Friday, May 17, 2024

Hành hương Thiền Viện Chân Nguyên để lòng bình an

 


 


Ngọc Lan/Người Việt


 


ADELANTO, California (NV)Hai tay chắp trước ngực, gương mặt thành tâm, không bị chi phối bởi những gì diễn ra xung quanh, cứ bước đi ba bước, lại gập người quỳ lạy một cái, người đàn ông đứng tuổi cứ vậy mà thực hiện “tam bộ nhất bái” dọc theo 18 pho tượng La Hán đặt trước sân Thiền Viện Chân Nguyên giữa vùng sa mạc Mojave, thuộc thành phố Adelanto, San Bernadino County.







Lễ Phóng Ðăng báo ân phụ mẫu cửu huyền thất tổ và cầu quốc thái dân an tại Thiền Viện Chân Nguyên nhân lễ Vu Lan Phật Lịch 2556. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)


Ông tên là Lê Dũng, sống tại Simi Valley, cách Thiền Viện Chân Nguyên chừng hai tiếng lái xe.


Ông không phải là người duy nhất thực hiện nghi thức “tam bộ nhất bái” (đi ba bước, lạy một lạy), mà còn rất nhiều người khác, có đàn ông, có phụ nữ, có người lớn tuổi, có những em thiếu nhi và cả những em bé làm theo cha mẹ mình.


Có người bắt đầu nghi thức này từ phía cuối hàng tượng, để đích đến cuối cùng là tượng Phật Bà Quan Âm sừng sững trước mặt.


Có người bắt đầu nghi thức này từ lúc cúi lạy Phật Bà, và cặp theo một bên những tượng La Hán để đi và vòng về cặp theo hàng tượng đối diện, để đích về cuối cùng cũng là phủ phục dưới chân Quan Thế Âm.







Nhiều người viếng chùa thực hiện nghi thức “tam bộ nhất bái” để cầu xin những nguyện ước. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)


Có những phụ nữ mang thai, hay những người đôi chân bước khập khễnh, không thể quỳ lạy được, nhưng vẫn bước đi ba bước và chắp tay lạy một lạy trong tư thế đứng, trang nghiêm.


Sau gần một tiếng đồng hồ tĩnh tâm hướng Phật như thế, ông Lê Dũng cho biết, “Nghe người ta nói khi mình muốn cầu xin điều gì thì cứ ‘tam bộ nhất bái’. Tôi chỉ biết như vậy, và tôi muốn thực hiện.”


“Vậy ông muốn khấn nguyện điều gì?”


“Chỉ cầu cho gia đình bình an thôi.” Ông Dũng trả lời một cách hiền lành. “Khi đi khấn nguyện như vậy trong quá trình tam bộ nhất bái thì tôi thấy lòng mình bình an, cảm thấy nhẹ nhàng.”


Không đi chùa thường xuyên, và phải lái xe gần hai giờ đồng hồ mới đến được Thiền Viện Chân Nguyên, nhưng ông Dũng thích đến nơi đây vì “ở đây rộng, thoáng, nên khi vào đây mình thấy lòng mình thanh tịnh, chứ không có ý gì hết”.







Nghi thức thả hoa sen ngay hồ bên dưới tượng Phật Quan Thế Âm tại Thiền Viện Chân Nguyên. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)


Vẫn bằng giọng nói chân thành, người đàn ông cho rằng mình đang “làm thợ lung tung,” cởi mở, “Khi đi chùa, tôi không biết thực sự có mang phúc lành đến cho tôi không, nhưng có một điều tôi thấy là mỗi lần đi chùa thì tôi thấy người mình ‘meditation’, có sự lắng đọng, cảm thấy lòng mình rất bình an, thanh thản, chứ không cần biết là mình có được điều gì hay không, không trông đợi điều gì hết.”


Ngồi một mình trên băng ghế đặt phía sau những bức tượng La Hán, được che bóng bởi những hàng cây tỏa lá, bà Huỳnh Ngân tâm sự, “Tôi đi chùa mùa Vu Lan không nhằm cầu nguyện điều gì cả, chỉ thích đi như vậy cùng với các con thôi.”


Không hẳn là một Phật tử thường xuyên đi chùa lễ Phật, nhưng bà Ngân vẫn ăn chay mỗi tháng hai ngày kể từ lúc lấy chồng, có con “để nguyện cho con cái nên người. Thành ra 7, 8 đứa con, ai cũng nên, chỉ có một đứa con trai đi vượt biên năm 1981 bị mất tích đến nay vẫn chưa biết tăm hơi.”


Người phụ nữ này cho biết, bà đã hai lần đến viếng ngôi chùa chơ vơ nằm giữa sa mạc này, dù “mỗi lần đi phải mất ba tiếng”.


“Chùa này lớn quá, nên tôi thích lắm. So với những nơi đã đi thì đây là chùa lớn nhất mà tôi biết, khung cảnh đẹp, mấy tượng Phật cũng vĩ đại nữa.” Bà Ngân nói trong lúc mắt vẫn ngắm nhìn những người đang “tam bộ nhất bái” bằng cặp mắt thán phục, bởi lẽ “chân cẳng tôi yếu rồi, đi bộ hết dọc theo hàng tượng này chắc cũng không nổi chứ làm sao quỳ lạy được như vậy.”


Trong khi đó, theo xe dành cho Phật tử của chùa Bảo Quang từ vùng Little Saigon lên viếng Thiền Viện Chân Nguyên, bà Nguyễn Tân, cư dân Westminster, chia sẻ, “Ngay từ ngày khánh thành, lên chùa này là tôi thấy thích rồi, vì nơi này yên tĩnh, xa chốn thành thị. Chùa không ở gần thành phố sẽ tránh được sự ồn ào, náo nhiệt, người này người khác. Ở đây thanh tịnh quá nên tôi thấy thích lắm.”


Suy nghĩ của bà Nguyễn Tân là suy nghĩ của nhiều người hành hương đến đây.







Ông Lê Dũng, cư dân Simi Valley, “Khi đi khấn nguyện như vậy trong quá trình ‘tam bộ nhất bái’ thì tôi thấy lòng mình bình an, cảm thấy nhẹ nhàng.” (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)


Ngoài sân chùa, một người cha trẻ vừa chắp tay lần từng bước thực hiện nghi thức “tam bộ nhất bái,” vừa thỉnh thoảng đưa mắt nhìn hai cô con gái chừng bốn, năm tuổi cũng bắt chước làm như bố, nhưng có thêm tiếng cười khúc khích, giòn tan.


Có rất nhiều người không vào chánh điện tham dự tụng kinh Vu Lan, mà họ tìm đến sân chùa, để ngồi tận hưởng không khí trong lành của một buổi chiều còn ít hơi nồng, nhưng miên man gió, và rì rào tiếng lá, thả hồn nhìn ngắm những pho tượng thật to, thật đẹp, để tìm chút bình an.


***


Tỳ Kheo Thích Tăng Pháp, trụ trì thiền viện, cho biết lý do tại sao lại chọn một vùng sa mạc thưa người, ít phố xá để xây chùa: “Thứ nhất nói về vấn đề thiêng liêng thì mình không dám nói vì sợ người ta nói mình bịa ra hoặc nói không đúng sự thật. Nhưng đôi khi cái gì cũng có nguyên nhân sâu xa của nó. Nhưng nguyên nhân quan trọng nhất là trong khi mọi người muốn vào trong thành phố thì thầy lại thích chỗ thanh tĩnh hơn, vắng lặng hơn, đồng thời cũng là chỗ dễ tu hành hơn. Thứ hai là vấn đề thực tế là giá đất rẻ.”


Tọa lạc trên mảnh đất rộng gần 15 mẫu, Thiền Viện Chân Nguyên khởi đầu từ một “mobile home” giữa vùng sa mạc Mojave, nay trở thành vùng đất linh thiêng với ngôi Ðại Hùng Bửu Ðiện rộng 7,000 sqft, cùng tượng Phật Quan Thế Âm cao 7 mét, ngự trên tòa sen cao vòi vọi, hiền lành mà uy nghi. Ngoài những pho tượng Phật Di Lặc cười, Phật Thích Ca nằm bình an nơi vườn Lâm Tỳ Ny, còn có tượng 18 vị La Hán được thỉnh về từ vùng Non Nước, ở Ngũ Hành Sơn, Ðà Nẵng. Tất cả hợp cùng nhau giữa vùng đất sa mạc mênh mông nắng gió tạo cho cảnh chùa thêm phần nhiệm màu huyễn hoặc, nhất là khi chiều xuống, đêm về.







Tỳ Kheo Thích Ðăng Pháp, trụ trì Thiền Viện Chân Nguyên, được một Phật tử cài hoa lên áo nhân ngày lễ Vu Lan. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)


Ðại lễ Vu Lan Thắng Hội theo Phật Lịch 2556 được Thiền Viện Chân Nguyên tổ chức đồng thời với việc cử hành lễ Phóng Ðăng báo ân phụ mẫu và cửu huyền thất tổ, cùng cầu quốc thái dân an từ lúc 5 giờ chiều Thứ Bảy, 1 Tháng Chín.


Theo ước lượng, có khoảng 1,000 người hành hương đến Thiền Viện Chân Nguyên trong mùa Vu Lan này.


Ngoài nghi thức cài hoa, đọc kinh Vu Lan, Phật tử và người đến viếng chùa bị thu hút với nghi thức lễ phóng sanh, thả chim bay về trời, và thả hoa sen dưới hồ.


“Những nghi thức này dễ làm cho tâm hồn con người lắng đọng và khiến mình cảm thấy muốn lánh xa các hệ lụy của cuộc đời. Khi bóng chiều về, ánh trăng lấp ló chênh chếch qua hàng cây, người ta nhìn ngắm cảnh vật đó để cảm nhận được sự an lành trong tâm hồn. Khi con người cảm nhận được sự an lành trong tâm hồn, thì đó chính là niềm vui của thầy, của tất cả các Phật tử đến tham dự.” Tỳ kheo Thích Ðăng Pháp giải thích.


––


Liên lạc tác giả: [email protected]

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT