Thursday, April 18, 2024

Hội Ái Hữu Ðồng Hương Sa Ðéc tổ chức Tất Niên 2017

Lâm Hoài Thạch/Người Việt

WESTMINSTER, California (NV) – “Hàng năm, Hội Ái Hữu Ðồng Hương Sa Ðéc đều có tổ chức buổi họp mặt mừng Tất Niên. Mục đích để cho đồng hương Sa Ðéc có dịp gặp gỡ nhau hàn huyên tâm sự, chia sẻ những vui buồn trên đất khách, đồng thời cũng là dịp để chúng tôi điểm danh những người còn, kẻ mất.”

Lời của ông Nguyễn Văn Giúp, hội trưởng Hội Ái Hữu Ðồng Hương Sa Ðéc, trong buổi tiệc Tất Niên 2017, do hội này tổ chức vào trưa Chủ Nhật, 7 Tháng Giêng, tại nhà hàng Paracel Seafood, Westminster.

Ông cho biết thêm: “Mục đích thứ hai, là để nhắc nhở cho tuổi trẻ sau này nhớ về nguồn gốc, truyền thống của dân tộc Việt Nam. Thứ ba, là tìm ra một ngân khoản gởi về quê nhà để giúp cho những mảnh đời khốn khó, cơ cực như các thương phế binh VNCH, thầy cô giáo, những người nghèo neo đơn, trẻ em mồ côi khuyết tật,… ở Sa Đéc. Ðó là tôn chỉ trong những mục đích mà hội thực hiện.”

Mở đầu chương trình, đoàn lân Tiên Phong múa chào mừng quan khách và đồng hương đến dự. Nhân dịp này, đồng hương cũng có lì xì cho hai con lân đến múa tận bàn của khách.

Trong lời diễn văn khai mạc, ông hội trưởng chào mừng nồng nhiệt các đồng hương Sa Đéc đồng thời chúc mọi người một năm mới dồi dào sức khỏe, gia đình hạnh phúc, vạn sự an lành.

Nghi thức khai mạc tiệc Tất Niên 2017, do Hội Ái Hữu Ðồng Hương Sa Ðéc tổ chức tại nhà hàng Paracel Seafood, Westminster. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Ông Nguyễn Văn Giúp cho biết thêm: “Từ ngày hội thành lập đến nay, hàng năm, hội đã được sự giúp đỡ nhiệt tình của quý mạnh thường quân cùng đồng hương Sa Ðéc và từ những tấm lòng vàng khắp mọi nơi đã cho chúng tôi cơ hội thực hiện việc giúp đỡ cho những người đói khổ, cơ cực ở quê nhà.”

Năm nào cũng vậy, phần văn nghệ giúp vui đều do cô Quỳnh Thúy quy động và điều hợp chương trình. Đặc điểm của ban văn nghệ này là có nhiều tiếng hát tuy không chuyên nghiệp, nhưng hát rất hay và họ còn rất trẻ.

“Tôi là con cháu được sanh ra tại Sa Đéc. Vì thế, mỗi năm hội tổ chức Tất Niên thì tôi cũng muốn đóng góp tấm lòng thành của mình là mời một số anh chị em ca sĩ có lòng yêu thương đất nước của mình đến chung vui với đồng hương Sa Đéc,” Quỳnh Thúy chia sẻ.

“Ước mong của tôi là Hội Ái Hữu Đồng Hương Sa Đéc càng ngày được phát triển rộng hơn về tình người, tình đồng hương, kể cả trong lãnh vực nghệ thuật ca diễn cũng được tiến triển nhiều. Vì thế, năm nào cũng vậy, các anh chị em ca sĩ đã chuẩn bị tập dượt trước hơn một tháng,” cô tâm tình.

Trong số khách đến dự có Đốc Sự Châu Văn Để, hội trưởng Hội Lăng Ông Bà Chiểu. Theo ông kể, từ năm 1963, tỉnh Sa Đéc bị sáp nhập vào tỉnh Vĩnh Long. Cho đến 1966 thì Sa Đéc mới được tách rời ra khỏi tỉnh Vĩnh Long để trở thành một tỉnh lỵ như lúc trước, và ông được về làm việc tại tỉnh Sa Đéc trong thời điểm đó.

Ông kể tiếp: “Lúc đó, khi mới đặt chân vào tỉnh này thì tôi thấy một biểu ngữ có viết ‘Sa Đéc là tỉnh của Trời/Ai thuê được nó là dời được non’. Thắc mắc của tôi là, tại sao vừa mới được tái lập tỉnh mà lại có câu nói này. Hỏi thăm thì mới biết câu này do ông Lê Công Chất là dân ở Sa Đéc soạn ra, và ông cũng là tổng trưởng Nội Vụ. Theo tôi, lúc Sa Đéc bị sáp nhập vào tỉnh Vĩnh Long, ông ta ấm ức như thế nào, nên khi Sa Đéc được trở lại là một tỉnh độc lập thì mới viết ra câu đó.”

Ông Nguyễn Văn Giúp, hội trưởng phát biểu trong Tất Niên 2017, do Hội Ái Hữu Ðồng Hương Sa Ðéc tổ chức. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Rồi ông tâm tình: “Thời gian tôi làm việc ở Sa Đéc khá lâu, nên mối thâm tình của những người ở Sa Đéc đối với tôi rất là gắn bó. Từ đó đến nay, khi gặp gỡ lại những đồng hương Sa Đéc tôi rất ngậm ngùi, vì bạn cũ cùng chung làm việc không còn bao nhiêu người, và những bậc lớn hơn thì đã ra đi vĩnh viễn, nên mỗi khi gặp được những đồng hương nhỏ tuổi hơn mình thì tôi rất cảm động. Cũng vì vậy, năm nào tôi cũng đến dự tiệc Tất Niên của đồng hương Sa Đéc.”

Ông Nguyễn Phú Hùng, trưởng đài radio Hương Sen gốc người Sài Gòn, làm việc tại Sa Đéc từ năm 1970 cho đến 1975, theo ông kể, từ năm 1970 ông phụ trách về hành chánh tại quận Lấp Vò, tỉnh Sa Đéc. Đến năm 1972, ông cũng làm việc này tại quận Châu Thành, tỉnh Sa Đéc cho đến 1975. Sau đó, ông bị đi tù Cộng Sản bảy năm.

Ông cho biết: “Ngày xưa, tuy Sa Đéc là một tỉnh nhỏ, nhưng rất yên bình, vì thời đó Cộng Sản không thể héo lánh để quấy phá. Tại vì nơi đây là một tỉnh nhỏ nên sự phòng thủ rất là chặt chẽ, không có đường giao thông về đường biển cũng như không có những con sông lớn, rừng to để Cộng Sản dễ dàng chuyển quân. Theo tôi, Sa Đéc là vùng sông nước và khí hậu rất phong phú, cho nên da của những người ở Sa Đéc rất đẹp, nhất là những cô gái ở quận Nha Mân, tỉnh Sa Đéc.”

Lý do gái Nha Mân đẹp, một số đồng hương kỳ cựu ở Sa Đéc cho biết về một truyền thuyết là ngày xưa, lúc vua Gia Long trên đường lẫn tránh quân Tây Sơn đuổi bắt. Khi đến Nha Mân, nhà vua đã để lại một số cung tần mỹ nữ tại xứ này. Vì thế, những người đẹp ở lại Nha Mân sau này đã tạo ra một số con cháu, phần nhiều họ là những cô gái đẹp. Từ truyền thuyết này, trong nhân gian có câu: “Gà nào hay bằng gà Cao Lãnh/Gái nào bảnh bằng gái Nha Mân.”

Hội Ái Hữu Ðồng Hương Sa Ðéc thành lập từ 1996 tại Nam California. Đồng hương Sa Đéc có khoảng trên dưới 500 gia đình ở Nam California, toàn lãnh thổ Hoa Kỳ có trên 1,000 gia đình.

Những trường học ngày xưa ở Sa Ðéc gồm có Hoàng Diệu (sau đổi thành Sa Ðéc), Nguyễn Bá Trung, Nguyễn Viết, Huỳnh Tấn, Bồ Ðề, Nam Tiểu Học, Nữ Tiểu Học,…

Sa Ðéc là xứ trồng hoa kiểng để cung ứng cho nhiều nơi tại Sài Gòn và những tỉnh thuộc miền Tây Nam Bộ. Các làng trồng hoa kiểng như Tân Quý Ðông, Tân Khánh,… có trồng đủ loại hoa kiểng và phát triển rất mạnh.

Ðặc sản nổi tiếng của Sa Ðéc là bánh phồng tôm Sa Giang, nước tương Sa Ðéc, các loại bánh hủ tiếu, bánh phở,… (Lâm Hoài Thạch)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT