Friday, April 26, 2024

Bé Ký, nữ họa sĩ nổi danh trong hội họa Việt Nam, qua đời

WESTMINSTER, California (NV) – Nữ họa sĩ Bé Ký, một tên tuổi gắn liền với hội họa của người Việt Nam, qua đời vào chiều Thứ Tư, 12 Tháng Năm, tại nhà ở Westminster, hưởng thọ 83 tuổi.

Tin này được ông Hồ Thành Cung, con trai của họa sĩ Bé Ký, xác nhận với nhật báo Người Việt.

Nữ họa sĩ Bé Ký. (Hình: Gia đình cung cấp)

Ông Cung kể: “Mẹ mất vào khoảng 2 giờ đến 6 giờ chiều. Tôi về nhà thì thấy bà mất trong lúc ngủ và đang nắm tay ba. Mẹ tôi không chỉ là một người mẹ bình thường, và còn là một họa sĩ thành công với nhiều tác phẩm đầy tình mẹ con.”

Họa sĩ Bé Ký tên thật là Nguyễn Thị Bé, sinh năm 1938 ở Hải Dương. Bà mồ côi cha mẹ từ lúc 8 tuổi. Vì vậy, ông Cung cho rằng điều đó ảnh hưởng nhiều tác phẩm của bà, và tạo ra những bức tranh đầy tình mẹ con.

Theo ông, bà sống với cha mẹ nuôi khi vào miền Nam, sau đó tìm lại được cha mẹ ruột sau năm 1975, nhưng họ đã qua đời.

Về phần hội họa, bà tự học vẽ từ nhỏ và được các họa sĩ như Trần Đắc, Trần Văn Thọ và Văn Đen chỉ dạy.

Họa sĩ Bé Ký lúc còn trẻ. (Hình: Gia đình cung cấp)

Từ năm 1957 đến 1975, họa sĩ Bé Ký có đến 16 cuộc triển lãm ở Sài Gòn.

Sau khi đến Hoa Kỳ vào năm 1989, bà cùng chồng là họa sĩ Hồ Thành Đức và gia đình sống ở thành phố Westminster, California. Các tác phẩm của bà cũng được trưng bày tại nhiều cuộc triển lãm tại nhiều tiểu bang, và còn được trưng bày tại Học Viện Smithsonian.

Họa sĩ Nguyên Khai, người cùng thời với họa sĩ Bé Ký, cho hay sự ra đi của nữ họa sĩ Bé Ký là một mất mát lớn đối với hội họa của người Việt Nam vì bà có rất nhiều cống hiến.

Ông nói với nhật báo Người Việt: “Họa sĩ Bé Ký là người phụ nữ Việt Nam đầu tiên theo con đường hội họa này, và có nét vẽ theo đường lối mới rất đặc biệt. Bà tự học vẽ từ nhỏ và bắt đầu vẽ tranh từ lúc còn rất trẻ.”

Theo ông, những tác phẩm của họa sĩ Bé Ký rất phóng khoáng và đầy tinh thần dân tộc, thể hiện được nhiều mặt của xã hội.

Vài tác phẩm của họa sĩ Bé Ký tại tòa soạn nhật báo Người Việt. (Hình: Thiện Lê/Người Việt)

“Tranh của bà có đề tài rất xã hội vì vẽ người bán hàng ngoài đường, hớt tóc, ráy tai, nên ai cũng thích. Từ lúc trẻ, bà được báo chí Pháp ca tụng rất nhiều,” ông chia sẻ.

Cuối cùng, họa sĩ Nguyên Khai nói: “Sự ra đi của bà là mất mát lớn của hội họa Việt Nam, nhất là đối với phái nữ vì bà là đại diện cho họ trong nhiều chục năm.” (Thiện Lê) [qd]

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT