Friday, April 26, 2024

Chàng trai Thái, cô gái Việt, và cuộc hội ngộ trên đất Mỹ

Ngọc Lan/Người Việt

WESTMINSTER, California (NV) – Tôi muốn kể tiếp cho mọi người nghe câu chuyện này trong một phong cách bình dị nhất, như những người bạn ngồi kể chuyện cho nhau nghe. Bởi vì, những gì đã diễn ra, ngay từ đầu, đã không theo một phong cách báo chí nào hết, không theo một lẽ thường tình nào hết.

Nếu ai từng nghĩ Hoa Kỳ là mảnh đất giúp nảy sinh nhiều điều kỳ lạ cho cuộc sống, thì chuyện chàng trai Thái Lan cho nữ vận động viên Việt Nam mượn xe đạp trong một cuộc thi đua xe đạp quốc tế tổ chức tại Brunei, giờ đây, lần đầu tiên hội ngộ sau 18 năm trên đất Mỹ, cũng sẽ là một trong những điều kỳ lạ.

Dông dài chuyện xưa

Có lẽ tôi nên bắt đầu kể chuyện từ sau khi tôi nhận lời “nhờ vả” của anh Art, tên đầy đủ là Sakson Aroopong, qua trung gian của một độc giả tên Tuyết Salzman ở La Mirada, California, nhờ tìm kiếm Nguyễn Thị Thanh Huyền, người đoạt huy chương vàng Sea Games 20 vào năm 1999 bằng chiếc xe đạp mà anh Art cho mượn ở “phút 89.”

Tôi nhớ, sau khi làm công việc tìm kiếm Huyền ở Sài Gòn, rồi quay sang email và nói chuyện điện thoại với anh Art ở Idaho vào Tháng Tám, 2015 để hiểu rõ thêm toàn bộ câu chuyện, tôi đã email cho cả hai người cùng một lúc, gửi họ số điện thoại và địa chỉ email của nhau.

Để rồi ngay lập tức, tôi nhận lại được cả email của Huyền và của Art với lời tựa “Triệu lời cám ơn.”

Anh viết, “Tôi muốn nói cám ơn bạn thêm lần nữa đã giúp tôi nối lại mối liên lạc với em gái tôi (nhưng khác cả cha lẫn mẹ). Hôm qua, tôi đã nhận được email của cô ấy. Tôi quá là hạnh phúc khi có thể trò chuyện với Huyền. Việc nối lại được sự liên lạc với Huyền là món quà bất ngờ nhất trong cuộc đời tôi. Tôi đoan chắc 100% rằng điều đó không thể xảy ra nếu không có sự giúp đỡ của bà Tuyết, của bạn.”

Trong khi đó, Huyền viết, “Cuộc đời thi đấu của mình có nhiều kỷ niệm lắm, nhưng nó đi với nhiều sự nghiệt ngã chứ không phải là một kỷ niệm đẹp như vậy… Cám ơn anh Art đã mang đến cho cuộc đời mình một đốm sáng của niềm vui, cùng với niềm vui của chiến thắng, của sự may mắn!”

Anh Sekson Aroonpong (trái) và cô Nguyễn Thị Thanh Huyền (thứ ba từ trái) cùng hai phóng viên Ngọc Lan và Khôi Nguyên, hai người có công “kết nối liên lạc” giữa họ (Hình: Đằng Giao/Người Việt)

Làm xong công việc “kết nối” và nhận được hồi âm của hai người, cả tôi và chị Tuyết đều háo hức chờ đợi cuộc hội ngộ của Huyền và Art, dự tính vào Tháng Giêng, 2016, tại Sài Gòn, như lời anh nói khi đó, “Tháng Giêng, 2016, tôi sẽ trở lại Thái Lan và nếu không có gì thay đổi, tôi sẽ dẫn con gái sang thăm Việt Nam. Tôi hy vọng sẽ gặp được Huyền trong chuyến đi này.” Mặc dù, tận đáy lòng, tôi cảm thấy có chút gì tiên tiếc khi không được chứng kiến giây phút đó.

Tuy nhiên, dự tính đã không thành.

Tôi nghe loáng thoáng rằng, thời gian ấy Huyền có nhiều công việc riêng của gia đình, phải về quê ở miền Bắc để lo toan. Anh Art cũng không thực hiện được chuyến đi như dự định.

Mọi chuyện lắng đi. Tôi lại mải mê theo những phóng sự mới, những đề tài mới.

Câu chuyện “cổ tích Sea Game 20” lui vào một góc. Cho đến gần cuối Tháng Tư năm nay, tôi bất ngờ nhận được email của Huyền báo tin cô sẽ sang Mỹ tham dự ra mắt phim “Blood Road” tại Santa Monica và New York theo lời mời của công ty Red Bull.

Điều Huyền lo lắng là đây là lần đầu tiên cô đến Mỹ, lại không có ai quen biết thân thích, mà nơi mời cũng chỉ tài trợ tiền vé máy bay và chi phí khách sạn đôi ba ngày, trong khi thu nhập của một huấn luyện viên như cô ở Việt Nam chỉ vừa đủ trang trải đời sống thường nhật. Người bàn ra kẻ tán vào khiến Huyền lưỡng lự có nên đi hay không.

“Hãy cứ đi, có thể ở nhà mình, đừng ngại. Cơ hội đến Mỹ không phải ai cũng có,” tôi nói với Huyền như thế. Và có lẽ, lời khuyến khích đó giúp Huyền có thêm quyết định “đi.”

Dĩ nhiên, tôi không thể không hỏi, “Huyền sẽ gặp anh Art ở lần này chứ?”

“Vâng, em sẽ ở nhà chị vài ngày và bay sang South Carolina thăm anh ấy,” câu trả lời của Huyền giúp tôi biết thêm là anh chàng Thái Lan đã dọn sang tiểu bang khác, không còn ở Idaho nữa.

Thật nhanh, tôi nhẩm tính trong đầu, “Họ gặp nhau ở South Carolina, vậy là mình cũng phải bay sang đó để chứng kiến cuộc gặp gỡ.”

Tính vậy, nhưng cũng biết điều kiện tài chánh của công ty hơi khó khăn nên chuyện giải quyết kinh phí cho chuyến đi này là vấn đề cần cân nhắc. Tôi quyết định luôn trong đầu “nếu công ty không chi trả chi phí thì mình tự đi luôn. Cuộc đời của một nhà báo không mấy khi chứng kiến được những chuyện như thế.”

Nhưng, ở đời chuyện gì cũng có chữ “nhưng” mới hấp dẫn. Mình tính không bằng… người khác tính. Anh Art quyết định bay sang California gặp lại cô gái anh cho mượn xe đạp năm xưa.

Ố là la, vậy là họ sẽ gặp nhau ngay trên sân nhà mình, khỏi tốn tiền túi thì niềm vui của mình tăng thêm gấp mười!

Thanh Huyền và Sekson Aroonpong cùng nhóm phóng viên Người Việt trong ngày hội ngộ tại Hoa Kỳ (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)

Và họ đã gặp nhau

Ngày Thứ Tư, 21 Tháng Sáu, anh Art từ South Carolina đáp xuống sân bay LAX lúc 10 giờ 30 sáng.

Cũng ngày này, Huyền từ New York trở lại California lúc 3 giờ chiều.

Tôi ở nhà chờ gặp họ lúc hoàng hôn.

Gần 6 giờ, một số điện thoại từ South Carolina gọi vào máy tôi. “Anh Art,” tôi nghĩ ngay trong đầu.

Thế nhưng, người nói chuyện trong điện thoại chính là Huyền.

Ra là, chàng phóng viên năm xưa đã ở sân bay LAX gần 5 tiếng để chờ đón nàng vận động viên, giờ là một “diễn viên,” để chở nàng đi ăn… Phở 54 trước khi đến “ra mắt” tôi.

Thật lạ, cả ba chúng tôi dường như không có sự xa lạ của những người lần đầu gặp gỡ. Rất tự nhiên. Thân tình. Như sự hội ngộ của những người bạn.

Anh Art vừa cười vừa như hờn dỗi khi kể, “Tôi nhận ngay ra Huyền khi cô ấy từ trong đi ra. Nhưng mà Huyền lại không nhận ra tôi. Cô ấy đi ngang tỉnh bơ luôn.” Thế nên chàng đã phải đi nhanh đến đứng ngay trước mặt Huyền. Đến khi đó, như Huyền nói, “Em ngẩng lên, nhìn thấy anh ấy, mới ớ lên ‘Anh đấy à!’”

“18 năm rồi, ai trong chúng ta cũng già đi. Nhưng tôi nhận ra Huyền ngay,” anh nhắc lại.

Hai người, lần đầu tiên giáp mặt chuyện trò sau lần chụp chung tấm hình một cách vội vã trước khi Art lấy lại chiếc xe đã cho Huyền mượn và “biến mất” nhanh chóng vào Tháng Chín, 1999. Họ ríu rít kể lại câu chuyện của ngày ấy. Một người Thái Lan. Một người Việt Nam. Không thể dùng ngôn ngữ mẹ đẻ để hiểu nhau, họ dùng vốn tiếng Anh ít ỏi của mình để trò chuyện cùng nhau. Không cần văn phạm. Không cần đúng giọng. Không cần tròn câu. Mà họ hiểu hết.

Phở là món ăn đầu tiên trong lần đầu tiên hội ngộ của cô vận động viên Việt Nam và chàng phóng viên Thái Lan tại Hoa Kỳ sau 18 năm (Hình: Facebook Nguyễn Thanh Huyền)

Nếu Huyền đã phải chắt chiu cân nhắc tiền bạc cho chuyến đi này, thì Art cũng đã phải làm việc liên tục nhiều tuần không nghỉ để có thể có mặt tại California.

Cũng như nhiều độc giả theo dõi câu chuyện từ đầu mong chờ, là một “happy ending,” một kết thúc có hậu, khi một người chia tay vợ hơn 10 năm, một người chồng mất cũng đã 10 năm, bản thân tôi cũng từng nghĩ đến một kết cuộc như cổ tích.

Nhưng, lại một chữ “nhưng” không như ý.

“Tôi gặp lại Huyền như gặp lại một người em gái thất lạc đã lâu. Rất mừng. Rất vui. Huyền không chỉ là nữ hoàng đua xe đạp của Việt Nam, mà cô ấy còn là một phụ nữ dũng cảm, một người mẹ tuyệt vời khi một mình nuôi dạy hai đứa con kể từ khi chồng qua đời,” Art nói.

Huyền cũng không giấu suy nghĩ của mình, “Mình coi anh Art như một ân nhân, một người anh, người bạn.”

Tối Thứ Bảy này, họ sẽ lại cùng có mặt ở sân bay LAX, nhưng trên hai chuyến bay khác nhau, một quay về Sài Gòn, một trở lại South Carolina.

Dẫu chưa có được một kết cuộc như nhiều người vẫn còn tin vào những câu chuyện thần tiên, nhưng tôi nghĩ, ai cũng sẽ cảm thấy lòng mình rộng mở hơn, độ lượng hơn và thân thiện hơn sau khi nghe được một câu chuyện đẹp như chuyện tôi vừa mới kể.

—-

Liên lạc tác giả: [email protected]

Mời độc giả xem phóng sự “Chàng phóng viên Thái, nữ vận động viên Việt và cuộc hội ngộ trên đất Mỹ”

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT