Thursday, April 18, 2024

Little Saigon: Một cư dân Garden Grove bị tình nghi buôn lậu cá quý

GARDEN GROVE, California (NV) – Một cư dân Garden Grove bị tình nghi âm mưu và buôn lậu động vật quý hiếm, sau khi giới hữu trách bắt quả tang ông mang loài cá Arowana từ Indonesia vào Mỹ, theo nhật báo OC Register.

Nghi can là ông Shawn Naolu Lee, 29 tuổi, một trong hai người bị truy tố trong tháng này, sau khi một công tố viên liên bang cho rằng ông vi phạm Luật Bảo Vệ Động Vật Quý Hiếm (Endangered Species Act) khi ông nhập vào Mỹ một loài cá có nguy cơ bị tuyệt chủng.

Theo bản cáo trạng, ngày 9 Tháng Hai, cơ quan Quan Thuế và Bảo Vệ Biên Giới Hoa Kỳ (CBP) tìm thấy tám con cá sống, loài Arowana, trong một kiện hàng từ Hồng Kông gởi sang.

Giới chức liên bang chặn gói hàng này và không tiết lộ ai và bằng cách nào họ nhận được cảnh báo trước về sự việc này.

Sau đó, giới công lực “hóa trang” thành người giao hàng rồi mang kiện hàng đến nhà ông Lee tại Garden Grove, theo bản cáo trạng. Nhờ sự giúp đỡ của Sở Di Trú và Bộ Nội An, giới chức công lực bắt ông Lee, và khi khám nhà, họ phát hiện và tịch thu $15,370 tiền mặt.

Ông Lee phủ nhận những thông tin liên quan đến kiện hàng này, nhưng điều tra viên cho biết, ông gọi loài cá Arowana xuất xứ Châu Á này là “Arrows,” một cách chơi chữ mà chỉ những ai buôn loài cá này mới biết.

Theo công tố viên cho biết, sau khi rà soát điện thoại của ông Lee, điều tra viên thấy những tin nhắn trao đổi giữa ông và một bị cáo khác, tên là Mickey Tanadi.

Công tố viên cáo buộc ông Lee ứng tiền trước cho ông Tanadi, người đóng kiện hàng trên tại Indonesia và gửi thùng hàng đến nhà ông Lee, sau đó ông Lee là người đem những con cá này đi bán lại.

Những con cá này được đặt trong nhiều bao nhựa rồi được cất trong những lọ bên trong một thùng hàng. Những thùng hàng này, được “dán nhãn ” là lọ sứ đựng thuốc, theo bản cáo trạng.

Theo ghi nhận, trong một đoạn tin nhắn đối thoại giữa ông Lee và bị cáo Tanadi, bị cáo này có hỏi rằng, “Ông biết rằng loài cá này bị cấm tại Hoa Kỳ phải không?”

Trong một đoạn tin nhắn khác, ông Tanadi cũng nói với ông Lee rằng, “Chúng ta tìm được cách mang chúng đi.”

Nghi phạm Tanadi bán tám con cá này cho ông Lee với giá $2,000 và $550 lệ phí vận chuyển. Tuy nhiên, công tố viên không cho biết ông Lee sẽ bán lại mỗi con cá với giá bao nhiêu.

Trong một bài viết vào năm 2016, hiệp hội National Geographic gọi đây là “loài cá kiểng nuôi đắt tiền nhất.” Cùng năm này, một bài viết trên USA Today cho biết, một con cá Arowana xuất xứ Châu Á có giá $150,000 hoặc hơn thế. (Kh.L.)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT