Friday, April 26, 2024

Houston tưởng niệm nạn nhân Atlanta và lên án nạn kỳ thị người gốc Á

Kalynh Ngô/Người Việt
(Tường trình từ Houston)

HOUSTON, Texas (NV) – “Stop Asian Hate” (Hãy Chấm Dứt Thù Ghét Người Gốc Á) là thông điệp chính của buổi tưởng niệm tám nạn nhân trong vụ thảm sát ở Atlanta hồi tuần qua vừa được tổ chức tại công viên Grace Even Lawn-Discovery Green, thành phố Houston, tiểu bang Texas, vào chiều Thứ Bảy, 20 Tháng Ba.

Khoảng hơn ngàn người tham dự buổi tưởng niệm các nạn nhân vụ thảm sát ở Atlanta và kêu gọi “StopAsianHate.” (Hình: Kalynh/Người Việt)

Buổi tưởng niệm do tổ chức OCA – Asian Pacific American Advocates thực hiện với hơn một ngàn người, gồm nhiều sắc tộc và nhiều thế hệ khác nhau, tham dự và cùng cất lên tiếng nói chống nạn kỳ thị chủng tộc, đặc biệt đối với người Mỹ gốc Á-Châu Á Thái Bình Dương (AAPI).

“We stand for hate no more!”

Ba sự việc được nhắc đến nhiều nhất trong buổi tưởng niệm là vụ thảm sát tám người, trong đó có sáu người gốc Á, xảy ra ở Atlanta và vụ tấn công hai người cao niên ở San Francisco, trong đó có một nạn nhân là người gốc Việt.

Tại buổi tưởng niệm, bà Sheila Jackson Lee, dân biểu liên bang, Địa Hạt 18 của Texas khẳng định: “Chúng ta, những người khác sắc tộc đang có mặt ở đây, phải cùng đứng lên cất tiếng nói để những sự thù ghét, phân biệt, kỳ thị chủng tộc không còn tồn tại nữa.”

Anh Brandon Mack, đại diện cho nhóm BLM Houston nói lớn: “Tôi đã rất mệt mỏi khi có những ngày tồi tệ vì sự im lặng, vì mọi người đã không nói lên điều đó. Đó là sự thù ghét. Đó là quyền tối cao của người da trắng. Đây chính là những gì xảy ra khi quyền tối thượng của người da trắng được kiểm soát trong suốt bốn năm qua. Đây là điều xảy ra khi chúng ta đã bình thường hoá việc xem nhẹ giá trị của ‘human life.’”

Cô Thư Nguyễn, giám đốc OCA – Asian Pacific American Advocates, diễn giả gốc Việt duy nhất trong buổi tưởng niệm. (Hình: Kalynh/Người Việt)

Anh Mack nhấn mạnh, rõ ràng: “Black Lives Matter luôn đoàn kết với cộng đồng của chúng ta vì đây là vấn đề mà tất cả chúng ta đang phải đối mặt. Tất cả chúng ta đang phải đối mặt với tai họa của quyền tối cao của người da trắng.”

Cô Thư Nguyễn, giám đốc OCA – Asian Pacific American Advocates, diễn giả gốc Việt duy nhất có mặt trong buổi tưởng niệm, nói với phóng viên nhật báo Người Việt.

“Chuyện xảy ra ở Atlanta đã ảnh hưởng lớn đến tinh thần của tôi và gia đình của tôi. Hung thủ là người đã có sự kỳ thị. Nước Mỹ này, chúng ta đã thấy cả năm nay, đã có đến 3,800 vụ tấn công có chủ ý phân biệt chủng tộc nhắm vào người AAPI. Người già Á Châu bị đánh, bị đẩy. Các em nhỏ đi học bị chọc ghẹo, đánh đập, bây giờ đến chuyện bắn chết người. Tuy ở Houston rất đa dạng, chưa có gì đến nỗi ghê gớm như vậy, nhưng chúng ta không thể biết trước ‘họ’ sẽ làm gì.”

Theo cô Thư, “Chúng ta, cộng đồng người Việt ‘phải đứng lên và think about it.’”

Bà Ann Eagleton, người Mỹ bản địa đến từ Hawaii. (Hình: Kalynh/Người Việt)

“Không là quá trễ…”

Sự phân biệt chủng tộc ở Mỹ, theo quan sát của cô Thư, đã xuất hiện từ rất lâu. Cô nhắc đến một ví dụ, khi người gốc Việt đến Mỹ định cư, làm nghề đánh bắt cá ở Texas, Lousiana, đã từng bị người Mỹ trắng chèn ép, kỳ thị.

Từ khi dịch COVID-19 bùng phát ở Hoa Kỳ và bị cựu Tổng Thống Trump gọi tên là “China virus” thay vì tên khoa học, người Mỹ gốc Việt càng bị ảnh hưởng nhiều thêm.

“Người Việt Nam chúng ta có gương mặt giống người Hoa, người Hàn Quốc. Người Mỹ trắng không biết chúng ta là người Việt Nam. Họ không phân biệt được Á Châu nào. Họ gọi chung những người có gương mặt Á Đông là ‘China virus,’ như vậy là kỳ thị rồi. Nó rất nguy hiểm. Đã đến lúc chúng ta phải quan tâm đến nó,” cô Thư nói.

Là một trong số ít những người Việt Nam tham dự buổi “canh thức và lên án nạn kỳ thị chủng tộc,” nhà đấu tranh dân chủ, blogger Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, cho hay.

Một cô gái gốc Nam Hàn với đôi mắt đưa thông điệp “Ngừng thù ghét người gốc Á.” (Hình: Kalynh/Người Việt)

“Khi nghe tất cả các bài phát biểu ngày hôm nay tại buổi tưởng niệm này, thì tôi thấy bây giờ là quá muộn. Rất nhiều người nói rằng chúng ta là cộng đồng yếu thế, nhưng từ trước đến giờ chưa có phong trào nào đủ mạnh để nêu ra vấn đề của người Mỹ gốc Á. Cho nên, dù bạn ở vị trí nào, có công việc ra sao thì vấn đề của người Mỹ gốc Á bị kỳ thị là vấn đề rất quan trọng trong xã hội Mỹ.”

Blogger Mẹ Nấm nói, cho dù cô chỉ mới đến Hoa Kỳ hơn hai năm, nhưng đây thật sự là vấn đề đáng quan tâm và rất cần chú ý để nâng thêm vị thế và bảo vệ các cộng đồng yếu thế, trong đó có cộng đồng Việt Nam.

Anh Philip Nguyễn, đến từ Oakland, California, phụ giảng ngành Asian American Study cho biết, suốt quá trình đi học và nghiên cứu, anh đã chứng kiến rất nhiều những nạn kỳ thị. Sự có mặt của anh hôm nay là để “ủng hộ cộng đồng, bạn bè, người thân của mình.”

“Chúng tôi được ba mẹ dạy bảo rằng phải cố gắng học để thành công ở Mỹ. Nhưng sau khi tôi vô trường đại học rồi, tôi mới thấy cho dù bạn cố gắng hết sức, bạn có học vấn cao, nhưng họ vẫn kỳ thị chỉ vì hình thức bên ngoài của chúng ta,” Philip nói, và anh tin rằng, đây là thời điểm đúng để cùng chống lại điều đó.

“Ngày tôi vào đại học, ba tôi đưa cho tôi lá cờ vàng ba sọc đỏ. Nó có rất nhiều ý nghĩa cho tôi. Nó đại diện cho tự do, dân chủ, cho sự hy sinh của người Việt Nam khi làm người tỵ nạn đến Mỹ. Cho nên tôi thấy cũng không quá trễ để cùng cất lên tiếng nói. Nếu chúng ta đứng cùng nhau, chúng ta mới mạnh mẽ và thành công.”

Đây cũng chính suy nghĩ của bà Ann Eagleton, người Mỹ bản địa đến từ Hawaii, nay định cư ở Houston. Bà đứng lặng lẽ giữa những người Mỹ gốc Á, giơ cao tấm bảng dán đầy những con hạc giấy và trái tim đủ màu sắc, được xếp khéo léo theo trường phái Karigami.

Bà nói: “Tôi vẫn còn choáng váng về những gì xảy ra ở nước Mỹ. Tôi đã quyết định lấy tình yêu để xoá hận thù. Đó là cách tôi được nuôi dạy từ nhỏ. Tại sao khi bạn yêu thương sẽ mang đến điều tốt? Tôi mong ước mọi người sẽ làm như thế. Tôi ước mọi người đứng cùng nhau, đối diện với bóng đêm cùng phá tan nó.”

Ông Hubert Võ, dân biểu tiểu bang Texas (Địa Hạt 149) cùng các đồng hương Việt Nam tham dự buổi tưởng niệm. (Hình: Ngọc Hân cung cấp)

Chúng ta không nên bỏ qua’

Lần lượt các dân biểu liên bang như ông Al Green, dân biểu liên bang, Địa Hạt 9, Texas; bà Sylvia Garcia, dân biểu liên bang, Địa Hạt 29, Texas, các tổ chức phi chính phủ… lên án mạnh mẽ nạn phân biệt chủng tộc.

Dân Biểu gốc Việt của Texas, ông Hubert Võ, có mặt trong buổi tưởng niệm. Trong phần phát biểu của mình, ông Hubert cho biết rất tự hào khi có mặt cùng với các dân biểu tiểu bang, liên bang khác lên tiếng chống lại nạn kỳ thị người gốc Á.

“Chúng ta không nên bỏ qua. Nạn thù luôn luôn ghét hiện diện ở nhiều hình thức, như tấn công tinh thần, thể xác, tin nhắn đe doạ, phá hoại tài sản, bạo lực, giết người… Chúng ta cần phải biết về môi trường xung quanh nơi chúng ta sinh sống. Tôi đã đệ trình nghị quyết trước Quốc Hội Texas để nói về các tội thù ghét người Á Châu. Tôi cũng đã đề nghị các cơ quan công lực ở Texas, cũng như liên bang, điều tra những vụ kỳ thị và những lời đe dọa cộng đồng gốc Á,” Dân Biểu Hubert Võ phát biểu.

Với Thư Nguyễn, cô cho biết vì “may mắn biết tiếng Mỹ” nên cô đại diện cho cộng đồng Việt.

“Em đã xác định cuộc đời em muốn cống hiến cho cộng đồng Á Châu. Cộng đồng của mình định cư ở đây khá muộn so với dân tộc khác, nên em phải đứng lên nói để người Mỹ biết có cộng đồng người Việt ở Mỹ. Em mong là trong tương lai, không phải một mình em, mà các em, các anh chị cùng đứng lên cất tiếng nói về vấn nạn này.

Gia đình blogger Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh là những người Việt hiếm hoi tham dự buổi tưởng niệm. (Hình: Kalynh/Người Việt)

Blogger Mẹ Nấm khẳng khái nói lên suy nghĩ của cô: “Mọi người đã nói rằng ‘Justice for all’ và ‘All Lives Matter’ – nhưng điều quan trọng nhất là khi bạn thấy bất công, bạn phải lên tiếng. Thế nhưng, hôm nay tôi buồn khi thấy quá ít người Việt tham dự. Thù ghét là vấn nạn của quốc gia. Chúng ta có Black Lives Matter. Chúng ta có Asian Lives Matter thì chắc chắn chúng ta có Justice For All.”

Buổi tưởng niệm là tiếng nói kiên định từ những người khác màu da, khác thế hệ kêu gọi dập tan thù hận với ngàn ngọn nến nhỏ được giơ cao, thể hiện cho sự tưởng nhớ cùng ước mơ hòa bình, gắn kết.

Trong buổi tưởng niệm, người ta có thể nhận thấy những ánh mắt của tuổi trẻ gốc Á rực lửa, tưởng như có thể xuyên thẳng bức màn đen tối đang che đậy cho bạo lực và những ngôn ngữ kỳ thị xấu xa.

Em bé gốc Nam Hàn dự lễ tưởng niệm với bông hồng trên tay. (Hình: Kalynh/Người Việt)

Có những đôi mắt của thế hệ đã đi qua quá nửa đời người nhắm nghiền tưởng niệm các nạn nhân, như đang tự hỏi: “Vì đâu, họ phải chết chỉ vì khác màu da?”

Những cánh tay giơ cao, mạnh mẽ: “Chúng tôi không im lặng!”

Một cành hoa hồng trắng nhỏ của cô bé người Nam Hàn, ngập ngừng đưa cao trong một phút tưởng niệm. Chúng tôi hỏi: “Vì sao em mang theo cành hồng này?” Cô bé ngước nhìn mẹ, rồi trả lời với đôi mắt trong veo: “Peace – Love.” [kn]

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT