Thursday, March 28, 2024

Little Saigon: Hội Lăng Ông Bà Chiểu cúng Kỳ Yên

Văn Lan/Người Việt

GARDEN GROVE (NV) – Lễ cúng Kỳ Yên (Cầu An) được Hội Lăng Ông Bà Chiểu (Lang Ong Ba Chieu Association) long trọng tổ chức vào lúc 11 giờ Chủ Nhật, 26 Tháng Hai, tại nhà hàng Seafood Place, Garden Grove với sự tham dự đông đảo của các thân hào nhân sĩ và đồng hương tham dự.

Sau nghi thức khai mạc, ông Châu Văn Ðể, hội trưởng và là trưởng ban tổ chức, cùng bà Nguyễn Thị Phương (phu nhân cố Giáo Sư Nguyễn Thanh Liêm) niệm hương trước bàn thờ tổ quốc, trong nghi lễ khai mạc cầu an, cầu phúc và dâng hương, cùng tưởng nhớ đến cố Giáo Sư Nguyễn Thanh Liêm, người sáng lập và điều hành hội trong những năm qua.

Tiếp theo là phần giới thiệu tổ chức Hội Lăng Ông Bà Chiểu, gồm có:

  1. Ban quản trị: Bà Nguyễn Thị Phương, ông Bùi Văn Truyền, và ông Lưu Vĩnh Khương.

2. Ban điều hành: Ông Châu Văn Ðể (Hội trưởng); Ông Phạm Văn Tú (Ðệ nhất phó hội trưởng); Bà Cao Minh Châu (Ðệ nhị phó hội trưởng); Ông Phạm Ðức Thạnh (Ðệ tam phó hội trưởng); Bà Vương Hồng Loan (Thủ quỹ); Bà Vũ Thị Ðan (Tổng thư ký); Ông Nguyễn Phú Hùng và chị Mai Lan (Văn nghệ).

Trong diễn văn khai mạc, Hội Trưởng Châu Văn Ðể nói: “Quan niệm mang ‘Lăng Ông Bà Chiểu’ ra hải ngoại với lòng biết ơn ‘uống nước nhớ nguồn, ăn trái nhớ kẻ trồng cây’; ta có thể xem Lăng Ông Bà Chiểu hải ngoại là ‘Ngôi Ðình’ là ‘Tụ Nghĩa Ðường’ để tôn thờ những vị anh thư, anh hùng dân tộc, những chiến sĩ vị quốc vong thân để bảo tồn tổ quốc, nhất là những dân quân cán chính quyết bảo vệ tự do chống độc tài Cộng Sản. Mang Lăng Ông Bà Chiểu ra hải ngoại là mang theo’“Tinh thần Lê Văn Duyệt’ với huân đức chói ngời, thanh liêm, cương trực, tài ba thao lược và cấp tiến bao dung.”

“Mang Lăng Ông Bà Chiểu ra hải ngoại, phải ‘giật gấu vá vai’, ‘liệu cơm gắp mắm’, với chương trình ‘Người Ðẹp Việc Ðẹp’, để phụ thêm chi phí văn phòng được tồn tại đến ngày nay, do cố Giáo Sư Nguyễn Thanh Liêm, người sáng lập và điều hành hội suốt 14 năm qua. Với sự góp tay của Giáo Sư Ðào Khánh Thọ, Giáo Sư Nguyễn Ánh Dương cùng với các anh chị em hội viên đã khích lệ rất nhiều, chúng tôi tin tưởng Ðức Tả Quân Lê Văn Duyệt đã được dân tộc Việt Nam tôn sùng là ‘Ðức Thượng Công’, ‘Lê Ðại Tiên’ rất linh ứng, sẽ luôn là phúc thần phù hộ những ai tin tưởng nơi ngài. Tinh thần Giáo Sư Nguyễn Thanh Liêm, suốt đời lo vun bồi nền văn hóa nước nhà, sống khôn thác thiêng, sẽ phù trì cho Hội Lăng Ông Bà Chiểu chúng ta,” ông hội trưởng nói tiếp.

Ông Hội Trưởng Châu Văn Ðể và bà Nguyễn Thị Phương niệm hương. (Hình: Văn Lan/Người Việt)
Ông Hội Trưởng Châu Văn Ðể và bà Nguyễn Thị Phương niệm hương. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Tiếp theo, quan khách lần lượt đến trước bàn thờ Ðức Tả Quân, thành tâm thắp nén nhang kính viếng, cầu quốc thái dân an trong nghi thức cổ truyền.

Sau khi thắp hương trước bàn thờ, mọi người đến xin rút một thẻ xăm và tìm đúng số lá xăm, để nhận một lời khuyên cho tiền tài, gia đạo, và công việc làm ăn trong năm mới.

Cả khán phòng yên lặng, không khí trầm mặc cùng với nghi thức cúng bái xin xăm, quyện cùng khói trầm hương thoang thoảng, đưa mọi người trở về ngày Tết với lễ cúng kỳ yên ở quê nhà trong những ngày tháng cũ.

Tiếp nối chương trình, Giáo Sư Trần Văn Chi nói về phong tục của người miền Nam, nơi vùng đất Gia Ðịnh xưa và ngày Lễ Kỳ Yên.

Giáo Sư Chi cho biết Lễ Kỳ Yên, là do do khẩu ngữ miền Nam đọc trại ra Cầu An, mà người miền Nam xưa rất coi trọng, đó là một lễ nghi phong tục không thể thiếu được trong ngày Tết, để cầu cho quốc thới dân an, xin được mưa thuận gió hòa, mùa màng sung túc, người người yên vui. Với lời cầu xin, sau khi rút được một quẻ xăm linh ứng, trong đó có những lời hướng dẫn, chỉ đường cho người tin vào quẻ đã xin được, nên làm gì để được hanh thông trong năm mới.

Kỳ Yên vừa là một lễ hội tín ngưỡng, vừa mang tính cách văn hóa. Ðức Tả Quân Lê Văn Duyệt vừa là một danh nhân, vừa là một danh thần. Lễ Kỳ Yên ở Lăng Ông khác với Lễ Vía Bà Chúa Xứ, đây là điểm đặc biệt. Trong bốn vị công thần thời vua Gia Long, có Tả Quân Lê Văn Duyệt, Hữu Quân Nguyễn Huỳnh Ðức, Tiền Quân Nguyễn Văn Thành, và Hậu Quân Võ Tánh. Riêng Tả Quân Lê Văn Duyệt được tôn vinh là một vị thần, tín ngưỡng thờ thần ở khắp miền Nam có từ thời vua Gia Long trở về sau.

Người thời bấy giờ khi bỏ xứ đi vào Nam sinh cơ lập nghiệp, đi tới đâu cũng gặp những đất địa phong thổ khác với đàng ngoài rất nhiều, cho nên họ rất sợ, sợ tất cả những gì xảy ra quanh mình nên mới có câu ca dao: “Tới đây (xứ Nam Kỳ) xứ sở lạ lùng. Chim kêu cũng sợ, con cá vẫy vùng cũng lo.” Do đó họ lập những ngôi đình để thờ Thần, là những người có công dựng làng, giúp làng, khai hoang lập ấp. Ðình là một trung tâm của làng xã, ngày càng phát triển, và người dân chọn ra một ngày cúng đình để tạ ơn thần thánh, cầu được quốc thái dân an.

Quang cảnh buổi lễ. (Hình: Văn Lan/Người Việt)
Quang cảnh buổi lễ. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Lễ Kỳ Yên ngày xưa ở khắp miền Nam diễn ra trong 3 ngày. Ngày thứ nhất, các quan làm lễ cáo (trình diện thần linh). Ngày thứ hai là ngày xây chầu, đánh trống báo cáo với Thần và bàn thờ hướng về Bắc để vọng tưởng về triều đình Huế, thường ngày này có cúng đình, hát bội với những tuồng tích trung quân ái quốc để nói lên lòng chung thủy của người dân với nhà vua, coi mình vẫn là thần dân của triều đình Huế, mặc dù lúc bấy giờ Pháp đã chiếm hoàn toàn Nam Kỳ. Ngày thứ ba là cáo lui, rước sắc Thần về cất.

Trong khi mọi người đón nhận những lá xăm của mình đã xin được, Giáo Sư Chi tiếp tục dẫn giải về những công trạng Ðức Tả Quân Lê Văn Duyệt trong thời kỳ làm quan, với quyết tâm giữ vững biên cương đất nước và đem lại yên bình cho dân chúng.

Tả Quân Lê Văn Duyệt là một danh thần, công trạng của ông rất lớn. Ông có cái nhìn xa trông rộng. Con đường thiên lý từ Trung vô Nam, sau này là quốc lộ 4, bây giờ gọi là quốc lộ 1A, có đoạn ngày xưa đi từ Sài Gòn xuống miền Tây, đó chính là sáng kiến của ông.

Con đường thứ hai là đường Lê Văn Duyệt cũ, chạy từ Ngã Sáu Sài Gòn lên Cambodia, chính là con đường chiến lược do ông mở ra để giải quyết vấn đề an ninh cho đất nước.

Ðiểm đặc biệt nữa là người Hoa ở Chợ Lớn ngày trước sùng bái Ðức Tả Quân Lê Văn Duyệt còn hơn người Việt, cùng góp phần tài chánh để xây Lăng Ông để thờ ngài. Do đó Lễ Lăng Ông Bà Chiểu, hay là Lễ Kỳ Yên hay Cầu An, là một lễ hội văn hóa ngày Tết rất lớn từ xưa, đầy ý nghĩa.

Chương trình văn nghệ trong ngày Lễ Kỳ Yên thật vui tươi trong các vũ khúc “Nắng Có Còn Xuân,” “Ðiệu Buồn Phương Nam,” đặc biệt là ca khúc “Viễn Khúc Việt Nam” sáng tác của nhạc sĩ trẻ Hàn Lệ Nhân (Mỹ), do ông Nguyễn Văn Lực, chủ tịch Cộng Ðồng Việt Nam San Diego trình bày gây nhiều xúc động.

Ðến dự Lễ Kỳ Yên có ông Phát Bùi, phó thị trưởng Garden Grove và phu nhân, các thân hào nhân sĩ, cùng đồng hương tham dự.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT