Thursday, April 25, 2024

Người Mỹ gốc Châu Phi từng đấu tranh cho người tị nạn Việt Nam năm 1978

Mai Phi Long/Người Việt

WASHINGTON, DC (NV) – Một tài liệu có từ hơn 40 năm trước cho thấy cộng đồng người Mỹ gốc Châu Phi từng lên tiếng tranh đấu cho người tị nạn Đông Dương, trong đó đại đa số là người Việt Nam, lúc đó đang sống lây lất tại các trại tị nạn ở Châu Á, không biết tương lai đi về đâu, nhưng ngày nay có nhiều người thành công, cả về tiền tài lẫn danh vọng, trong xã hội Hoa Kỳ.

Tài liệu do tổ chức Southeast Asian Freedom Network (SAFN) đưa ra cho thấy từ cuối thập niên 1970, nhiều tổ chức nhân đạo vận động các chính phủ tiếp nhận cho “thuyền nhân” định cư.

Tại Hoa Kỳ, các lãnh tụ người Mỹ gốc Châu Phi lên tiếng kêu gọi chính quyền tiếp nhận người tị nạn Đông Dương, mà trong đó, đại đa số là người Việt.

Lời kêu gọi trên của cộng đồng này được tổ chức International Rescue Committee (Ủy Ban Giải Cứu Quốc Tế) đăng trên nhật báo The New York Times ngày 19 Tháng Ba, 1978.

Nỗ lực đưa tài liệu ra ánh sáng

Hôm Thứ Sáu, 5 Tháng Sáu, phóng viên nhật báo Người Việt có nói chuyện với ông Sarath S. Suong, đồng giám đốc SAFN, một tổ chức được thành lập hơn 20 năm nay. Đây là tổ chức tranh đấu cho quyền lợi những người tị nạn Đông Dương trước các vấn đề khó khăn về di trú.

Ông Suong cho biết, ông không phải là người tìm ra tài liệu trên, nhưng ông là người đánh máy xuống từng chữ của bản tuyên bố từ tấm hình chụp toàn trang báo.

Người sưu tầm được tài liệu trên là bà Sokunthary Svay, một phụ nữ gốc Khmer, hiện là giảng viên Anh Ngữ tại trường đại học Queens College, thành phố New York, theo lời ông Suong.

Phóng viên Người Việt tìm cách liên lạc với bà Svay, gọi điện thoại và để lại lời nhắn, nhưng chưa được bà hồi âm.

Tuy nhiên, theo tường thuật trên trang Facebook cá nhân, bà Svay dành năm giờ đồng hồ để tìm tài liệu trên tại kho lưu trữ Brooke Russell Astor Reading Room, trong Thư Viện Công Cộng thành phố New York.

Ông Sarath S. Suong (trái), đồng sáng lập tổ chức Southeast Asian Freedom Network. (Hình: SAFN)

Trên Facebook, bà cho biết bản tuyên bố này, có tựa đề “Black Americans urge admission of the Indochinese refugees” (Người Mỹ gốc Châu Phi khẩn cầu nhận người tị nạn Đông Dương), được tổ chức International Rescue Committee đăng nguyên trang trên phần quảng cáo của The New York Times lúc đó.

Lời tuyên bố này được ông Bayard Rustin viết. Ông Rustin là một nhà tranh đấu dân quyền, được xem là cố vấn chủ chốt cho Mục Sư Martin Luther King Jr. khi lãnh tụ đấu tranh dân quyền còn sống.

Có 80 nhà lãnh đạo và hoạt động xã hội người Mỹ gốc Châu Phi ký vào tuyên bố này.

“Khi đất nước này không muốn chúng ta, những người Mỹ gốc Châu Phi đã tranh đấu để chúng ta được đến Hoa Kỳ,” bà Svay kêu gọi người Mỹ gốc Đông Nam Á chia sẻ tài liệu này để cảm ơn một cộng đồng đã giúp đỡ những người tị nạn Đông Dương, nhưng lại không được nhắc tới.

Bà Sokunthary Svay, giảng viên Anh Văn tại đại học Queens College. (Hình: sokunthary.com)

Tương tự, trên trang Facebook của tổ chức SAFN, ông Suong cũng kêu gọi người tị nạn gốc Đông Dương nên tỏ lòng biết ơn cộng đồng người Mỹ gốc Châu Phi tranh đấu và hy sinh trong suốt chiều dài lịch sử Hoa Kỳ, dọn đường cho một xã hội Mỹ công bằng hơn cho người thiểu số, đặc biệt, trong bối cảnh cái chết của ông George Floyd đang làm Hoa Kỳ đánh giá lại tiêu chí công lý cho những người thiểu số.

Bối cảnh để cộng đồng Mỹ gốc Châu Phi đưa ra lời tuyên bố

Thống kê của Liên Hiệp Quốc cho biết, kể từ năm 1975 đến năm 1997, có tổng cộng khoảng 839,000 người Việt Nam vượt biển, được mệnh danh là “Boat People,” ước tính có đến 10% số người này bỏ mạng ngoài biển khơi, những người còn lại sống lây lất trong các trại tị nạn chờ được đệ tam quốc gia cho định cư.

Số người vượt biển càng lúc càng nhiều, số “thuyền nhân” bắt đầu ứ đọng tại các trại tị nạn, trước thảm cảnh này, nhiều tổ chức trên thế giới kêu gọi các chính phủ mở cửa đón nhận các “thuyền nhân.”

Thuyền nhân Việt Nam ở trại tị nạn Hồng Kông năm 1994, gần 20 năm sau biến cố 30 Tháng Tư. (Hình: Getty Images)

Mãi đến năm 1979, Liên Hiệp Quốc tổ chức hội nghị quốc tế về người tị nạn Đông Dương, thừa nhận quy chế tị nạn cho các thuyền nhân tại các trại ở Thái Lan, Hồng Kông, Malaysia, Indonesia, Philippines, mở đường cho việc cứu xét việc định cư đến một quốc gia thứ ba đón nhận.

Nhưng từ năm 1978, các lãnh đạo chính trị và tổ chức tranh đấu của người Mỹ gốc Châu Phi đã đưa tuyên bố yêu cầu chính phủ Hoa Kỳ nhận người tị nạn Đông Dương.

Ông Bayard Rustin, nhà tranh đấu dân quyền, người viết tuyên bố yêu cầu Mỹ nhận người tị nạn Đông Dương. (Hình chụp từ YouTube)

Nội dung bản tuyên bố được tạm dịch như sau:

New York Times, ngày 19 Tháng Ba, 1978

Tại một số quốc gia Châu Á, hàng ngàn người tị nạn bất hạnh từ Việt Nam, Lào, và Cambodia đang mòn mỏi sống lây lất trong các trại tị nạn. Đối với hầu hết những người này, tương lai của họ bày ra trong nỗi lo sợ: Sự tẩy chay của xã hội ở các quốc gia mà họ trốn khỏi, không công ăn việc làm, và – thậm chí tệ hơn – nếu bị trục xuất về quê hương, chắc chắn cái chết chờ đón họ.

Là những công dân quan tâm từ cộng đồng gốc Châu Phi, một cộng đồng vẫn tiếp tục chịu đựng trước tình trạng kinh tế thiếu thốn đang lan rộng, chúng tôi cảm thương đến những anh chị em người Châu Á tại các trại tị nạn. Thế nhưng, mối quan tâm này cần phải vượt qua lằn ranh an toàn của một sự cảm thông đơn thuần. Chúng ta phải hành động.

Dù có thành ý, nhiều người Mỹ lập luận rằng dù có làm để giải quyết vấn đề cấp bách này, vẫn không khả thi về mặt kinh tế, thậm chí, có thể bùng nổ tệ hại hơn.

Chúng tôi nhận thức rất rõ tình trạng khó khăn rõ rệt của nền kinh tế nước Mỹ hiện nay, đặc biệt, hệ lụy tàn khốc của sự khó khăn này biểu hiện rất rõ trong cộng đồng người gốc Châu Phi – và chúng tôi cũng biết rằng bất kỳ chương trình hỗ trợ những người tị nạn này sẽ đòi hỏi chi phí kinh tế khiêm tốn.

Tuy nhiên, chúng tôi phản đối xu hướng phi nhân hóa của việc tính giá tiền lên mỗi đầu người tị nạn Đông Dương.

Trong quá khứ, nước Mỹ đã chứng tỏ một khả năng kỳ lạ là luôn thích nghi với những tình huống bất thường, tưởng chừng không thể vượt qua.

Chúng tôi tin rằng nước Mỹ, lại một lần nữa, có thể vươn tay đến một nhóm thiểu số đang tranh đấu để sống còn – những người tị nạn Đông Dương này – để cung cấp cho họ một nơi trú ẩn và niềm hy vọng.

Do đó, chúng tôi kêu gọi Tổng Thống Jimmy Carter và Quốc Hội tạo điều kiện nhập cảnh Hoa Kỳ cho những người tị nạn này giống như tinh thần mà chúng tôi từng kêu gọi quốc gia chấp nhận những nạn nhân của chế độ phân biệt chủng tộc Apartheid từ Nam Phi.

Qua kinh nghiệm tranh đấu gian khổ cho các quyền dân sự, chính trị, và kinh tế, chúng tôi đã học được nguyên lý nền tảng, đó là, không thể bỏ qua bất kỳ cuộc chiến nào chống lại sự thống khổ cho nhân loại.

Cuộc đấu tranh liên tục của chúng tôi cho quyền tự do về kinh tế và chính trị là sợi dây gắn bó chặt chẽ với cuộc đấu tranh của những người tị nạn Đông Dương, những người cũng tìm kiếm sự tự do.

Nếu chính phủ Hoa Kỳ thiếu lòng nhân đạo đối với những con người bị lưu lạc này, thật khó để tin rằng chính phủ đó có thể nhân đạo đối với người thiểu số gốc Châu Phi hoặc cho người nghèo khó ở đất nước này. (Hết)

Ký tên trong bản tuyên bố này, có những nhân vật chính trị hoặc nhà hoạt động nhân quyền người Mỹ gốc Châu Phi nổi bật như:

-Bà Coretta Scott King, quả phụ cố Mục Sư Martin Luther King.
-Mục Sư Jesse Jackson, nhà hoạt động chính trị, từng là ứng cử viên phó tổng thống năm 1984.
-Ông Vernon Jordan, nhà tranh đấu nhân quyền, từng làm cố vấn cho cựu Tổng Thống Bill Clinton.
-Ông Marion Barry, cựu đô trưởng Washington, DC.
-Ông Coleman Young, cựu thị trưởng thành phố Detroit, tiểu bang Michigan.

Thông thường, người ta chỉ nhớ đến các nhà lãnh đạo ký những đạo luật ưu đãi cho mình, nhưng ít ai biết phải có những người khác tranh đấu để dự luật đó đến bàn của người có thẩm quyền đặt bút ký, chuyện này không dễ.

Nhưng, lại càng khó hơn, khi cần phải đưa ra một dự luật mà phải chi thêm tiền trước mắt, như cưu mang người tị nạn. Do đó, người ta mới biết công khó của những người vận động cho những đạo luật nhân đạo cứu người chỉ thấy tốn kém ngân sách trước mắt.

Liệu bằng chứng do bà Sokunthary Svay khổ công tìm kiếm có làm thay đổi sắc màu trong ánh mắt người Mỹ gốc Châu Á nhìn người Mỹ gốc Châu Phi? [đ.d.]

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT