Monday, March 18, 2024

Hội Bạn Người Cùi 24 năm âm thầm giúp người bệnh ở Việt Nam

Đằng-Giao/Người Việt

IRVINE, California (NV) – “Tháng nào mà không thu vào trên $50,000 thì chúng tôi ‘chết’,” ông Nguyễn Văn Công, thư ký Hội Bạn người Cùi, nói về chi phí mà hội phải trang trải hằng tháng để giúp đỡ những người bệnh phong cùi ở Việt Nam.

Ông giải thích: “Này nhé, bao nhiêu năm nay, lúc nào chúng tôi cũng trợ giúp khoảng 4,000 người mắc chứng phong cùi. Cứ mỗi tháng, hội gởi tặng mỗi người $13 tiền ăn. Như vậy vị chi là $52,000 rồi.”

Ông thêm: “Đây mới là số tiền nhất định thôi. Ngoài ra, hội còn phải thanh toán rất nhiều khoản tiền bất ngờ cho họ nữa. Mục đích duy nhất của hội là giúp những người mắc bệnh phong về tất cả mọi phương diện liên quan đến họ, từ chi phí mổ xẻ đến cấp vốn làm ăn, hay sửa sang nhà cửa, mua gia súc chăn nuôi.”

Mỗi năm phải có $624,000 mới đủ

Nói một cách khác, tối thiểu, mỗi năm, Hội Bạn Người Cùi phải có $624,000 thì mới hoàn thành công việc từ thiện của mình. Chi phí này, hội gởi thẳng về Việt Nam cho các linh mục và các soeur để các vị phân phát cho từng người.

Chính vì vậy, hằng tuần, các thiện nguyện viên nồng cốt của Hội Bạn Người Cùi quây quần bên nhau một lần để cùng đếm tiền, cho vào sổ sách và viết thư cám ơn, rồi gởi biên nhận cho các vị ân nhân.

Để được ân nhân khắp nơi ủng hộ suốt gần 24 năm nay, Hội Bạn Người Cùi phải duy trì phong cách làm việc minh bạch và công khai.

Tiền nào ra tiền nấy rõ ràng. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)

Ông An Nguyễn, thiện nguyện viên, cho biết: “Hằng tuần, chúng tôi đợi đông đủ mọi người rồi mới cùng mở phong bì một lúc. Phải cẩn thận như vậy vì có những bác lớn tuổi, không quen sử dụng ngân phiếu nên có dư đồng nào thì gởi tiền mặt giúp hội ngay.”

Tiền mặt không nhiều lắm, $2 ở phong bì này, $5 ở thư kia, nhưng dù có ít đến đâu thì mọi người cũng phải cộng lại rồi gởi hết vào ngân hàng.

Ông Mạnh Phi, thiện nguyện viên, nói: “Mở phong bì ra, chúng tôi ghi ngay số tiền vào bên ngoài phong bì. Dù là tiền mặt hay ngân phiếu chúng tôi phải ghi rõ mục đích, để donate (đóng góp), để mua vé Đại Nhạc Hội, hoặc để mua vé số. Tiền nào phải ra tiền nấy.”

Ông Dương Nguyễn, thiện nguyện viên, giải thích thêm: “Rồi chúng tôi kẹp tiền mặt và tiền ngân phiếu chung với nhau vào phong bì đã ghi chú số tiền và mục đích. Sau đó, lại có người khác kiểm lại những con số này. Rồi lại có người khác kiểm soát nữa trước khi cộng vào sổ. Phải làm đi, làm lại như vậy mới không sai sót.”

“Kỹ vậy mà đã có lần một ân nhân thắc mắc, ‘Sao tôi gởi cho hội $50 mà biên nhận chỉ ghi có $30?’ Chúng tôi lập tức coi lại thì rõ ràng chỉ có $30. Ngân phiếu thì đã bỏ vô nhà băng rồi mấy tuần rồi. Vậy mà chúng tôi cũng ráng hối thúc Citibank để ráo riết tìm cho bằng được ngân phiếu của ân nhân đó,” ông Nguyễn Văn Nhuệ, thiện nguyện viên, kể.

Sau cùng thì vị ân nhân đó mới vỡ lẽ ra là ông có nhờ người con trai ký ngân phiếu $50 cho hội, nhưng vì một lý do nào đó, người con chỉ ghi có $30 thôi và quên không báo cho ông biết.

Ông Nhuệ thêm: “Ngay cả $1, nếu có ai thắc mắc, chúng tôi vẫn biết là nó đi về đâu. Phải rõ ràng thì mới làm việc lâu dài được.”

Thiện nguyện viên không đụng đến tiền đóng góp

Tóm lại, để giữ uy tín suốt mấy chục năm, Hội Bạn Người Cùi chưa bao giờ lem nhem chuyện tài chánh. “Ngay cả khi chúng tôi về Việt Nam để kiểm soát công việc của các cha, các soeur bên đó, chúng tôi cũng phải bỏ tiền túi mà trả tiền vé cũng như ăn, ở. Tiền các ân nhân gởi là để giúp người cùi chúng tôi không đụng đến,” bà Nguyễn Thị Soi, phụ tá hội trưởng, trình bày.

Bà Soi cho biết thêm là mỗi người tốn không dưới $5,000. “Họ làm việc hoàn toàn với tấm lòng muốn giúp đỡ người khác thôi,”bà khẳng định.

Rất nhiều thiện nguyên nồng cốt đã âm thầm đóng góp từ nhiều năm nay.

Ông Dương kể: “Bây giờ về hưu rồi chúng tôi mới được đếm tiền ban ngày. Lúc trước, ai cũng phải đi làm nên mãi đến 11 giờ đêm mới bắt đầu. Lúc ấy máy điện toán đâu có nhanh và tiện dụng như bây giờ nên làm việc này cực lắm.”

Nhờ các thiện nguyện viên chịu cực, chịu khó mà Hội Bạn Người Cùi mới phát triển và đóng góp trong suốt 24 năm qua.

Theo ông Công, Hội Bạn Người Cùi có hơn 20,000 ân nhân (mạnh thường quân) trên thế giới, trong đó có 15,000 người đóng góp thường xuyên.

Hội được thành lập năm 1995 do một nhóm anh chị em thiện chí trong cộng đoàn Tustin, tiểu bang California, nước Mỹ, là một tổ chức từ thiện vô vụ lợi, phi chính trị, không đảng phái, không phân biệt tôn giáo.

Hội được chính quyền Liên Bang Hoa Kỳ và tiểu bang California chấp thuận cho hoạt động với danh mục Non-Profit Organization, No. 33-0799684.

Có liên quan đến người cùi là hội giúp

Mỗi người một việc, nhanh, gọn nhưng chính xác tuyệt đối. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)

Ông Nguyễn Hữu Đại, hội trưởng, nói về mục đích của hội: “Hội Bạn Người Cùi trợ giúp tất cả những gì liên quan đến người phong cùi, từ tài chánh trị bệnh đến nuôi ăn hằng tháng đối với những ai tàn phế nặng. Hội còn cấp nhà và giúp vốn cho các gia đình đã khỏi bệnh được ra ngoài tái định cư để hội nhập vào xã hội.”

Ông Công cũng nói, hội cũng cấp học bổng cho con cháu những người cùi. “Từ mẫu giáo cho đến hết đại học, chúng tôi có học bổng cho những em giỏi,” ông kể. “Sau trung học phổ thông, em nào vào trường trung cấp thì được $300, vào cao đẳng thì được $350 và vào đại học thì có $400 một năm. Riêng sinh viên y khoa, hội cấp $2,000 một năm,” ông kê khai.

Ngoài ra, hội còn xây trường, đào giếng cho những người cùi. “Phần đông, các vị đứng ra chăm lo trực tiếp cho bệnh nhân là các linh mục và các soeur là người Công Giáo vì họ có truyền thống giúp người cùi, nhưng Hội Bạn Người Cùi là hội của mọi người, bất kể tôn giáo,” ông Công khẳng định. “Chúng tôi đã làm việc với các vị tăng, ni từ nhiều năm rồi.”

Với những em từng nhận học bổng của hội và đã thành tài, nếu thu xếp được, Hội Bạn Người Cùi tổ chức đưa các em sang Mỹ dự chương trình Đại Nhạc Hội để trực tiếp ngỏ lời cảm tạ các vị ân nhân.

Hội Bạn Người Cùi cho biết, theo báo cáo năm 2017, hội đã giúp hơn 4,000 bệnh nhân phong cùi ở Việt Nam với số tiền là $741,182 và cho các con cháu bệnh nhân là $145,210. (Đằng-Giao)

————–

Liên lạc tác giả: [email protected]

Mời độc giả xem phóng sự “Thăm bảo tàng hàng không Lyon”

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT