Sunday, May 19, 2024

Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hoa Kỳ tưởng niệm Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ

Văn Lan/Người Việt

SANTA ANA, California (NV) – Hội Đồng Điều Hành Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hoa Kỳ (GHPGVNTNHK) cử hành Lễ Tưởng Niệm Hành Trạng và Công Hạnh của Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ vào chiều Chủ Nhật, 26 Tháng Mười Một, tại chùa Bát Nhã, Santa Ana, và cũng là Văn Phòng Điều Hành của GHPGVNTNHK.

Chư tôn đức tăng, ni và đồng hương Phật tử niệm hương trong lễ tưởng niệm Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ, bậc cao tăng uyên bác từng bị nhà cầm quyền Việt Nam kết án tử hình, đã viên tịch lúc 4 giờ chiều Thứ Sáu, 24 Tháng Mười Một (nhằm ngày 12 Tháng Mười năm Quý Mão), tại chùa Phật Ân, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai, theo Hội Đồng Hoằng Pháp thuộc Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất.

Theo bản tiểu sử do hội đồng đưa ra, “Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ, thế danh Phạm Văn Thương, sinh ngày 15-2-1943 theo khai sanh (gia đình khai tăng tuổi để thầy đi học), tuổi thật sinh ngày 5 tháng 4 năm 1945 (nhằm ngày 23 tháng 2 năm Ất dậu), tại tỉnh Paksé, Lào.”

Cố Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ húy thượng Nguyên hạ Chứng, đời thứ 44 Dòng Lâm Tế Chánh Tông và đời thứ 10 Thiền Phái Liễu Quán, là Chánh Thư Ký kiêm Xử Lý Thường Vụ Viện Tăng Thống GHPGVNTN. Sau một thời gian nằm bệnh viện, ông được đưa về chùa Phật Ấn hôm 23 Tháng Mười Một.

Giác linh cố Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ trong lễ tưởng niệm. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Đại Đức Thích Đức Trí điều hợp chương trình buổi lễ, nói lời mở đầu: “Quả thật, không có ngôn từ nào đủ để miêu tả chính xác và đầy đủ về chân dung của một người nhỏ bé bề ngoài hiện thân nhưng quá khổ về tầm vóc của Thầy Tuệ Sỹ. Thầy không chỉ là một nhà tu, Thầy là một nhân vật lan tỏa vĩ đại với dấu ấn vĩ đại của lịch sử văn hóa Việt Nam. Thầy là nhà thơ, là nhà văn, là nhà nghiên cứu Phật học, Thầy là một triết gia, là thiền sư, là giảng sư của nhiều thế hệ. Thầy là một người rất Việt Nam, một con người phi thường, một con người ngoại hạng, tích lũy tất cả những gì cao quý trong con người rất bình dị này. Hôm nay GHPGVNTNHK long trọng thiết lễ truy tán công hạnh của Đại Lão Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ…”

Hòa Thượng Thích Nguyên Trí, phó chủ tịch nội vụ Hội Đồng Điều Hành GHPGVNTNHK, viện chủ chùa Bát Nhã, trưởng ban tổ chức lễ tưởng niệm, phát biểu: “Khi nghe tin Hòa Thượng Tuệ Sỹ viên tịch, ai ai trong chúng ta cũng đều đau xót khi mất đi một bậc trí tuệ của Phật Giáo, của dân tộc. Nhắc lại công lao của Thầy đối với giáo hội, với dân tộc, thật sự là một con người rất đại hùng đại lực. Trong tất cả chúng ta ai cũng ngán Cộng Sản khi còn ở Việt Nam, nên phải bỏ nước ra đi vì chế độ, ngược lại Cộng Sản rất sợ ngài. Không người nào mà không quan tâm đến mạng sống, ấy vậy mà khi bị Cộng Sản lên án tử hình, ngài lại hiên ngang dám tuyên bố rằng ‘Tôi sẵn sàng bỏ thân mạng này chứ không bao giờ bỏ dân tộc tôi và Phật Giáo Việt Nam.’”

Hòa Thượng Thích Nguyên Trí (phải) nói về hành trạng Hòa Thượng Tuệ Sỹ. Bên cạnh là Giáo Sư Tiến Sĩ Huỳnh Tấn Lê. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

“Chính những lời như vậy mà Phật Giáo hiên ngang trước tất cả mọi đe dọa của Cộng Sản, và ngài sẵn sàng hy sinh không nhường bước trước bất cứ giai đoạn nào, nhất là những năm Cộng Sản muốn tiêu diệt Phật Giáo, nhưng ngài sẵn sàng thà chết chứ không bao giờ bỏ đạo. Chính nhờ hành động như vậy mà quý thầy tại quê nhà sẵn sàng đứng sau lưng để cùng ngài đứng ra lãnh đạo, làm cho ngọn đuốc chánh pháp và tinh thần dân tộc ngày càng vững mạnh, khiến ngày hôm nay gần như Cộng Sản phải bỏ những ý định tiêu diệt Phật Giáo và tất cả các tôn giáo khác nói chung. Vì vậy hôm nay chúng ta nơi đây cũng như tại quê nhà, tôi nghĩ rằng từ người trong đạo lẫn người ngoại đạo, nói chung là dân tộc Việt Nam ai ai cũng đau lòng khi mất đi một con người xứng đáng trong cương vị lãnh đạo,” hòa thượng tiếp.

“Ngày hôm nay chúng tôi rất vui mừng khi được chư tôn đức tăng già và toàn thể quý đạo hữu vân tập về đây cùng góp lời cầu nguyện cho ngài cao đăng Phật quốc để cứu độ chúng sanh ở cõi ta bà. Với bản nguyện của ngài, tôi nghĩ rằng chí nguyện của ngài là phục hưng Chánh Pháp, phục hưng cho ngôi nhà dân tộc vẫn chưa xong, và ngài sẽ trở lại với chúng ta, với dân tộc Việt Nam,” Hòa Thượng Nguyên Trí tiếp.

Hòa Thượng Thích Nguyên Siêu cung tuyên tiểu sử Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Tiếp đến, Hòa Thượng Thích Nguyên Siêu, tổng thư ký Hội Đồng Điều Hành GHPGVNTNHK, cung tuyên tiểu sử Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ, với cuộc đời hành đạo đã hy sinh cả cuộc đời mình để gìn giữ Phật Giáo Việt Nam, để tưởng niệm công đức sâu dày của một bậc thạc đức đã tận hiến đời mình cho Đạo Pháp và Dân Tộc.

Sau đó, ca sĩ Phong Dinh với tiếng đàn guitar của nhạc sĩ Trần Chí Phúc qua nhạc phẩm “Những Năm Anh Đi” thơ Tuệ Sỹ.

Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Chơn Thành, thượng thủ Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Trên Thế Giới, viện chủ chùa Liên Hoa, Garden Grove, trong đạo từ, nói lời cám ơn Hòa Thượng Tuệ Sỹ trong suốt cuộc đời đã tranh đấu cho giáo hội và cho con dân Việt Nam.

Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Chơn Thành chia sẻ về công trạng của Hòa Thượng Tuệ Sỹ. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

“Xin mọi người hãy noi gương Hòa Thượng Tuệ Sỹ tranh đấu cho cho sự tồn vong của giáo hội trong nước bị nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam hãm hại Phật Giáo Việt Nam. Chúng ta nhất tâm thanh tịnh tiễn đưa giác linh cố Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ về cõi Tây Phương Cực Lạc, cầu nguyện cho hòa thượng an nghỉ một thời gian ở cõi Tây Phương rồi sẽ trở lại trần gian giúp cho Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam an lạc và phát triển.”

Tiếp đến, Hòa Thượng Thích Kim Đài diễn ngâm bài thơ “Khung Trời Cũ,” một trong những bài thơ nổi tiếng của cố Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ, khiến cả không gian như trầm mặc tiếng lòng một tâm hồn thi sĩ, bao trùm cả chân trời thi tứ Đông Tây.

Giáo Sư Tiến Sĩ Huỳnh Tấn Lê, tổng vụ trưởng Tổng Vụ Pháp Chế GHPGVNTNHK, đảnh lễ chư tôn đức tăng già, thưa rằng vì không đủ văn chương và tài ba để nói lên tất cả những cái hay cái đẹp của một siêu nhân Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ, nên ông chỉ xin nói lời chân thành của một Phật tử bình thường, và nêu sáu công trạng nổi bật trong cuộc đời cố Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ:

Hòa Thượng Thích Kim Đài diễn ngâm bài thơ “Chân Trời Cũ” của Hòa Thượng Tuệ Sỹ. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

1. Ngài là một bậc đống lương kiệt xuất của GHPGVNTN, là một đại dịch giả Việt Nam vang danh và là một học giả uyên thâm, nhà tư tưởng, nhà văn, nhà thơ, một bậc thượng nhân mô phạm và thạch trụ trong chốn tòng lâm, một bậc Thầy của nhiều thế hệ tăng, ni và Phật tử Việt Nam.

2. Với trí tuệ thâm sâu, đạo hạnh cao vời, hòa thượng đã một đời cống hiến cho GHPGVNTN nói riêng, cho Phật Giáo Việt Nam nói chung, qua việc giảng dạy, biên khảo, sáng tác, dịch thuật vô số Kinh Luật cho nhiều thế hệ tăng, ni.

3. Hòa thượng cũng từng sát cánh với nhị vị Đại Lão Hòa Thượng Thích Huyền Quang, Thích Quảng Độ trong việc giữ gìn giềng mối của GHPGVNTN kinh qua những giai đoạn phong ba nghiệt ngã của đạo pháp và dân tộc.

4. Những năm tháng cuối đời, thân mang trọng bệnh, hòa thượng vẫn an nhẫn, kiên cường, cố gắng dựng lại một giáo hội đã có nhiều sự phân tán, đổ nát, đồng thời tái lập và điều hành công trình phiên dịch của Hội Đồng Phiên Dịch Tam Tạng bị dang dở từ sau năm 1975.

5. Hòa thượng đã sống một cuộc đời đáng sống, đã sống đầy hùng lực, dù đứng trước sự kết án tử hình. Trong trại tù, hòa thượng đã tuyệt thực 14 ngày không ăn uống, chính quyền đương thời buộc Thầy ký vào đơn xin khoan hồng để được tự do nhưng Thầy không đồng thuận, câu nói lịch sử của Thầy được lưu truyền “Các ông không có quyền ân xá hay khoan hồng với chúng tôi.” Cuối cùng họ phải nhượng bộ phóng thích Thầy vào ngày 1 Tháng Chín, 1998.

6. Công đức đóng góp của hòa thượng cho nền Phật Việt quả là không thể nghĩ bàn. Sự viên tịch của ngài là một mất mát rất lớn của Phật Giáo Việt Nam cận đại. Giờ đây, từ phương xa, con xin được chắp tay cung kính vọng bái về Giác Linh Hòa Thượng, ngưỡng nguyện Thầy về cảnh Phật an nhiên – từ bi tái hiện tùy duyên độ đời. Nam Mô Tiếp Dẫn Đại Sư A Di Đà Phật.

Ca sĩ Phong Dinh hát “Những Năm Anh Đi” thơ Tuệ Sỹ, do nhạc sĩ Trần Chí Phúc phổ nhạc và đệm đàn guitar. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Sau đó, chư tôn đức tăng, ni cùng trang nghiêm niệm hương trước giác linh cố Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ, bạch Phật Cung Tiến Giác Linh cố hòa thượng.

Hòa Thượng Thích Nguyên Siêu cũng nhắc lại, vào lúc 4 giờ 30 phút chiều Thứ Bảy, 2 Tháng Mười Hai, sẽ có buổi lễ truy tán công hạnh và tưởng niệm Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ tại Tu Viện Đại Bi, 13852 Newland Street, Garden Grove, CA 92844.

Buổi lễ sẽ giới thiệu “Kỷ Yếu Tri Ân Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ” dày hơn 500 trang, với gần 100 tác giả viết về tư tưởng thi ca triết học, Kinh Luật Luận. Ban tổ chức cung thỉnh chư tôn đức tăng, ni và quý Phật tử tới tham dự. (Văn Lan) [qd]

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT