Saturday, April 27, 2024

Đức Ông Nguyễn Đức Minh và 60 năm làm linh mục của mọi người

Đoan Trang/Người Việt

SANTA ANA, California (NV) – “Mừng Ngọc Khánh 60 năm chịu chức linh mục, cha chẳng mong tiệc tùng, hay chúc tụng gì, chỉ xin mọi người dâng lời cầu nguyện cho cha tiếp tục được Chúa thương mà giữ gìn, soi sáng cho đến hết quãng đường còn lại của cuộc đời.”

Đức Ông Nguyễn Đức Minh trước cửa ngôi nhà mobile home tại Santa Ana. (Hình: Đoan Trang/Người Việt)

Đó là lời tâm sự của Đức Ông Nguyễn Đức Minh khi tôi đến thăm ông tại một ngôi nhà trong khu mobile home ở Santa Ana.

Ngày 27 Tháng Năm, 2021 là ngày kỷ niệm trọng đại trong cuộc đời linh mục của Đức Ông Nguyễn Đức Minh: 60 năm khoác trên mình chiếc áo dòng, cống hiến trọn đời mình cho Chúa. 

Tình yêu của một vị linh mục

Cách đây ba năm, Linh Mục Nguyễn Đức Minh được Đức Giáo Hoàng Francis phong cho tước vị đức ông (Monsignor).

Theo lời Hồng Y Roger Mahoney, cựu tổng giám mục Tổng Giáo Phận Los Angeles, đức ông là một phẩm trật được Tòa Thánh Vatican ân thưởng cho những linh mục có công với giáo hội.

Hết sức thân thiện và hiền từ, Đức Ông Minh nói với tôi: “Cứ gọi cha là cha. Cha thích như vậy, vì nghe thân thương và ấm áp hơn.”

Tôi cũng thích gọi ông như thế.

Trước khi đến gặp đức ông, tôi nghĩ chắc sẽ phải ngồi nghe một cụ già 93 tuổi lẫn lãng,… nhớ nhớ quên quên, ngồi kể chuyện. Nhưng tôi đã lầm.

Gần hai tiếng đồng hồ ngồi nghe ông “kể chuyện ngày xưa,” tôi thật sự ngạc nhiên vì trí nhớ sáng suốt, và tinh thần minh mẫn của một người ở tuổi “cửu thập siêu thọ” như ông.

“Tình yêu có đôi chân đến với người nghèo. Tình yêu có đôi mắt để thấy bất hạnh và thiếu thốn. Tình yêu có đôi tai để nghe được tiếng than thở của tha nhân.” (Thánh Augustine)

Đức Ông Nguyễn Đức Minh có đủ tình yêu của đôi chân, đôi mắt, đôi tai, và cả trái tim nữa.

Cũng với cặp mắt to tinh thông và gương mặt phúc hậu ấy, người thanh niên xứ Nghệ năm nào, giờ đã có 60 năm làm linh mục. Mà suốt ngần ấy năm, ông có một cuộc sống đúng như câu tâm niệm ông chọn khi chịu chức linh mục: “Omnia Omnibus” (Tôi đã trở nên tất cả cho mọi người).

Tôi hỏi ông nhớ nhất điều gì trong suốt gần cả cuộc đời chỉ làm việc cho tha nhân.

Không cần suy nghĩ lâu, ông kể lại những câu chuyện của… 50 năm về trước.

Canh chua và cá kho là hai món Đức Ông Nguyễn Đức Minh thích nhất. (Hình: Đoan Trang/Người Việt)

“Năm 1965-1966, lúc đang là tuyên úy Hội Sinh Viên Công Giáo Việt Nam (SVCGVN) tại Mỹ, cha có giúp một thanh niên Việt Nam bị bỏ tù vì phạm tội liên quan đến tài chính,” đức ông kể.

“Hồi ấy, cả nước Mỹ chắc chỉ có hơn 100 sinh viên người Việt. Biết cha là linh mục người Việt duy nhất ở New York thời đó, tòa án gọi, nói cha bảo lãnh và đóng số tiền anh kia phải đền là gần $500, thì anh được thả. Cha đi làm mục vụ, cũng có ít tiền, nên lấy đóng cho tòa, để tòa thả anh ấy ra. Vừa ra khỏi tù, anh ấy bị đưa ra phi trường về Việt Nam. Ôi, việc này thì cha không can thiệp được. Nhưng miễn anh ấy không phải ngồi tù, là cha vui rồi. Nghe đâu sau này, gia đình anh di cư sang Âu Châu.”

Trong những chuyện xa xưa, đức ông còn kể, có một cô sinh viên gặp chuyện buồn, muốn tự tử.

Ông nói: “Lúc ấy, cha ngồi khuyên can cô mấy tiếng đồng hồ, nói rằng tự tử không giải quyết được gì, mà còn gây khó khăn cho những người quen biết, vì họ sẽ bị điều tra xem có liên lụy đến cái chết của cô hay không.”

“Mấy tiếng đồng hồ” ấy của linh mục không vô nghĩa. Cuối cùng, cô sinh viên từ bỏ ý định quyên sinh, mà tìm được việc làm ở cách xa nơi cô ở tới 600 dặm.

“Không có nhiều tiền, cô gái phải đi xe buýt từng chặng,” ông kể tiếp. “Cứ mỗi chặng dừng chân, cô ấy lại mua một tấm bưu thiếp gửi cho cha, như để báo tin. Cha lấy làm yên ủi. Dù ở xa, cô ấy vẫn giữ liên lạc với cha, cho đến khi qua đời,” Đức Ông Minh kể tiếp.

Thấy cha nhớ kỹ quá, tôi bắt đầu… kiểm tra thêm những ký ức xa xưa, và hỏi: “Nghe nói hồi nhỏ, đức ông được nhiều cô gái ‘mê’ lắm, phải không ạ?”

Đức ông cười, nụ cười móm mém, rồi trả lời: “Hồi nhỏ cha cũng có năm cô bạn rất thân, nhưng tuổi ấy thì có biết yêu là gì! Đến khi cha sắp đi xa, có một cô đến nhà. Cha tưởng cô ấy đến chơi với người chị, nên cha bỏ đi. Sau này mới biết cô ấy đến thăm mình. Cô bạn ấy sau đó cũng đi tu, giờ là bà sơ già ở Huế. Vài lần về Việt Nam, cha cũng có ghé thăm sơ.”

Đức Ông Nguyễn Đức Minh trong ngôi nhà của mình. Dù đã về hưu hơn 10 năm qua, nhưng ông vẫn chưa chịu “dưỡng già.” (Hình: Đoan Trang/Người Việt)

“Gạch nối” của mọi người

Đức Ông Nguyễn Đức Minh gia nhập Tiểu Chủng Viện Giáo Phận Vinh từ năm 1942. Ông từng là hiệu trưởng trường Trung Học Công Giáo Trương Vĩnh Ký, xã Đoài, Vinh, năm 1950, và dạy học tại Tiểu Chủng Viện Giáo Phận Vinh từ 1951-1954.

Từ năm 1954 đến 1956, ông vào Sài Gòn giúp đón tiếp và định cư cho đồng bào. Trong thời gian đó, ông ra tờ báo Luyện Thép.

Năm 1956, ông du học Mỹ, và thụ phong linh mục ngày 27 Tháng Năm, 1961, tại Cincinnati, Ohio. Tại đây, ông được cử làm tuyên úy SVCGVN.

Là người từng làm việc với đức ông trong SVCGVN, Giáo Sư Phạm Thị Huê, cựu khoa trưởng đại học Orange Coast College, Costa Mesa, cho biết: “Năm nào đức ông cũng tổ chức họp mặt các anh chị em trong SVCGVN. Sau này, khi mọi người đã ‘có tuổi,’ nhiều anh chị nản lòng, không muốn tổ chức, nhưng đức ông luôn thuyết phục tổ chức gặp nhau để ‘giữ tình liên kết với anh chị em’ như lời cha nói.”

“Cha thường viết thiệp Giáng Sinh gửi đi các gia đình trong hội. Mà cha nhớ hết mọi người đó nhe. Ai ở đâu cha cũng nhớ, kể cả người du học trước 1975, cha không hề quên. Cha như là gạch nối giữa các anh chị em chúng tôi với nhau,” Giáo Sư Huê kể.

Trong số những sinh viên Việt Nam sang Mỹ du học trước 1975 có ông bà Bửu Minh-Kim Phượng, hiện đang sinh sống tại Orange County. Bà Kim Phượng kể: “Vào những năm 1960, khắp nước Mỹ chỉ có khoảng ba bốn trăm sinh viên là người Việt sang du học mà thôi.”

“Nhớ lại thuở hàn vi, sinh viên không có gia đình bên cạnh, nghèo khó, nên mọi người quấn quýt, dựa vào nhau mà sống để học hành. Chúng tôi ai cũng xem Cha Đức Minh như người cha ruột của mình vậy. Có chuyện gì, nhờ cha là được liền! Thương cha lắm,” bà Kim Phượng kể thêm. “Hồi cha làm phó xứ ở New York, có được món ăn gì ngon, cha đều đem cho hết. Có mấy cái bánh bao, cha cũng đem chia cho từng đứa. Hồi đó mà được ăn cái bánh bao thôi là mừng… muốn chết!”

“Mới đây, cha còn gọi hỏi khi nào tổ chức họp mặt để cha đến. Tôi đang chờ xem dịch bệnh thế nào, sẽ mời cha đến để chúng tôi được gặp nhau trở lại,” bà Kim Phượng nói.

“Khi cha sang California, năm nào tôi cũng tổ chức một nhóm nhỏ, mời cha đến. Vì COVID-19 nên hai năm nay tôi chưa tổ chức được. Cũng mong hết dịch, để chúng tôi lại được mời cha và bạn hữu đến nhà mà ‘hàn huyên tâm sự’ để ‘giữ tình liên kết’ như ý muốn của cha,” bà nói thêm.

Vào năm 1998, ông Lê Đình Điểu, cựu tổng giám đốc, cựu chủ bút nhật báo Người Việt, ghi lại những dòng chữ mà mãi đến bây giờ, Đức Ông Minh vẫn còn giữ: “Thưa cha, tuy con không được gặp và sinh hoạt với cha thời còn sinh viên – vì con chỉ ‘đi chơi’ có vài tháng ở Mỹ cuối năm 1964 sau khi tốt nghiệp Sư Phạm Sài Gòn – nhưng con được báo, bản tin, và nghe bạn bè nói nhiều về cha. Con rất ngưỡng mộ. Mãi đến năm 1985, con và gia đình sang Mỹ định cư, con mới được gặp cha, con cảm thấy như đã quen biết cha từ lâu lắm rồi. Không hề bỡ ngỡ, không hề khách sáo. Rồi từ đó, qua những lần sinh hoạt, họp mặt, và cả những lần gặp riêng, hoặc qua điện thoại, con đã được cha dành cho những lời khuyên, những khích lệ tinh thần quý báu. Con cầu chúc cha luôn mạnh khỏe và ở cùng các con.” 

Đức Ông Nguyễn Đức Minh chủ tế một Thánh Lễ. (Hình: Gia đình cung cấp)

Đồng hành cùng kẻ liệt, người ốm đau, bất hạnh

Từ 1991 đến 2007, lúc còn là linh mục, Đức Ông Nguyễn Đức Minh phụ trách thành lập và quản nhiệm Cộng Đoàn Thánh Gia Thất Camarillo, California; quản nhiệm Cộng Đoàn Đức Mẹ La Vang, Canoga Park, California; đại diện liên lạc Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam, Tổng Giáo Phận Los Angeles, California; phó xứ Giáo Xứ St. Julie Billiart, Newbury Park, California; phó xứ Giáo Xứ St. Catherine Laboure, Torrance, California.

Là một trong những người được đức ông dẫn dắt từ Tháng Tám, 1997, ông Đinh Viết Hiền, đại diện Cộng Đoàn Đức Mẹ La Vang, cho biết: “Hồi ở tuổi ‘thất thập cổ lai hy’ (70 tuổi), đáng lẽ chuẩn bị để được về hưu, thế mà ngoài việc dạy học ở đại chủng viện, cuối tuần ngài lại khăn gói, lái xe hàng giờ về giúp hai cộng đoàn ở Tổng Giáo Phận Los Angeles.”

Cũng theo ông Hiền, trong những năm làm quản nhiệm cộng đoàn, đức ông dành nhiều thời gian đi thăm viếng người già, người neo đơn và người bị bệnh.

“Trong những năm hưu dưỡng tại Orange County, vài ba lần trong năm, ngài thường lái xe một mình lên Canoga Park, đi thăm gia đình các cụ già neo đơn, bệnh tật,” ông Hiền kể. “Mấy năm trở lại đây, vì tuổi già sức yếu và vì đại dịch COVID-19, dù không lái xe được nữa, ngài vẫn điện thoại hỏi thăm từng người.”

Giáo Sư Trần Huy Bích, 85 tuổi, đã về hưu, hiện là cố vấn Hội Giáo Chức Việt Nam, Nam California, cho biết dù nghe danh đức ông đã lâu và chỉ mới được gặp khoảng chục năm qua, nhưng đã có ấn tượng sâu sắc về “vị mục tử nhân lành” này.

Giáo Sư Bích, người không theo riêng một tôn giáo nào, nhưng “vô cùng quý trọng, kính phục Cha Đức Minh” như lời ông nói. “Cha là một vị tu sĩ gương mẫu, luôn tận tâm giúp đỡ người khác mà không quản ngại vất vả. Khi còn lái xe được, cha tự đi làm phép, xức dầu cho người ở cách vùng Little Saigon này 50, 60 dặm.”

Đức Ông Nguyễn Đức Minh (bìa trái), khi còn là linh mục, thăm một gia đình nghèo ở xã Đoài, Vinh, năm 2001. (Hình: Gia đình cung cấp)

Có một kỷ niệm về Đức Ông Nguyễn Đức Minh mà Giáo Sư Bích không bao giờ quên.

Ông kể: “Mấy năm trước, có lần tôi đưa cha tới lễ cầu nguyện cho thi sĩ Nguyễn Chí Thiện ở nhà một thân hữu, cách Orange County hơn 40 dặm. Sau đó, cha phải về làm lễ tại một nhà thờ ở vùng Little Saigon. Kẹt xe, đường xá khá nguy hiểm, tôi thì nôn nóng sợ trễ giờ, nhưng cha rất điềm tĩnh và vui vẻ.”

“Tinh thần phục vụ của ngài rất tuyệt vời,” Linh Mục Nguyễn Văn Luân, chánh xứ Giáo Xứ Đức Mẹ La Vang, Santa Ana, nhận xét. “Tôi biết đức ông từ 46 năm nay. Đức ông là người đạo đức, luôn chu toàn trọng trách của một vị linh mục tuy đã về hưu. Ngài không quản ngại điều gì. Ai gọi đi làm phép, xức dầu, thăm nom người bệnh, kẻ liệt, xa mấy ngài cũng đi ngay. Bây giờ ở mobile home, giáo dân cần vẫn đến nhờ cha giải tội, tham khảo nhiều chuyện khi cần, ngài tiếp đón mọi người nồng hậu như người thân.”

Nhớ lại những năm tháng từng là học trò của Đức Ông Nguyễn Đức Minh, Linh Mục Phạm Ngọc Hùng, giám đốc Trung Tâm Công Giáo, Giáo Phận Orange, nói về người thầy của mình: “Đức ông có dạy ở Đại Chủng Viện Thánh Gioan, nơi tôi học từ năm 1988. Không chỉ chúng tôi, mà mọi người trong chủng viện đều có chung một nhận xét: Đức ông là một người thánh thiện, thông thái, và sốt sắng trong mục vụ cũng như đời sống hàng ngày.”

“Đặc biệt những bài giảng của ngài luôn có chiều sâu. Ai nghe xong là có thể tự vấn lương tâm,” Linh Mục Hùng nói tiếp. “Và dù đã mấp mé ‘bách niên giai lão’ nhưng nếu giáo xứ cần các linh mục làm lễ giải tội, đức ông vẫn có thể ngồi hai, ba tiếng đồng hồ để các con chiên đến xưng tội.”

Chị Tâm, người cháu ruột của đức ông, kể: “Lúc chú tôi còn lái xe được, nhiều người gọi lúc ban đêm, ban hôm, nhờ chú đến xức dầu cho người đau bệnh. Sợ không an toàn, tôi cằn nhằn, nhưng ông bảo: ‘Chú được nhiều ơn Chúa, nên ở tuổi này vẫn còn đi đứng được. Cháu tới mà xem, nhiều người nhỏ tuổi hơn chú mà người ta ngồi xe lăn hết rồi kia kìa.’ Nghe thế, tôi hết dám cằn nhằn.” 

Đức Ông Nguyễn Đức Minh ẵm cháu bé bị dị tật trong một lần về Việt Nam làm từ thiện. (Hình: Gia đình cung cấp)

Thương người… hơn cả thương thân

Tục ngữ Việt Nam có câu “Thương người như thể thương thân” nhưng với Đức Ông Nguyễn Đức Minh, ông thương người còn hơn cả bản thân mình.

Với người di cư sang Mỹ, đức ông đứng ra vận động bảo trợ, đưa đón, giúp đỡ. Năm 1975, ông thành lập và quản nhiệm Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam tại Long Island, New York. Ông đón tiếp và giúp gần 50 gia đình Việt Nam trong những ngày “chân ướt chân ráo” sang Mỹ định cư ở New York.

Kể từ năm 1990, ông có 15 chuyến về Việt Nam.

“Chuyến gần đây nhất là vào năm 2018. Cha tính năm 2021 đi nữa, nhưng dịch bệnh quá, chắc là không được,” đức ông nói một cách buồn bã.

“Người Việt ở vùng sâu, vùng xa, nghèo quá sức, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, con cái nheo nhóc, bệnh hoạn, khổ lắm! Biết vậy, cha tự thân đi xin các ân nhân ở Mỹ. Cứ có khoảng $10,000, cha lại cầm về giúp cho những gia đình hoạn nạn, đau yếu, trẻ mồ côi, người khuyết tật,” đức ông kể.

Giáo Sư Phạm Thị Huê kể, từ năm 2002-2006, đức ông làm bốn chuyến mang xe lăn về Việt Nam tặng cho người tàn tật và trẻ em cô nhi khuyết tật.

“Có lần, cha hỏi ai có áo dài không mặc thì đưa cha,” Giáo Sư Huê nói. “Tôi thu được mấy chục chiếc áo dài của tôi thời đi dạy học, rồi áo của con gái. Cha thích lắm, đem về tặng cho bà con ở vùng sâu, vùng xa Nghệ An-Hà Tĩnh. Cha nói có nhiều bà tội nghiệp lắm, có khi chưa bao giờ được mặc chiếc áo dài. Có áo dài mặc đi nhà thờ, họ quý lắm!”

Giáo Sư Bích cho biết, đức ông nhiều lần giúp những người lên tiếng cho tù nhân lương tâm ở Việt Nam, mỗi khi ông có tiền được người khác ủng hộ.

Theo Linh Mục Nguyễn Văn Luân, từ ngày chọn miền Nam California làm nơi hưu trí, Đức Ông Nguyễn Đức Minh hết lòng vì công việc tại giáo xứ địa phương. Ngày nào ông cũng đi bộ ra nhà thờ Đức Mẹ La Vang để cùng các linh mục khác cử hành Thánh Lễ buổi sáng bằng tiếng Việt, tiếng Anh, và tiếng Tây Ban Nha.

“Ngài đi bộ nhanh như Thiên Thần. Khó có một linh mục nào có thể làm như vậy dù đã về hưu được hơn chục năm. Tinh thần phục vụ không mệt mỏi, là điểm son của ngài,” Linh Mục Luân nói. “Ngài rất tự lập, ít làm phiền ai. Mà này, ngài rất thích món canh chua, cá kho tộ nhé! Ai mời ngài đến nhà, cứ nấu món ‘khoái khẩu’ này mời ngài là xong.”

Những dòng lưu bút của cựu sinh viên trong Hội Sinh Viên Công Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ viết về Đức Ông Nguyễn Đức Minh. (Hình: Đoan Trang/Người Việt)

Mấy hôm nay thời tiết California thay đổi, sáng lạnh, trưa nóng, chiều mát, tối lại lạnh, khiến đức ông không được khỏe. Nhưng ông nhất định không chịu “nằm một chỗ” để nghỉ ngơi.

Hôm Chủ Nhật tôi ghé thăm ông, mang theo món canh chua cá kho, (mà không có tộ) nhưng phải chờ ông đi làm lễ ở nhà thờ về. Về đến nhà ông còn phải tiếp người khách đang chờ, vì “ngày nào cũng có khách đến nhà, người thăm viếng, người nhờ cha giải tội” như chị Tâm nói.

Khi khách ra về, ông ngồi vào bàn cơm. Nhìn tô canh chua và cá kho chị Tâm mới hâm nóng hổi, ông tự tay rẽ từng miếng cá, lại cười, nụ cười hóm hỉnh, nhỏ nhẹ nói: “Ừ, món này cha thích lắm đây.”

Kết thúc bài viết, chúng tôi xin mượn lời thơ của Linh Mục Sơn Miên, một trong những học trò của Đức Ông Nguyễn Đức Minh và từng là linh mục tuyên úy Quân Lực VNCH, viết nhân Ngày Thượng Thọ 70 năm của thầy mình cách đây 20 năm:

“Khương quế thêm cay lúc tuổi già
Cuộc đời cha đẹp tựa bài ca
Nguyện cầu cha sống lâu trăm tuổi
Đức sáng (*) cho đời đẹp nở hoa.” [đ.d.]

(*) Đức Minh theo nghĩa tiếng Nho là đức sáng.

—–
Liên lạc tác giả: [email protected]

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT