Friday, April 26, 2024

Cựu đại úy Biệt Kích VNCH chết vì COVID-19, vợ không có tiền để nhận cốt

Đằng-Giao/Người Việt

ANAHEIM, California (NV) – Ông Phạm Hữu Nhơn, 95 tuổi, qua đời trưa Chủ Nhật, 10 Tháng Năm, tại Windsor Healthcare, Anaheim, để lại vợ là bà Tô Hiền, 86 tuổi.

Ông Nhơn, cựu đại úy Biệt Kích Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, chết vì bệnh COVID-19, khởi đầu cho bao nhiêu hệ lụy mà người vợ bên ông suốt 66 năm dài phải gánh chịu. Hai người con ruột của ông còn ở Việt Nam.

“Gia tài tui còn có $76 đồng bạc thôi” 

Như người đang lạc giữa tỉnh và mơ, bà Hiền nói: “Ông ấy chết vì vi trùng ‘Cô Rô Na’ gì đó. Không trả tiền, họ đốt ông ấy rồi quăng ra biển, tội lắm. Mà trả thì đào tiền đâu ra.”

Ông Đặng Hồng Phước, một người tự nguyện chăm sóc vợ chồng ông Nhơn hơn 10 năm nay, giải thích rằng, vì qua đời do bệnh COVID-19, theo lệnh, người ta sẽ phải thiêu xác ông Nhơn.

“Chỉ khác có một điều là, nếu có tiền, người ta sẽ giao tro cốt cho thân nhân, còn nếu không tiền thì họ sẽ coi như xác vô thừa nhận, thiêu xong, họ sẽ đổ tro cốt ở đâu đó,” ông Hồng Phước nói.

Ông chặc lưỡi: “Người mình tối kỵ chuyện này. Người mình quan niệm rằng ‘sống có nhà, chết có mả’ mà không làm được như vậy thì buồn lắm.”

Bà Hiền lẩm bẩm lập lại: “Sống có nhà, chết có mả.”

Nỗi buồn không được chôn chồng trĩu nặng trên gương mặt vàng vọt, bà nói: “Thôi thì không xây mả cho ông ấy được thì tui chỉ còn biết cầu mong đem được cốt ông về thờ cho phải đạo. Không biết được không nữa.”

Khẽ lắc đầu thông cảm, ông Hồng Phước lập lại một điều ông đã phải nói đi, nói lại nhiều lần: “Để con nói bác Hai nghe, muốn người ta giao cốt cho mình, bác phải có $3,500 lận.”

“Mà nếu không đóng tiền lẹ lẹ cho họ thì cũng không kịp đâu,” ông tiếp.

Ông phân trần: “Con có thể xin con cháu con mỗi đứa một vài trăm thôi; phần con, con cũng đâu có nhiều.”

Bà Hiền lo lắng nói: “Trời ơi, bây giờ hết thảy gia tài tui còn có $76 đồng bạc thôi.”

Ông Phạm Hữu Nhơn (giữa) thuở sinh tiền. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)

Nhìn nắng chiều ngoài cửa, bà trả lời một câu hỏi không ai hỏi: “Ăn gì đâu. Sáng giờ tui có ăn gì đâu. Ồ, tui có ăn mấy ‘đũa’ mì gói thôi, với uống nửa ly cà phê tui pha cho ông ấy hồi sáng thôi.”

Chỉ tay về cái bàn thờ rộng bằng hai gang tay ở góc phòng, bà nói: “Cầu cho mau có hình thờ, tui để ở đó rồi cúng cà phê kẻo ông ấy thèm.”

Cô Nguyễn Lam Châu, chủ tịch Hội Những Tấm Lòng Vàng, trấn an bà: “Con đã hứa với bác là hội tụi con sẽ làm cái hình bác trai thiệt đàng hoàng để bác thờ. Bác đừng lo chuyện này nữa.”

“Không có nắm tro để thờ phụng thì cái bụng nó xốn xang lắm” 

Ông Hồng Phước thở dài ái ngại rồi ôn lại chuyện vì sao ông muốn giúp vợ chồng ông Nhơn.

Ông kể: “Mười mấy năm về trước, khi hai người mới qua đây diện HO, tôi tình cờ gặp hai bác. Thấy bác trai bằng tuổi với cha tui mà tính tình cũng hiền lành như vậy nên tui muốn giúp đỡ.”

Khi biết vợ chồng ông Nhơn đang bị chủ nhà ở sau chợ ABC, Westminster, đuổi ra vì thấy ông lớn tuổi, ông Hồng Phước bỏ công ra giúp họ tìm chỗ ở.

“Ai cũng vậy thôi. Họ thấy ông ấy lớn tuổi, sợ chết trong nhà họ. Cầm lòng không đặng, tui đọc báo, kiếm không biết là bao nhiêu chỗ thì mới kiếm ra chỗ này (ở đường Newland, Westminster),” ông Hồng Phước kể. “Ba tui mất rồi mà con cái hai bác ở xa, giúp gì được thì tui giúp, tui không nề hà.”

Những năm gần đây, sức khỏe cả hai vợ chồng ông Nhơn suy giảm thấy rõ. “Có bữa bác gái đẩy xe đi chợ rồi bị xỉu giữa đường, cảnh sát phải gọi 911 chở vô bệnh viện Fountain Valley,” ông Hồng Phước kể. “Bữa đó bác trai lo lắng ra mặt. Tội lắm.”

Ông Đặng Hồng Phước, người hết lòng chăm sóc vợ chồng bà Tô Hiền. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)

Rồi trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát, ông Nhơn trở bệnh.

Ông Hồng Phước tiếp: “Bữa đó, ghé thăm, tui thấy bác nằm co quắp trên giường. Lập tức, tui gọi cấp cứu rồi họ đưa bác vô bệnh viện Huntington Beach.”

Một thời gian sau, họ chuyển ông Nhơn sang viện dưỡng lão Windsor Healthcare, Anaheim. Vì đại dịch, bà Hiền không thể vào thăm chồng. Nhưng một tuần mấy lần, ông Hồng Phước giúp bà gọi điện thoại vô thăm chồng.

“Thứ Năm tuần rồi, nghe bác trai nói giọng ‘rổn rổn,’ tui mừng quá trời,” ông Hồng Phước kể.

Không ngờ, Thứ Bảy, ông Nhơn bị sốt nặng.

Ông Hồng Phước nói: “Cô Vân là y tá thường cho bác Nhơn ăn, nói rằng cô không được vô phòng bác nữa, còn mấy y tá vô phòng bác phải mặc quần áo như phi hành gia vậy.”

Ông hạ giọng: “Rồi Chủ Nhật… Chủ Nhật…”

Chủ Nhật, 10 Tháng Năm, ông Hồng Phước được báo tin rằng ông Phạm Hữu Nhơn đã từ trần lúc 3 giờ rưỡi trưa vì bệnh COVID-19.

Bà Tô Hiền (phải) và cô Nguyễn Lam Châu, chủ tịch Hội Những Tấm Lòng Vàng. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)

Nhìn bà Hiền xót xa lo cho chồng, ông Hồng Phước không nén được tiếng thở dài. Ông biết nguyện vọng duy nhất của bà bây giờ là được nhận tro cốt chồng để có thể thờ phụng ông một cách trang nghiêm mà thôi.

Chợt tỉnh táo được một phút, bà Hiền nhìn quanh gian phòng chật chội rồi nói: “Người chết mà không có mồ mả thì ít ra cũng phải có khói, có nhang chớ.”

Giọng xa xăm, bà tiếp: “Ông ấy ‘đi’ rồi, theo ông, theo bà, về núi, về non rồi mà không có nắm tro để thờ phụng thì cái bụng tui, sao mà nó xốn xang lắm.”

Nói rồi bà thở dài, mắt đùng đục màu tuổi tác.

Khi hay tin, cô Mimi, chủ nhân công ty South West Sun Solar, nhiệt tình ủng hộ bà Hiền tài chánh qua Hội Những Tấm Lòng Vàng như đã từng làm nhiều lần trong quá khứ.

Muốn giúp bà Hiền, xin liên lạc Hội Những Tấm Lòng Vàng qua số điện thoại (714) 376-3027. (Đằng-Giao) [qd]

—–
Liên lạc tác giả: [email protected]

MỚI CẬP NHẬT