Friday, March 29, 2024

‘Ru,’ câu chuyện thuyền nhân được đón nhận ở 20 quốc gia


Hà Giang/Người Việt


 


“Tôi mở mắt chào đời đúng vào biến cố Tết Mậu Thân, khi pháo mừng Xuân rền vang trước nhà, bất thình lình hòa lẫn với tiếng nổ inh tai của các tràng súng liên thanh. Ánh sáng và mầu sắc đầu tiên tôi nhìn thấy là ở Sài Gòn.










Hình bìa cuốn “Ru” của tác giả Kim Thúy. (Hình: Người Việt)



Ánh sáng của lửa đạn, màu đỏ của những tràng pháo nổ tan tác thành hàng ngàn sợi nhỏ, ngập đỏ mặt đất, như màu hoa đào đỏ thắm, hay như máu đỏ của hai triệu người lính có mặt ở khắp các làng quê và thành phố của một đất nước bị cắt đôi. Tôi ra đời trong bóng đêm đen kịt được trang trí bằng ánh sáng của pháo, của đại bác và của mìn. Tôi sinh ra dường như là để thế cho nhiều sinh mạng đã bị chiến tranh cướp mất…”


Ðó là một đoạn trong tác phẩm “Ru,” cuốn sách đầu tay viết bằng tiếng Pháp của tác giả Kim Thúy, một thuyền nhân cùng gia đình rời Việt Nam cách đây hơn 34 năm.


Tác giả Kim Thúy tên thật là Nguyễn An Tịnh, 44 tuổi, hiện định cư ở Quebec, Canada, nơi “Ru” đoạt giải thưởng “Governor Award for French Language Fiction” (Giải thưởng thống đốc cho tiểu thuyết tiếng Pháp) năm 2010.


Ðược đón nhận nồng nhiệt ngay sau khi xuất bản, “Ru” hiện được phát hành ở 20 quốc gia, sau khi được dịch giả Sheila Fischman chuyển qua Anh ngữ. Ấn bản bằng tiếng Ý, Thụy Ðiển, Ðức và Tây Ban Nha đang được tiến hành.


Qua “Ru,” tác giả kể lại câu chuyện thật của một cô bé lên 10, cùng cha mẹ và hai anh em trai vượt biển tìm tự do năm 1978, những ngày nương náu tại các trại tị nạn ở Malaysia, nơi họ cùng hàng ngàn thuyền nhân Việt Nam khác phấn đấu để tồn tại, và cuối cùng trôi dạt đến một vùng ngoại ô của Montreal, Canada, nơi bà nhặt rau, may gia công sau giờ học để kiếm tiền giúp gia đình. Lớn lên, Kim Thúy trở thành một thông dịch viên, một luật sư, rồi chủ nhân một nhà hàng. Nói tóm lại, “Ru” là một câu chuyện đạt được giấc mơ của một người di dân tiêu biểu.


Giải thích tựa đề cuốn sách, tác giả nói rằng chữ “Ru” với bà là biểu tượng của sự êm đềm. “Ru,” theo tiếng Pháp, là một từ cổ ngày nay ít người dùng, có nghĩa là một dòng suối nhỏ; còn trong tiếng Việt, “Ru” vừa là một động từ (ru con), vừa là một danh từ (bài hát ru), một chữ được sử dụng thường xuyên trong cuộc sống hàng ngày, nhưng chuyên chở biết bao hình ảnh đẹp của tuổi thơ.



Xem video giới thiệu sách của Kim Thúy


Dài chỉ 140 trang, “Ru” được xem là một tiểu thuyết “ngắn,” rất ngắn nữa là khác, và theo nhận định của một số nhà phê bình, “chưa đủ tầm cỡ” một tiểu thuyết. Thế nhưng, dù tầm cỡ hay không, việc “Ru” được đón nhận rộng rãi ở nhiều nước trên thế giới là minh chứng hùng hồn cho tài kể chuyện và khiếu viết văn mà nhiều người cho là có “chất thơ” của tác giả.


Hãy đọc một đoạn nữa:


“Tôi tên là Nguyễn An Tịnh. Mẹ tôi tên là Nguyễn An Tĩnh. Tên tôi giống y như tên mẹ. Dấu nặng dưới chữ i là điểm duy nhất phân biệt mẹ và tôi, cho phép tôi tách rời khỏi mẹ. Tôi là phần kéo dài của mẹ, ngay từ trong ý nghĩa của cái tên. Theo tiếng Việt, tên mẹ có nghĩa là yên tĩnh, còn tên tôi có nghĩa là yên tịnh. Hai tên hầu như hoán đổi được cho nhau. Mẹ từng xác nhận tôi là phần hậu của mẹ, kỳ vọng tôi sẽ tiếp nối đời bà.”


“Lịch sử Việt Nam, một lịch sử với chữ H viết hoa, cản trở kế hoạch của mẹ. Lịch sử ném những dấu tên xuống nước khi mang chúng tôi vượt khỏi Vịnh Thái Lan cách đây ba mươi năm. Lịch sử cũng tước mất đi ý nghĩa, giảm tên chúng tôi xuống chỉ còn âm thanh, những âm thanh xa lạ đối với ngôn ngữ Pháp.”


Với cách ngắt trang không đồng đều và những dòng chữ ngắn, thoạt nhìn, “Ru” giống như một cuốn truyện thơ hơn là một tiểu thuyết. Ðược chia thành nhiều chương ngắn, có khi chưa đầy một trang giấy, mỗi chương của “Ru” kể lại một sự kiện riêng biệt, không theo thứ tự thời gian, mà lan man theo hồi tưởng của tác giả.


Kiểu viết này cho tác giả đào sâu vào, mô tả lại chuyện đời của mình với nhiều hình ảnh và cảm xúc, đưa người đọc thoắt ở thời ấu thơ của một gia đình phong lưu, thoắt lại vào cảnh phải đối phó với sự thô bạo của bộ đội Bắc Việt, từ ngày bỡ ngỡ đặt chân đến Canada, đến cảnh chen chúc trên con thuyền vượt biên, rồi nỗi khó khăn của một người vợ có chồng dị chủng, của người mẹ nuôi con với hai văn hóa khác biệt.


Nhiều đoạn trong “Ru” khiến người đọc cảm động, nhưng cũng không hiếm cảnh khiến họ bật cười, như khi những người bộ đội vào tịch thu nhà, lục tủ áo mẹ của Kim Thúy, tìm thấy những chiếc áo nịt ngực không độn, loay hoay mãi không biết là cái gì, đoán đó là phin pha cà phê, rồi lại hỏi nhau là tại sao lúc nào cũng có hai cái dính vào nhau, và kết luận, chắc là người miền Nam không bao giờ uống cà phê một mình. Trong một cảnh khác, các chàng bộ đội giận dữ đòi mẹ Kim Thúy phải trả lại mớ cá tươi họ vừa mua về và bỏ vào “cái bồn trắng lớn,” vì người nhà của Kim Thúy đã vô tình giật nước làm trôi đám cá đi.


Phát biểu trong một buổi ra mắt sách, tác giả tâm sự là lúc viết xong, đọc lại, bà nghĩ có lẽ mình là độc giả duy nhất của cuốn sách vừa thành hình, may lắm thì có thể sau này các con sẽ đọc, vì chúng “bắt buộc phải đọc” để tìm hiểu cuộc đời của mẹ.


Ngay chính Kim Thúy cũng ngạc nhiên về sự thành công gần như tức khắc của “Ru.”


“Kể cả thân nhân tôi cũng chẳng ai muốn đọc vì những gì tôi kể họ đã sống qua.” Tác giả Kim Thúy tâm sự.










Tác giả Kim Thúy tại một buổi lãnh giải thưởng viết truyện. (Hình: Facebook của Kim Thúy)


Có thể lối kể chuyện mộc mạc, hay giọng văn “có chất thơ” của Kim Thúy đã làm người đọc xúc động. Cũng có thể nỗ lực để chiến thắng nghịch cảnh của con người là câu chuyện muôn đời vẫn được thế giới đón nhận.


Sự khích lệ giờ đây Kim Thúy nhận đã nhiều, nhưng với bà, lời khen quý giá nhất vẫn là của một người gốc Việt nào đó, khi họ nói với bà rằng “cảm ơn bà đã kể lại câu chuyện của mình, câu chuyện của một thuyền nhân.”


––


Liên lạc tác giả: [email protected]

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT