Thursday, March 28, 2024

Tất Niên, cựu học sinh Tống Phước Hiệp về dưới mái trường xưa

Nguyên Huy/Người Việt

 

Trưa hôm Thứ Bảy, hơn một trăm nam nữ cựu học sinh Tống Phước Hiệp Vĩnh Long đã cùng nhau họp mặt Tất Niên dưới “mái trường xưa” tại nhà hàng Dragon King trên đường Westminster thuộc thành phố Santa Ana.

Toàn ban chấp hành hội cựu học sinh Tống Phước Hiệp cùng các cựu học sinh Tống Phước Hiệp vui ca “Ly Rượu Mừng” chúc nhau dưới mái trường xưa.

Chỉ lên sân khấu trên đó một kiến trúc mặt tiền ngôi trường Tống Phước Hiệp số 106 đường Gia Long, Vĩnh Long được kiến tạo lại bằng vật liệu nhẹ che kín hết mặt tiền sân khấu, cựu Giáo Sư Ðào Khánh Thọ trong ban cố vấn Hội Ái Hữu Cựu Học Sinh Trung Học Tống Phước Hiệp nói với báo Người Việt: “Ðây là công trình của một số anh chị em cựu học sinh Tống Phước Hiệp đóng góp vào buổi hội ngộ tất niên năm nay. Hình ảnh ngôi trường cũ đã làm cho hầu hết thầy trò chúng tôi có mặt hôm nay đều bồi hồi xúc động như đang được sống lại dưới mái trường xưa”.

Dưới mái trường xưa ấy như cựu học sinh Phan Các Chiêu Hằng tâm sự “chúng tôi được có những phút giây lan man thả hồn về một thiên đường đã mất”.

Ðó là những gắn bó của các cựu nam nữ học sinh Tống Phước Hiệp đang có mặt trong buổi tất niên này.

Là một ngôi trường trung học lớn của tỉnh Vĩnh Long mà có niên khóa số học sinh đã lên tới 5 ngàn, Tống Phước Hiệp được thành lập từ năm 1949. Theo ông cố vấn Ðào Khánh Thọ cho biết thì trung học Tống Phước Hiệp là hậu thân của College de Vinh Long thời Pháp thuộc, sau đó được đổi thành trung học Nguyễn Thông và thời đệ I Cộng Hòa lại đổi thành trung học Tống Phước Hiệp vào tháng 12 năm 1963. Vẫn theo ông Ðào Khánh Thọ thì học sinh Tống Phước Hiệp đa số đều theo lên được bậc đại học của VNCH và khi tốt nghiệp nhiều người đã thành công trong các phạm vi quân sự, hành chánh, văn học như cựu học sinh Lê Văn Quới, chánh án tòa quân sự mặt trận vùng 4, nhà văn Hồ Trường An, nhà văn Kiệt Tấn, nhà biên khảo Người Long Hồ…

Ðương kim hội trưởng là cựu nữ Giáo Sư Võ Thị Ngọc Dung. Trong bài diễn văn chào mừng đồng nghiệp và các học trò cũ, cô giáo Võ Thị Ngọc Dung cũng nhắc đến một số giáo sư và học sinh của Tống Phước Hiệp đã có công đóng góp nhiều tác phẩm giá trị cho nền văn học Việt Nam như giáo sư sử học của Ðại Học Saigon Ðinh Kim Phúc, tác giả cuốn sách về Hoàng Sa và Trường Sa với những tài liệu chính xác là thuộc Việt Nam, như các nhà văn Hồ Trường An, Hứa Hoành, Kiệt Tấn và đặc biệt có cựu học sinh Tống Phước Hiệp là Trương Văn Tân hiện đang là giáo sư của Ðại Học Úc Châu, nổi danh là nhà nghiên cứu về Nano, một chất nhựa dẻo để đem vào thực nghiệm cho nhiều món đồ trong sinh hoạt thường ngày của chúng ta.

Chưa hết, bà Hội Trưởng Ngọc Dung còn giới thiệu cựu học sinh Trần Ngọc, dưới tên Thiện Phúc tác giả của ba cuốn tự điển về Phật học là những cuốn tự điển rất quí đối với những ai nghiên cứu về Phật Giáo. Cựu học sinh Trần Ngọc cũng là tác giả hai tập sách biên khảo Ðất Phương Nam với bút hiệu là Người Long Hồ.

Gặp gỡ với tác giả hai cuốn sách biên khảo dầy hơn 1,600 trang sách khổ lớn, Người Long Hồ cho biết sau khi tốt nghiệp rời khỏi trường Tống Phước Hiệp, ông đã gia nhập Không Quân QLVNCH. Ông kể “Trong suốt thời gian quân ngũ, khi lái máy bay qua những vùng đất của của các tỉnh ở miền Nam mà xưa cha ông ta thường gọi là Lục Tỉnh, thấy đất nước và quê hương mình đẹp và phong phú quá nên trong đầu đã có ý định một mai khi hòa bình sẽ để hết tâm lực vào nghiên cứu miền đất phương Nam này hầu lưu lại cho con cháu biết về công lao của tổ tiên mình. Nhưng khi hòa bình đến thì đất nước lại tan hoang không còn thì giờ đâu để nghiên cứu cho mãi tới khi ra hải ngoại mới có cơ hội ngồi xuống thực hiện cái ước mơ của mình. Mười năm tôi đã bỏ ra để tìm đọc những tài liệu sách vở viết về miền đất trù phú của dân tộc VN. Kết quả tôi đã hoàn thành được cuốn Ðất Phương Nam được chia làm hai tập mỗi tập khoảng trên dưới 800 trang khổ sách lớn. Vì lý do kinh tế nên sách chỉ mới được in trong vòng dăm trăm cuốn dành bán trong nội bộ và không gửi tại các nhà sách nên quí vị nào muốn có sách xin liên lạc với Hội Cựu Học Sinh Tống Phước Hiệp qua số 714.774.4717”.

“Ðất Phương Nam” của Người Long Hồ quả là một cuốn sách biên khảo khá nhiều công phu. Giáo Sư Tiến Sĩ Nguyễn Thanh Liêm, nguyên thứ trưởng Bộ Giáo Dục VNCH trong lời giới thiệu sách đã viết: “Ðây là một tác phẩm loại biên khảo, rất công phu, rất có giá trị. Càng có giá trị hơn nữa khi nhắm vào đối tượng miền Nam Việt Nam vì xưa nay miền Nam ít được các học giả, các nhà văn hóa, các chính trị gia, các văn nghệ sĩ để ý tới”.

Cô Emi Trang, một cựu nữ sinh Tống Phước Hiệp (nay bị đổi tên là Lưu Văn Liệt, một đặc công của CSVN) niên khóa 1986-1988.

Nội dung của cuốn “Ðất Phương Nam” dàn trải qua 16 phạm vi từ “Tổng Quan về vùng Biên Hòa của Xứ Ðàng Trong” qua đến những “Cấu tạo địa chất vùng Ðồng Nai-Biên Hòa”, “Người Minh Hương…”, “Dinh Biên Trấn…”, “Tiến trình di dân…”, “Cù Lao Phố…” cho đến danh lam thắng cảnh, cây lành trái ngọt, gốm sứ và “Biên Hòa qua các thời đại” cùng là “Tỉnh Ðồng Nai sau năm 1975”. Mười sáu phạm vi mà tác giả viết về Biên Hòa, (xin được hiểu là Trấn Biên Hòa xưa gồm phần lớn các tỉnh thuộc miền Nam VN) quả là một tài liệu khá là phong phú cho tuổi trẻ VN tìm hiểu về đất nước và con người VN phần phía Nam của đất nước.

____

Liên lạc người viết: [email protected].

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT