Friday, April 26, 2024

Khi độc giả ‘thúc’ phóng viên viết bài

Ngọc Lan/Người Việt

Sổ tay phóng viên

WESTMINSTER, California (NV) – Thứ Bảy, 9 Tháng Ba này, phóng viên Đằng-Giao sẽ có mặt tại Quakertown, Pennsylvania, để gặp gỡ các nhân vật trong bài “Chuyện thương tâm của bốn em họ Nguyễn ở Pennsylvania” mà anh viết hồi đầu Tháng Mười Hai, 2018, nhân buổi gây quỹ giúp đỡ các em do cộng đồng Việt Nam tại địa phương tổ chức.

Đi cùng với đồng nghiệp tôi chuyến này còn có ông Trần Đình Ba, gọi thông thường theo kiểu Mỹ là Ba Trần, hiện ở Santa Ana. Ông Ba là một độc giả của báo Người Việt. Tôi chưa từng gặp ông ngoài đời, mà chỉ tiếp xúc qua điện thoại và email. Nhưng, để có được bài viết kể trên, để từ đó mà cộng đồng Việt Nam khắp nơi biết đến, để chỉ trong thời gian rất ngắn, hơn $200,000 tiền quyên góp đã được gửi về cho các em, thì người mà tôi phải cám ơn đầu tiên chính là ông – người “miệt mài” cung cấp cho tôi tin này, cũng như những manh mối liên lạc sau đó nhằm giúp cho bài phóng sự của Đằng-Giao trở nên tuyệt vời nhất.

Tôi nhớ sáng sớm ngay sau ngày Thanksgiving 2018, tôi nhận được email của ông Ba với nội dung “Nhờ Ngọc Lan tìm hiểu giúp trường hợp này liên quan đến hoàn cảnh của gia đình của Joseph Nguyễn,” kèm theo là link của một bài báo địa phương Bucks County Courier Times, với nhan đề “Gianficaro: Orphaned children of the Nguyen family of Quakertown need strength this Thanksgiving” của tác giả Phil Gianficaro.

Trong email, ông cũng cho biết có ý định liên lạc với cộng đồng người Việt tại Philadelphia để nhờ giúp nhưng không biết cách.

Gửi email, nhưng “sợ” tôi quên không đọc, ông Ba gọi điện thoại cho tôi. Và, theo đúng bài bản được huấn luyện, tôi cám ơn ông đã cho biết tin, nói sẽ tìm cách liên lạc với với gia đình này cũng như xác định xem đây câu chuyện này có thật hay không. (Lòng tốt bị lợi dụng nhiều quá nên khiến con người ta bỗng trở nên hoài nghi, dè dặt đến… nhỏ nhen).

Bài báo gây được sự xúc động mạnh mẽ trong cộng đồng. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)

Trong cuộc họp Ban Biên Tập sau đó, tôi mang câu chuyện này ra trình bày và đề nghị giao cho một bạn phóng viên mới kèm theo những hướng dẫn cách tìm kiếm sao cho ra được những em bé mồ côi này để viết bài.

Trong khi đó, ông Ba vẫn tiếp tục tìm hiểu câu chuyện qua bạn bè, người quen, và email nói chuyện luôn với ông tác giả bài báo. Tìm kiếm đến đâu, ông email hay nhắn tin cho tôi biết đến đó. Tôi lại quay qua thúc bạn phóng viên mới “Đến đâu rồi em? Độc giả người ta còn sốt sắng tìm kiếm hơn mình đó.” (Sau này ông Ba nói tôi mới biết, rằng thì là, ông cứ mải miết tìm kiếm là vì “thấy chờ chị lâu quá,” hic, quê ơi là quê!)

Không chỉ vậy, ông Ba còn mang câu chuyện những đứa trẻ bất hạnh này kể trong nhóm bạn học Dược Sĩ thời xửa thời xưa của ông, nhóm DK69-74, để ai cũng sẵn sàng chìa bàn tay, nhưng ông lại “nhiễm máu nhà báo” khi nói “Để ‘tau’ liên lạc với báo Người Việt xem thực hư trước đã.”

Sau cùng, ngày Chủ Nhật, 2 Tháng Mười Hai, chính ông Ba đã liên lạc được với cô Châu Thanh Trúc, người chủ tiệm nail mà mẹ của những đứa bé đã làm việc cho đến lúc qua đời, hẹn giúp luôn cuộc phỏng vấn giữa báo Người Việt và bốn đứa bé qua Facetime ngay tại nhà cô Thanh Trúc. Tuy nhiên, do bạn phóng viên mới cảm thấy “lo lắng” khi phải viết một bài nhiều cảm xúc như thế này, nên phóng viên Đằng-Giao được gọi đến “tiếp ứng.”

Phóng viên Đằng-Giao trong một lần trả lời điện thoại của độc giả. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)

Sáng sớm 5 Tháng Mười Hai, bài báo “Chuyện thương tâm của bốn em họ Nguyễn ở Pennsylvania” xuất hiện trên Người Việt Online, thì, như lời ông Ba kể lại, “Tôi thức dậy lúc 5 giờ sáng ngày hôm đó để đọc. Mặc dù tôi đã tìm hiểu và nghe được câu chuyện này, nhưng bài báo anh Đằng-Giao viết vẫn làm tôi xúc động. Tôi vào hai trang gây quỹ GoFundMe mà bài báo link và cứ dán mắt vào xem số tiền người ta gửi vào tăng lên liên tục. Tôi cảm thấy hạnh phúc vô cùng khi biết những đứa nhỏ đã nhận được sự giúp đỡ.”

Đến ngày hôm nay, số tiền đóng góp vào hai tài khoản GoFundMe này là $246,600 (một tài khoản được $155,207, một tài khoản được $91,393), tiền gửi bằng check đến nhờ cô Thanh Trúc nhận thay là $56,227. Tổng cộng là $302,827.

“Trước khi báo Người Việt đăng bài, thì số tiền gây quỹ được từ hai tài khoản trên là khoảng $49,000. Nhờ có bài báo mà số tiền đã tăng thêm hơn $250,000. Thế mới biết ảnh hưởng của báo Người Việt lớn đến chừng nào,” ông Ba nhận xét.

Quả thực, bài báo gây được sự xúc động mạnh mẽ. Chỉ tính trên Facebook Người Việt, bài báo có hơn 174,000 người đọc, hơn 1,000 lượt share, gần 2,000 lời bình luận chia sẻ.

Hỏi ông Ba nghĩ gì khi nhìn thấy tấm lòng của mọi người giúp đỡ, ông nói, “Đầu tiên tôi cám ơn bề trên đã dẫn dắt tôi trong đêm Thanksgiving đọc được bài báo của tác giả Phil Gianficaro về bốn đứa bé mồ côi, để thôi thúc tôi thấy mình cần phải làm một chuyện gì đó, và tôi đã email cho chị. Tôi luôn tâm niệm mình không làm được chuyện gì lớn thì cứ bắt đầu bằng những chuyện nhỏ.”

“Từ hôm đó đến nay tôi thấy vui lắm, nhất là lúc bài báo được đăng, và người ta liên tục gửi tiền vào giúp đỡ. Tôi mong cả bốn đứa nhỏ sau này sẽ thành công theo ước nguyện của bố mẹ chúng. Tôi cũng muốn nhắn với tụi nhỏ hãy ráng sống tốt, xứng đáng với sự giúp đỡ của cộng đồng,” ông nói bằng giọng tươi vui.

Ông Trần Đình Ba là cựu nhân viên của Westview Services, nơi chuyên chăm sóc những người chậm phát triển, nay đã về hưu.

Và không chỉ ông Ba, mà còn nhiều lắm những độc giả luôn nghĩ đến Người Việt, đến nhóm phóng viên chúng tôi, để ngay khi nhìn thấy một sự việc gì, đọc thấy một câu chuyện gì là họ lại gọi, lại nhắn tin, lại email để từ đó anh em tôi có thể tìm tòi, đưa ra những bài viết có giá trị đến với mọi người.

Lời cám ơn không đủ để tôi và các đồng nghiệp bày tỏ hết sự cảm kích của mình đến với độc giả. Ước mong của chúng tôi không gì khác hơn là có được sự đồng hành của độc giả, mãi mãi. (Ngọc Lan)

Video: Tin Trong Ngày Mới Cập Nhật

Copyright © 2018, Người Việt Daily News

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

MỚI CẬP NHẬT