Wednesday, April 17, 2024

Lê Tài Ðiển và ‘Những Mảnh Rời’


Ngọc Lan/Người Việt


 


WESTMINSTER (NV) – Tôi không biết và cũng chưa một lần nghe đến tên ông, họa sĩ Lê Tài Ðiển.
Nhưng hôm nay, đọc qua những gì có trong tuyển tập “Những Mảnh Rời Lê Tài Ðiển,” tôi hiểu, vì sao bạn bè ông, những người tên tuổi như Du Tử Lê, Ðặng Mai Lan, Ðinh Cường, Nhã Ca, Nguyễn Xuân Nghĩa, Thụy Khuê, Viên Linh, Kiệt Tấn, Phan Thị Trọng Tuyến, Nguyễn Ðồng, Nguyễn Thị Hợp, Trần Thị NgH… lại dành cho ông những ân tình đặc biệt đến như vậy.


***










Họa sĩ Lê Tài Ðiển và “những mảnh rời”. (Hình: Triết Trần/Người Việt)


Họa sĩ Lê Tài Ðiển sinh năm 1937 tại Mỹ Tho, trong một gia đình có quốc tịch Pháp. Cha là giáo sư Lê Trung Tài, dạy Pháp văn và môn Sử tại trường trung học Võ Trường Toản ở Sài Gòn.


Ông học trung học Nguyễn Ðình Chiểu và tốt nghiệp Cao Ðẳng Mỹ Thuật Huế năm 1962.


Từng học điêu khắc với điêu khắc gia Lê Ngọc Huệ và học trang trí với họa sĩ Mai Lan Phương.


Cuối năm 1963 ông sang Pháp du học và tốt nghiệp Cao Ðẳng Mỹ Thuật Paris năm 1968. Trong thời gian này, ông làm việc tại xưởng vẽ của họa sĩ Raymond Legueult, làm báo Sinh Viên của Tổng Hội Sinh Viên Việt Nam ở Paris và báo Ái Hữu của hội sinh viên Orsay.


Cuối năm 1971, họa sĩ Lê Tài Ðiển trở về Việt Nam làm việc tại nhà in Sài Gòn Ấn Quán và là thành viên Hội Họa Sĩ Trẻ. Năm 1974, ông cùng nhà báo Viên Linh thực hiện tờ Thời Tập.


Năm 1977, ông trở lại Pháp, dạy tại trường mỹ thuật ở Sartrouville 16 năm cho đến khi về hưu năm 2005. Cùng thời gian này, ông làm việc cho một hãng bán và sản xuất đồ tiểu công nghệ và trang trí.


Các giải thưởng ông từng đạt là giải nhất “4eme Rencontre Internationale de peinture” tại Turin, Ý, năm 1967 và giải ba “Grand Prix de New York” năm 1968.


***


Tuyển tập “Những Mảnh Rời Lê Tài Ðiển” là “món quà do bạn bè của họa sĩ Lê Tài Ðiển dành cho anh, thành hình sau hơn một năm chuẩn bị”. Ðó là lời mở đầu cho tập sách “đầu tiên và có lẽ cũng là duy nhất” của người họa sĩ này.


Tuyển tập có thể được chia làm hai phần chính.


Phần về bản thân họa sĩ Lê Tài Ðiển, bao gồm phần tiểu sử, hình ảnh của 58 bức tranh do ông vẽ, 42 bích chương và bìa sách do ông thiết kế và 8 bài viết của Lê Tài Ðiển, với nhiều thể loại, từ giới thiệu họa sĩ, đến những ghi nhận, cảm nghĩ về hội họa, về con người, về cuộc đời.


Phần thứ hai của tập sách là 16 bài viết của bạn bè bằng hữu viết về họa sĩ Lê Tài Ðiển dưới nhiều góc nhìn khác nhau.


Nhận xét về tranh của họa sĩ Lê Tài Ðiển, họa sĩ Nguyễn Việt Hùng, một họa sĩ khá nổi tiếng trong lãnh vực hội họa dòng chính, cho biết: “Tôi không có dịp xem tranh họa sĩ Lê Tài Ðiển trực tiếp. Tranh ông cũng không phổ biến nhiều trên Internet. Nhưng qua tác phẩm sơn dầu ‘Vũ Khúc Xanh’ của ông, tôi nhìn ra những mảnh màu theo từng thể khối, nét cọ với cảm xúc dứt khoát, vang vang âm điệu từ sắc độ sáng tối. Tác phẩm này có thể là sự kết hợp của trường phái hội họa Hiện Ðại với những trường phái Biểu Hiện, Siêu Thực, Lập Thể, và Trừu Tượng, của những ảnh hưởng từ họa sĩ Paul Cezanne, Pablo Picasso, và có lẽ rất Paul Klee. Tôi nghĩ đây là những ảnh hưởng rất tự nhiên trong quá trình hấp thụ những tinh hoa nghệ thuật, khác với những sao chép, bởi vì đến từ sự tích lũy và phát tiết không kiểm soát khi sáng tác.”


Trong bài viết “Paris, người Việt và tranh Lê Tài Ðiển,” tác giả Thụy Khuê cho rằng “tranh Lê Tài Ðiển chia ra làm hai vùng. Một vùng dễ hiểu chứa đựng những màu sắc, những đường nét tươi sáng, rất trừu tượng, trẻ trung, mạnh bạo, dứt khoát vươn lên như muốn phá vỡ bức thành cổ của phục hưng hay ấn tượng, để xây dựng họa hình mới, tác phẩm mới, vào muôn vàn ngõ rẽ khác biệt.” Và “Lê Tài Ðiển còn một vùng tối. Phần sâu kín, âm u, bi quan và bí mật.”


Với kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa thì “trong nhà tôi, duy nhất có bức tranh sơn dầu của một tác giả Việt Nam thì đấy là tranh Lê Tài Ðiển”.


Trong bài “Lê Tài Ðiển, ‘Trong Tôi Xuân Về,’” ông Nguyễn Xuân Nghĩa kể về kỷ niệm khi chứng kiến Lê Tài Ðiển thiết kế sân khấu cho đêm văn nghệ Tết Kỷ Dậu, từ lúc “chẳng hiểu gì khi Ðiển nguệch ngoạc vẽ màu đen đỏ chằng chịt trên vuông giấy to bằng tấm carte postale. ‘Ðấy mà maquette của sân khấu, mô hình theo đó tụi mày cố mà làm!’” Ðến lúc “kinh hãi” nhìn “Lê Tài Ðiển mở ra từng thùng sơn đỏ, cam, xanh, đen. Ông lấy thanh gỗ pha ngoáy lung tung và đổ ào lên tấm bạt rồi lấy cây cọ bự bằng cái chổi mà quét ngang dọc liên hồi… Ðợi sơn hơi khô, Ðiểm cầm chổi vẽ dọc ngang từng mảnh đen ngòm…”


Ðể cuối cùng, “Khi sân khấu mở màn thì tôi học được bài học về sự sáng tạo của nghệ thuật.”


Nói về Lê Tài Ðiển, như nhận xét của họa sĩ Nguyễn Việt Hùng, “Tên tuổi ông có vẻ không thông dụng đại chúng như những họa sĩ cùng thời “Hội Họa Sĩ Trẻ,” nhưng có điều ông được sự yêu mến từ các bạn văn nghệ sĩ.”


Quả là vậy, khi đọc những gì bạn bè viết về ông.


Từ “Phác họa một chân dung” Lê Tài Ðiển là “người lành nhất trong những người hiền tôi đã gặp” với “nón phớt trùm đầu, tóc bạc dài phủ ót, mắt kính kiểu cũ, ống vố bập bập ngậm lệch một bên miệng mom móm” của Cổ Ngư, đến “Bạn ta, người rất có vấn đề” của Kiệt Tấn, “Lê Tài Ðiển và những bức tranh theo buổi chiều trôi vào xa, vắng” của Du Tử Lê, “Chân dung của biển” của Ðặng Mai Lan, “Nghệ sĩ tạo hình nhiều trải nghiệm” của Ðinh Cường, hay “Lê Tài Ðiển ở Sài Gòn” của Viên Linh, “Gặp gỡ Lê Tài Ðiển ở Paris” của Nguyễn Ðồng và Nguyễn Thị Hợp, “Vài kỷ niệm với họa sĩ Lê Tài Ðiển, nhân tình nhân tính” của Lê Hữu Khóa, “Họa sĩ Lê Tài Ðiển, người nghệ sĩ tài tâm tình vẹn toàn” của Bích Anh, hay “Nụ cười xé hai” của Trần Thị NgH, “Những con đường có đấy” của Nam Dao, “Lê Tài Ðiển, người bạn” của Nhã Ca, “Mai sau dù có bao giờ. Lần trang viết cũ ngắm mơ thuở nào” của Phan Thị Trọng Tuyến… Người đọc đều nhận ra được, khi rõ ràng, khi bàng bạc, trong những trang viết đó, những dòng chữ đó, là tình cảm bạn bè dành cho ông, họa sĩ Lê Tài Ðiển, “người thầm lặng, đi về cô lẻ giữa những bạn bè, đôi khi vui cười nghiêng ngửa thật, nhưng cũng lắm lúc âm u tuyệt vọng vì trĩu nặng những bí mật của thế hệ đầu thai lầm thế kỷ” (Lời giới thiệu).


***


Như đã đề cập, trong “Những Mảnh Rời Lê Tài Ðiển” còn có dăm ba bài viết của chính tác giả. Có bài tròn trịa, đủ đầy cho một chuẩn mực báo chí, văn chương. Có bài thực sự có những mảnh rời, ghi vội khoảnh khắc của những suy nghĩ trong một biến động nào đó của “Sài Gòn, cuối tháng 7, 1970” hay “Sài Gòn trung tuần tháng 8, 1970”…










Tuyển tập “Những Mảnh Rời Lê Tài Ðiển”. (Hình: Triết Trần/Người Việt)


Với tôi, “tuổi trẻ và hành trình” của Lê Tài Ðiển từ mấy mươi năm trước dường như còn nguyên cảm xúc của tuổi trẻ hôm nay. Bởi có khác gì đâu, khi “chúng tôi sinh ra và lớn lên trong một đất nước nhiều bi thảm và nhiễu nhương. Bây giờ chúng tôi biết phải bắt đầu lại từ đâu? Chúng tôi ngồi lại và hòa đồng, dù với một kiến thức quá ư là chật hẹp, chủ quan, kinh nghiệm không có, nhưng chúng tôi chưa thấy một khởi đầu hợp lý, một hành trình còn thiếu cả kích thước, cả chiều dài lẫn chiều sâu?”


Có lẽ chính từ những điều như thế, nên “Những Mảnh Rời” của họa sĩ Lê Tài Ðiển đến từ Paris, có thể xem là “Chứng từ một gia đoạn lịch sử, đọc để sống lại với một thời, một không gian đã qua”.


Buổi ra mắt “Những Mảnh Rời của Lê Tài Ðiển” sẽ được tổ chức vào lúc 3 giờ chiều Chủ Nhật, 18 Tháng Mười Một, tại Việt Báo Gallery, 14841 Moran Street, Westminster, CA 92683; điện thoại (714) 894-2500.


––


Liên lạc tác giả: [email protected]

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT