Thursday, March 28, 2024

‘Hội Chợ Tết Sinh Viên’ Costa Mesa: Trẻ trung, sinh động ngày Xuân

Đằng-Giao/Người Việt

COSTA MESA, California (NV) – Lại một lần nữa, hội chợ Tết do Tổng Hội Sinh Viên Việt Nam Nam California tổ chức tại OC Fair & Event Center, Costa Mesa, lôi cuốn được rất đông người tham dự.

“Vừa bước vào đây (khu vực hội chợ), cảm giác đầu tiên của tôi là sự choáng ngộp khi thấy mình như lạc vào một không gian khác hẳn. Trời ơi, toàn áo dài là áo dài. Đàn bà mặc áo dài là chuyện đã đành, đàn ông và con nít cũng mặc áo dài,” cô Sharie Hồ, sinh viên Orange Coast College nói.

Quả vậy, cả hội chợ như một khu rừng quốc phục Việt Nam, ai nấy đều súng sính áo khăn, hớn hở bên nhau trong ngày trảy hội đầu Xuân. Một điều nổi bật là có rất nhiều bé trai gốc Việt có vẻ hãnh diện được đi chơi trong chiếc áo dài cách tân. Nhìn các em trong cái áo dài Việt Nam, người lớn không khỏi hãnh diện vì văn hóa Việt Nam chưa hề mai một.

Có lẽ không lâu nữa, những em bé này sẽ tự đi hội chợ Tết để tìm về ký ức tuổi thơ. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)

Vào Làng Việt Nam, người ta thấy ngay được tâm tư, nguyện vọng của các em sinh viên trong ban tổ chức gởi gắm trong những địa danh nho nhỏ ở đầu làng.

Bảng ghi: Ải Nam Quan. “Em nghĩ đây là chỗ ở sát biên giới Việt Nam và Trung Hoa. Em nghĩ trong nước đã để cho Trung Hoa lấy mất chỗ này rồi. Đây chỉ là ký ức thôi. Em nghĩ các anh chị treo địa danh này để nhắc nhở mọi người đừng quên những gì đã có thời thuộc về Việt Nam,” em Jack Danh Nguyễn, ở Santa Ana, nói bằng tiếng Việt bặp bẹ. “Em mong mình sẽ lấy lại những gì người trong nước đem cho nước ngoài.”

Cũng ngay trong Làng Việt Nam, trẻ em gốc Việt tỏ ra vô cùng thích thú được chui vào những mái lá hay ra giàn bầu nhìn ngắm quả lủng lẳng trên không.

Mẹ em Kiều Ngân, bà Nguyễn Kim Nhi, ngụ tại Fountain Valley nói: “Tính Tết này cho hai chị em nó về thăm ngoại ở Gò Công nhưng sao nghĩ tới cảnh người Trung Quốc tràn lan vô Việt Nam, vợ chồng tui ngán quá. Thôi, vô đây, thấy tụi nhỏ nó thích thú, tui cũng thấy an ủi chút ít.”

Tuổi nào cũng phải mặc áo dài mới ra Tết.(Hình: Đằng-Giao/Người Việt)

Đưa mẹ già và em gái đi hội chợ, ông Phùng Phúc Sinh, ngụ tại Garden Grove, nói: “Năm nay là năm thứ tư gia đình tôi đến đây. Thứ nhất vì con trai tôi tình nguyện giúp hội chợ này cả tháng nay. Nhưng thứ nhì là vì tôi muốn ủng hộ tinh thần yêu lịch sử, yêu văn hóa của các em sinh viên.”

Nhìn quanh một lát, ông tiếp: “Hoàn chỉnh? Dĩ nhiên hội chợ này chưa thể hoàn chỉnh. Nhưng đó chính là lý do người lớn cần khuyền khích mấy em hơn nữa.”

Trước khi đẩy xe lăn cho mẹ đi tiếp, ông cười: “Về tinh thần, tôi nghĩ mấy em sinh viên này có tinh thần hơn bao nhiêu người khác. Năm tới, tôi ra đây nữa.”

Ethan Hibee hãnh diện trong áo quốc phục Việt Nam. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)

Trong không khí tưng bừng, nhộn nhịp sắc thái cổ truyền Việt Nam lại có những thanh niên bản xứ đề huề trong bộ áo dài với gương mặt vui tươi.

Em Ethan Higbee, ở Huntington Beach, cười cởi mở: “Em mặc áo dài vì em muốn xứng đôi với bạn gái em. Mặc áo này, em không thấy lạ lẫm hay kỳ cục gì cả. Em thấy thoải mái thì có.”

Em Thủy Hồ, bạn gái Ethan, cười thân thiện: “Em không hề ép anh ấy phải mặc áo dài đi chơi với em. Nhưng thấy anh ấy mặc đồ Việt Nam để làm em vui, dĩ nhiên em thấy vui trong lòng.”

Ai bảo chỉ người Việt mới yêu cờ vàng? (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)

Giữa rừng áo quần mừng Xuân rực rỡ, một người bản xứ khác lại cầm một lá cờ vàng nho nhỏ trong tay. Khi hỏi lý do, anh Robert Jerald, ở San Pedro cười to: “Tôi luôn luôn ủng hộ vợ tôi. Cô ấy người gốc Việt. Và vợ tôi luôn luôn ủng hộ Việt Nam.”

Vợ anh, cô Tuyết Jerald nói: “Dù qua đây đã lâu, lúc nào tôi cũng là người Việt Nam cả.”

Cả hai cặp này đều cho biết họ mới từ khu Bolsa đến đây. Họ biết có hội chợ khác ở gần ngay đó, “Nhưng hội chợ này có cái ‘fresh’ hơn,” anh Robert nói.

Chung quanh, những trẻ em trong quốc phục Việt Nam đang tung tăng chạy nhảy một cách vô tư. Nhìn các em hớn hở, bà Thanh Nhung Nguyễn, mỉm cười: “Tôi dám nói chắc rằng con nít ở đây mặc đồ cổ truyền Việt Nam nhiều hơn con nít trong nước.”

Sửa cổ áo dài cho con trai, bà tiếp: “Con nít trong nước chê đồ này là nhà quê.”

Ngỡ ngàng giữa vườn Xuân. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)

Càng lúc không khí càng sôi động. Vừa bế đứa con, ông Nguyễn Phước Tùng, ở Westminster, vừa nhận xét: “Hội chợ này càng về sau, càng có vẻ trẻ trung hơn. Tôi vui vì tôi biết năm tới, mấy em còn làm hội chợ mới lạ hơn.”

Nhìn những cặp mắt xoe tròn của những đứa bé theo cha mẹ chơi Xuân ở hội chợ Tết sinh viên, người ta như thấy được cả mùa Xuân. (Đằng-Giao)


Liên lạc tác giả: [email protected]

Copyright © 2018, Người Việt Daily News

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT