Thursday, March 28, 2024

Lincoln Education Center ở Garden Grove mở hội chợ đa văn hóa

GARDEN GROVE, California (NV) – Một hội chợ do học viên các lớp giáo dục đa văn hóa tổ chức diễn vào lúc 8 giờ 30 sáng Thứ Tư, 18 Tháng Mười, tại Trung Tâm Giáo Dục Lincoln (Lincoln Education Center) ở Garden Grove, với màu sắc quốc kỳ của nhiều quốc gia trên thế giới.

Hàng trăm học viên, đa số là người lớn, thuộc đủ mọi sắc dân, trong các trang phục cổ truyền của quốc gia trước khi họ đến Mỹ nhập cư, tham dự.

Ai nấy hầu như bận rộn trang trí những nét chấm phá sau cùng, trước khi buồi lễ khai mạc.

Giáo viên Raymond Hernandez (giữa) trong màn vũ limbo cùng một số học viên khuyết tật. (Hình: Linh Nguyễn/Người Việt)

“Sau một tháng chuẩn bị, hôm nay các học viên có cơ hội tổng kết những gì học được về văn hóa của các quốc gia qua hội chợ mà các học viên tổ chức hôm nay, đồng thời cũng là dịp để mọi người chia sẻ và thưởng thức các màn văn nghệ do các học viên trình diễn,” ông Raymond Hernandez, giáo viên hướng dẫn các dự án đặc biệt, nói trong phần mở đầu.

Ông cho biết hội chợ hân hạnh tổ chức năm nay là năm thứ hai, được đón tiếp các dân cử và nhân viên của Học Khu Garden Grove tham dự.

Cô giáo June Nguyễn (trái), và các học viên trong bài hợp ca “Việt Nam Việt Nam.” (Hình: Linh Nguyễn/Người Việt)

Bà Teri Rocco, ủy viên giáo dục Học Khu Garden Grove, phát biểu: “Tôi có cảm tưởng đang đi chơi ở các quốc gia khác nhau. Xin chúc mừng hội chợ thành công.”

“Tôi có cảm giác như mình là một du khách. Nếu biết trước, tôi đã mang theo hành lý rồi. Chúc mọi người một ngày vui,” ông Walter Muneton, một ủy viên giáo dục khác của học khu, tiếp lời.

Tại địa điểm, hàng chục chiếc bàn dài được để dọc theo các lớp học, hướng ra sân trường. Trên mỗi bàn là những vật dụng hay món ăn mẫu của từng quốc gia, như Pháp, Ý, Nam Hàn, Mexico, Bolivia, Puerto Rico, Ấn Độ, Thái Lan, v.v… và Việt Nam.

Riêng Việt Nam, có tới ba bàn vì số học viên đông đảo nhất. Phía trên mỗi chiếc bàn này là các hình ảnh đặc thù của ba miền đất nước Việt Nam. Có bàn còn trưng thêm các món ăn, như gỏi cuốn, bánh sương sa. Đặc biệt là bàn nào cũng có lá cờ vàng ba sọc đỏ được trân trọng trưng bày. Phái nữ đa số mặc áo dài truyền thống, đủ màu sắc. Có người mặc chiếc áo bà ba ủi thẳng như mới.

Trước đó, tiếng loa phóng thanh kêu gọi học viên mặc quốc phục lên đứng trước khu vực sân khấu để cử hành lễ chào quốc kỳ Hoa Kỳ.

Trong khi chờ đợi phần trình diễn văn nghệ, học viên được các thầy cô giáo giao cho mỗi người một tờ giấy để ghi những nhận xét khi thăm từng gian hàng. Học viên phải nộp bản nhận xét cho thầy cô trước khi được chứng nhận hoàn tất khóa học kéo dài tám tuần, chấm dứt vào cuối Tháng Mười.

Một số bài hát tiếng Tây Ban Nha và Việt Nam mở đầu phần văn nghệ.

Cô giáo Terri Osborne, với bộ râu mép giả trai, và học viên, đa số là gốc Việt, đội mũ bê rê, đại diện văn hóa Pháp, hát bài Frere Jacques. Bài này được hát bằng tiếng Pháp, tiếng Anh, và cả tiếng Việt, được khán giả vỗ tay nhiệt liệt.

Hai cô June Nguyễn và Diana Nguyễn, giáo viên lớp tiếng ESL, hướng dẫn màn hợp ca “Việt Nam, Việt Nam” rất hùng hồn. Trên tay ai cũng có một lá cờ VNCH.

 

Ngòai ra còn có màn biểu diễn kiếm Nhật và võ thuật..

Một số giáo viên và ủy viên Học Khu Garden Grove. (Hình: Linh Nguyễn/Người Việt)

Sau cùng, lớp ESL của cô giáo Vivian Nguyễn, với màn trình diễn vũ Singapore, hát nhạc Mỹ và nhảy Rap nhạc Việt, tạo không khí thật trẻ trung và sôi động. Màn này được khán giả vỗ tay, reo hò, tán thưởng nhiệt liệt.

Đa số các học viên Việt Nam đều tỏ ra mến các thầy cô giáo tại trung tâm này,

Ông Đồng Lê, 58 tuổi, cư dân Garden Grove, cho biết: “Tôi rất vui khi hát chung bài Việt Nam Việt Nam.”

Ông Đồng cho biết theo học trung tâm này được tám tháng.

Anh Đức Phạm, 28 tuổi, cư dân Garden Grove, cho biết mới qua Mỹ được ba năm, thích nhạc Rap và học ESL lớp cô Vivian Nguyễn, phòng J4.

Anh Huy Phùng, 33 tuổi, mới qua Mỹ được một năm, được ngưỡng mộ qua một bài hát, chia sẻ: “Tôi từng đi hát và đóng phim khi còn ở Việt Nam.”

Về phía trung tâm, cô Linh Bùi, cố vấn giáo dục, cho biết: “Các học viên được dịp học hỏi các nền văn hóa khác qua hội chợ. Riêng người Việt, ở đây chiếm trên 50% số học viên. Các chị thì luôn hãnh diện với chiếc áo dài, hát nhạc Việt, và nhất là không thể thiếu màu lá cờ vàng.”


Liên lạc tác giả: [email protected]

Mời độc giả xem phóng sự “Chợ âm phủ Đà Lạt”

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT