Friday, April 19, 2024

Chùa Bồ Đề Đạo Tràng giao thức ăn tận tay bác sĩ tại nhiều bệnh viện ở Texas

Đằng-Giao/Người Việt

GARLAND, Texas (NV) – Thượng Tọa Thích Phước Hạnh, trú trì Trung Tâm Phật Giáo Bồ Đề Đạo Tràng, Garland, Texas, cùng nhiều Phật tử phát động chương trình cúng dường thức ăn cho nhân viên y tế quanh vùng từ khi dịch COVID-19 bùng nổ.

Thượng Tọa Phước Hạnh nói: “Ngay khi nghe các Phật tử nói về sự hy sinh gian khó, không màng tính mạng của các bác sĩ cũng như y tá tại các phòng cấp cứu hay phòng ‘ICU’ tại các bệnh viện, tôi rất cảm động. Họ làm việc hơn 12 giờ mỗi ngày mà phải bỏ bữa hoài.”

Vẫn một lòng cảm kích sự dũng cảm của chuyên viên y tế, ông muốn tìm cách phần nào đền đáp công lao của họ. “Họ là những cảm tử quân đang đối mặt với con virus Corona từng giờ từng ngày để kìm hãm sự lây lan của chúng,” ông nói. “Vì vậy, tôi quyết định rằng chùa sẽ phải làm một cái gì đó cho họ.”

Khi nhận biết rằng những người đứng ở tuyến đầu phòng chống sự lây lan của bệnh COVID-19, vì quá bận nên không có thì giờ ăn uống, vị thượng tọa quan niệm rằng đây không thể là sự đóng góp một lần rồi thôi mà phải là một nỗ lực dài hạn.

Mặc dầu biết rằng quỹ phước sương của chùa rất hạn hẹp, nhưng Thượng Tọa Phước Hạnh vẫn hào sảng kêu gọi các Phật Tử: “Hãy phát tâm đóng góp để những vị lương y này không phải nhịn đói khi cứu giúp bệnh nhân. Thiếu, chùa sẽ giúp.”

Cuộc vận động của ông Phước Hạnh bắt đầu.

Biết rằng những chuyên viên y tế làm việc khó nhọc này không thể ăn uống kham khổ như một người tu hành, vị thượng tọa kêu gọi Phật tử phải cung cấp cho họ những bữa ăn ngon miệng và bổ dưỡng.

“Phải vậy thì họ mới có năng lực mà làm việc nỗ lực được chứ,” ông nói. “Và trung bình, mỗi phần ăn của họ ít nhất là $10.”

Ông lặp lại lời cam kết rằng khi các Phật tử không thể đóng góp nữa, chùa sẽ bù tiền. “Miễn sao họ không phải nhịn đói mà làm việc là được rồi,” Thượng Tọa Phước Hạnh nói.

Các Phật tử có lòng, có khả năng tài chánh bảo nhau cùng hưởng ứng lời kêu gọi của vị thượng tọa. Người góp của, người góp công, người góp cả của lẫn công.

Để các bác sĩ và y tá có những bữa ăn ngon miệng, chùa đặt thức ăn tại các nhà hàng quanh vùng và thay đổi món ăn thường xuyên. Nhờ sự rộng rãi của các Phật tử mà từ ngày bắt đầu đến giờ, chùa chỉ phải xuất tiền quỹ có vài lần thôi, theo lời vị thượng tọa.

Ngày đi, ngày nghỉ, Thượng Tọa Thích Phước Hạnh ghé hết bệnh viện này đến bệnh viên khác. (Hình: Thích Phước Hạnh cung cấp)

Ông từ tốn nói: “Tôi rất vui khi nhận được sự tận tình giúp đỡ của nhiều Phật tử.”

Ông phân trần: “Tôi có nhờ họ chia sẻ những câu chuyện cũng như những cố gắng của từng người, những kinh nghiệm đặc biệt nhưng tất cả cùng đề cử tôi thay mặt họ mà nói chuyện hôm nay.”

“Tất cả đều thoái thác. Họ nói, ‘Thôi mà thầy. Chuyện mình làm, mình biết. Nói ra làm gì. Thầy nói giùm mọi người là đủ rồi,’” ông kể.

Thượng Tọa Phước Hạnh nghĩ rằng đây là cách hữu hiệu nhất để động viên tinh thần những chuyên viên y tế này. “Khi biết có người cảm kích và nghi nhận những công sức to lớn của họ, họ sẽ làm việc hăng lái hơn,” ông chia sẻ cảm nghĩ. “Và như vậy, họ cứu giúp được nhiều bệnh nhân hơn.”

Mỗi bệnh viện trung bình có 30 chuyên viên.

Phần khó khăn nhất là đến tận các bệnh viện để giao thức ăn cho kịp bữa.

Đích thân Thượng Tọa Phước Hạnh cũng cùng mọi người chia nhau đi giao thức ăn.

Ông cho biết, gần một tháng nay, mỗi ngày ngót nghét 100 phần ăn được gửi tới bệnh viện.

“Thường thì cũng phải mất 45 phút mới tới nơi,” Thượng Tọa Phước Hạnh nói. “Chúng tôi thay phiên nhau tới nhiều bệnh viện khác nhau. Một trong những nơi này là bệnh viện Texas Health Harris Methodist Hospital.”

Thượng Tọa Thích Phước Hạnh một mình giao thức ăn đúng bữa tại từng bệnh viện. (Hình: Thích Phước Hạnh cung cấp)

Hôm nào phải lái xe đến bệnh viện John Peter Smith Hospital ở Fort Worth là mất đến 90 phút một chiều đi, theo vị thượng tọa. “Nhưng chúng tôi phải lái đến đây vì ở bệnh viện này có nhiều bệnh nhân nhiễm COVID-19 nhất và bệnh nặng nhất,” ông nói.

Lòng từ bi, nhân ái của Thượng Tọa Phước Hạnh không chỉ dừng lại tại các bác sĩ, y tá mà còn lan tỏa đến những trẻ em nạn nhân tệ nạn buôn người hay bị cha mẹ ruồng rẫy, ngược đãi nữa.

“Khi nói đến nạn nhân của tệ nạn buôn người, người ta thường nghĩ đến những nước nhược tiểu ở Phi Châu hay tại Việt Nam, Lào, Cambodia. Một sự thật đau buồn là ngay ở nước Mỹ cũng có những đứa trẻ vô cùng đáng thương này,” ông cho biết.

Ông khẽ tiếp: “Trong lúc các em bình thường có cha, có mẹ, khi bị nghỉ học thì ở nhà, được sống trong vòng tay bảo bọc dưới mái ấm đầy tình cảm gia đình thì những trẻ em xấu số này không được ai săn sóc bằng tình thương. Sự thiệt thòi này làm tôi không đành lòng quên các em.”

Ông cho biết: “Tại thành phố Plano có một trung tâm, họ có một chương trình gọi là ‘Transitional Living Program’ chuyên giúp cho những trẻ em này.”

Đạo Phật đi vào cuộc đời, những đóng góp cần thiết của những Phật tử này là sự thực hành những lời giảng dạy trong kinh kệ. (Đằng-Giao) [qd]

—–
Liên lạc tác giả: [email protected]

MỚI CẬP NHẬT