Thursday, March 28, 2024

Thỉnh nguyện thư cho nhân quyền Việt Nam: 35,350 chữ ký



Sau 6 ngày, thỉnh nguyện thư đã có 35,350 chữ ký


 


Huy Phương/Người Việt


Tính đến 6:00 PM ngày Thứ Hai, 13 tháng 2, 2012, sau khi nhạc sĩ Trúc Hồ, giám đốc đài SBTN, khởi xướng một chiến dịch bắt đầu từ ngày 8 tháng 2, 2012, vận động đồng bào tại Mỹ, viết thỉnh nguyện thư, yêu cầu Tổng Thống Barack Obama đình chỉ việc mở rộng thương mại với Việt Nam khi nhân quyền không được tôn trọng, số chữ ký trong thỉnh nguyện thư gửi đến Tòa Bạch Ốc đã lên đến con số 35,350. Những nhà tranh đấu được nêu tên trong thỉnh nguyện thư gồm có: LM Nguyễn Văn Lý; hai vị được đề cử giải Nobel Hòa Bình là Hòa Thượng Thích Quảng Ðộ và BS Nguyễn Ðan Quế, blogger Ðiếu Cày, và nhạc sĩ Việt Khang là người đã bày tỏ lòng yêu nước qua các nhạc phẩm “Anh Là Ai” và “Việt Nam Tôi Ðâu?”



Ðể được Tòa Bạch Ốc chính thức trả lời trực tiếp, theo quy định, một thỉnh nguyện thư phải đạt được 25,000 chữ ký trong vòng 30 ngày.Tuy nhiên cho đến nay, sau 5 ngày, thỉnh nguyện thư này không những đã đạt được con số cần thiết, mà còn tiếp tục tăng dần trên cả sự mong muốn của những người vận động cho thỉnh nguyện thư ban đầu và còn tạo sự phấn khởi cho toàn thể đồng bào hải ngoại. Hiện nay rất nhiều đoàn thể và tổ chức tại hải ngoại đã vào cuộc, tiếp tay vận động cho thỉnh nguyện thư đạt con số chữ ký tối đa.


Từ sáng Thứ Tư, 8 tháng 2, hơn 30 thiện nguyện viên đủ mọi tuổi tác đã có mặt tại phòng họp rộng lớn của đài SBTN, ngồi làm việc bên những dãy bàn kê dài, chăm chú trên những laptops của mình để ghi danh cho hàng ngàn người. Những người tình nguyện không có laptop đã phụ trách tiếp nhận điện thoại của đồng bào khắp nơi trên nước Mỹ gọi và cung cấp những chi tiết cá nhân để ghi danh vào thỉnh nguyện thư.


Một thiện nguyện viên là cô Bích Phước ở Westminster, mặc dầu sắp đến giờ đi đón con, vẫn ghé qua đài SBTN để xem mình có thể đóng góp được gì cho chiến dịch. Cô cho biết khi đã tiếp nhận phone gọi vào, người bắt phone không nỡ gác máy, vì người gọi vào liên tục, mỗi người gọi và ghi danh cho toàn gia đình có khi lên 7, 8 người. Ðiện thoại reo không dứt, lúc đó đã là buổi chiều của ngày Thứ Hai, có 5 người nghe phone mà ghi không kịp. Cảm tưởng của cô là: “Rất vui, vui vì khẳng định được bằng mắt thấy tai nghe rằng có rất nhiều đồng bào mình xót xa cho quê hương đọa đày, họ hành động theo lương tri, theo lẽ phải khi cơ hội đến chứ không làm thinh vô cảm trước điều sai quấy. Vui vì chúng ta, người Việt ở hải ngoại tỏ ra rất đoàn kết khi hữu sự.”


Cô Linh Trương, chuyên viên điện toán ở thành phố Garden Grove, đến Mỹ theo diện kết hôn cách đây 5 năm. Cô cho biết, theo lời kêu gọi của nhạc sĩ Trúc Hồ, cô đã đến đây mấy ngày hôm nay để giúp hướng dẫn các thiện nguyện viên, phân phối người nhận điện thoại gọi vào hay giúp các bạn trẻ sử dụng laptop. Ðối với những người ở xa, đang lên trang web rồi, mà gặp trở ngại về kỹ thuật thì cô cũng sẵn sàng hướng dẫn. Mấy hôm nay, điện thoại gọi vào quá nhiều nhưng người nhận điện thoại không đủ, nên cô cũng xin gửi lời xin lỗi các cô chú ở xa thông cảm cho tình trạng này và xin vui lòng gọi lại. Mặc dầu chúng ta đã được mục tiêu 25,000 chữ ký – lời cô Linh – xin cố gắng vận động bà con tiếp tục, để cho chính phủ Mỹ cũng như Hành pháp biết đến sức mạnh của cộng đồng chúng ta.


Bản thân tôi khi bước vào căn phòng lớn này của SBTN, cầm máy lên để tiếp nhận phone gọi vào của đồng bào, lòng xúc động vì sự sốt sắng, vui vẻ của mọi người. Một vị cao niên ở tận thành phố Sringfield, Virginia, ông Nguyễn xin ghi tên cho gia đình 4 người, gồm ông bà và hai con trai. Bà Bùi ở Milpitas, Bắc Cali, sốt sắng mở cuốn sổ địa chỉ và điện thoại của các con, ghi danh trong thỉnh nguyện thư 6 người. Cảm động nhất là bà Tuyết Nguyễn, 86 tuổi, ở thành phố San Francisco, giọng nói còn rõ ràng, đích thân gọi vào đài, nhờ ghi danh cho bà. Tôi còn nhớ câu nói của bà: “Làm sao lúc này mà mình ngồi yên được!” Trong khi chúng tôi đang nói chuyện với một gia đình đang gọi vào thì trên máy hiện lên những số điện thoại khác, có khi đến 5 missed calls, không làm sao có thể chuyển máy để trả lời. Hy vọng là đồng bào thông cảm gọi lại lần khác và chúng tôi cũng hy vọng độc giả Người Việt có lòng với đại cuộc xin tình nguyện giúp cho đài SBTN để tiếp nhận điện thoại ghi danh, hay nếu bạn có laptop xin mang đến để ghi danh giúp đồng bào trong website của Tòa Bạch Ốc.



Ông Lê Phú Nhuận từ Texas, cựu nhân viên Việt Nam Thông Tấn Xã đề nghị với đồng bào: “Sau khi đạt đến con số 25,000, một mặt tiếp tục vận động lấy thêm chữ ký, đồng thời đề nghị tiến hành những bước kế tiếp, để duy trì hào khí đấu tranh ít khi có được này, không để cho nó im lặng chìm xuồng, uổng lắm.” Tiến Sĩ Nguyễn Ðình Thắng cho biết con số kỷ lục trong lịch sử thỉnh nguyện qua trang mạng của Tòa Bạch Ốc hiện nay là 43, cho vụ Anti-counterfeiting Trade Agreement (ACTA). Nhạc sĩ Nam Lộc kêu gọi: “Với những biến động ở quê nhà cùng một số quốc gia khác có người tỵ nạn VN sinh sống, cộng với sự chú tâm đặc biệt của giới truyền thông Hoa Kỳ, xin quý vị cố gắng tiếp tay để chúng ta vượt qua con số 100 ngàn.”


Nhạc sĩ Trúc Hồ cho rằng: “Thời gian này là thời gian chúng ta có sức mạnh và tạo sức mạnh. Sẽ có 200,000 người Mỹ gốc Việt đứng về phía Tổng Thống Obama nếu Obama chận đứng được việc mở rộng thương mãi với VC và đòi hỏi được tự do, nhân quyền cho người dân Việt. Trong vòng một tháng, chúng ta hy vọng sẽ đạt đến con số 200,000. Hiện nay, đài SBTN có 80,000 gia đình khán giả, chỉ cần mỗi gia đình có ba người ký vào thỉnh nguyện thư, chắc chắn chúng ta sẽ có con số trên 200,000. Nhạc sĩ Trúc Hồ cũng nói những lời nhắn gởi đanh thép đến Tòa Bạch Ốc: “Sức mạnh của người Việt tại Hoa Kỳ thuộc quyền tổng thống, nếu tổng thống đi với chúng tôi.”


Xin mỗi người trong chúng ta gọi vào để ghi danh cho mình và gia đình, bạn bè khoảng 5 người thì chúng ta đạt đến con số 200 ngàn chữ ký không có gì là khó, có thể gây một “kỷ lục” và tạo ra một khí thế đấu tranh của người Việt ở hải ngoại.


Số điện thoại gọi vào cho toàn nước Mỹ để ghi danh: 1.888.339.8247


Từ cell phone bạn có thể gửi text cho số: 55678 (Hoa Kỳ), 70734 (Canada).



Ngoài ra Ủy Ban Cứu Người Vượt Biển (BPSOS) của TS Nguyễn Ðình Thắng cũng đã lập những văn phòng tại những thành phố sau đây để giúp đỡ đồng bào ghi danh vào thỉnh nguyện thư. Bạn chỉ cần gọi những số sau đây và sẽ có người giúp nếu gặp trở ngại kỹ thuật hay không biết dùng máy điện toán hay Internet:


-Atlanta (GA): 770-458-6700; Camden (NJ): 856-486-7770; Falls Church (VA): 703-538-2190; Houston (TX): 281-530-6888; Louisville (KY): 502-368-1491; Orange County (CA): 714-897-2214; Philadelphia (PA): 215-334-1500; Silver Spring (MD): 301-439-0505; Bayou La Batre (AL): 251-824-7004; Biloxi (MS): 228-436-9999


Bắt đầu hôm nay các thiện nguyện viên của SNTN sẽ có mặt trước các khu chợ ABC, Phước Lộc Thọ, Thuận Phát… để ghi danh giúp đồng bào.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT