Tuesday, March 19, 2024

Hội thảo cảnh giác đồ ăn, thức uống gây nghiện cho trẻ


Quốc Dũng/Người Việt


SANTA ANA, California (NV) –
“Hôm nay, chúng tôi sẽ cho phụ huynh thấy những thuốc gây nghiện trong dạng bánh, kẹo, viên thuốc thông thường, hoặc chai nước uống… để giúp phụ huynh biết và ngăn ngừa con em mình tránh xa những loại này.”

Bà Võ Thị Thoa Trang, nhân viên Học Khu Garden Grove, hiện đang phục vụ tại trường trung học Stephen R. Fitz Intermediate School, Santa Ana, giới thiệu buổi thuyết trình do bà phụ trách dành cho phụ huynh tìm hiểu về rượu, bia, ma túy, được tổ chức hôm Thứ Ba và Thứ Tư vừa qua.

Những loại thức uống phổ biến dễ gây nghiện cho trẻ em. (Hình: Quốc Dũng/Người Việt)

“Đề tài này có nhiều phụ huynh nghe xong sẽ rất sợ, vì nghĩ rằng con mình thế nào cũng bị ảnh hưởng. Nhưng không phải vậy, phụ huynh nghe tin tức này để biết và nói chuyện với con. Khi các em biết cha mẹ có những kiến thức về rượu, ma túy, các em sẽ thoải mái hơn, thấy có người hiểu mình và các em sẽ chia sẻ nếu ở trường có những trường hợp xảy ra,” bà nói.

“Chuyện rượu, bia, ma túy thường phụ huynh Việt Nam ít nhắc tới, bởi vì mọi người nghĩ những trường hợp này sẽ không xảy ra cho con mình. Lý do là mình không xài, cả gia đình dòng họ không ai biết đến những thứ đó, thì con cũng không biết. Cái đó hoàn toàn sai. Chúng tôi mời nhân viên y tế của Orange County và nhân viên cảnh sát Garden Grove để giúp phụ huynh hiểu rõ vấn đề,” bà Trang cho biết.

Uống bia từ 11 tuổi

Mở đầu buổi trò chuyện, bà Annie Trần Lương, thuộc chương trình giáo dục phòng chống rượu và ma túy Sở Y Tế Orange County, hỏi: “Phụ huynh có biết lần đầu tiên các em uống bia ở độ tuổi nào không? Tôi hỏi như vậy là do bia, rượu chính là bước đệm để trẻ bắt đầu thử những chất gây nghiện khác.”

Một vài người thì thầm “21 tuổi,” một vài người khác nói “18 tuổi.” Tuy nhiên, bà Annie cho biết: “Trẻ em khi 11 tuổi đã bắt đầu uống bia. Lý do là bia luôn có sẵn ở nhà. Khi mua bia, rồi để bia trong tủ lạnh, không ai đếm là mình có bao nhiêu chai. Rồi khi uống hết chai bia này, phụ huynh hay kêu con lấy chai bia khác trong tủ lạnh. Điều này tạo thành thói quen cho trẻ.”

“Trẻ nhìn thấy và nghĩ, ba uống được, mẹ uống được thì mình cũng uống được. Và trẻ bắt đầu tập uống. Uống bia, rượu dần dần trở thành nghiện. Đến một lúc những chất trong bia, rượu không còn cảm giác gì với trẻ nữa, trẻ sẽ thử các chất khác,” bà Annie nói.

Theo bà Annie, đầu tiên là những thuốc có sẵn ở nhà, nhất là thuốc trụ sinh, đau nhức, kế đến là thuốc ho. “Thuốc ho nếu trẻ chưa đủ tuổi để mua, chẳng hạn trong Target, thì trẻ sẽ nhờ người lớn đang tính tiền mua giùm và trả tiền với lý do ‘mua về cho mẹ đang bệnh nặng,’ không ai nỡ từ chối mua giùm,” bà cho biết.

Tiếp theo là cần sa, trẻ có thể lên Internet để mua (tự mua hoặc nhờ người khác mua giùm rồi trả lại tiền mặt), đây là thứ dễ mua, dễ tìm. Tiếp nữa là thuốc lá điện tử, nhỏ cỡ ngón tay, trong đó có cục pin nhỏ và một khúc nhỏ để đựng nước, dùng để bỏ chất gây nghiện.

“Ngay cả những bình xịt trong nhà như bình đựng nước rửa bồn cầu, bình đựng nước rửa tay… tuy chỉ là những sản phẩm gia dụng thông thường, nhưng có chứa độc tố gây tử vong cho trẻ. Trẻ có thể lấy những bình đó hít để tạo cảm giác phê, lâng lâng. Nặng hơn nữa, trẻ bắt đầu xài thuốc lắc (ecstasy),” bà Annie dẫn chứng.

Từ trái, bà Võ Thị Thoa Trang, bà Annie Trần Lương, và bà Kris Backouris giới thiệu những loại đồ ăn, thức uống dễ gây nghiện cho trẻ em. (Hình: Quốc Dũng/Người Việt)


Đường đến cơn nghiện

Bà Kris Backouris, nhân viên Sở Cảnh Sát Garden Grove, mang đến rất nhiều loại thức uống “rất gần gũi với mọi người” và do chính bà sưu tập khi trông thấy nhiều trẻ em cùng sử dụng loại đó. Bà nói: “Phần lớn những thức uống trẻ sử dụng đều có thành phần là rượu. Cha mẹ phải đọc nhãn mác những loại mà con mình hay dùng.”

“Hiện tại có những loại nước có chứa rất nhiều caffein, chẳng hạn như loại ‘Stok,’ màu đen rất nhỏ, có dòng chữ ‘Black Coffee Shot’ được phát miễn phí tại các tiệm 7-Eleven, Circle K. Đây là loại tôi bắt được rất nhiều ở trường tiểu học lẫn trung học,” bà Kris cho biết.

Kế đến là chai “5-hour Energy” rất nhỏ, chai này ghi thành phần có vitamin B12. “Ai cũng nghĩ B12 là chất bổ, nhưng xem lại thì thấy có đến 8,333%, trong khi một ngày chỉ được dùng 100% vitamin B12. Hay lon ‘Brisk,’ nhìn bên ngoài chỉ là nước trà, nhưng chứa đến 33% lượng đường, tức có đến 8.5 muỗng ăn đường trong một lon nước trà,” bà nói.

Bà Kris cũng dẫn chứng nước Monster Energy, một loại nước tăng lực thông dụng, nhưng hàm lượng caffeine xấp xỉ 160 mg trong một lon nước có dung tích 475 ml. “Chưa kể, trong nước này có chứa rất nhiều đường. Khi cơ thể nạp nhiều đường là trẻ bắt đầu tăng động, cộng với những chất kích thích khác, là con đường nhanh nhất để trẻ nghiện,” bà cho hay.

Theo bà Kris, sau khi nghiện thì trẻ sẽ lên một bậc cao hơn, bắt đầu dùng những chất khác mạnh hơn để tạo khoái cảm. Chẳng hạn, dùng sơn bỏ vào bọc rồi hít, hoặc tẩm xăng vào bông gòn rồi đeo như khẩu trang để ngửi, hay mùi của sơn móng tay cũng là loại để tạo cảm giác lâng lâng… Bà nói: “Đây là những thứ các em rất dễ tìm ở chợ, các cửa hàng.”

“Một thứ cũng dễ mua là cần sa. Hiện nay cần sa còn được cho vào thực phẩm, tuy ở California chưa có trường hợp này nhưng các tiểu bang như Colorado, Washington cần sa được cho vào bánh bông lan, bánh brownie… nhằm giúp ăn ngon miệng. Chính vì vậy, thông thường chỉ ăn khoảng 1/3 bánh brownie, nhưng do có cần sa nên trẻ có thể ăn hết cả cái bánh,” bà cho biết. 

Theo Viện Y Tế Quốc Gia (NIH), cần sa có khả năng giúp giảm đau nhức, sưng tấy, giảm chứng động kinh, giúp an thần, ăn ngon miệng, giảm chứng nôn ói và thậm chí là giúp người dùng cai thuốc gây nghiện (NIH không nói rõ là loại nào). Tuy nhiên, NIH cũng cảnh báo cần sa có thể gây nghiện, và nếu lạm dụng trong thời gian dài, người dùng sẽ có nguy cơ mắc chứng giảm trí nhớ; đặc biệt thanh niên dùng cần sa thường xuyên có khả năng bị giảm chỉ số thông minh IQ.

“Khi trẻ dùng cần sa thì không được tập trung, nhìn vô mắt trẻ rất đỏ, trẻ lúc nào cũng vui, chạy nhảy nói cười liên tục (tăng động). Cha mẹ phải chú ý con mình bình thường không hoạt động, nhưng một ngày nào đó lại chạy nhảy, nói chuyện không ngừng, có triệu chứng ăn nhiều, người lo sợ… Đây là những triệu chứng cho thấy bắt đầu nghiện,” bà Kris dẫn chứng.

Bà Kris Backouris cho biết thêm: “Cao hơn nữa, đó là trẻ dùng thuốc lắc (ecstasy). Loại này rất phổ biến, nhưng không phải bán ngoài chợ, mà được bán trong trường học do chính các em bán cho nhau. Không dễ nhận ra thuốc lắc, vì nó được làm rất giống kẹo, hay đồ trang sức. Khi thấy trẻ đeo vào cổ, hoặc tay như xâu chuỗi, cha mẹ phải kiểm tra xem đó có phải là thuốc lắc hay không. Một viên thuốc lắc khoảng $10.”

Thuốc lắc là thế hệ thứ ba của á phiện, sau bạch phiến. Dù là “hậu duệ” nhưng sự tàn phá tinh thần và sức khỏe của nó đối với người sử dụng ghê gớm hơn hai “đàn anh” rất nhiều. Sau khi uống, hít ecstasy trong vòng 10 đến 20 phút thì thuốc tác động trực tiếp vào não bộ, gây kích thích thần kinh trung ương, tạo ảo giác ở người sử dụng trong nhiều giờ liền.

Ảo giác đó làm cho người uống thuốc lắc có trạng thái sung mãn, tự tin, nhiệt độ cơ thể tăng tạo cảm giác nóng bỏng, thích thực hiện những hành vi có cảm xúc mạnh, đặc biệt khi đi kèm với âm thanh có cường độ lớn. Khi thuốc đã ngấm, con người bị kích động cuồng nhiệt và có những hành vi kỳ lạ như lắc lư quay cuồng, la hét, đập phá đồ đạc, cởi bỏ quần áo và quan hệ tình dục tập thể.

Đối với người đã dùng ba ngày liên tục, đến ngày thứ tư nếu không có thuốc, bắt đầu có những triệu chứng: Suy sụp, chán chường, lo lắng, trầm cảm hoang tưởng, mất trí nhớ, mất phương hướng; lâu dần sẽ dẫn đến tâm thần. Về thể chất, do cơ thể bị kích động mạnh, tiêu phí năng lượng và mất nhiều nước, thân nhiệt tăng, mất ngủ triền miên, biếng ăn… nên dẫn đến suy kiệt; trạng thái hưng phấn tạo ra từng cơn ảo giác, gây rối loạn nhịp tim dễ dẫn đến trụy tim mạch và đột tử.

Phụ huynh nên dạy con biết từ chối bạn bè. (Hình: Quốc Dũng/Người Việt)


Dành thời gian cho con

“Làm sao để biết con mình có sử dụng rượu, bia, thuốc lá hay không?” là câu hỏi bà Annie Trần Lương đặt cho các phụ huynh. Theo bà, chỉ khi trò chuyện thường xuyên với con thì cha mẹ mới nhận ra con mình có thay đổi gì không. “Gia đình nên có bữa cơm gia đình, vì đây là thời gian gia đình dễ chia sẻ nhất,” bà nói. 

Bà cho biết: “Thật đáng buồn là đa số phụ huynh chỉ dành năm phút một ngày cho con. Lý do là cha mẹ đều đi làm, nên một ngày chỉ hỏi con qua loa ‘Con làm bài tập về nhà chưa’ rồi thôi. Đây không phải cách trò chuyện với con. Trò chuyện với con là ngồi hỏi chuyện, rằng hôm nay con học như thế, ở trường có gì vui không, con có gặp khó khăn hay có chuyện gì vui không, con chơi thân với bạn nào không, bạn đó như thế nào…. Hỏi với mục đích quan tâm, chứ không phải ‘điều tra,’ để trẻ biết rằng cha mẹ quan tâm tới mình. Riêng những trẻ học lớp 7, lớp 8 trở đi thì vai trò gia đình lại càng quan trọng, nếu không quan tâm thì con rất dễ bị bạn bè xúi giục.”

“Hầu hết phụ huynh dạy con tránh xa, hay nói không với người lạ mặt. Nhưng lại quên dạy con từ chối với bạn bè. Trẻ sẽ nghĩ, bạn bè là những người quen thân với mình, nên các em không cần phải từ chối. Chính sơ hở này đã giúp những người bán thuốc cấm dùng chính trẻ để dụ trẻ sử dụng chất cấm, hoặc cho ăn những loại bánh, uống những loại nước có chứa chất gây nghiện,” bà nói.

Bà Annie kể: “Ba năm trước, một em Việt Nam học giỏi nhất ở một trường trung học. Sau khi dự tiệc với bạn cùng lớp, em này bị bạn cho uống nước có chứa cần sa. Rồi những lần khác bạn bè mời uống nhưng em không uống, thế là nhóm bạn hăm dọa ‘Tao có bằng chứng mày sử dụng cần sa rồi, mày không uống nữa thì tao sẽ đưa hình ảnh này cho mẹ của mày coi.’ Em sợ quá uống, và sau một tháng thì nghiện.” 

“Một trường hợp nữa mới xảy ra năm ngoái, em này mới từ tiểu học lên trung học, chơi trong đội thể thao của trường. Ngày nào cũng vậy, cứ chiều tập thể thao luôn có một em người Mexico đưa bánh brownie cho ăn. Thằng bé từ học sinh giỏi, chỉ sau một tháng học kém. Lý do là trong bánh brownie có chứa cần sa, nên khi tập xong về nhà thì trong người vẫn còn năng lượng, nên chạy chơi tiếp. Đến tối, mệt quá thì em lăn ra ngủ. Ngủ tới 2-3 giờ sáng dậy làm bài tập. Rồi sáng 7-8 giờ vô trường học thì người mệt, không làm gì được,” bà kể tiếp.

Bà Annie Trần Lương cũng đưa ra những tiếng lóng dùng để nói về thuốc gây nghiện mà thanh thiếu niên thường sử dụng để qua mặt người lớn. Chẳng hạn, khi nghe nói “Snow” nghĩa là trẻ đang nói về bạch phiến; nói “X, Adam, Eva” tức là thuốc lắc; nói “Antifreeze, Smack” đồng nghĩa với heroin. Hàng loạt thuật ngữ tiếng lóng phụ huynh cần để ý nữa là: Molly, Special K, Crank, Crunk, Georgia home boy, Roofies, Kibbles and bits, Cheese, Candy flipping, Skittles drug, Hooch, Mellow yellow, Mary jane.

—–

Liên lạc tác giả: [email protected]

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT