Việt Nam, cũng nhắc đến “ý định tổ chức lễ tưởng niệm nhà thơ Nguyễn Chí Thiện đã có từ lâu, nhưng rồi nhiều chuyện xảy ra nên ý định tổ chức buổi tưởng niệm tại nhà hàng Zen không thực hiện được cho đến gần đây”.


Chia sẻ cảm nghĩ của mình về cố thi sĩ Nguyễn Chí Thiện, Giáo Sư Liêm nói, “Tôi rất thích nghe anh Nguyễn Chí Thiện nói về Hà Nội, nói về Bắc Việt, nói về chế độ cộng sản như thế nào, ngục tù cộng sản ra làm sao. Mặc dù những điều đó mình cũng đã nghe, đã biết nhưng khi nghe Nguyễn Chí Thiện nói trong tính cách của một chứng nhân đặc biệt thì lúc đó mình mới cảm được hơn nhiều điều tệ hại của chế độ cộng sản. Nhưng điều tôi phục nhất ở anh là ở chỗ anh là một trí thức nhìn thấy được sự thật và dám nói lên sự thật đó.”


Phát biểu trong tư cách một nhà văn nói về một nhà thơ về buổi lễ cầu siêu này, Giáo Sư Nguyễn Văn Sâm của Viện Việt Học cho rằng, “Sau khi một người từ giã cõi trần thì thân nhân đến chùa cầu siêu dâng hương để cho người quá vãng được lên cõi tịnh độ. Riêng thi sĩ Nguyễn Chí Thiện ở vào một trường hợp đặc biệt. Ông không có thân nhân ở bên cạnh, mà ông lại là một thi sĩ có tâm hồn, đã đóng góp tích cực cho tiếng nói chống lại bạo quyền, nên chùa Bát Nhã có buổi lễ cầu siêu hôm nay. Ðây là sự kiện tôi cho là hơi mới. Nhưng mà là điều mới đáng quý, thể hiện lòng từ bi của người theo Phật đạo và thể hiện niềm kính trọng với một thi sĩ có công, có tư tưởng đấu tranh chống lại cường quyền áp bức người dân trong nước.”


Ngồi co ro người trong bộ đồ ấm, chăm chú nghe những điều mọi người nói về tác giả tập thơ “Hoa Ðịa Ngục,” bà Cathy Phạm, ở “gần Bolsa,” cho biết, “Tôi biết ông nhà thơ này. Ổng nổi tiếng quá mà, lại hiền nữa.”


Chính vì vậy, nên dù “không phải là Phật tử của chùa Bát Nhã” bà Cathy cũng đến để tham dự lễ cầu siêu cho nhà thơ đã khuất.


Một người phụ nữ chắp tay thành tâm dự lễ cầu siêu không muốn cho biết tên vì “tôi cũng như nhiều người ái mộ nhà thơ Nguyễn Chí Thiện thôi”. Bà cho biết đang sống ở Costa Mesa, “phải đón hai chặng xe bus mới tới được chùa chỉ để dự lễ cầu siêu cho nhà thơ”.


“Tôi kính phục con người ông, vừa từ bi, vừa can đảm, dám nói lên bản chất của chế độ cộng sản tàn ác như thế nào.” Người phụ nữ giấu tên nêu cảm nghĩ. Thêm vào đó, “có những lần tôi đi cùng chuyến xe bus với ông, có nói chuyện với ông, về những chuyện thông thường thôi, thấy ông hiền lành, giản dị lắm” cũng là lý do để bà đến thắp nhang, đọc kinh cho nhà thơ này.


Cũng có mặt trong số những người “không phải bạn bè” của nhà thơ đến dự lễ cầu siêu là ông Thái Dương, cư dân Garden Grove, người “sang Mỹ từ năm 1975 và biết về thi sĩ Nguyễn Chí Thiện qua tin tức sách báo bên Mỹ”.


Bày tỏ suy nghĩ của mình về nhà thơ, ông Thái Dương cho rằng, “Nguyễn Chí Thiện là một thi sĩ nhưng cũng là một người có ý chí mạnh và có tinh thần từ bi. Những bài thơ ông viết rất là bình dân, ai cũng hiểu, ai cũng có thể thấy được dã tâm của cộng sản. Nhưng bề sâu của thi sĩ Nguyễn Chí Thiện là bề sâu của một người có ý chí được tập hợp bởi, tượng trưng bởi, ý chí và tinh thần của những người anh hùng trong quá khứ của tổ tiên chúng ta từ lúc dựng nước.”


“Tôi chỉ chiêm ngưỡng ông chứ chưa một lần được nói chuyện với ông bởi vì những người như vậy mình cảm thấy mình không xứng đáng được nói chuyện với.” Ông Thái Dương nói một cách nghiêm trang.


Người Công Giáo tưởng nhớ ông. Người Phật Giáo kính trọng ông. Bấy nhiêu đó, đủ nói lên tư cách của ông, Nguyễn Chí Thiện, nhà thơ đã vĩnh viễn nằm xuống vào ngày 2 Tháng Mười vừa qua.


––


Liên lạc tác giả: [email protected]

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT