Friday, April 19, 2024

Cựu học sinh Chu Văn An chuẩn bị họp mặt Xuân


Nguyên Huy/Người Việt


 


WESTMINSTER (NV) –Năm nay, Hội Ái Hữu Cựu Học Sinh Bưởi-Chu Văn An sẽ tổ chức tưng bừng ngày họp mặt đầu Xuân vào lúc 6 giờ chiều Chủ Nhật, 12 Tháng Hai, tại nhà hàng Seafood Palace, 6731 Westminster Blvd., Westminster, CA 92683.










Tượng thờ Chu Văn An tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám, Hà Nội. (Hình: wikipedia.org)


Chu Văn An Phạm Gia Ðại, trưởng ban tổ chức, cho biết: “Anh chị em cựu học sinh Chu Văn An năm nay hội ngộ đầu Xuân trước hết là để cùng nhau tưởng nhớ đến bực danh sư của dân tộc mà anh em là hậu duệ. Và nay, trước tình hình mất nước dần vào tay Bắc Phương mà nhà cầm quyền hiện tại đã nối giáo cho giặc, anh em trong cuộc hội ngộ này sẽ nhắc nhở nhau để trong khả năng của mỗi người sẽ làm sống lại được tinh thần chống ngoại xâm của dân tộc.”


Một ban tổ chức đại hội cả chục người là Phạm Gia Ðại, Vũ Quốc Phong, Nguyễn Mậu Tùng, Nguyễn Ðịch Hà, Nguyễn Quý Khôi, Nguyễn Huy Hiền, Nguyễn Song Thuận, Ðặng Quỳnh… đang ráo riết thực hiện những công việc cần thiết cho đại hội.


Theo ông Ðại cho biết, ban tổ chức đã bán được trên 400 vé, nhưng nhà hàng có đến 700 chỗ ngồi nên sẽ rất thoải mái cho những ai chưa kịp mua vé.


Về chương trình sinh hoạt, trước hết là có buổi tế lễ nhằm kỷ niệm sinh nhật vị thầy muôn đời, Chu Văn An. Sau đó là anh em mừng Xuân Nhâm Thìn, một mùa Xuân đang cho chúng ta những dấu hiệu tốt đẹp cho đất nước và dân tộc trước những biến chuyển thuận lợi về dân chủ và nhân quyền của thế giới.


Trong dịp này, ban tổ chức sẽ phát hành Ðặc San Chu Văn An Nhâm Thìn 2012 với ba chủ đề là “Kỷ niệm 720 sinh nhật Danh Sư Chu Văn An, hiểm họa mất nước và trường cũ tình xưa.” Ðặc san dầy 400 trang, ấn phí chỉ có $5.


Cần biết thêm chi tiết, quí vị cựu học sinh Chu Văn Anh và đồng hương thân hữu có thể liên lạc tới CVA Phạm Gia Ðại (714) 262-6128 hoặc CVA Nguyễn Mậu Tùng (714) 717-2302.


Cách đây 720 năm, cũng vào năm Nhâm Thìn (1292), Danh Sư Chu Văn An ra đời. Ông là một bực danh sư trong lịch sử văn học Việt Nam, từng là thầy dạy học các thái tử đời nhà Trần. Theo sử sách ghi lại, đến đời Trần Dụ Tôn (1341-1369), trong triều nẩy sinh nhiều gian thần được nhà vua tin dùng nên ông đã khẳng khái dâng bản “Thất Trảm Sớ” xin xử trảm bảy gian thần để cứu vãn cho dân tình và đất nước. Vua vì nghe lời siểm nịnh đã không nghe nên ông từ quan về ở ẩn tại núi Phượng Hoàng (Chí Linh, Hải Dương) tìm thú tiêu dao non nước.


Tuy nhiên ông vẫn không quên trách nhiệm của bậc trí nhân, nên ngoài thú tiêu dao, ông còn lo đào luyện nhân tài cho đất nước. Học trò của ông sau này có nhiều người hiển đạt như Phạm Sư Mạnh, Lê Bá Quát… Nhà sử học danh tiếng Lê Quý Ðôn sau đó trong “Ðại Việt Sử Ký Toàn Thư” có viết về ông như sau: “Sau muôn năm, nghe cái phong cách của tiên sinh, người ngang ngạnh cũng hóa ra liêm chính, kẻ ươn hèn cũng tự lập được.” (Trích Việt Nam Danh Nhân Tự Ðiển của Nguyễn Huyền Anh).


Khi Pháp phải trao trả Việt Nam dần dần cho chính phủ quốc gia, trường Bảo Hộ của Pháp ở làng Bưởi, Hà Nội, được đặt tên là Chu Văn An. Nền giáo dục Việt Nam được phát triển, trường Chu Văn An tại làng Bưởi không đủ chỗ cho học sinh, Bộ Giáo Dục mới mở thêm trường Nguyễn Trãi trong cơ sở của trường Ðồng Khánh cũ. Năm 1954, đất nước bị chia đôi, các trường trung học ở Hà Nội và Hải Phòng di cư toàn bộ trường sở và đa số thầy trò vào Nam, trường Chu Văn An phải học nhờ trường Petrús Ký đến mấy năm mới có trường sở mới.


Theo các niên trưởng từng là học sinh trường Bưởi kể lại, học sinh của trường có lòng yêu nước cao độ, từng bãi khóa biểu tình phản đối chính quyền thực dân Pháp trước những bắt bớ, giam giữ các nhà cách mạng Việt Nam, bất kể kỷ luật khắt khe của nhà trường cũng như tương lai xán lạn của mình.


Ðến khi trường Bưởi có tên là trường Chu Văn An thì tinh thần yêu nước của học sinh Chu Văn An như có cơ hội phát triển hơn. Sau khi đất nước bị chia đôi, học sinh Chu Văn An là lực lượng chính đã biểu tình rầm rộ đốt phá khách sạn Majestic và khách sạn Gallienie, hai nơi mà phái đoàn cộng sản do Văn Tiến Dũng cầm đầu được Ủy Hội Quốc Tế đưa vào Sài Gòn bàn chuyện hiệp thương.


Chu Văn An còn được người dân miền Nam biết đến nhiều hơn bởi vì nhiều người khi tốt nghiệp đã trở thành những nhân tài của đất nước kể cả trong chính quyền lẫn trong quân đội.


 


––


Liên lạc tác giả: [email protected]

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT