Wednesday, May 1, 2024

LM Trần Thế Tuyên nói về tuyên thánh LM Trương Bửu Diệp


Ngọc Lan/Người Việt

WESTMINSTER, California (NV) Từ nhiều năm qua, hình ảnh và danh tánh của cố Linh Mục Phanxico Trương Bửu Diệp trở nên khá quen thuộc với nhiều người dân Việt Nam sống trong nước cũng như ở hải ngoại.

“Cha Phanxico Xavie Trương Bửu Diệp đã yêu thương như thầy yêu thương và vẫn tiếp tục yêu thương qua nhiều chuyện lạ xảy ra đó đây. Cha đã yêu thương cả người lương người giáo. Cha tiếp tục xin lộc trời cho bất cứ ai đến với cha.”


Linh Mục Trần Thế Tuyên, cáo thỉnh viên án tuyên thánh cố Linh Mục Trương Bửu Diệp. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)

Ðó là điều mà Linh Mục Trần Thế Tuyên, người giữ vai trò “cáo thỉnh viên” (Postulatuer), hiện sống tại Canada, viết trong lời mời “Hãy đồng hành! Hãy tham tham gia tiến trình tuyên phong chân phước Cha Phanxico Trương Bửu Diệp” được bắt đầu từ ngày 25 Tháng Tám, 2011 ở Giáo Xứ Cần Thơ.

Ðến nay, sau hơn bốn năm thực hiện tiến trình tuyên thánh vị cố linh mục, Linh Mục Tuyên lần đầu tiên có cuộc chuyện trò với phóng viên Người Việt về vai trò, sứ mạng cũng như những việc mà ông đã làm trong thời gian qua.

Vai trò cáo thỉnh viên

Linh Mục Trần Thế Tuyên, gốc Giáo Phận Cần Thơ, hiện đang làm công việc mục vụ và làm trưởng ấn cho một giáo phận Công Giáo ở Canada.

Ông cho biết, “Nhiệm vụ của tôi là làm việc cho người Canada, tuy nhiên vì là người Việt Nam và gốc ở Giáo Phận Cần Thơ, lại có ân tình ân nghĩa với Cha Trương Bửu Diệp mà tôi mới học giáo luật và tình nguyện nhận trách nhiệm gọi là cáo thỉnh viên, tức là người đứng ra để đệ trình, yêu cầu giáo quyền thực hiện án tuyên thánh, tiến trình tuyên thánh cho Cha Trương Bửu Diệp.”

“Tại sao tôi nhận nhiệm vụ này? Thứ nhất, vì tôi là người gốc Giáo Phận Cần Thơ, biết chuyện này. Thứ hai, tôi học chuyên về giáo luật và chuyên về khoa tuyên thánh nên tôi được xem là có khả năng làm chuyện này,” Linh Mục Tuyên cho biết thêm.

Cũng theo vị linh mục, “Ðức cha đương quyền của Giáo Phận Cần Thơ là Trí Bửu Thiên là người đã chấp thuận và ra sắc chỉ bổ nhiệm tôi làm cáo thỉnh viên cho án tuyên thánh của Cha Trương Bửu Diệp.”

Ðể làm rõ hơn vai trò của một cáo thỉnh viên, Linh Mục Tuyên giải thích: “Cáo thỉnh viên tức là người đứng ra để cáo lên vụ án tuyên thánh và yêu cầu giáo quyền phải thực hiện. Bởi vì giáo quyền thực hiện thì không do vấn đề tình cảm hoặc do vấn đề nhiều người yêu cầu, mà giáo quyền thực hiện đòi buộc phải có sự thật khách quan, chính từ sự thật khách quan đó mà mới lập thành tòa án. Ở Việt Nam đã có tòa án để thực hiện án tuyên thánh này.
Trong tòa án đó cũng có người làm chánh án, có người làm biện lý, có người làm luật sư, có người nói ngược lại với đề tài… để sau cùng để xét xử và ra quyết định cuối cùng là người này có xứng đáng để tuyên thánh hay không.”

Với vai trò đó, vị linh mục này cho rằng “trong vòng bốn năm qua tôi thường xuyên ít nhất mỗi năm một lần về Việt Nam để điều tra lại, đi lại từ bước đầu, từ năm 1930-1946 mà những ai đã gọi là thấy, là tiếp xúc với Cha Trương Bửu Diệp, xem người ta đoán định về cha như thế nào và cả người lương lẫn người giáo. Nên phải đi tìm tận nơi để mà điều tra cho cặn kẽ.”

Việc điều tra thứ nhất là phải đúng lịch sử.

“Ví dụ như Cha Trương Bửu Diệp chết ngày 12 Tháng Ba, 1946. Có chứng nhân nói rằng khi người ta bị lùa hết vô lẫm lúa thì quân lính đã chất rơm rạ chung quanh để sẵn sàng thiêu hết thì Cha Diệp đã đứng ra để chết thế cho người ta. Tuy nhiên, cũng có người khác nói rằng bởi có sự tranh chấp về đất đai với nhà thờ nên mới có cái gọi là sự thủ tiêu Cha Diệp. Hai chuyện hoàn toàn khác biệt nên tôi là người có nhiệm vụ chứng minh đâu là sự thật. Cái đó gọi là bước đầu tiên của việc thực hiện tiến trình tuyên thánh, tức phải điều tra cho đúng lịch sử.”

Thứ hai là điều tra nhân chứng.

“Có nhiều loại nhân chứng. Nhân chứng nghe, thấy và tiếp xúc. Như Ðức Hồng Y Phạm Minh Mẫn sinh năm 1934 đã có dịp gặp Cha Trương Bửu Diệp ba lần thì tôi cũng phải phỏng vấn ngài và tòa án Cần Thơ cũng phải phỏng vấn ngài. Ngoài ra có 13 nhân chứng khác còn sống là những người đã từng thấy, từng tiếp xúc với Cha Trương Bửu Diệp. Mình phải đi tìm hiểu từng nhân chứng này để xem họ có nói gì ngược lại với điều dân chúng tin hay không. Thì đó là những vấn đề mà cáo thỉnh viên chúng tôi phải làm cho sáng tỏ,” Linh Mục Trần Thế Tuyên trình bày chi tiết.

Vấn đề tài chánh

Theo Linh Mục Tuyên, tất cả những việc điều tra đó đều ít nhiều có liên quan đến tài chánh.

“Tài chánh không phải chỉ chi tiêu vào việc khi nào Vatican yêu cầu đóng một-hai trăm ngàn thì mình trả là đủ, mà ở cấp giáo phận, tài chánh giúp chi vào việc giúp cho các chuyên viên làm việc ở Việt Nam để họ đi điều tra,” vị linh mục nói. “Như mình biết có 13 nhân chứng sống, mà không người nào trong số này dưới 80 tuổi mà họ ở nhà quê, bệnh hoạn, đau yếu, như vậy mình phải làm sao giúp cho họ sống để họ làm chứng cho mình.”

“Thêm nữa, ở Việt Nam có nhiều phí khoản tốn kém mà chúng ta không thể ghi vào sổ sách được. Ví dụ như khi tôi vô Gành Hào, nơi có một họ đạo lẻ của Cha Diệp nhưng nếu mình đi trong tư cách một người điều tra thì không thuận lợi gì hết nên phải tổ chức một bữa cơm gia đình, có chính quyền địa phương tới ăn uống nói chuyện với mình thì mình mới có cơ hội tiếp xúc với bà con để nói lên sự thật mà người ta biết. Cho nên chuyện tốn kém đó không thể ghi vào sổ sách được, nên chỉ nói ra để thông cảm với nhau,” Linh Mục Tuyên giãi bày.

Tuy nhiên, Linh Mục Trần Thế Tuyên khẳng định, “Vận động tài chánh hoàn toàn tùy thuộc vào quyết định và chỉ dẫn của quí cha xứ, cha sở… Vận động phong thánh phải mang niềm vui và tạo sự tán đồng từ mọi tâm hồn, không có ủy quyền cho bất cứ ai để đi vận động nhằm trách hiểu lầm hay lạm dụng nhất là trong vấn đề quyên góp tài chánh.”

Tiến trình tuyên thánh

Tiến trình tuyên thánh gồm có bốn giai đoạn. Giai đoạn 1 là thiết lập án tuyên thánh cấp giáo phận. Giai đoạn 2 là danh hiệu “Ðầy Tớ Chúa” và tiến hành giám sát về nhân đức hay việc tử đạo. Giai đoạn 3 là tiến trình án tuyên thánh ở Vatican. Giai đoạn 4 là phép lạ và tuyên phong chân phước.

Hiện tại, theo cáo thỉnh viên Trần Thế Tuyên, giai đoạn 1 và 2, gọi là “Giai đoạn tại Việt Nam,” đã hoàn tất, chỉ “hy vọng trong năm 2016 phiên họp bế mạc chính thức của cuộc điều tra cấp giáo phận” để “tất cả các tài liệu liên quan đến vụ án được đóng kín niêm phong và gửi về tòa thánh.”

Giai đoạn kế tiếp là giai đoạn tại Vatican, cũng trải qua khá nhiều tiến trình, như Bộ Phong Thánh của Vatican có chuẩn nhận vụ án cấp giáo phận là có giá trị hay không để từ đó mới có sự bổ nhiệm một chuyên viên chính thức gọi là “Relator” để nghiên cứu việc phong chân phước.

Vị chuyên viên này phải chuẩn bị một hồ sơ đầy đủ gọi là “Positio” để trình lên tòa thánh.

Sau đó một ban hội thẩm sử học và một ban hội thẩm thần học do Tòa Thánh Vatican chỉ định sẽ lần lượt xem xét hồ sơ “Positio.”

Nếu cả hai ban trên chấp thuận thì một hồng y đoàn sẽ xem xét việc phong chân phước và trình lên Ðức Giáo Hoàng.

Nếu Ðức Giáo Hoàng phê chuẩn và cho phép thì tổ chức lễ tuyên phong chân phước sẽ diễn ra tại Việt Nam, và năm hy vọng mọi sự hoàn tất là 2022.

Sơ lược tiểu sử Linh Mục Trương Bửu Diệp

Theo trang web Trương Bửu Diệp Foundation, Linh Mục Phanxicô Trương Bửu Diệp sinh ngày 1 Tháng Giêng, 1897, tại họ đạo Cồn Phước, nay thuộc ấp Mỹ Lợi, xã Mỹ Luông, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang.

Năm 1909, thầy Trương Bửu Diệp vào tiểu chủng viện Cù Lao Giêng, xã Tấn Mỹ, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang, rồi sau đó vào đại chủng viện Phnom Penh, Cambodia (lúc đó các họ đạo An Giang, Châu Ðốc, Hà Tiên trực thuộc Giáo Phận Phnom Penh).

Thầy Trương Bửu Diệp thụ phong linh mục năm 1924, được bề trên bổ về làm linh mục phó họ đạo Hố Trư, một họ đạo của người Việt sinh sống tại tỉnh Kandal, Cambodia, cho tới năm 1927, rồi về làm giáo sư tại tiểu chủng viên Cù Lao Giêng cho tới năm 1929.

Tháng Ba, 1930, linh mục về trông nom họ đạo Tắc Sậy, quận Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu. Trong những năm làm cha sở, ngài quan hệ, giúp đỡ, thành lập nhiều họ đạo khác tại các vùng phụ cận như Bà Ðốc, Cam Bô, An Hải, Ðầu Sấu, Chủ Chí, Khúc Tréo, Ðồng Gò, Rạch Rắn.

Hoàn cảnh xã hội nhiễu nhương những năm 1945-1946, chiến tranh loạn lạc, bà con nhân dân di tản, linh mục bề trên và các linh mục người Pháp khuyên ông lên Bạc Liêu lánh mặt, khi nào tình hình yên ổn thì sẽ trở lại họ đạo Tắc Sậy, nhưng Linh Mục Trương Bửu Diệp trả lời: “Tôi sống giữa đàn chiên và nếu có chết cũng chết giữa đàn chiên, không đi đâu cả.”

Ngày 12 Tháng Ba, 1946, linh mục bị bắt cùng với trên 70 chức sắc và giáo dân tại họ đạo Tắc Sậy, bị lùa đi và nhốt tại lẫm lúa nhà ông giáo Sự ở Cây Gừa. Người ta định giết tất cả nhưng linh mục nói chính mình là chủ chăn các con chiên đó, vậy xin chết thay cho các con chiên. Họ chấp nhận. Mọi người được thả còn linh mục bị đem đi thủ tiêu. Những người trong họ đạo kể rằng đêm hôm ấy linh mục về báo mộng cho các vị chức sắc trong họ đạo biết chỗ họ ném xác, trong cái ao sau nhà người anh ông giáo Sự. Các vị đến nơi được báo mộng thì vớt được xác linh mục bị chặt đầu với một vết chém ngang cổ chỗ gần mang tai, có ba vết chém khác trên mình. Thân xác linh mục không hiểu sao bị lột hết quần áo, trần trụi như Chúa Giêsu trên thập giá, nhưng hai tay vẫn chắp trước ngực như đang cầu nguyện và nét mặt ngài vẫn bình thản, không có vẻ gì sợ hãi.

Các vị chức sắc lén đưa xác linh mục về chôn bí mật trong phòng thánh nhà thờ Khúc Tréo (nhà ông giáo Sự thuộc họ đạo Khúc Tréo, làm thế kín đáo hơn đưa về Tắc Sậy). Như vậy Linh Mục Trương Bửu Diệp đã tử vì đạo vào ngày 12 Tháng Ba, 1946, nhằm ngày mồng 9 Tháng Hai năm Bính Tuất.

—————–
Liên lạc tác giả: [email protected]

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT