Tuesday, March 19, 2024

Khám phá ‘căn nhà ma’ nổi tiếng nhất Little Saigon (kỳ 1)

Ngọc Lan & Đằng-Giao/Người Việt

Ý tưởng ‘ngủ một đêm trong căn nhà ma’ và hồi ức 30 năm trước

WESTMINSTER, California (NV) – Người ta tin có linh hồn, có sự màu nhiệm. Nhưng ma thì có người tin người không. Từ cổ chí kim, chuyện liên quan đến ma từng tốn không ít giấy mực của nhân loại. Không có chuyện đúng-sai, hay-dở, gan-nhát trong chuyện tin hay không tin có sự lẩn khuất, đeo bám của người đã đi về thế giới bên kia.

Chính vì vậy, quyết định làm phóng sự về “căn nhà ma” nổi tiếng ở vùng Little Saigon đến với chúng tôi rất ngẫu nhiên, xuất phát từ sự tò mò, muốn đi tìm câu trả lời cho những điều mà nhiều người, trong đó có chúng tôi, thắc mắc, muốn tỏ tường thực hư.

Ý tưởng “điên rồ” của Ngọc Lan: Ngủ một đêm trong “căn nhà ma!”

“Căn nhà ma!” Chỉ cần nói như vậy là gần như tất cả những ai sống quanh vùng Little Saigon từng có quan tâm đến điều này sẽ nói tiếp “chỗ góc Euclid và Hazard chứ gì!”

Nghĩa là “căn nhà ma” nơi góc đường ấy rất nổi tiếng.

Có thể bạn sẽ còn được nghe kể thêm về nhiều “căn nhà ma” khác cũng quanh vùng này, nhưng tất cả đều xếp hàng sau căn nhà Euclid-Hazard.

Nhớ gần cuối 2006, sau khi qua Mỹ hơn một năm, tôi mua căn mobilehome trên đường Euclid gần First. Khi nghe tôi nói vị trí nhà mình, ông anh trai sang Mỹ hồi đầu thập niên 90 nói ngay, “Ồ, gần chỗ nhà ma!”

Tôi biết đến “nhà ma” là như vậy, cùng một số chi tiết: căn nhà đó mới xây nhưng bị bỏ trống vì không ai sống được, lúc căn nhà đang xây có người thợ bị ma xô té chết… Nghe là thấy rờn rợn, nên mỗi khi có dịp đi ngang là tôi lại nhìn ngôi nhà một cách dè dặt, và cũng có lúc tỏ ra bất ngờ, ngạc nhiên khi thấy có xe, có người bên trong!

Cách đây khoảng 5 năm, đã có lần tôi rủ rê các đồng nghiệp: “Mình thử đến kiếm chủ ‘nhà ma,’ xin ngủ lại một đêm trong đó xem thế nào!” Tôi vốn dĩ là đứa sợ ma, nhát ma từ hồi nhỏ xíu nhưng không hiểu sao tôi lại đưa ra đề tài “kinh dị” đó.

Nhưng rất may: không ai chịu gật đầu!

Cho đến khoảng đầu Tháng Bảy, 2018 này, một ngày tôi tình cờ nghe chị dâu nói, “Căn nhà ma ở đường Euclid rao bán nữa kìa! Rẻ lắm! Nhà lớn thiệt lớn mà rao bán chừng $500,000 à.”

“Wow, nhà khu vực này mà giá đó thì quả thiệt là… ‘có vấn đề’ rồi!”

Ý nghĩ làm bài phóng sự về “căn nhà ma” này lại ùa về.

Tôi rủ rê anh Đằng Giao, đồng nghiệp ngồi cạnh tôi trong tòa soạn: “Làm phóng sự nhà ma với tui không?”

Đằng Giao lừ mắt nhìn tôi “Sao tự dưng làm chuyện ma?” – “Nghe bà chị nói nhà đó kêu bán nữa, rẻ òm à. Sẵn lúc này không có ai ở, mình kiếm hỏi người bán cho vô thăm dò viết bài,” tôi thuyết phục.

Thấy ông đồng nghiệp im lặng không nói gì, tôi “rù rì” tiếp, “Làm đi ông. Bảo đảm với ông sẽ ăn khách!”

“Nhưng mà đâu phải ai cũng gặp ma. Nghe nói người nào nặng bóng vía quá thì có muốn cũng không gặp,” Đằng Giao thủng thỉnh nói.

“Bởi vậy mình sẽ rủ nhiều người đi. Đứa nào gặp lăn đùng chết ra thì còn đứa kia biết mà về kể lại,” tôi “dụ” tiếp.

“Ok, làm thì làm. Để hôm nào tôi đến nhà đó coi có liên lạc được với chủ nhà hay agent không đã,” Đằng Giao xiêu lòng.

Vậy là cơ hội thực hiện đề tài “quái đản” này bắt đầu hé mở.

Hồi ức của Đằng Giao về “căn nhà ma” từ 30 năm trước

Trưa hôm ấy, mọi người trong ban biên tập đang cắm cúi làm việc, bỗng Ngọc Lan, nữ phóng viên “nhiều chuyện,” quay qua hỏi tôi có muốn cùng cô “làm” một bài phóng sự về căn “nhà ma” không. Không cần hỏi thêm thì tôi cũng đã biết ngay cô muốn nói đến căn nhà nổi tiếng suốt mấy chục năm nay là “có ma” ở góc đường Euclid và Hazard rồi.

Có lẽ bị “ai nhập” nên tôi gật đầu đồng ý.

Hôm đó Thứ Ba, 24 Tháng Bảy, mới hơn 5 giờ chiều tôi đã xong việc trong ngày. Quay qua Ngọc Lan, tôi nói, “Bây giờ, tôi qua nhà ‘ma’”

“Ừa, ông qua đó đi. Ráng tìm được người liên lạc nha.” Nhìn vẻ mặt đầy hy vọng của Ngọc Lan, tôi tự nhủ sẽ làm hết sức để cô “thỏa mãn ước mơ.”

Từ tòa soạn Người Việt đến góc Euclid-Hazard chỉ có vài phút mà bao nhiêu câu chuyện về căn nhà ma ùn ùn ùa về trong đầu tôi.

Thời điểm 1985, lúc mới qua Mỹ một, hai năm, tôi nhớ góc đường này còn là bãi đất trống, xa xa phía trong là một nhà gỗ lụp xụp sơn trắng bạc phếch. Trên bãi đất lớn này, có nhiều xe hơi cũ. Thỉnh thoảng có chiếc để bảng “For Sale.” Không cần để ý thì cư dân quanh vùng cũng biết là những người Mỹ da màu đang ở nhà này vì họ mở nhạc và sinh hoạt rất ồn ào. Chiều chiều, họ ra sân uống bia, cười đùa còn ồn hơn nữa.

Nhưng chỉ vài tháng sau, không còn thấy bóng dáng người và xe đâu nữa. Bãi đất trở thành bãi cỏ hoang vắng, im lìm.

Không lâu sau, thay vào những anh, những chị Mỹ da màu là một nhóm đông người Mễ Tây Cơ to béo như “dân sumo,” ai nấy đều có đầy rồng, đầy rắn trên những cánh tay rám nắng và những phản lưng dầy cộm.

Tiếng ồn ào lại trở về khu đất này. Cứ chiều đến là nhạc “Mariachi” chiếm ngự cả góc đường. Bên kia đường Hazard là khu “green house” trồng cây, ươm giống phất phơ những miếng ni-lông rách bươm, càng làm cảnh vật thêm hoang tàn, trống vắng. Không ai muốn qua lại khu này khi trời chạng vạng.

Nhưng rồi cũng chỉ ít lâu sau, đi qua nơi đây, tôi không nghe tiếng nhạc “Mariachi” nữa, chỉ còn nghe tiếng phần phật của những miếng ni-lông trong không gian heo hút.

“Căn nhà ma” nhìn từ trên cao ở góc đường Euclid-Hazard. (Hình: Google Maps)

Tôi còn nhớ lần đầu tôi nghe lời đồn về khu đất này là từ một bà chị chuyên bán chả cá dạo. Chị kể, “Căn nhà đó có ma dữ lắm. Không biết ma hay quỷ mà từ Mỹ đen tới Mễ đều chịu không nổi nên phải bỏ đi.”

Tò mò, tôi hỏi một anh hay ra nhà sách Quê Mẹ ở đường First thời đó thuê truyện kiếm hiệp. Anh này kể, “Tui không biết, chỉ thấy có bữa nguyên đám Mỹ đen đứng tụm ở giữa bãi đất, nói xì xầm gì đó. Căn nhà để dèn sáng choang nhưng bên trong không thấy ai. Lúc đó mới 11 giờ đêm thôi.”

Tôi nhớ mãi câu anh nói, “Con ma trong nhà đó là người đàn bà tóc dài. Quậy lắm.”

Một người bạn tên Đạt, học cùng trường Santa Ana College với tôi khi đó, lại kể, “Nhiều năm trước, khoảng 2, 3 giờ khuya, có một người đàn bà người Mễ bang qua đường Hazard thì bị xe đụng. Bà này lết vô căn nhà đó, gõ cửa, có lẽ để xin gọi giúp xe cấp cứu nhưng không ai mở cửa. Trước khi chết, bà nguyền rủa căn nhà và khu đất này. Sau này mới biết bà có thai.”

Vẫn theo lời Đạt, không lâu sau tai nạn đó, chủ nhà bỗng vội vã dọn đi, không kịp đem hết đồ đạc.

Tôi lại nghe có người kể, hàng năm cứ đến lễ “Día de Muertos” (Vu Lan của người Mễ Tây Cơ) từ 31 Tháng Mười đến 2 Tháng Mười Một, người ta nhìn thấy một người đàn bà tóc dài, bế đứa bé sơ sinh vừa đi vừa khóc ai oán rất to quanh góc đường Euclid-Hazard.

Nỗi tò mò về những lời đồn khủng khiếp cùng với việc thích nghe chuyện ma, khiến tôi lân la đến khu này (dĩ nhiên là lúc ban ngày) để hỏi thêm. Và câu chuyện “rùng rợn” nhất mà tôi chính tai nghe được là do ông chủ tiệm “liquor” gần đó kể.

Tôi nhớ trước khi kể, ông chủ này cho tôi coi một đoạn video từ máy thu hình an ninh của tiệm.

Đoạn phim cho thấy ông hớt hơ, hớt hải chạy được vài bước vào tiệm rồi ngã xuống, vừa bò, vừa lết vô trong. Phim không có âm thanh, nhưng trong hình, ông la gì đó rất lớn. Gương mặt ông, tuy không rõ lắm, nhưng có vẻ như sợ sệt ghê gớm. Rồi như kiệt sức, ông nằm bệt ra đó, không lết được nữa.

Không cần biết gì, tự nhiên tôi thấy lạnh trong người, nổi gai ốc từ đầu đến chân và khó thở.

Ông chủ tiệm kể, “Hôm ấy mới hơn 8 giờ tối, tôi ra trước tiệm vừa hút thuốc, vừa hóng gió. Đường vắng, tôi thấy một người đàn bà mặc váy dài từ giữa đường tiến về phía trước mặt tôi. Không nói chi hết, bà nhe răng trắng nhỡn ra rồi kéo ‘skirt’ lên, ngồi xụp xuống. Rồi trong người bà xịt ra máu đầy mặt mũi tôi. Tôi cảm thấy người ướt nhẹp vì một dung dịch nóng lắm. Tôi rú lên rồi chạy vô tiệm. Trong đời tôi chưa bao hoảng sợ như bữa đó.”

Coi lại đoạn video, người ông hoàn toàn khô ráo nhưng sự hốt hoảng thì hiện lên rất rõ.
“Từ bữa đó tới giờ, tôi không dám đậu xe phía trước nữa. Tôi đậu xe ngay sát cửa sau để ra vô cho tiện. Tôi luôn sợ người đàn bà ấy vô tiệm. Tôi cầu nguyện và mua một tượng Đức Mẹ Maria do nhà thờ làm phép về để kế tôi, mong cho tôi can đảm,” ông kể mà ánh mắt vẫn lấm lét lo âu.

Một người nữa cũng từng kể tôi nghe về những điều “kỳ quái” liên quan đến “căn nhà ma” này là ông Rodriguez, một người Mễ Tây Cơ làm nghề cắt cỏ. Trước khi kể, ông này còn làm dấu thánh rồi thề là có thật 100%.

Ông Rodriguez kể, “Hôm ấy, chừng 8, 9 giờ tối, tôi lái chiếc xe hiệu Ford Pinto trên đường Hazard, về hướng Đông. Bất ngờ, xe chết máy. Tôi bước ra, định mở “cốp” xe coi chuyện gì. Chưa kịp làm gì thì tôi nghe ‘xầm.’ Quay lại thì cửa xe đóng kín. Tôi mở cửa không được vì bị khóa bên trong. Nhìn vô, chìa khóa còn trong ổ. Rồi người tôi ớn lạnh. Lúc đó tôi mới thấy mình ở ngay trước cửa căn nhà ‘nổi tiếng’ đó.”

Theo lời ông Rodriguez, sáng hôm sau, ông cùng người bạn biết cạy cửa xe quay lại thì lại thấy cửa xe không hề bị khóa.

“Amen. Bạn tôi cười nhạo tôi, nhưng quả thực là tối qua tôi không mở được,” ông đấm tay vào nhau và dậm chân kể.

Những câu chuyện của hơn 30 năm trước cứ lần lượt hiện về trong đầu trên đường lái xe đến “căn nhà ma” khiến tôi hối hận vô cùng khi đồng ý để “mụ Ngọc Lan” lôi vô bài phóng sự này.

Biết rằng không thể lấy lại lời hứa, tôi chỉ còn cách nhủ lòng “thôi thì ráng làm lẹ cho xong!” (Ngọc Lan & Đằng-Giao)

————–

(Đón đọc kỳ 2: Chiếc xe Đằng Giao “biến mất” và lai lịch căn nhà ma)

Mời độc giả xem phóng sự “Khám phá căn nhà ma nổi tiếng nhất Little Saigon”(Phần 1)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT