Tuesday, April 23, 2024

‘Chết đuối trên cạn,’ khi con đi bơi cha mẹ nên biết

Đằng-Giao/Người Việt

WESTMINSTER, California (NV) – Đối với trẻ em, Hè là lúc trẻ được chơi đùa thỏa thích dưới nước. Nhưng đây cũng là lúc các bậc phụ huynh phải cẩn thận vì những tại nạn liên quan đến nước, đặc biệt là hiện tượng “chết đuối trên cạn.”

Theo đài KABC, Bác Sĩ Richard Kang, thuộc Dignity Health Northridge Hospital Medical Center, khuyến cáo: “Trẻ em có thể chơi dưới nước cả ngày mà không sao cả. Đến khi lên bờ, mãi đến mấy tiếng sau mới cảm thấy khó thở, có thể đưa đến tử vong.”

Đây là tình trạng “chết đuối trên cạn” (dry drowning), một hiện tượng thường xảy ra cho trẻ em, có thể làm cho trẻ em chết y như chết đuối.

Bác Sĩ Bùi Đắc Lộc, có phòng mạch tại Westminster, nói: “Nước vào phổi, thì dù có lên bờ rồi thì vẫn dẫn tới tử vong. Nhưng nguy hiểm hơn, vì ít người để ý, là loại ‘chết đuối trên cạn’ thứ nhì, tên ‘secondary drowning,’ hay còn gọi là ‘delayed drowning.’”

“Tai nạn xảy ra khi nạn nhân bị nước vào miệng hay mũi từng ít một, rồi tích tụ dần dần. Đến một lúc, theo phản xạ tự nhiên, cuống phổi khóa lại, không cho nước vô thêm. Lúc này, nạn nhân có những triệu chứng như ngộp thở, y như đang ở dưới nước mặc dù đã ở trên cạn nhiều tiếng đồng hồ rồi,” ông giải thích.

Anh Eric Hill, chuyên viên cấp cứu (lifeguard) của Seal Beach, California, cho biết những chuyên viên như anh đều biết rằng trẻ em rất dễ bị “chết đuối trên cạn.”

“Triệu chứng thường gặp nhất ở trẻ em dưới 10 tuổi là ho sặc sụa, khó thở, chóng mặt, tức ngực, rất mệt mỏi, buồn ngủ,” anh nói.

“Một điều đặc biệt nữa là các em hay quên, do thiếu dưỡng khí nuôi óc,” anh nói thêm.

Anh nhấn mạnh sự nguy hiểm của “chết đuối trên cạn” là: “Gặp trường hợp này, nếu hô hấp nhân tạo ‘CPR’ không làm các em bình thường ngay, chúng tôi gọi 911 lập tức. Chỉ vài ba phút là trễ rồi.”

Tuy ít xảy ra, “chết đuối trên cạn” vẫn được nhiều chuyên viên cấp cứu lưu ý. Cô Reyna Robles, nhân viên hồ bơi Waterworks Aquatics Huntington Beach, nói: “Chúng tôi được huấn luyện kỹ về bất cứ hiểm nguy gì liên quan đến nước và sẵn sàng ứng phó khi có chuyện. Bản thân tôi chưa gặp ai bị ‘chết đuối trên cạn’ cả, nhưng tôi biết phải làm gì.”

Anh Danny Thomson, nhân viên hồ bơi ở La Brea, cho biết: “Để tránh tình trạng ‘chết đuối trên cạn,’ tôi bình tĩnh thẩm định coi nạn nhân còn tỉnh hay bắt đầu hôn mê và nhịp thở ra sao. Hôn mê hay hơi thở rối loạn, nghĩa là óc nạn nhân đang thiếu dưỡng khí. Trong lúc tôi làm hô hấp nhân tạo thì đồng nghiệp tôi phải gọi 911 liền.”

Vấn đề quan trọng nhất là mọi người không coi thường chuyện “chết đuối trên cạn” và biết những triệu chứng của tình trạng nguy hiểm này.

Để tránh nguy hiểm, một trong những điều các bậc phụ huynh cần quan tâm là không để trẻ em chơi trong hồ bơi khi không được sự cho phép của người lớn.

Nghĩa là hồ bơi phải có cổng và có ổ khóa để các em không tự vào. Không nên để đồ chơi chung quanh, hay bên nổi lều bều trong hồ bơi, tránh việc các em lai vảng quanh hồ.
Khi cho phép trẻ em đến gần hồ bơi, lúc nào cũng phải có người lớn canh phòng cẩn thận. Người canh phòng cần có sự tập trung cao độ và sức khỏe cũng như phải biết bơi.

“Có lần ba tôi ngồi canh con gái tôi ở hồ bơi. Khi nó hụt chân, kêu cứu nhưng cha tôi lúng túng, không biết làm gì vì ông lớn tuổi mà lại không biết bơi. May mà tôi vừa đi làm về, kịp thời lôi nó ra. Bây giờ, ngay cả mấy anh chị nó cũng không được canh nó. Phải là người lớn mới được,” ông Sơn Trần, ở Garden Grove, kể.

Phải biết, một giây sao lãng thôi, như chăm chú nhắn tin trên điện thoại, hay ra mở cửa cho khách bấm chuông, cũng đủ để chuyện đáng tiếc xảy ra.

Lúc nào cũng phải cảnh giác đề phòng khi trẻ em đi bơi. (Hình: edwards.af.mil)

Theo Ủy Ban An Toàn Sản Phẩm Tiêu Thụ (CPSC), 77% trường hợp tử vong xảy ra cho trẻ em dưới 5 tuổi. Hai phần ba những trường hợp tử vong xảy ra cho trẻ em trai dưới 15 tuổi.

Ðể đề phòng chuyện rủi ro cho trẻ em quanh hồ bơi hay bãi biển, vấn đề quan trọng nhất là lúc nào cũng phải có sự giám sát của người lớn từng giây, từng phút.

Tuy nhiên, không phải chỉ có trẻ em là cần được lưu ý. Người lớn và các thiếu niên cũng phải cẩn thận, không coi thường nước và tuyệt đối tránh dùng nhiều rượu bia quanh hồ bơi.

Những người biết bơi mà say rượu hay mệt mỏi cũng có thể chết đuối.

Trở lại chuyện “chết đuối trên cạn,” một trong những biện pháp phòng ngừa là cho trẻ em học bơi. “Khi cảm thấy thoải mái dưới nước, các em biết cách hít thở một cách an toàn và biết nghỉ ngơi đúng lúc,” anh Eric nhắc nhở. (Đằng-Giao)

—————

Liên lạc tác giả: [email protected]

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

MỚI CẬP NHẬT