Friday, March 29, 2024

Hội thảo giáo dục cho học sinh sinh viên mới nhập cư

Văn Lan/Người Việt

WESTMINSTER, California (NV) – Hội Y Tế Cộng Đồng Quận Cam (OCCHA – Orange County Community Health Alliance) đã tổ chức buổi hội thảo “Giáo dục cho sinh viên, học sinh nhập cư” vào sáng Chủ Nhật, 25 Tháng Ba, tại Văn Phòng Ủy Ban Xây Dựng Nghĩa Trang Quân Cán Chính VNCH, số 9882 trên đường Bolsa, thành phố Westminster.

Buổi hội thảo xoay quanh những vấn đề thiết thực cho giới trẻ nhập cư, còn bỡ ngỡ trong nền giáo dục Hoa Kỳ, cần biết những thông tin và kinh nghiệm về việc học hành.

Cùng chia sẻ trong buổi hội thảo là nhóm khách mời, gồm những người trẻ tuổi, hầu hết đã qua những kinh nghiệm đi học ở Mỹ và hiện nay đã ra trường, đang làm việc hoặc tiếp tục học lên cao hơn, trực tiếp trả lời nhiều thắc mắc của giới trẻ nhập cư, muốn hiểu rõ từng điều kiện và hoàn cảnh của mình khi tiến vào ngưởng cửa học hành.

Được chia làm hai phần: hướng dẫn cho sinh viên đại học, và học sinh trung học, tập trung vào những chuyên mục như: Những khó khăn gặp phải khi mới đến Hoa Kỳ; Làm sao để hòa nhập với nền văn hóa Hoa Kỳ; Làm sao để thành công trong trường học; Hướng nghiệp; và phần cuối chương trình là tư vấn riêng cho từng người.

Phạm Hoàng, một trong những người trẻ tuổi hướng dẫn hội thảo cho biết anh qua Mỹ lúc 20 tuổi, tuy đã học đại học ở Việt Nam được 2 năm, nhưng vẫn chưa làm quen được với chương trình học ở Mỹ. Lúc đầu cũng phải đi làm qua nhiều công việc trong siêu thị, nhà hàng, sau đó thì đi dạy thêm để kiếm tiền đi học.

Hiện nay anh đã tốt nghiệp UCI ngành dược, sau khi lấy được master, được nhận vào trường Y ở Bắc California, đang chờ nhập học.

Theo kinh nghiệm cá nhân, Phạm Hoàng nói: “Phải chọn ngành học theo khả năng của mình, cần phải tìm hiểu rõ ràng qua những người cố vấn hoặc thầy cô. Phải coi niềm đam mê của mình về ngành học là gì, có thể sống với việc làm trong ngành nghề đó lâu dài hay không. Phải hòa hợp giữa 2 yếu tố đam mê và khả năng mình có hay không rồi hãy học.”

Tuy nhiên các bạn trẻ khác qua Mỹ lúc còn đang học cấp 2 hoặc cấp 3 sẽ có những khó khăn khác nhau.

Hải Kỳ Nguyễn, hiện là sinh viên UCI năm cuối, cho biết khi qua Mỹ mới 11 tuổi, chưa biết tiếng Anh, đó là khó khăn nhất gặp phải khi đi học.

“Nhưng chuyện đó cũng dễ vượt qua nếu tập trung hết sức vào việc học, coi đó là mục tiêu duy nhất. Cũng theo học các lớp ELD trong trường trung học dạy tiếng Anh dành cho những người Việt Nam mới qua. Phải cố gắng bước qua giai đoạn này,” Hải Kỳ chia sẻ.

Giải thích tại sao khi vào năm đầu đại học, lại chọn ngành Toán, Hải Kỳ cho biết khi còn ở lớp 12, vị giáo sư có giải thích về ngành Toán, thấy thích và theo đuổi cho đến nay. Cô cho biết có thể sau khi ra trường sẽ đi làm một thời gian kiếm tiền rồi học tiếp nữa.

“Nhưng muốn làm gì thì làm cần phải học tới nơi tới chốn, bằng cấp vẫn là một thước đo cho những năng lực, kiến thức khoa học để giúp ích cho đời và cho mình. Hiện nay với ước muốn sẽ làm bussiness về một ngành nào có thể giúp ích cho đời nhiều nhất, đó là điều em đang nghĩ tới,” Hải Kỳ nói chắc nịch.

Nhận được câu hỏi: “Khi chọn học những ngành học nào dễ bị trục trặc nhất?” Hà My tốt nghiệp ngành dược ở UCI, hiện đang làm việc của một dược sĩ, trả lời: “Bạn trẻ mới qua Mỹ thường muốn chọn học ngành y, dược, hoặc những ngành học được coi trọng hoặc kiếm được nhiều tiền, vì vậy khó học hơn. Nếu sau đó không học được mà phải chuyển ngành lại mất thêm thời gian. Vì vậy có lời khuyên nên tìm hiểu kỹ và sớm ngành học trước khi quyết định học.”

Kyle Phạm, tốt nghiệp Cal State Fullerton, cho biết: “Tìm hiểu lời khuyên tốt nhất là ở những thầy cô mà mình thường hay tiếp xúc, hoặc ngồi ở hàng ghế đầu có ưu thế vì thầy cô biết mình nhiều hơn, dễ giới thiệu mình vào những ngành muốn chuyển tiếp.”

Kyle Phạm nói thêm: “Khi đi học nên ngồi hàng ghế đầu cho dễ nghe, và thấy không gian lớp học không quá lớn, làm mình dễ nhút nhát, từ đó không dám hỏi thầy cô. Và thường khi mới tốt nghiệp, sinh viên hay đi làm cho các agency để lấy kinh nghiệm.”

Buổi hội thảo giáo dục dành cho học sinh, sinh viên nhập cư kéo dài từ 10 giờ sáng cho đến 1 giờ trưa, đã đem lại sự thoải mái, nhận được nhiều kinh nghiệm truyền đạt cho nhau với những câu hỏi và giải đáp tận tình giữa những người không cách biệt tuổi tác là bao, tuy vẫn còn nhiều thắc mắc nữa.

Phạm Hoàng, người thay mặt nhóm hội thảo trẻ hy vọng rằng sau chương trình này, cộng đồng và nhất là các bạn trẻ nhập cư sẽ biết đến và tham gia nhiều hơn trong những lần hội thảo sắp tới với nhiều đề tài khác nữa.

Mọi chi tiết về giáo dục của học sinh, sinh viên nhập cư xin liên lạc: Phạm Hoàng (714) 487-7495.

Nga trả đũa, trục xuất 160 ngoại giao quốc tế

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT