Saturday, April 27, 2024

Hội Cây Kiểng Việt Nam triển lãm bonsai và hòn non bộ năm thứ 22

Lâm Hoài Thạch/Người Việt

GARDEN GROVE, California (NV) – Trong hai ngày Thứ Bảy và Chủ Nhật, 2 và 3 Tháng Bảy, Hội Cây Kiểng Việt Nam (Vietnamsese Bonsai Society) tổ chức triển lãm bonsai và hòn non bộ lần thứ 22 tại chùa Việt Nam, thành phố Garden Grove, với sự tham dự của các hội viên và nhiều đồng hương đến thưởng lãm.

Ông Phạm Thông và tác phẩm Bonsai bằng cây Juniper. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Theo ban tổ chức, Hội Cây Kiểng Việt Nam thành lập được hơn 25 năm, nhưng bắt đầu có những cuộc triển lãm thì chỉ được 22 năm.

Có khoảng trên 30 tác phẩm bonsai và khoảng sáu hòn non bộ được đem ra triển lãm lần này. Những tác phẩm bonsai được triển lãm đa số là những cây California Juniper, Trident Maple, Chinese Elm, Ficus, Olive,…

Có những tác phẩm bonsai hình dáng thân cây trông khô cằn, rêu mốc đã sống qua khoảng thời gian khá lâu, nhưng đầy sức sống. Song song đó là những hòn non bộ trông rất xinh xắn bên những chụm cây nho nhỏ đầy nét đẹp thiên nhiên.

Các hội viên muốn mang tác phẩm của mình đến triển lãm đều phải đủ tiêu chuẩn mỹ thuật gồm dáng nét, thế, cành và đúng vị trí.

Trong phòng triển lãm. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Ông Đan Nguyễn, hội trưởng cho hay: “Hàng năm, Hội Cây Kiểng Việt Nam đều có những cuộc triển lãm, gồm một lần tại chùa Việt Nam, Garden Grove và hai lần tại Westminster Mall được triển lãm chung với Hội Hoa Lan Việt Nam; Hội Hoa Lan Hoa Kỳ cùng các hội cây cảnh và hội nhiếp ảnh.”

“Nhưng dần dà thì bộ môn hòn non bộ bị giảm đi rất nhiều. Vì các nghệ nhân trong ngành hòn non bộ phải di chuyển về nơi khác. Một số còn lại sau này, họ đi tìm những loại đá đặc biệt hay chất liệu để sáng tác hòn non bộ thì gặp phải rất nhiều khó khăn. Hơn nữa, muốn thực hiện một hòn non bộ để có nét thẩm mỹ thì phải có nhiều công để tạo dáng, cho nên hiện nay, những tác phẩm hòn non bộ chỉ có một số rất khiêm nhường.”

Cũng theo vị hội trưởng, tại California phần nhiều người ta rất thích dùng cây Juniper để làm tác phẩm bonsai, vì loại cây này có những đường nét thích hợp, hơn thế nữa là cây Juniper sống rất khỏe, dễ nuôi khi sống trong một chậu rất nhỏ, mà cái độc đáo của cây bonsai, tuy dáng nét trông rất bé, nhưng phải có hình dạng như một cây cổ thụ đã sống nhiều năm ngoài thiên nhiên.

Nghị Viên Diedre Thu Hà Nguyễn trao bằng vinh danh cho Hội Cây Kiểng Việt Nam. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Trong hai ngày triển lãm, vào lúc 1 giờ trưa, ban tổ chức có tiết mục hướng dẫn cách làm “demo” cây bonsai chưa có uốn nắn tạo dáng, được các nghệ nhân trong ban kỹ thuật hướng dẫn. Trong thời gian này, mọi người có thể đặt câu hỏi hoặc chia sẻ kinh nghiệm của mình.

Ban kỹ thuật của hội gồm những nghệ nhân có nhiều kinh nghiệm thường xuyên cập nhật những tin tức có liên quan đến bonsai và hòn non bộ, hướng dẫn cho hội viên cách ghép nhánh cây và kỹ thuật uốn nắn, cắt tỉa những cành lá của cây kiểng được trở thành những tác phẩm bonsai đẹp.

Theo ban tổ chức, phần nhiều người Á Đông thích chơi hoa kiểng, nên bộ môn trồng và chăm sóc bonsai, cây kiểng và sáng tác hòn non bộ rất được nhiều người yêu thích. Riêng ở Orange County là nơi có nhiều người Việt sinh sống, nên thú vui nghệ thuật này được nhiều đồng hương tham gia vào hội viên. Hiện có khoảng 100 hội viên.

Ông Đan Nguyễn, hội trưởng và tác phẩm bonsai bằng cây California Juniper. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Mỗi lần hội có tổ chức triển lãm tại chùa Việt Nam, Garden Grove thì ban điều hành của chùa này hoàn toàn miễn phí cho ban tổ chức.

Ông Phạm Thông, cựu hội trưởng cho hay: “Hội sinh hoạt mỗi tháng một lần tại hội quán, mục đích để chia sẻ những kinh nghiệm cho nhau về cách thức làm thế nào để có một cây bonsai hay hòn non bộ đẹp. Ban kỹ thuật của hội rất tận tâm hướng dẫn những trải nghiệm của mình để giúp đỡ các hội viên có thể tự mình sáng tác, chăm sóc những tác phẩm của mình được hoàn bỉ hơn.”

Ngắm nhìn cây California Juniper, một tác phẩm Bonsai của mình, ông Thông chia sẻ: “Hồi xưa, tôi đi đào cây này trên núi Mojave Desert từ năm 2011. Đến 2019 thì tôi mới mang ra để thực hiện tác phẩm bonsai. Khi đào được cây vừa ý thì mình mới cho nó vào chậu cát rồi mang về nhà, nhưng 90% các loại cây mình muốn biến nó thành bonsai thì sẽ bị chết. Cây này tôi được may mắn là nó còn sống được cho đến bây giờ, sau hơn 10 năm tôi phải chăm sóc và nuôi dưỡng nó. Đây là lần đầu tiên tôi mang cây này cho mọi người chiêm ngưỡng.”

Hòn non bộ của Hoa Lương (Miniature Lanscape). (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Theo ban tổ chức, trong thời gian qua, đại dịch COVID-19 đã làm đình trệ rất nhiều hoạt động trong hai năm. Hội đã bắt đầu tái triển lãm từ năm ngoái. Cuộc triển lãm lần này là để tạo cơ hội để đồng hương có thể gặp gỡ nhau, cùng nhau thưởng lãm những tác phẩm nghệ thuật mang nhiều sắc thái quê hương qua hai bộ môn nghệ thuật dân gian đặc sắc được tổ chức vào dịp mừng Lễ Độc Lập Hoa Kỳ.

Ông Võ Nam, cư dân Anaheim, một trong những người gầy dựng Hội Cây Kiểng Việt Nam từ 24 năm về trước. Trước đây, ông là một trong số anh em người Việt trong hội bonsai của người Nhật, nên sau đó, ông đã cùng một số anh em có nhã ý muốn thành lập Hội Cây Kiểng Việt Nam, và hội này đã được ra đời kể từ đó cho đến bây giờ.

“Đôi với tôi, trong nghệ thuật bonsai, người muốn gia nhập vào bộ môn này thì điều trước tiên là họ phải có tinh thần yêu quý về những loại cây cỏ thiên nhiên. Rồi từ những loại cây thiên nhiên đó, mình mới thu gọn lại để được sự cảm nhận là, mình có niềm vui tĩnh lặng trong tâm và sự suy nghĩ về nét đẹp mà mình đã tạo dáng cho nó theo suy tư của mình.”

Hòn non bộ của Hoa Lương (Miniature Lanscape). (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Trong số đồng hương đến thưởng lãm, Sư Tinh Cần, Vô Môn Thiền Tự Garden Grove nói: “Về nghệ thuật bonsai, chỉ có người Nhật thì họ mới chơi bonsai nhiều. Sau đó, người Việt Nam mình mới bắt đầu theo chân của họ để thực hiện thú vui này. Chơi bonsai thì phải tốn rất nhiều thời gian để chăm sóc.”

“Cái thứ nhì nữa là, muốn có một tác phẩm về bonsai thì cái thú đầu tiên là mình phải đi đào loại cây từ trên núi hay trong rừng. Nhưng trong lãnh vực này, các vị sư thầy trong chùa thì rất khó thực hiện được. Các ngôi chùa muốn có những tác phẩm bonsai thì các hội viên trong hội bonsai, hoặc các Phật tử mang đến biếu tặng cho chùa. Vì thế, thỉnh thoảng trong một số chùa ở đây, chúng ta có thấy một vài nét của nghệ thuật bonsai.”

Nghị Viên Diedre Thu Hà Nguyễn, phó thị trưởng Garden Grove, ứng cử viên Dân Biểu Tiểu Bang Địa Hạt 70 cũng có mặt để trao bằng vinh danh của thành phố cho Hội Cây Kiểng Việt Nam đã từng triển lãm những tác phẩm nghệ thuật trong suốt 22 năm vừa qua.

Ông Võ Nam và tác phẩm bonsai bằng cây Olive của ông. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Nghị Viên Thu Hà cho biết: “Theo thư mời của ban tổ chức, chúng tôi xin đại diện thành phố Garden Grove đến đây để chiêm ngưỡng những tác phẩm bonsai và hòn non bộ. Đây là sở thích lành mạnh, giúp mọi người thư giãn khi rảnh rỗi. Theo tôi, nếu trong khu vườn nhà mình có được vài loại cây kiểng, hòn non bộ, vài chậu bonsai thì khu vườn nhà mình trông đẹp mắt và dễ mến hơn.”

Bên ngoài phòng triển lãm cũng có rất nhiều tác phẩm bonsai của các hội viên mang đến để bày bán cho các cư dân đến mua để mang về trưng bày trong nhà, hoặc cho những người mới gia nhập vào ngành cây kiểng bonsai.

Ông Tuấn Trần, cư dân Santa Ana tâm tình: “Đây là lần đầu tiên tôi đến đây để ngắm nhìn những tác phẩm bonsai. Thật quá đẹp, quá xuất sắc khi nghe những nghệ nhân nói về những công sức để thực hiện những tác phẩm bonsai. Sống tại xứ người, thú vui tiêu khiển này đối với tôi đó là điều rất quý, nhất là cho những ai đã có tuổi đời khá nhiều.”

Mọi chi tiết xin liên lạc Hội Cây Kiểng Việt Nam: 949-331-4050, hoặc vào trang mạng: www.hoicaykiengvietnamusa.com. [kn]

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT