Tuesday, March 19, 2024

Bảy nữ đạo diễn Việt và con đường đến ‘Nghệ Thuật Thứ 7’

Đằng-Giao/Người Việt

ORANGE, California (NV) –Là chương trình đặc biệt của VietFilm Fest lần thứ 10, buổi hội thảo với các đạo diễn, nhà làm phim, diễn viên nữ cuốn hút đông đảo giới trẻ tham dự lúc 4 giờ chiều Thứ Bảy, 13 Tháng Mười, tại rạp chiếu phim AMC Orange 30, Orange.

Hội thảo đoàn gồm bảy phụ nữ có công đóng góp cho điện ảnh Việt Nam: Phạm Thị Hồng Ánh, nữ diễn viên phim “Trăng Nơi Đáy Giếng” (2008), Ngô Thanh Vân, nhà sản xuất phim “Cô Ba Sài Gòn” (2017), vừa được Hội Điện Ảnh Việt Nam đề cử dự giải Oscar 2019, Quyên Nguyễn-Lê, đạo diễn một phần phim “The Labyrinth” (2017), Loan Hoàng, vũ công nhóm đạo thưởng “Hip Hop choreography team Academy Of Villains” và nhà làm phim, Hạnh Nguyễn, viết và sản xuất phim “Hạnh, Solo” (2018), Cao Thúy Nhi, đạo diễn “Nhắm Mắt Thấy Mùa Hè” (2018), và Ngọc Thanh Tâm, diễn viên “Yêu Em Bất Chấp” (2018).

Thực sự, bảy phụ nữ đầy bản lĩnh này nắm nhiều vai trò trong lãnh vực điện ảnh, có người rất đa dạng, từ diễn viên đến đao diễn, đến nhà sản xuất như Ngô Thanh Vân, là một thí dụ.

Trước khi bắt đầu, điều phối viên Trâm Lê, cố vấn ngoại vụ về nghệ thuật và văn hóa thành phố Santa Ana, đề cập đến những khuôn khổ khắt khe mà phong tục Việt Nam đè chặt quanh phụ nữ, như một lời chúc mừng những thành công đột phá của những người từng bị gia đình và xã hội buộc phải “thủ vai” khép nép, nhu mì, đoan trang, hiền thục.

Từ trái, Hồng Ánh, Thanh Vân và Quyên Nguyễn-Lê. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)

Hồng Ánh, khuôn mặt uy tín của điện ảnh Việt Nam, cho biết năm 14 tuổi, cô tưởng cả đời, cô sẽ theo ngành múa vì được tuyển chọn cho sân khấu lớn. Nhưng khi cảm nhận được điên ảnh mới có thể giúp cô diễn tả những tâm tư phức tạp hơn, cô quyết định chọn điện ảnh. Thực hiện được sở thích, cô trở thành diễn viên nổi tiếng trong nước và giành được nhiều giải thưởng tại các cuộc liên hoan phim quốc tế.

Cô chiếm được cảm tình của khán giả qua phim “Người Đẹp Tây Đô,” “Đời Cát,” “Cầu Thang Tối,” “Người Đàn Bà Mộng Du,” “Trái Tim Bé Bỏng,” “Thung Lũng Hoang Vắng,”…

Ngô Thanh Vân, ra đời ở Việt Nam, năm 10 tuổi sang Na Uy, hấp thu văn hóa Châu Âu mười năm. Cô quay lại Việt Nam năm 20 tuổi, là người mẫu, ca sĩ, rồi diễn viên điện ảnh.

Năm 2004, cô được mời tham gia diễn xuất phim “Rouge,” phim tuyền hình 13 tập, chiếu trên AZN Television, khắp nơi tại Châu Á và Úc.

Năm 2017, cô xuất hiện trong “Star Wars: The Last Jedi,” vai Paige Tico, chị của Rose Tico, người “Jedi” cuối cùng. Dù xuất hiện vài phút, vai trò của cô có ảnh hưởng lớn cho nhân vật chính và bộ phim.

Ngô Thanh Vân nói: “Là phụ nữ, tôi không thấy có gì khó khăn cả, nếu mình cố gắng với tất cả khả năng và nhiệt huyết.”

Quyên Nguyễn-Lê, nhà làm phim không tuân theo quy luật thông thường về giới tính, nói: “Gọi tôi là đàn bà thì không sao. Nhưng đừng gọi tôi là đàn ông.”

Cô thích viết và đạo diễn phim phóng sự về giới tính, ký ức và văn hóa. Phim đặc thù của cô, như “Queer Vietnameseness” (2015), “Nước” (2016), được chiếu ở nhiều nơi tại Mỹ, Canada, Úc, Anh và Việt Nam.

Bảy phụ nữ làm phim, bảy chiến thắng của ngành điện ảnh Việt Nam. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)

Loan Hoàng là diễn viên, nhà sản xuất, được biết qua “First Generation” (2017), “Deceptive Practice” (2017) and Carte Blanche” (2018).

Cô nói: “Hồi nhỏ, tôi đến với phim ảnh vì muốn có cớ để khỏi học bài. Nhưng lớn lên, tôi mới thấy sự quan trọng thực sự của ngành này.”

“Trong thời gian học tại đại học UCLA, tôi phải vượt qua nhiều chống đối của gia đình khi tôi muốn nhảy múa trong ‘Los Angeles Street Dance Collective.’ Chuyện con gái mà nhảy nhót ngoài đường là điều khó chấp nhận của cha mẹ tôi.”

Trong thời gian này, cô cũng là thành viên của Strife. TV, tiếng nói của đời sống thành thị và sự phát triển của văn hóa đa chủng tộc trên thế giới. Sau đó, cô là diễn viên nhóm múa toàn nữ “Mix’d Ingrdnts.”

Dịu dàng, khả ái, Ngô Thanh Vân chào đón khán giả tham dự hội thảo. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)

Cô Loan sản xuất nhiều “show” quan trọng cho hãng Nam Hàn “Naver’s,” “WAV Media.” Ngoài ra, cô còn làm nhiều phim ngắn tham dự nhiều liên hoan phim.

Hạnh Nguyễn cho biết làm phim là cách để cô tạo mối quan hệ với người khác. Cô nói: “Phim ‘Hạnh, Solo’ do tôi viết và giữ vai chính, nói lên rằng phải có nỗ lực lớn lao thì mới có thể thực hiện ước mơ.”

Cao Thúy Nhi, sinh trưởng ở Đà Lạt, Việt Nam, học điện ảnh là một trở lực lớn lao của cô, ngoài những cấm đoán của gia đình. Cô phải làm tất cả mọi việc trong đoàn phim, từ nấu ăn trở lên. Cô kể: “Chật vật lắm mới vô nghề được mà khi đi làm tôi cũng phải bị thiệt thòi so với các đồng nghiệp phái nam. Nhưng nhờ vậy, tôi cảm thấy vô cùng vinh dự được ngồi đây với các đàn chị như Hồng Ánh.”

Ngọc Thanh Tâm là diễn viên phim “The Way Station” (2017) của đạo diễn Hồng Ánh, được đề cử trong giải nữ diễn viên xuất sắc giải “Cairo International Film Festival” của Ai Cập.

Cũng như Cao Thúy Nhi, cô ngỏ lời cám ơn và bày tỏ niềm vinh dự được ngồi trong buổi hội thảo với Hồng Ánh.

Nhấn mạnh về những vấn đề khó khăn mà các nhà làm phim ở Việt Nam phải đương đầu, Ngô Thanh Vân nói: “Khoảng 5 năm gần đây, nhiều đạo diễn với nhiều học vấn và kinh nghiệm ở Mỹ về nước làm phim, vô tình gây thêm thử thách cho chúng tôi, nhưng chúng tôi sẵn sàng đối phó.”

Cả bảy phụ nữ trẻ đẹp và thành công này đều đến với điện ảnh vì lòng đam mê tuyệt đối, sẵn sàng hy sinh mọi thứ để góp tiếng nói của phái yếu, phái mà suốt bao năm trong cả một chặng dài lịch sử, bị dồn ép vào giới “thấp cổ, bé miệng.”

Để hưởng ứng và khích lệ những thành quả mà họ đóng góp cho điện ảnh Việt Nam, ca sĩ “chân đất” Khánh Ly cũng đến tham dự buổi hội thảo.

Bên cạnh những cuốn phim hấp dẫn họ cống hiến cho đời, thì đời thật của họ, sự dấn thân của họ – những phụ nữ chọn Nghệ Thuật Thứ 7 làm lẽ sống – là những gương sáng cho bạn nữ khắp nơi trên thế giới noi theo. (Đằng-Giao)


Liên lạc tác giả: [email protected]

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT