Sunday, May 19, 2024

Đầu Xuân đi xem hoa lan, bonsai, ảnh nghệ thuật trong Westminster Mall

Tâm An/Người Việt

WESTMINSTER, California (NV) – Như thường lệ, nhân dịp đầu Xuân, Hội Hoa Lan Newport Harbor lại tổ chức hội chợ hoa lan và triển lãm nghệ thuật gồm cây cảnh bonsai, cắm hoa và ảnh phong cảnh tại Westminster Mall vào ba ngày 7, 8, 9 Tháng Hai.

Nói chuyện với phóng viên báo Người Việt, ông Hà Bùi, đại diện Ban Tổ Chức cho biết: “Đây là năm thứ 10 chúng tôi tổ chức hội chợ ở Westminster Mall. Lúc đầu chúng tôi chỉ tổ chức mỗi năm một lần, nhưng sau này mỗi năm tăng lên hai lần, một lần vào Tháng Hai và một lần vào Tháng Tám. Hội chợ năm nay có khoảng 15 gian hàng bán hoa lan, trong đó có 5 gian hàng của người Việt.”

“Chỉ có hội chợ vào Tháng Hai mới có một phòng riêng dành cho triển lãm hoa lan. Có khoảng 10 bàn triển lãm, trong đó 4 bàn trưng bày các bộ sưu tập của các hội hoa lan, như Hội Hoa Lan Việt Nam, Hội Hoa Lan Newport Harbor, San Diego… Ngoài ra là các hội  của những nhà vườn thương mại. Nhờ những triển lãm như thế này mới giúp cho khách thưởng lãm hiểu được sự phong phú, đa dạng của loài hoa lan. Đây là một trong những loài cây có họ hàng lớn nhất trên thế giới với khoảng vài trăm loài và 60,000 giống khác nhau,” ông Hà Bùi cho biết thêm.

Gian hàng hoa lan Úc của ông Micheal Phạm, mỗi giỏ từ $150-$400, có giỏ tới $1,200. (Hình: Tâm An/Người Việt)

Khách vắng hơn năm trước vì… virus Corona?

Bà Dung Ngô, ở Santa Ana, một trong những khách thưởng lãm lâu năm của hội chợ hoa lan, nói: “Mỗi năm, cứ nghe có triển lãm ở gần đây, chẳng hạn như Westminster Mall và South Coast Plaza, là tôi đều đi xem. Tôi rất mê hoa lan, nên phải đi để xem năm nay có loài hoa nào đặc biệt hơn năm trước, sau đó mua một vài chậu về trồng. Chơi hoa lan khá tốn kém. Nhà tôi không có nhiều, chỉ vài chục chậu hoa, nhưng chậu nào cũng ra hoa rất đẹp, ra hoa hàng năm, khiến tôi rất hạnh phúc.”

Cũng theo bà Dung, “So với mọi năm, hội chợ năm nay có vẻ ít hoa lan hơn mọi năm và khách thưởng lãm cũng ít hơn.”

Khách thưởng lãm hoa lan không chỉ ở quanh vùng Nam California mà còn có khách phương xa. Trong số đó có ông Lê Quang Minh và bà Tạ Ngọc Yến, cư dân ở thành phố Montreal, Canada sang Little Saigon chơi từ dịp Tết Nguyên Đán.

Bà Yến cho biết: “Tôi rất thích chụp hình hoa lan, vì màu sắc của nó rất đẹp, rất phong phú, đa dạng. Chúng tôi đã đi thưởng lãm nhiều show hoa lan ở Mỹ và cả các nước khác như Brazil, Singapore, Nhật. Trong đó Brazil là nước có rừng Amazon nên có nhiều loài hoa lan rất lạ và đẹp vào bậc nhất.”

Các gian hàng bán hoa lan được bố trí dọc ở các hành lang khu vực lầu 2 trước cửa JCPenney. Theo nhận xét của ông Michael Phạm, chủ một gian hàng bán lan, thì “khách năm nay có vẻ ít hơn các năm trước. Tôi không biết rõ lý do tại sao nhưng tôi đoán một phần vì người ta ăn Tết vừa xong, thêm vào đó là dịch virus Corona.”

Nhiều gian hàng của người Việt tham gia hơn

Theo lời ông Hà Bùi, đại diện Ban Tổ Chức Hội Chợ, thì năm nay có 5 gian hàng của người Việt, trong tổng số 15 gian hàng.

Gian hàng của anh Đức Huỳnh thu hút rất nhiều giới trẻ vì những mẫu cây xương rồng rất độc đáo, nhỏ, vừa túi tiền. (Hình: Tâm An/Người Việt)

Gian hàng của ông Michael Phạm, ở Lake Forest, chỉ bán đúng một loại lan, đó là lan Úc (Dendrobium). Ông cho biết: “Tôi đi làm hãng cho nên trồng lan lúc đầu là sở thích thú vui chứ không phải một nghề kiếm sống. Sau đó tôi lai tạo ra nhiều quá, mới tính tới chuyện tham gia triển lãm để bán bớt đi. Lúc đầu tôi trồng lan đất (Cymbidium), nhưng sau đó thấy giống lan này nhiều người trồng quá, giá không còn cao nữa, tôi chuyển sang lan Úc.”

“Giống lan này rất dễ thích nghi với khí hậu ở California, dễ trồng, phát triển nhanh, nhất là nơi có nhiệt độ ban ngày và ban đêm chênh lệch nhau lớn hơn 20 độ. Hoa có mùi rất thơm, tỏa hương thơm ngát từ 10 giờ sáng tới ba giờ chiều và thường nở vào dịp Tết, nên nhiều người ưa trồng,” ông Micheal cho biết thêm.

Mỗi chậu hoa Lan Úc của ông, có giá từ $150 tới $400, đặc biệt có chậu giá tới $1,200. Tại vườn nhà ông hiện có 3,000-4,000 chậu lan Úc nhưng ông cho biết chỉ có khoảng 100 chậu có hoa đẹp mang đi hội chợ được. “Vì giá của lan Úc còn khá cao nên mỗi mùa hội chợ, tôi cũng kiếm đủ chút tiền cho gia đình đi nghỉ dưỡng hàng năm,” ông chia sẻ.

Cách đó vài chục bước chân là gian hàng của anh Đức Huỳnh, cư dân Westminster, chuyên về các loài cây trang trí nhỏ như xương rồng, sống đời. Với mức giá từ $5 đến $30 mỗi cây, chủng loại phong phú, đa dạng và độc đáo, xem ra hàng của anh bán khá chạy, vì rất vừa túi tiền với khách hàng, nhất là học sinh, sinh viên và những người trẻ tuổi.

Anh cho biết: “Trước kia thì tôi cũng bán những loài hoa lan như các nhà vườn khác nhưng sau đó tôi nghiệm thấy rằng ở Nam California này, đất chật, người đông, nhà cửa đắt đỏ. Không phải ai cũng có sân vườn, nhà rộng để mà trưng bày và nuôi mấy cây lan thông thường đó. Tôi đã thay đổi, chú ý vào những loài cây cảnh nhỏ, có thể để được mọi chỗ, như trên bàn làm việc, khung cửa sổ. Ngoài ra loài cây này không đòi hỏi phải tưới nước chăm sóc thường xuyên, thích hợp với cuộc sống vội vã, năng động của các bạn trẻ.”

“Được giới trẻ ủng hộ, nên ngoài bán ở các hội chợ, tôi còn bán trên eBay. Với khoảng 300 sản phẩm khác nhau, mỗi tháng tôi bán được khoảng 5,000-7,000 sản phẩm. Tôi bán hàng đến nay đã hơn mười năm và đó là nghề nghiệp chính của tôi,” anh tiết lộ.

Từ thợ nail, trở thành bà chủ gian hàng Tuyết Orchid (phải), nhờ niềm đam mê trồng lan. (Hình: Tâm An/Người Việt)

Cũng như các mùa trước, bà chủ của gian hàng Orchid Design, Angelic Nguyễn, từ San Jose cũng có gian hàng tham gia triển lãm và bán tại hội chợ. Bà cho biết: “Hôm qua khách vắng nhưng hôm nay khách đông hơn rất nhiều, nhưng tôi mải trả lời phỏng vấn các đài truyền hình nên chưa có thời gian bán được bao nhiêu. Tuy nhiên so với mọi năm, tôi thấy khách năm nay ít hơn hẳn. Chắc có lẽ do lo ngại dịch virus Corona nên người ta ít tới hội chợ.”

Gian hàng của bà Tuyết Orchid có lẽ là gian hàng bày bán nhiều hoa lan nhất. Bà chia sẻ: “Mấy chục năm trước tôi là một thợ nail, nhưng vì mê hoa lan quá, tôi trồng mỗi lúc một nhiều. Người ta mê bài bạc, shopping còn tôi chỉ mê có hoa lan, làm đẹp nhà cửa, nên ông xã tôi ủng hộ. Sau này số giỏ lan lên tới vài ngàn thì ông xã tôi gợi ý tôi hãy mở tiệm bán hoa lan. Từ đó tôi bỏ nghề nail, chú tâm vào hoa lan. Từ đó tôi cảm thấy cuộc sống rất thú vị, dù thu nhập có thể không bằng nghề nail nhưng mỗi khi nhìn một nụ hoa lan hé nở, là lòng tôi tràn ngập niềm vui.”

Triển lãm hình ảnh và cây kiểng bonsai

Nằm ở lầu 1, trước cửa Target là hai phòng triển lãm, dành cho ảnh nghệ thuật, cắm hoa và trưng bày cây kiểng bonsai.

Có khoảng 22 bức hình đem tới trưng bày, trong đó hầu hết là hình phong cảnh thiên nhiên hoang dã, do nhóm nhiếp ảnh Góc Nhìn thực hiện.  Phụ trách phòng nhiếp ảnh vào chiều Thứ Bảy là anh Dean Vũ, giảng viên hội nhiếp ảnh PSCVN, đồng thời là thành viên nhóm Góc Nhìn.

Anh Dean cho biết: “nhóm Góc Nhìn gồm một số nhiếp ảnh gia có chung quan điểm nghệ thuật, thường đi với nhau để sáng tác ảnh. Chúng tôi tham gia triển lãm cùng với Hội Hoa Lan do anh Hà Bùi tổ chức ở Westminster Mall đã lâu và chỉ tham gia ở đây mà thôi.”

Phòng triển lãm ảnh và cây bonsai nằm ở lầu 1, trước Target, ở Westminter Mall . (Hình: Tâm An/Người Việt)

Bên cạnh các bức ảnh nghệ thuật, là hàng chục cây kiểng bonsai đủ loại và các tác phẩm nghệ thuật cắm hoa tươi được trưng bày dọc theo các bức tường kiếng trong Westminster Mall.

Ông Mỹ Phạm, ở Rosemead, là thành  viên Hội Cây Kiểng Việt Nam đã 15 năm, chia sẻ: “ Đây là cây ô liu. Hơn 10 năm trước lúc tôi đang đi trên đường Brookhurst, tôi thấy người ta đang đốn đi một gốc cây oliu cổ thụ rất lớn, mấy người ôm mới hết. Tôi bèn xin họ một phần gốc về, rồi tôi cưa ra, tạo thành bốn cây bonsai như thế này. Giống oliu rất dễ giâm cành, chỉ cần mang về để vào cát, chùm bao nylon lại như nhà kính để giữ ẩm, một thời gian là cây ra rễ. Các cành con của nó là hoàn toàn tự nhiên mọc ra từ gốc, hoàn toàn không ghép gì hết.”

Có rất nhiều gốc cây được đưa về từ bờ bụi, hàng rào hay trên đường đi mà người ta vứt bỏ như vậy, nhưng qua bàn tay và khối óc đầy tính sáng tạo của các nghệ nhân, cái gốc cây trở thành một tác phẩm nghệ thuật vô giá. Mỗi tác phẩm đó phải dành từ 5 năm đến 15 năm chăm sóc, tỉa tót, tạo hình, thậm chí phải ép cho cây không phát triển, ra lá nhỏ, hoa trái đều nhỏ nhìn như mô hình cây thật mà được thu nhỏ, lại phải có dáng nghệ thuật, có hồn. Điều này thật không dễ.

Cây si của nghệ nhân bonsai Sam Từ cũng độc đáo không kém. Nhìn thế cây si với tán lá xum xuê,  chằng chịt rễ phụ ôm lấy gốc cây cổ thụ, khiến người ta gợi nhớ về hình ảnh làng quê Bắc Bộ với dáng cây đa, bến nước, mái đình. “Cây si này khoảng 60 năm tuổi rồi. Tôi gắn bó với nó cũng 16, 17 năm nay. Nó như đứa con tinh thần của tôi, cho nên tôi sẽ không bán, chỉ mang đi trưng bày để mọi người cùng thưởng lãm,” ông nói. (Tâm An)

—-
Liên lạc tác giả: [email protected]

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT