Thursday, May 16, 2024

‘Giòng Đời,’ nhiều trường phái hội họa hòa thành một giòng

Đằng-Giao/Người Việt

WESTMINSTER, California (NV) – “Giòng Đời” là tên buổi triển lãm của “Group 11” do họa sĩ Trương Đình Uyên đại diện, tổ chức trong hai ngày Thứ Bảy và Chủ Nhật, 2 và 3 Tháng Sáu, tại phòng sinh hoạt nhật báo Người Việt, Westminster, từ 9 giờ sáng đến 6 giờ chiều.

“Group 11” gồm 11 họa sĩ Nguyễn Văn Bảy, Mạc Chánh Hòa, Nguyễn Xuân Trung, Lương Trường Thọ, Đặng Ngọc Sinh, Huy Dũng, Trương Đình Uyên, Ái Lan, Đoàn Vi Hương, Bảo Trâm, và Lê Thúy Vinh.

Mười một họa sĩ trong nhóm đều có bút pháp khác hẳn nhau, từ tả chân đến trừu tượng nên khi cùng trưng bày tranh trong một phòng gallery, những họa phẩm này như những giòng suối cùng tụ về một giòng sông hòa hợp sắc màu. “Bởi vậy chúng tôi mới chọn tên ‘Giòng Đời,’” họa sĩ Trương Đình Uyên giải thích. “Và cũng như giòng đời, nhóm chúng tôi quy tụ những họa sĩ ở nhiều lứa tuổi khác nhau, từ tuổi gần 80 đến tuổi rất trẻ.”

Hai thành viên trẻ tuổi nhất là Đoàn Vi Hương và Bảo Trâm. “Tuy tuổi còn rất trẻ nhưng cả hai cùng có bút pháp rất già dặn,” ông Đình Uyên tiếp. “Ngoài tài vẽ, Bảo Trâm, người trẻ nhất, còn có tài chơi dương cầm nữa.”

Người lặng yên ngắm nghía, người bàn tán xôn xao. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)

“Thoạt nhìn bức tranh này, với cách vẽ hết sức mạnh bạo, tôi nghĩ là của ông nào phải nhiều năm kinh nghiệm, đến khi nhìn lại, hóa ra lại là phụ nữ, thật là độc đáo,” bà Trương Bích Hợp, cư dân Westminster, nói về bức “Đợi Chờ,” một tác phẩm trừu tượng của họa sĩ Bảo Trâm.

Ông Đình Uyên nói về bút pháp này: “Cô vẽ theo trường phái ‘fauvism,’ nét vẽ mạnh, gần như ‘hoang đã.’”

Ngược lại, họa sĩ Mạc Chánh Hòa lại có nét tả chân với những đường nét mềm mại và hết sức tỉ mỉ, trau chuốt trong họa phẩm “Tôi,” mô tả một người thợ rèn làm việc trong lò luyện thép.

Ông Chu Văn Khuyến, ở Fountain Valley, nhận xét: “Nhìn như hình chụp nhưng có một chiều sâu ‘lạ lắm’ và bố cục kỹ lưỡng rất hiếm có trong nhiếp ảnh.”

Ông Chánh Hòa nói: “Đây là một bức tự họa, tôi muốn nhắc chính tôi phải luôn luôn tôi luyện chính mình, không ngừng tôi luyện chính mình. Chữ ‘tôi’ ở đây là sự chơi chữ.”

“Tôi” họa phẩm tả chân với nét vẽ “nhuyễn” và mềm mại nhất. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)

Về bức “Làng Tôi” của họa sĩ Huy Dũng, cô Thái Kiều Thơ, cư dân Santa Ana, nói: “Tôi thấy bức tranh này nói lên thân phận những người gốc Việt tại đây, mô tả đường về làng bằng lối vẽ ‘Tây Tây thế nào ấy.’”

Một vị khách đứng gần góp chuyện: “Vâng, rõ ràng là cổng làng Việt Nam, nhưng cây cỏ chung quang lại gọn ghẽ và có màu sắc Tây phương.”

Ông Đình Uyên đồng ý: “Đúng vậy, bức này có nét vẽ hao hao của họa sĩ người Mỹ Thomas Kinkade. Ông được mệnh danh là ‘họa sĩ của ánh sáng.’”

Có lẽ sáng tác “Nắm Đất Quê Hương Còn Hay Mất” của họa sĩ Nguyễn Văn Bảy là có lối vẽ “gồ ghề,” mộc mạc nhất. Bức tranh mô tả một phụ nữ nông dân đứng cạnh con trâu, cả hai cùng nhỏ những giọt lệ buồn cho số phận mảnh đất quê hương, nay bỗng không biết mất hay còn.

Ông Trương Hưng Đán, ở Garden Grove, xuýt xoa: “Tiếc quá, phòng tôi thuê quá chật, không có chỗ treo tranh. Tiếc quá. Tôi rất thích cách mô tả này của họa sĩ. Tả nông dân, con trâu và cảnh đồng áng phải như vậy mới lột tả được cái thô sơ, không kiểu cách của đời sống và tâm tình của những người sinh ra và lớn lên ở nông thôn.”

“Tôi cũng rất thích bức ‘Chiều Quê’ của cô Ái Lan. Màu sắc hết sức nhã nhặn và phối hợp với nhau một cách vô cùng nhịp nhàng,” ông thêm.

Ông Steward Hemmington: “Những bức tranh này gợi nhiều kỷ niệm của tôi trong thời gian ở Việt Nam.” (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)

Về bức “Giòng Thời Gian” của họa sĩ Đình Uyên, ông Nguyễn Quang Anh, ở Westminster, nhận xét: “Từ bố cục đến màu sắc đều có sự uyển chuyển nhịp nhàng, đường nét lại vô cùng ‘Việt Nam,’ tôi nhắm mãi bức tranh này vì thích nhưng không hiểu vì sao cả.”

Nói về “Giòng Thời Gian,” ông Đình Uyên cho biết: “Tôi muốn mô tả một cô gái đã hóa thạch từ ngàn xưa mà chiếc lá vàng vẫn còn rơi giữa không trung. Giữa cái tĩnh, vẫn có cái động của thời gian.”

Một họa sĩ giấu tên chia sẻ cảm nhận về “Giòng Thời Gian”: “Đây là một bức tranh thành công vì sự chuyển hóa giữa sắc màu của họa sĩ có một tiết tấu như một câu nhạc đẹp.”

Một khách người Mỹ trắng tên Steward Herrington, cư dân Carlsbad, nói bằng tiếng Việt rành rõi: “Những bức tranh này gợi lại nhiều kỷ niệm của tôi trong thời gian ở Việt Nam, từ 1971 đến 1975. Đặc biệt là những bức tả thật (như của họa sĩ Mạc Chánh Hòa) làm tôi nhớ đến bức tranh của họa sĩ Đỗ Quang Em tôi đang treo ở nhà.”

Một số khách thưởng tranh còn hẹn nhau sẽ quay lại thêm lần nữa vào Chủ Nhật, 3 Tháng Sáu. (Đằng-Giao)

———————

Liên lạc tác giả: [email protected]

Video: Quê Nhà Quê Người Mới Cập Nhật

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT