Little Saigon

Cựu quân nhân ngành An Ninh Quân Đội VNCH mừng Xuân Kỷ Hợi

WESTMINSTER, California (NV) – Trong bầu không khí thân mật giữa những niên trưởng cùng các gia đình chiến hữu đồng môn, chiến hữu bạn trong tinh thần huynh đệ chi binh, Hội Ái Hữu An Ninh Quân Đội Quân Lực VNCH vừa tổ chức tiệc Tân Niên Mừng Xuân Kỷ Hợi 2019 vào trưa Chủ Nhật, 17 Tháng Ba, tại nhà hàng Seafood World, Westminster.

Ông Nguyễn Hồng Thái, hội trưởng kiêm trưởng ban tổ chức, cho biết: “Buổi tiệc hôm nay là để các chiến hữu trong ngành có dịp tề tựu bên nhau hàn huyên tâm sự, cùng chúc cho nhau những lời chúc tốt lành, cũng như biết được ai còn, ai mất, và cũng để tạ ơn thượng đế đã cho chúng tôi còn sức khỏe để có dịp tay bắt, mặt mừng trong cuộc sống nơi đất khách.”

Trong niềm thương tiếc những bạn đồng môn đã nằm xuống cho chiến trường Việt Nam, những mái tóc bạc phơ của những bạn đồng môn còn sống sót trên đất khách đã thành kính tưởng niệm những chiến hữu hy sinh vì đại cuộc.

“Trong buổi họp mặt hôm nay, ngoài việc mừng Tân Xuân Hội Ngộ, chúng tôi cũng muốn ôn lại những kỷ niệm vui buồn khi còn đang phục vụ trong Quân Lực VNCH. Trong cuộc chiến, những chiến hữu trong ngành An Ninh Quân Đội là những chiến sĩ âm thầm hoạt động phản tình báo cũng như bảo vệ quân đội, và các chiến hữu trong ngành cũng có những chiến công trong sự hoạt động âm thầm không ai biết được,” ông Thái nói thêm.

Hai anh em ông Chu Tất Sĩ (trái) và Chu Tất Tiến. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Chia sẻ về ngành An Ninh Quân Đội, chiến hữu Ngô Chí Thiềng rất đau lòng và bất khả kháng phải rời khỏi quê hương trong ngày 30 Tháng Tư, 1975. Theo ông, trước khi Cộng Sản chiếm miền Nam, ông đã từng phục vụ tại Sở 3, Sở 4 An Ninh Quân Đội và Ty An Ninh Quân Đội Biên Hòa, cuối cùng, ông được lệnh thuyên chuyển về Cục An Ninh Quân Đội, Sài Gòn.

“Vào đêm 29 Tháng Tư, 1975, tôi may mắn được một số anh em bên Phủ Đặc Ủy Trung Ương Tình Báo và Phòng 7 Tổng Tham Mưu tức Lôi Hổ có liên lạc với tôi là họ có chương trình di tản về miền Tây bằng một chiếc LCM của Hải Quân, và tôi đã đi theo với phái đoàn đó. Đến sáng 30 Tháng Tư thì chiếc LCM vẫn còn lòng vòng ngoài khơi Vũng Tàu thì chúng tôi nghe radio thông báo là ông Tướng Dương Văn Minh đã đầu hàng. Thế là xong, chúng tôi phải rời khỏi Việt Nam ngay lúc đó,” ông Thiềng kể.

Nói thêm về những người được di tản khỏi Việt Nam trong biến cố 30 Tháng Tư, ông Chu Tất Sĩ, anh ruột của nhà văn Chu Tất Tiến, kể: “Ngày xưa tôi làm trong văn phòng của Chuẩn Tướng Vũ Đức Nhuận, cục trưởng Cục An Ninh Quân Đội. Theo tôi biết, trong số các quân nhân thuộc ngành An Ninh Quân Đội có nhiều người may mắn, vì tình cờ được một vài quan chức của Hoa Kỳ giúp đỡ đưa họ rời khỏi nước trước, nhưng cũng có rất nhiều người cho đến ngày 29 Tháng Tư, 1975, thì vẫn còn bị kẹt lại. Trong lúc hỗn loạn có một số cựu quân nhân trong ngành đưa gia đình xuống Bến Bạch Đằng để đi theo những tàu chiến của Hải Quân, hay may mắn được đi theo những chuyến trực thăng tại Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ và cũng có một số đi theo lối tự túc bằng tàu để vượt biên. Nhưng, vẫn còn rất nhiều chiến hữu của ngành còn kẹt lại và họ đều bị đưa vào lao tù Cộng Sản.”

Ông Lê Anh Tuấn, con của cố Thống Tướng Lê Văn Tỵ, bị bắt ở tù “cải tạo” 13 năm nhưng may mắn khi đang ở tù thì được chủ tịch Hội Nhân Quyền Thế Giới can thiệp nên được sang Mỹ sớm. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Cũng có người được sang định cư tại Mỹ rất đặc biệt, đó là trường hợp của ông Lê Anh Tuấn, cư dân Santa Ana. Theo ông Tuấn, ông là con của Thống Tướng Lê Văn Tỵ. Trong thời chiến, ông là Đại Úy Binh Chủng Nhảy Dù. Sau đó, ông được thuyên chuyển về làm việc tại Cục An Ninh Quân Đội và Phủ Đặc Ủy Trung Ương Tình Báo.

“Lúc Cộng Sản chiếm Sài Gòn thì tôi bị họ bắt ngay. Sở dĩ tôi bị Cộng Sản bắt tại vì có người điềm chỉ. Sau đó, tôi bị đi tù Cộng Sản 13 năm ở trại tù Lý Bá Sơ, Thanh Hóa. Khi tôi đang ở tù thì chủ tịch Hội Nhân Quyền Thế Giới can thiệp là yêu cầu chính quyền Việt Nam phải thả tôi lập tức. Tôi vừa ra khỏi tù thì họ đưa tôi sang Mỹ ngay,” ông Tuấn kể.

Những quân nhân trong ngành An Ninh Quân Đội là một trong nhiều đối tượng để Cộng Sản truy lùng khi họ đã chiếm được miền Nam. Vì thế, có rất nhiều người vừa đi tìm phương tiện để vượt biên và vừa bị Cộng Sản đuổi theo, như trường hợp của ông Tiền Đức Lai.

“Tôi làm việc tại Cục An Ninh Quân Đội từ 1962-1975. Ngày 30 Tháng Tư, 1975, 10 giờ sáng thì Việt Cộng đã vào Sài Gòn. Đến 1 giờ trưa, tôi cùng một số anh em cùng ngành xuống tàu đánh cá chạy ra khơi để tránh Việt Cộng đang truy lùng chúng tôi. Năm ngày sau, tàu chúng tôi đến Tân Gia Ba, và được Hải Quân Hoa Kỳ đưa chúng tôi vào thẳng đảo Guam. Vài ngày sau, họ đưa chúng tôi vào trại Fullerton, California. Và kể từ đó, tôi được vào định cự tại Los Angeles cho đến bây giờ,” ông kể.

Khi Cộng Sản chiếm miền Nam có một số cựu quân nhân trong ngành đã vì không chấp nhận sống với chế độ Cộng Sản nên đã liều mình tử tiết.

Các chiến hữu ngành An Ninh Quân Đội trong tiệc Tân Niên Mừng Xuân Kỷ Hợi do Hội Ái Hữu An Ninh Quân Đội Quân Lực VNCH tổ chức. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Chứng minh điều này, ông Nguyễn Hồng Thái cho biết: “Các chiến hữu tử tiết trong ngày 30 Tháng Tư, 1975 gồm có: Trung Tá Nguyễn Đình Chi, phụ tá Sở 3 An Ninh Quân Đội đã oai hùng tử tiết tại Trụ Sở Trung Ương, Cục An Ninh Quân Đội; Thiếu Tá Lương Bông, phụ tá trưởng Ty An Ninh Quân Đội Phong Dinh tử tiết tại Ty An Ninh Quân Đội Phong Dinh, Cần Thơ; Trung Úy Nghiêm Viết Tảo, trưởng ty An Ninh Quân Đội Giồng Trôm tử tiết tại trụ sở trụ sở thuộc tỉnh Kiến Hòa; Thượng Sĩ Trần Văn Lễ tử tiết tại trụ sở An Ninh Quân Đội Biệt Khu Thủ Đô, Sài Gòn…”

Chương trình văn nghệ “cây nhà lá vườn” với tiếng hát của các chiến hữu đồng môn và thân hữu, với sự yểm trợ của Biệt Đội Văn Nghệ QLVNCH.

Ngành An Ninh Quân Đội VNCH thoát thai từ Quân Đội Pháp. Lúc đầu được mệnh danh là Nha Tổng Giám Đốc An Ninh Quân Đội, trực thuộc Bộ Quốc Phòng. Sau đó, Quân Lực VNCH được cải tổ, cơ chế này được sát nhập vào Bộ Tổng Tham Mưu cùng với các nha sở chuyên môn khác. Sau cùng được đổi thành Cục An Ninh Quân Đội, trực thuộc Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị VNCH.

Nhiệm vụ của Cục An Ninh Quan Đội gồm phản tình báo, tức chống gián điệp và binh vận; chống nội tuyến trong hàng ngũ QLVNCH, cũng như trong các cơ sở quốc phòng; phòng gian bảo mật, tức phản phá hoại, bảo vệ cơ sở, và điều trần an ninh cho các lãnh đạo; giám sát tinh thần về các vi phạm quân phong quân kỷ. An Ninh Quân Đội còn có những hoạt động mà bên ngoài không biết. Có thể nói, An Ninh Quân Đội như một đóa hoa đẹp, mọc trong rừng, chỉ có mình biết giá trị và công dụng mà thôi.

Chức vụ và danh tánh các vị lãnh đạo ngành An Ninh Quân Đội trong quá khứ gồm Trung Tướng Trần Văn Đôn, Thiếu Tướng Mai Hữu Xuân, Thiếu Tướng Đỗ Mậu, Thiếu Tướng Linh Quang Viên, Đại Tá Trang Văn Chính, Thiếu Tướng Nguyễn Ngọc Loan, Đại Tá Trần Văn Thăng, và Chuẩn Tướng Vũ Đức Nhuận. (Lâm Hoài Thạch)

Video: Tin Trong Ngày Mới Cập Nhật

Copyright © 2018, Người Việt Daily News

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút phía góc phải bên dưới của khung video.
Disqus Comments Loading...
Share

Recent Posts

  • NHÀ ĐẤT

Lý do chính khiến việc sở hữu nhà ở Mỹ hiện nay đắt đỏ

Những người mong muốn sở hữu nhà ở Mỹ có thể không gặp may trong…

6 hours ago
  • Xe Hơi

Có nên sử dụng bộ lọc khí thải rẻ tiền?

Một số tiệm chuyên sửa xe Toyota có thể có biết về một số bộ…

6 hours ago
  • Sài Gòn Nhỏ

Làm nail

Song Thao/SGN Ông bạn tôi quả quyết: “Muốn hỏi thăm về người Việt tại một…

7 hours ago
  • Cộng Đồng

Nam sinh lớp 6 gốc Việt đoạt giải “Thi Sĩ Của Năm” ở Boston

Học sinh lớp 6 trường Patrick J. Kennedy School (PJK), Vincent Phan, nhận được “Giải…

9 hours ago
  • Sài Gòn Nhỏ

Chuyện chưa kể của thầy Quyên Di

Khiết Văn/SGN Năm 1979, thầy Quyên Di trở thành cư dân của California. Nơi đây…

9 hours ago
  • Hoa Kỳ

Đổ rác xuống biển, 2 thiếu niên Florida có thể ngồi tù 5 năm

Trong video được đăng lên YouTube, hai thiếu niên này mỗi người đổ một thùng…

10 hours ago

This website uses cookies.