Saturday, April 20, 2024

Ðảng Tân Ðại Việt tổ chức Lễ Tưởng Niệm GS Nguyễn Ngọc Huy lần thứ 28

Lâm Hoài Thạch/Người Việt

WESTMINSTER, California (NV) – Trưa Chủ Nhật, 12 Tháng Tám, nhiều quan khách đại diện các hội đoàn, đoàn thể đấu tranh, đồng hương và các đảng viên của Đảng Tân Đại Việt tham dự Lễ Tưởng Niệm cố Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy lần thứ 28, do Ðảng Tân Ðại Việt, Khu Bộ Tây Nam Hoa Kỳ tổ chức tại Westminster Community Center, Westminster.

Ông Lê Minh Nguyên, Chủ Tịch Đảng Tân Đại Việt, trưởng ban tổ chức cho biết: “Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy là người sáng lập Đảng Tân Đại Việt vào 1964, và ông đã phát triển Chủ Nghĩa Dân Tộc Sinh Tồn, cũng như muốn xây dựng đất nước Việt Nam trên ý thức hệ là sự sinh tồn của dân tộc trên nền tảng Dân Chủ Pháp Trị. Ông đã cố gắng tranh đấu từ trước và sau 1975 cho đến lúc ông đã ngã gục trên đường đấu tranh tại Âu Châu vào năm 1990. Tuy sự nghiệp của cố giáo sư còn dang dở, nhưng những đàn em của ông vẫn tiếp tục hoạt động theo sự mong ước của cố giáo sư.”

“Nhân buổi lễ tưởng niệm này, ban tổ chức có buổi hội luận về Cuộc Cách Mạng Dân Chủ. Đảng Tân Đại Việt nghĩ rằng, đây là giai đoạn bình minh của cuộc cách mạng này sẽ đến cho đất nước Việt Nam. Quan trọng là chúng ta cần sự chuẩn bị kỹ lưỡng ở hải ngoại cũng như trong quốc nội, để tạo sự thức tỉnh của quần chúng trong và ngoài nước. Khi cuộc cách mạng xảy ra thì chúng ta phải giữ cho đúng hướng của những định chế, những nền tảng được vững chắc để chuẩn bị cho một chế độ Dân Chủ Pháp Trị trong tương lai,” chủ tịch cho biết thêm.

Chiến sĩ Võ Đại Tôn (hàng đầu giữa) và đồng hương đến tham dự buổi Lễ Tưởng Niệm GS Nguyễn Ngọc Huy lần thứ 28 tại Westminster Community Center, Westminster. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Điều hợp nghi thức tưởng niệm là ông Hoàng Đình Khuê, Phó chủ tịch Đảng Tân Đại Việt. Điều hợp chương trình là xướng ngôn viên Bích Trâm.

Nói về tiểu sử của cố Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy và những công trình của ông để lại cho hậu thế, ông Hoàng Đình Khuê cho biết, GS Nguyễn Ngọc Huy sanh ngày 02 Tháng Giêng, 1924 và mất ngày 28 Tháng Bảy, 1990. 28 năm qua, năm nào các chiến hữu và thân hữu của ông đều tổ chức Lễ tưởng niệm cố giáo sư vào khoảng thời gian Tháng Bảy.

Năm 2018, tại Sydney, Khu Bộ Úc Châu đã tổ chức ngày 27 Tháng Bảy; Gia đình GS Nguyễn Ngọc Huy do GS Trần Minh Xuân đã tổ chức ở Sacramento, California ngày 28 Tháng Bảy; Ở Atlanta, Georgia, Khu Bộ Đông Nam Hoa Kỳ đã tổ chức ngày 29 Tháng Bảy, và Khu Bộ Tây Hoa Kỳ tổ chức ngày 12 Tháng Tám tại thành phố Westminster.

“Lúc sinh tiền, ước vọng của GS Nguyễn Ngọc Huy là muốn có một nước Việt Nam Dân Chủ Pháp Trị. Sau tám năm lưu vong ở hải ngoại, giáo sư đã nghiên cứu sinh hoạt chính trị ở các nước Âu Châu và Bắc Mỹ, vì ông nhận thấy các chánh đảng nắm vai trò quan trọng trong đời sống chính trị,” ông Khuê kể.

Ban văn nghệ Hậu Duệ Vì Dân trong Lễ Tưởng Niệm GS Nguyễn Ngọc Huy lần thứ 28 tại Westminster Community Center, Westminster. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Ông cho biết thêm: “Nước nào có chánh đảng và sinh hoạt theo tinh thần dân chủ thì nước đó ổn định, dân tâm không lo lắng và kinh tế phát triển. Nước nào mặc dù có dân chủ, nhưng sinh hoạt chính trị không ổn định như Thái Lan, Phi Luật Tân,… thì chính trị hỗn loạn, thường xuyên đảo chánh và kinh tế không phát triển. Trong tinh thần đó, GS Nguyễn Ngọc Huy quyết tâm xây dựng miền Nam thành một nước Việt Nam Dân Chủ Pháp Trị và một định chế đối lập.”

Cũng theo ông Khuê, năm 1982, cố giáo sư bị ung thư thanh quản, bác sĩ chịu thua với căn bệnh hiểm nghèo và cho biết ông chỉ sống được hai đến ba năm.

Nhưng với ý chí kiên cường và nghị lực mạnh mẽ, ông đã phấn đấu làm việc ngày đêm, chạy đua với thời gian để thành lập Liên Minh Dân Chủ Việt Nam (LMDCVN) cũng như đi khắp Âu Châu, Úc Châu, Canada vận động các chính khách thế giới, các dân biểu, nghị sĩ, tướng lãnh, nhà báo,… để thành lập một tổ chức quốc tế được gọi là Ủy Ban Quốc Tế Yểm Trợ Việt Nam Tự Do (UBQTYTVNTD).

Năm 1985, UBQTYTVNTD chính thức đưa ra bản tuyên ngôn đầu tiên xác nhận sự ra đời của ủy ban này và trụ sở đặt tại Bỉ Quốc. Vị chủ tịch đầu tiên của UBQTYTVNTD là Dân biểu Nghị Hội Âu Châu ông Paul Vankherkovan.

Vào cuối Tháng Bảy, 1990, trên đường đi dự Đại Hội Thế Giới LMDCVN lần thứ nhất sẽ được tổ chức tại Hòa Lan vào đầu Tháng Tám, 1990, cố giáo sư đã ngất xỉu tại phi trường ở Bỉ. Các chiến hữu và thân hữu đã đưa ông về Paris, Pháp và ba ngày trước khi khai mạc đại hội này thì ông ngã gục trong tay của trưởng nam là Nguyễn Ngọc Quốc Thụy và đông đủ các chiến hữu tham dự đại hội.

Ông đã ra đi vào lúc 9 giờ 30 tối ngày 28 Tháng Bảy, 1990 tại Paris, Pháp.

Kết thúc phần kể tiểu sử của cố giáo sư, ông Khuê nhận định: “GS Nguyễn Ngọc Huy đã ra người thiên cổ, nhưng tinh hoa của ông vẫn sống mãi trong lòng dân tộc và các chiến hữu qua hai câu thơ để đời: Còn sống nửa giờ còn phụng sự/Tàn hơi kiệt lực mới xuôi tay.”

Ông Hoàng Đình Khuê phát biểu trong Lễ Tưởng Niệm GS Nguyễn Ngọc Huy lần thứ 28 tại Westminster Community Center, Westminster. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Trong lời phát biểu của Chủ tịch Lê Minh Nguyên, ông có đề cập đến tình hình của đất nước và nhấn mạnh về Cuộc Cách Mạng Dân Chủ.

“Năm 1975, chúng ta đã mất và xa quê hương. Con đường tranh đấu cho Dân Chủ Pháp Trị thật dài và không thấy ánh bình minh phía trước. Chúng ta đi trong đêm trường và mãi miết kiên quyết đi từ đó cho đến ngày hôm nay, với một ý chí kiên cường, một tinh thần bất khuất và một nhiệt tình luôn bốc cháy trong tim,” chủ tịch nói.

“Hôm nay, bình minh đã ló dạng, ánh sáng đã chiếu vào trong bóng đêm, thì không có lý do gì mà chúng ta bị nhục chí, nguội lạnh lửa lòng hay lo âu ngày chiến thắng. Bởi vì bình minh cho Cuộc Cách Mạng Dân Chủ đã cận kề. Chúng ta hãy nắm chặt tay cùng đi song song với nhau để tiến về phía trước. Một giọt nước không thể làm được mưa rào, nhưng cơn mưa rào nào cũng đều làm bằng những giọt nước. Sự quan tâm tham dự của quý vị vì một tương lai tươi sáng cho dân tộc Việt Nam, chắc chắn giúp cho Cuộc Cách Mạng Dân Chủ sẽ sớm thành công,” chủ tịch nói thêm.

Quan khách và đồng hương cùng đến tưởng niệm trước bàn thờ của cố GS Nguyễn Ngọc Huy với lời dâng hương của Nguyên Dung.

Trong phần hội luận, Chủ tịch Lê Minh Nguyên thuyết trình về đề tài Chiến tranh thương mãi Mỹ – Trung là cơ hội cho Cách Mạng Dân Chủ. Và cô Bùi Anh Thư, thành viên Lực Lượng Dân Tộc Quật Khởi thuyết trình về đề tài Luật An Ninh Mạng, Luật Đặc Khu và Cuộc Cách Mạng Dân Chủ.

Buổi tổ chức có phụ diễn văn nghệ do Đoàn Hậu Duệ Vì Dân yểm trợ.

Trong số học trò của cố giáo sư, có ông Ngô Ngọc Vĩnh, cựu sinh viên Khóa 18 Đốc Sự Quốc Gia Hành Chánh (QGHC). Ông Vĩnh cho biết GS Nguyễn Ngọc Huy cũng có dạy trường QGHC, nên nhân ngày giỗ của ông, có một số cựu sinh viên QGHC đến tham dự để tưởng niệm vị thầy của mình.

“Đối với tôi, GS Nguyễn Ngọc Huy có một kiến thức vô cùng uyên bác, không những về mặt chính trị mà còn những lãnh vực về xã hội, về tôn giáo và còn nhiều việc khác nữa thầy cũng có kinh nghiệm rất rộng. Điều đáng quý nhất của giáo sư là, mặc dù ông được coi như một học giả, một giáo sư có rất nhiều tiếng tăm, nhưng đời sống của ông rất bình dị đối với những học trò của mình lúc nào giáo sư cũng gần gũi để giúp đỡ cho học trò của mình. Điều này đã làm cho chúng tôi lúc nào cũng nhớ đến thầy Nguyễn Ngọc Huy,” ông Vĩnh tâm tình.

Ông Nguyễn Bá Lộc, cư dân San Diego, cho biết: “Tôi là học trò của cố GS Nguyễn Ngọc Huy. Ngày xưa với tư cách là một thành viên của Đại Việt, rồi sau đó, Đảng Tân Đại Việt ra đời với chủ trương mới thì tôi trở thành đảng viên của Đảng Tân Đại Việt.”

Cũng theo ông Lộc, lúc đó, ông có gần gũi với giáo sư Nguyễn Ngọc Huy, nên ông đã hiểu về mô hình chính trị của giáo sư nhằm chống cộng sản, và mô hình này đối với quần chúng thì vừa có những hình thức công khai và vừa có phần bí mật.

“Vì nếu công khai, đối với một nước dân chủ hoàn toàn thì không có gì nguy hiểm, nhưng nếu bí mật quá thì lại không hợp với nhu cầu của dân miền Nam là chống cộng, xây dựng dân chủ, và nhất là thế giới đang yểm trợ VNCH để đương đầu với một chế độ độc tài không dân chủ. Cho nên, theo tôi nghĩ, đó là một mô hình chính trị thích hợp trong thời điểm đó, tức là bề ngoài vẫn có dân chủ, vẫn có đảng phái, vẫn có bầu cử và các ứng cử viên vẫn được tham gia một cách công khai. Nhưng, vẫn có một số lãnh vực phải giữ bí mật là vì rất nguy hiểm khi cộng sản biết được,” ông Lộc cho biết thêm.

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT