Friday, March 29, 2024

Cây kiểng bonsai đua nhau khoe dáng giữa lòng chợ hoa Phước Lộc Thọ

Đằng-Giao/Người Việt

WESTMINSTER, California (NV) – Trong lúc phía trước thương xá Phước Lộc Thọ, Westminster, chợ hoa Tết Quý Mão 2023 tưng bừng nhộn nhịp hoa lá muôn màu, thì cuộc triển lãm cây kiểng bên trong êm đềm, đằm thắm hơn, và dĩ nhiên không nô nức người qua lại như ngoài kia, nhưng lượng người thưởng lãm vẫn đều đều không ngớt.

Triển lãm cây kiểng bonsai của Hội Cây Kiểng Việt Nam bên trong thương xá Phước Lộc Thọ không ồn ào như chợ hoa ở phía trước nhưng đầy vị Tết với những “thì thầm mùa Xuân.” (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)

Cùng với chợ hoa Phước Lộc Thọ mở cửa mỗi ngày từ 10 giờ sáng đến 10 giờ tối cho đến ngày 20 Tháng Giêng, tức 29 Tết, thì triển lãm cây kiểng bonsai và non bộ do Hội Cây Kiểng Việt Nam tổ chức bên trong thương xá Phước Lộc Thọ chỉ diễn ra hai ngày Thứ Bảy và Chủ Nhật, 7 và 8 Tháng Giêng.

Kiểng Xuân thầm lặng trong thương xá

Những cây kiểng bonsai nơi đây đã được các hội viên dày công chăm sóc, uốn sửa; và những tác phẩm non bộ được sáng tạo công phu.

Người coi kiểng, phần lớn là lớn tuổi nhưng thỉnh thoảng cũng có những người trẻ hơn và tỏ vẻ thích thú rất tự nhiên, vô tư.

Cô Cathy Trương, ở Orange, cười: “Ông nội cháu đòi bố cháu chở đi mua cây kiểng như thế này về trồng hoài mà cây chết hoài. Mỗi lần cây chết, ông buồn lắm nhưng ông lại đòi mua thêm nữa. Mẹ cháu dặn ông ‘Mễ cỏ’ là nếu thấy cây bông giấy màu đỏ mà thân to thì bán cho mẹ để mẹ tặng ông làm kiểng. Nhưng chờ hoài chưa có.”

“Ông cháu đang coi hoa Tết ngoài chợ hoa. Ông vừa ở trong này ra đó,” cô thêm.

Có người cho cô biết là có một gian hàng trong chợ hoa bán cây kiểng và giá cũng phải chăng. Cô rối rít cám ơn rồi gọi điện thoại báo cho cha cô ngay.

Bà Nguyễn Thanh Tước, ở Garden Grove, xuýt xoa muốn mua kiểng nhưng cuộc triển lãm này không bán gì cả.

Bà nói: “Tôi hỏi rồi, họ chỉ trưng bày thôi chứ không bán. Ông xã tôi thích lắm. Nếu mà mua được một cây kiểng làm quà sinh nhật cho ông vào Tháng Ba này thì thật tuyệt vời.”

“Ngày xưa ba tôi thường nói, ‘cây kiểng là hai công trình,’ một là trồng tỉa và một là nghệ thuật,” bà thêm.

Ông khách bước sang cho bà hay có gian hàng cây kiểng trong chợ hoa phía trước, bà mừng quá, vội vã rảo bước ra chợ hoa đến độ quên cám ơn.

Có những cây kiểng như đã hàng trăm tuổi thọ. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)

Thấy nhiều người thực sự thưởng thức triển lãm, ông Đan Nguyễn, hội trưởng, rất hài lòng.

“Chúng tôi tổ chức triển lãm kiểng như hôm nay, chủ yếu là vui thôi chứ cực lắm, không có tâm huyết thì không ai muốn làm như vậy đâu,” ông Đan chia sẻ. “Mỗi năm, chúng tôi cố gắng triển lãm ba lần.”

Mục đích triển lãm của Hội Cây Kiểng Việt Nam năm thứ 23 lần này là để lôi cuốn thêm hội viên.

Ông Đan Nguyễn tiếp: “Chơi kiểng là một ‘hobby,’ một thú vui nên càng đông người thì càng vui hơn.”

Trong số khách thưởng lãm, có người tha thẩn chậm rãi ngắm kiểng, có người loay hoay chụp hình, có người bàn tán với bạn bè, hoặc trầm trồ, hoặc nói về cây kiểng của một ai đó ở một nơi nào rất xa nơi đây.

Ông Huỳnh Quang Tịch, ở Irvine, nói: “Tôi mê kiểng bonsai lắm. Năm nào đến coi cây được là tôi thấy vui trong lòng rồi. Nhà tôi có ít kiểng, nhưng toàn là thứ cây ‘vỡ lòng’ như ‘olive,’ lựu hay ‘ficus’ chứ không phải ‘thứ dữ’ như cây ‘pycarantha’ hay ‘California Juniper’ ở đây đâu.”

Cây hồng quả bé bằng đồng xu lôi cuốn bao người. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)

Cây “California Juniper,” theo ông Đan Nguyễn, là loại cây rất khó chịu. Đây là loại cây không thể trồng từ nhỏ mà phải đi đào trên sa mạc.

“Đem cây về, phải trồng tạm trong chậu nhựa một thời gian cho rễ cây thật khỏe rồi mới chuyển sang chậu đất nung. Nhưng nhiều cây đã ba năm rồi mà chết là chuyện thường,” ông Đan cho biết.

Cũng có người ngồi trên ghế sắt quanh khu trưng bày, hoặc ăn bánh mì, hoặc nhâm nhi ly cà phê ngắm kiểng.

Ông Nguyễn Chánh Thành, ở Westminster, cho biết ông rất thích bonsai mà lại ở phòng thuê nên không dám trồng.

“Mỗi lần có triển lãm ở đây là tôi ngồi ngắm cả buổi. Ăn tô mì, đem ly cà phê với mấy chai nước ra đây ‘cắm trại’ tứ sáng tới chiều cũng không chán. Uốn tỉa kiểng bonsai là một công trình điêu khắc sống không bao giờ hoàn tất. Năm nay uốn tỉa xong rồi, năm sau lại bắt đầu nữa,” ông bình phẩm.

“Mỗi năm cây tự đổi kiểu dáng, mình phải nương theo mà sửa đổi. Thú vị lắm. Tiếc là tôi không có nhà,” ông Thành nói tiếp.

Cây kiểng “pyracantha” cũng cuốn hút được nhiều trầm trồ. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)

Chủ Nhật còn triển lãm cây kiểng

“Ngày mai, chắc chắn sẽ có nhiều người trầm trồ nhìn ngắm những chậu kiểng trong cuộc triển lãm của Hội Cây Kiểng Việt Nam và chắc chắn cây ‘persimmon’ [cây hồng quả bé bằng đồng xu] sẽ gây vương vấn cho bao người,” ông Nguyễn Chánh Thành tiên đoán.

“Mai tôi ra đây nữa,” ông Thành quả quyết.

Ông Đan Nguyễn thông báo cho mọi người là vào Chủ Nhật, 8 Tháng Giêng, hội vẫn còn triển lãm từ 9 giờ sáng đến khi thương xá đóng cửa.

Ông cho hay, lúc 1 giờ trưa Chủ Nhật, hội có phần hướng dẫn nghệ thuật uốn tỉa cây tại chỗ.

Hội Cây Kiểng Việt Nam hoạt động được 25 năm.

Để biết thêm thông tin, vào trang web hoicaykiengvietnamusa.com.

Chợ hoa rực rỡ muôn hoa

Sáng Thứ Bảy, 7 Tháng Giêng, nắng ấm vàng làm chợ hoa Phước Lộc Thọ hơ hớ sắc Xuân như để bù lại hai ngày đầu mưa gió.

Các gian hàng đã trưng bày đầy đủ các loại hoa chứ không “rụt rè” như hôm Thứ Tư, 4 Tháng Giêng, ngày chợ hoa nhóm họp nhưng mưa gió bão bùng.

Người bán, người mua lao xao góc phố mùa Xuân.

Đầu năm, một gia đình vàng rực với mai, với cúc. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)

Bà Trương Lê Thanh Thủy, ở Garden Grove, vui vẻ nói: “Tôi sẽ gọi mùa Xuân con mèo năm nay là ‘mùa Xuân đến từ sau lưng dông bão.’ Tuần tới lại có mưa nhưng mùa Xuân sẽ phải đến.”

Bên trong, khách yêu kiểng vẫn nấn ná ngắm nhìn. [qd]

—–
Liên lạc tác giả: [email protected]

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT