Thursday, April 25, 2024

Học sinh Petrus Ký hải ngoại nhắc chuyện xưa trong Tân Niên Canh Tý

Lâm Hoài Thạch/Người Việt

ANAHEIM, California (NV) – Hội Ái Hữu Học Sinh Trung Học Petrus Ký Nam California thành lập cách đây hơn 32 năm, là nơi hội tụ các giáo sư, các cựu học sinh đồng môn hằng năm trong những lần gặp gỡ, giúp đỡ nhau nơi xứ người.

Trưa Chủ Nhật, 23 Tháng Hai, Hội Ái Hữu Cựu Học Sinh Petrus Ký Nam California tổ chức Tiệc Mừng Xuân Canh Tý tại nhà hàng Golden Sea, Anaheim, với sự tham dự của các cựu giáo sư, cựu học sinh Petrus Ký cùng gia đình và các hội trường bạn.

Bác Sĩ Đỗ Trọng Thái, hội trưởng, cho biết: “Tiệc Mừng Tân Niên là dịp để quý thầy cô và các cựu học sinh gặp nhau hàn huyên tâm sự. Ngoài những hoạt động thường xuyên, hội cũng hoạt động chung với các trường bạn và cộng đồng Việt Nam ở hải ngoại. Ban điều hành hội cũng mong mỏi các bạn trẻ đầy tài năng và nhiệt huyết sẽ đứng ra gánh vác, điều khiển hội ngày càng thêm vững mạnh và thăng tiến hơn.”

Ban tổ chức giới thiệu và mời các cựu giáo sư đến dự lên sân khấu để bày tỏ lòng tri ân trong tình nghĩa thầy trò và đã tặng cho quý thầy cô những món quà kỷ niệm.

Một chương trình văn nghệ với sự đóng góp của cựu học sinh Petrus Ký và các trường bạn như Gia Long, Trưng Vương, Chu Văn An… và nhiều thân hữu khác.

Trong tâm tình của các giáo sư, Giáo Sư Dương Ngọc Sum cho biết ông là một cựu học sinh Peterus Ký từ 1948 đến 1955. Sau khi tốt nghiệp tú tài thì ông về học trường Sư Phạm Sài Gòn từ 1955 đến 1958. Sau khi tốt nghiệp Sư Phạm hạng 3 toàn khóa, giáo sư lại được thuyên chuyển về dạy học tại trường Petrus Ký ngay từ khởi điểm đầu tiên trong cuộc đời dạy học của mình.

“Trong thời gian dạy học, năm 1962, tôi bị động viên nhập Khóa 14 Trừ Bị Thủ Đức. Đến năm 1966, được giải ngũ về dạy học lại tại trường Petrus Ký. Năm 1960 Mậu Thân, tôi lại bị tái ngũ, cho đến 1970, tôi được biệt phái về làm phụ tá Khối Nghiên Cứu và Phát Triển Giáo Dục cho đến 1975. Học sinh Petrus Ký rất có kỷ luật, cho nên học sinh của ngôi trường này sở dĩ học giỏi, đậu nhiều cũng là nhờ kỷ luật nghiêm khắc của trường,” giáo sư cho biết.

Ban văn nghệ đồng ca bài “Petrus Ký Hành Khúc.” (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Cũng theo Giáo Sư Dương Ngọc Sum, trường Petrus Ký lúc bấy giờ có môn học khá đặc biệt là môn Ðức Ngữ, vì lúc bấy giờ Chính Phủ VNCH giao lưu với nước Ðức rất mạnh trong vấn đề văn hóa giáo dục, cử học sinh du học tại Ðức trong nhiều bộ môn, với ý nghĩ giúp nền khoa học kỹ thuật nước nhà được tiến bộ.

Bác Sĩ Phạm Gia Cổn, chưởng môn Khí Công Hoàng Hạc, cựu học sinh Petrus Ký, ra trường tú tài 2 năm 1961, tâm tình: “Trường Petrus Ký có đặc điểm là kỷ luật rất nghiêm khắc đối với học sinh, nên hầu hết các học trò của ngôi trường này rất tử tế, và phần nhiều đều học giỏi. Ngày xưa, trong đám học trò thời trung học, người ta thường bảo các học sinh của Petrus Ký toàn nam sinh và Gia Long toàn nữ sinh thường có mối quan hệ như thế nào đó mà chính tôi không hiểu tại sao. Nhưng có điều tôi rất nhớ là hằng năm, cứ mỗi độ Xuân về thì trường Petrus Ký có làm một đặc san Xuân, các cậu học trò như chúng tối rất thích mang báo Xuân của trường mình qua nhờ mấy cô nữ sinh của trường Gia Long ủng hộ.”

Ban điều hành Hội Ái Hữu Học Sinh Trung Học Petrus Ký Nam California. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Cũng theo Bác Sĩ Cổn, thời đó, vì ông là một học trò di cư từ Bắc vào Nam, rồi sau đó được thi đậu vào học trường Petrus Ký. Vì có rất nhiều học sinh ở Sài Gòn cũng như các tỉnh miền Nam lúc bấy giờ xin thi tuyển vào trường này rất đông, nhưng thi đậu thì rất ít, cho nên được là học sinh của trường Petrus Ký thì rất hãnh diện.

“Trường Petrus Ký còn có đặc điểm là các vị thầy gọi học trò là em, chớ không gọi là con như cách xưng hô của thầy trò ở miền Bắc. Vì thế, tôi có suy nghĩ là người anh thì lo lắng cho đàn em suốt đời, nhưng thầy hay cha cũng vậy, khi ra đời thì thầy không còn lo lắng cho học trò nữa. Nhưng phần nhiều thì người anh thì lúc nào cũng lo cho người em của mình trong cuộc sống ngoài xã hội, nên tình anh em mới thắm thiết hơn. Một thí dụ điển hình là khi vào quân đội, thường thì huynh trưởng lo cho đàn em chứ không ai lại quay về làm phiền ông thầy hay cha mẹ cả,” Bác Sĩ Cổn chia sẻ thêm.

Vợ chồng Giáo Sư Phạm Thị Huê. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Khi đất nước còn trong lửa binh, có nhiều học sinh từ miền Trung phải di chuyển về miền Nam để tiếp tục việc học hành, và có một số cũng được vào trường Petrus Ký. Ông Lê Anh Dũng, tức nhà văn Lê Tâm Anh, học Petrus Ký chỉ có năm Đệ Nhất kể: “Ngày xưa, tôi là cựu học sinh của trường Tăng Bạt Hổ, Bình Định. Vì chiến tranh nên 1963, gia đình chúng tôi phải di chuyển về Nha Trang thì tôi là học sinh của trường trung học Võ Tánh, Nha Trang. Sau khi tốt nghiệp Tú Tài 1 tại Nha Trang, gia đình tôi lại di chuyển vào Sài Gòn, rồi tôi được học lớp Đệ Nhất tại trường Petrus Ký.”

Thật ra, tuổi học trò thì ít nhiều gì cũng có sự đụng chạm, lấn cấn trong giới học sinh trung học, nhưng rốt cuộc rồi thì họ vẫn là một thời áo trắng học trò cùng trường cùng lớp, biết thông cảm và thương yêu nhau cho đến khi ra hải ngoại.

Hình lưu niệm cựu giáo sư và học sinh Petrus Ký. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Ông Lê Anh Dũng kể tiếp: “Khi mới vào học tại trường Petrus Ký thì tôi bị một số anh em học sinh tại Sài Gòn kỳ thị, vì họ cho rằng mình có xuất xứ từ học trò nghèo miền Trung. Tôi còn nhớ lúc học tại Petrus Ký, tại chỗ đậu xe cho học sinh thì tôi thấy học trò gốc ở Sài Gòn đi bằng xe Honda hay các loại xe gắn máy khác, còn tôi vì nghèo nên đi học bằng chiếc xe đạp cũ mèm. Vì thế, có một số anh em học sinh không cho mình đậu xe đạp gần chỗ đậu xe gắn máy của họ. Tôi tức quá mới nói với họ rằng, ‘Tôi cho mấy anh biết, tôi là dân Bình Định.’ Nghe đến dân Bình Định thì họ lại tưởng mình có võ Bình Định, nhưng thật ra thì tôi đâu có học võ Bình Định gì đâu. Rồi cũng kể từ đó, các anh em học sinh Sài Gòn cũng là bạn thân thiết của tôi cả.”

Trong số khách mời đến dự, Giáo Sư Phạm Thị Huê, chủ tịch Câu Lạc Bộ Hùng Sử Việt Nam California, tâm tình: “Chồng của tôi là cựu học sinh Petrus Ký, nên những buổi họp mặt của cựu học sinh Petrus Ký thì chúng tôi đều có mặt theo lời mời của ban tổ chức. Nhất là trong những buổi tổ chức mừng Xuân mới của Hội Ái Hữu Petrus Ký Nam California đã nói lên tinh thần ‘Tôn sư trọng đạo’ và tình người đồng môn trên xứ người.” (Lâm Hoài Thạch)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT