Monday, May 20, 2024

Giỗ Tổ Hát Bội tại Little Saigon, mong được bảo tồn ở hải ngoại

Văn Lan/Người Việt

WESTMINSTER, California (NV) – Giỗ Tổ Hát Bội với đầy đủ sắc màu, cùng tiếng trống chầu với các loại nhạc cụ cổ truyền vang động, lôi cuốn đông đảo khán giả vùng Little Saigon đến dự.

Lễ giỗ do Câu Lạc Bộ Văn Học Nghệ Thuật Hát Bội tổ chức mừng tổ nghiệp, với sự hướng dẫn của Giáo Sư Dương Ngọc Bày, vừa diễn ra hôm Thứ Bảy, 14 Tháng Chín, tại phòng sinh hoạt nhật báo Người Việt, Westminster.

Trên sân khấu, bàn thờ Tổ Nghiệp được bày trí trang nghiêm, đầy đủ hương hoa trà quả do nghệ sĩ Nguyễn Hùng thiết kế. Phía dưới là bàn thờ các vị tiền hiền và hậu hiền, những người có công tiếp nối ngành hát bội Việt Nam. Đặc biệt trên bàn thờ hậu hiền có bức tượng của ông Đào Tấn, người được suy tôn là Tổ Hát Bội Việt Nam.

Tiếng trống khai chầu vang lên, các nghệ sĩ tiến lên sân khấu, dẫn đầu là Giáo Sư Ngọc Bày cung kính dâng hương trước bàn thờ Tổ Nghiệp.

Điệu múa “Ngũ Hành Tứ Quý” khai mạc lễ giỗ tổ với các nghệ sĩ Hồ Ngọc Ân, Thiên Thanh, Diễm Tuyết, Ái Liên, và Bích Thuận trình diễn.

Tiếp theo là trích đoạn “Lưu Kim Đính Đại Chiến Dư Hồng” do Giáo Sư Ngọc Bày cùng học trò lớn Trần Hải Đệ trình diễn, nhận được tràng pháo tay nồng nhiệt tán thưởng.

Đặc biệt năm nay có hai nghệ sĩ từ San Jose về trước một ngày để tập lại khi trình diễn trích đoạn “La Thông Tạo Bắc,” đó là nghệ sĩ Trần Hồng Phúc và Kim Yến, hai người học trò của Giáo Sư Ngọc Bày đã học hát bội hàm thụ nhiều năm qua điện thoại.

Lễ dâng hương cúng Tổ Nghệ Thuật Hát Bội. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Được mời lên sân khấu, Giáo Sư Trần Văn Chi cho biết về nguyên ủy của lễ giỗ tổ nói chung gồm các ngành ca nhạc, kịch nghệ, sân khấu, hát bội, sau này thường gộp chung lại gọi là Giỗ Tổ Sân Khấu, nhưng hôm nay là Giỗ Tổ Hát Bội, vì có những đặc điểm riêng của ngành này.

Theo ông, Việt Nam có 600 làng nghề, mỗi làng nghề đều có tổ nghề, đó là nét đẹp của người Việt, với tập tục ngàn đời là “uống nước nhớ nguồn,” ngày giỗ tổ là để nhớ ơn người có công lao khai sáng và tri ơn thầy đã dạy dỗ truyền nghề. “Ngày trước cúng tổ trong hậu trường sân khấu, chỉ có nghệ sĩ cúng chứ không có khán giả,” ông nói.

“Ở hải ngoại gần đây có một tập tục đẹp, đó là mở cửa cúng tổ nơi công cộng, mời khán giả đến dự, để khán giả được gần với sân khấu hơn. Đây là một nét đẹp người hải ngoại đã làm, nhờ vậy cải lương và hát bội mới tồn tại được, khán giả đến càng đông càng mừng, vì họ là người ủng hộ sân khấu, đem lại niềm tin yêu cho bộ môn nghệ thuật mà họ yêu thích,” ông nói tiếp.

“Sân khấu sống là nhờ khán giả, nếu vắng người xem thì dù đoàn hát có lớn, nghệ sĩ có gạo cội bao nhiêu chăng nữa cũng không phát triển được!” Giáo Sư Chi nhấn mạnh.

Màn “Lưu Kim Đính đại chiến Dư Hồng” do Giáo Sư Ngọc Bày và học trò Trần Hải Đệ trình diễn. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Giáo Sư Huê Mỹ, người thường xuyên đi dự lễ Giổ Tổ Hát Bội, cho biết: “Tôi đi dự lễ giỗ tổ để cổ võ về mặt tinh thần, và cũng muốn đóng góp một chút tịnh tài để ủng hộ cho Giáo Sư Ngọc Bày. Đây là hát chầu không bán vé, chỉ là tinh thần thôi, dù tuổi đã cao nhưng cô Bày luôn cổ súy và duy trì  nền văn hóa dân tộc trên xứ người.”

“Giáo Sư Ngọc Bày luôn tổ chức lễ Giỗ Tổ Hát Bội hằng năm, lên sân khấu cùng với học trò diễn vài trích đoạn tuồng tích dâng cúng tổ, tôi thấy cảm phục hết sức. Cũng mừng là cô vẫn còn làn hơi rất điêu luyện, cố gắng duy trì bộ môn hát bội tại hải ngoại. Tôi cũng mong lớp trẻ yêu thích mà tiếp nối, phải đam mê mới theo đuổi được, nhất là bộ môn hát bội này,” bà chia sẻ.

Nhiều người cho rằng cải lương có nhiều người theo học, và dễ phát triển, còn bộ môn hát bội phải nói là rất khó, từ điệu bộ, cho tới hát xướng, rồi nét mặt diễn tả, vui mừng, buồn giận ra sao, chính vì khó vậy nên ít người theo học!

“Quang Trung Bắc Tiến Diệt Mãn Thanh” do Ngọc Thiên Thanh và Ngọc Ân trình diễn. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Bà Huê Mỹ giải thích: “Các em học sinh trong trường lớp ngoài việc học các bộ môn âm nhạc khác, nếu hát bội được đưa vào chương trình giảng dạy như là một môn giải trí, một ngành học mới, một thú vui của các em thì thật đáng hoan nghênh. Không phải ca hát bội thì sẽ làm đào kép hát bội đâu, chỉ mong khi nói tới hát bội, các em có thể tự hào nói về ngành này, hoặc khuyến khích các em khác, các bạn bè cùng lứa với mình hiểu và thích thú là đủ rồi.”

“Tôi rất trân quý bộ môn này, và rất muốn người Việt ở hải ngoại cùng hợp sức nhau làm sao gìn giữ phát triển. Nếu không rồi cũng sẽ mất đi một bộ môn nghệ thuật cổ truyền Việt Nam, thì thiệt đáng buồn,” bà nói tiếp.

Anh Hiền Trần quê Bình Định, nơi xuất phát của bộ môn hát bội ở miền Trung, năm nào cũng mang máy ảnh đến ghi nhận những hình ảnh đẹp trên sân khấu. Anh cho biết: “Ráng chụp được nhiều hình, từ lúc nghệ sĩ hóa trang trong hậu trường cho tới khi trình diễn trên sân khấu, bởi vì các con mình xem rất thích vì có nhiều màu sắc và điệu bộ đẹp.”

Quang cảnh lễ Giỗ Tổ Hát Bội. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

“Tôi tự nghĩ tại sao bộ môn kịch nói Noh cổ truyền của Nhật Bản, cũng có nét gần giống như hát bội lại không bị mai một mà vẫn phát triển, trên thế giới ai cũng biết và yêu thích? Tôi nghĩ rằng cả một tập thể người Việt ở hải ngoại bao gồm các học giả, các nghệ sĩ, các học khu, các nhà làm luật, giới truyền thông, các nhà làm văn hóa, đã đến lúc cùng nhau bắt tay thành lập một chương trình nghiên cứu về hát bội, có tài trợ với một đường hướng rõ ràng cụ thể để hồi sinh bộ môn này, có lẽ đây là một dự án lớn, một vài cá nhân không đủ sức đâu,” anh nhận xét.

Chương trình giỗ tổ kéo dài với nhiều trích đoạn hát bội, cải lương, tân nhạc, đa số là khán giả lên đóng góp làm phong phú thêm chương trình. Mọi người vừa nghe ca nhạc vừa được mời lộc tổ, với một bộ môn nghệ thuật cổ truyền rất cần bảo tồn và phát triển nơi hải ngoại.

Cánh chim không mỏi của ngành hát bội tại hải ngoại, Giáo Sư Ngọc Bày, nói với giọng đượm buồn: “Một mình tôi như cánh én không làm nên mùa Xuân, phải nhờ tấm lòng của cộng đồng người Việt nơi đây tiếp tay góp sức, tôi năm nay đã lớn tuổi rồi, không biết ngày mai sẽ sa sao!” (Văn Lan)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT