Friday, April 19, 2024

Cựu SVSQ Khóa 18 Thủ Đức họp mặt ‘Hồi tưởng ngày đầu làm lính’

 

Nguyên Huy/Người Việt

GARDEN GROVE, California (NV) – “Tính từ ngày 8 Tháng Sáu năm 1964 đến ngày 8 Tháng Sáu năm 2018, tuổi lính của anh em chúng ta tròn 54 tuổi. Trên nửa thế kỷ. Hơn một nửa đời người. Từ người lính trẻ ngày nào nay ai nấy đều đã ‘thất thập cổ lai hy’. Ở tuổi này, tâm lý thường hay hồi tưởng trước khi chia tay cuộc đời”.

Đó là tâm tư của cựu SVSQ Nguyễn Ngọc Kỳ, hội trưởng Ái hữu SVSQ khóa 18 Thủ Đức, bầy tỏ trong bài diễn văn khai mạc buổi họp mặt lần thứ 6 tại hải ngoại.

Tâm tư của hội trưởng có lẽ cũng là tâm tư của hầu hết anh em trong khóa có mặt. Do đó mà số người đến tham dự đã vượt qua sự dự trù của ban tổ chức là 10 bàn tại nhà hàng Diamond Seafood trên đường Lampson, Garden Grove vào sáng Thứ Bảy 9 Tháng Sáu.

Ông Nguyễn Ngọc Kỳ, cựu SVSQ khóa 18, trưởng Nhóm Ái Hữu khóa 18 SQTB/TĐ bày tỏ tâm tư của Khóa. (Hình: Nguyên Huy/Người Việt)

Hội trưởng nhắc lại những ngày đầu vào lính, mỗi người mỗi tâm tư. Có người hăng say trong cuộc sống mới nhưng cũng có người buồn lo về gia đình. Đó là những công chức đang làm việc thì được gọi động viên nhập ngũ, nhưng nhớ đến lời ca “đi quân dịch là thương nòi giống” và sự xâm lược của cộng sản Bắc Việt gia tăng khiến những người trai đất Việt đã tạm gạt nợ thê nhi mà dốc lòng “đi vào nơi gió cát”.

Những ngày đầu vào lính, chịu bao gian khổ rồi cũng qua. Ngày ra trường anh em như những cánh chim xoãi cánh về khắp các quân binh chủng trong QLVNCH góp vào những chiến tích lẫy lừng của QLVNCH. Nhưng thời thế đổi thay, đồng minh phản bội bắt tay kẻ thù, phá đổ thế giới.

Năm mươi tư năm trôi qua, những người trai chinh chiến đã phải trải qua biết bao vinh nhục não nề nước mất nhà tan, thân phận lênh đênh xứ người. May mà chính phủ và nhân dân các nước tự do, đặc biệt là Hoa Kỳ đã giơ tay đón đỡ chúng ta, giúp chúng ta làm lại được cuộc đời, xây dựng được một thế hệ kế tiếp hầu hết đã thành công trong cuộc sống.

Hội trưởng Nguyễn Ngọc Kỳ cũng không khỏi xúc động khi nhắc đến thời gian gần đây, một số anh em đã “vẫy tay chào nhau một lần cuối và trọn cuộc đời” nên một số đông anh em của khóa 18 đã thúc giục chúng tôi “còn ù lì gì nữa mà không tổ chức ngày họp khóa kỷ niệm ngày nhập ngũ, ngày đầu tiên làm lính.”

“Thế là anh em chúng ta có ngày hôm nay, xin cùng nhau vui đón cuộc hội ngộ này,” ông Ky kết thúc bài diễn văn khai mạc.

Vào lúc này các cựu SVSQ khóa 18 Thủ Đức cùng gia đình đã ngồi kín 10 bàn tiệc của nhà hàng. Nhưng ngoài cửa vào, khách đến vẫn còn lũ lượt. Một bàn được kê thêm rồi một bàn nữa… Tiếng reo vui gặp lại nhau vang vang khắp phòng tiệc. Những bàn tay nắm chặt. Những vòng tay ấm tình đồng khóa. Niềm vui còn được thấy nhau trên chặng đường cuối cuộc đời như được thổi phồng lên nên không khí buổi họp mặt thật là ấm cúng và thân mật như một bữa tiệc trong gia đình.

Các cựu SVSQ k.18 rôm rả trò chuyện trong ngày họp mặt. (Hình: Nguyên Huy/Người Việt)

Theo ông hội trưởng Nguyễn Ngọc Kỳ cho biết thì “anh em chúng tôi không tổ chức thành một hội với các chức chủ tịch, phó chủ tịch nội ngoại vụ v.v… mà tùy theo nhu cầu, anh em thấy nhớ nhau, muốn gặp gỡ nhau là lại ủy cho chúng tôi kêu gọi họp mặt riết rồi cũng thành lệ nên hàng năm thế nào anh em cũng phải gặp nhau một hai lần thường là vào ngày kỷ niệm của đời lính và dịp Tết đến Xuân về.”

Cho biết về hoạt động của “nhóm” SVSQ khóa 18 Thủ Đức, ông Kỳ nói “Vì không là một tổ chức hoạt động có giấy phép của chính quyền nên chúng tôi không gây quỹ. Nhưng với tinh thần tương trợ đồng khóa chúng tôi chia sẻ với nhau trong những biến cố của nhau như quan hôn tương tế, giúp đỡ một vài anh em thương phế binh cùng khóa còn ở lại trong nước.”

Cựu Đại Úy Nguyễn Kim Quang cùng phu nhân là Bích Liễu giúp vui trong chương trình văn nghệ “Lính” vui vẻ nói: “Chúng tôi hò nhau lên hát cho vui cửa vui nhà, nhớ lại những ngày vào lính mới để ý đến những ca khúc thời chinh chiến như bài ‘Ai Nói Với Em’ mà nhà tôi rất hay hát vào lúc bấy giờ. Hôm nay chúng tôi song ca để cùng anh chị em khóa 18 chia nhau tận hưởng niềm vui họp mặt.”

Chị Bích Liễu, mặc chiếc áo dài rằn ri của lính, cho biết: “Có chồng là lính thời ấy ai cũng lo nhưng chúng tôi, những cô gái đang thì vẫn không sợ, yêu là lấy thôi. Vả lại khi ấy không lấy lính thì lấy ai, thanh niên ai cũng đều phải đi lính cả. Khổ vì lính những ngày chồng chinh chiến nơi xa. Khổ vì lính những ngày nước mất nhà tan, thăm nuôi chồng trong ngục tù cải tạo, chạy chợ nuôi con trăm đường cơ cực với chế độ mới, làm sao mà kể xiết. Nay trời thương cho gia đình đoàn tụ dù là trên xứ người, con cháu được học hành đầy đủ nên những cuộc gặp khóa như thế này chúng tôi không bao giờ thiếu vắng để chia nhau những niềm vui”.

Việt Nam bùng phát nhiều tướng tá

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT