Sunday, April 28, 2024

Little Saigon: Đám cưới bị hoãn, đám tang thưa người vì ‘lệnh cấm tụ tập’

Ngọc Lan/Người Việt

WESTMINSTER, California (NV) – “Cũng không biết nói như thế nào, cũng có thất vọng, nhưng sức khỏe là chính nên cũng đành chịu thôi,” Thiện Nguyễn, chàng trai chuẩn bị làm chú rể vào Thứ Bảy, 21 Tháng Ba, chia sẻ cảm nghĩ khi đám cưới của anh buộc phải hủy bỏ vào giờ chót vì “lệnh cấm tụ tập” của tiểu bang California, tiếp đến là của Sở Y Tế Orange County đưa ra.

Thiện, chàng trai 26 tuổi, chuẩn bị cho đám cưới của mình từ một năm trước, từ việc tìm chỗ, in thiệp, đến mua sắm những thứ cần thiết như quần áo, quà tặng, đặt hoa, chụp hình, quay phim.

“Thực ra tụi em tính phải sau Tháng Sáu, 2020, khi em làm lễ tốt nghiệp rồi thì mới tổ chức. Nhưng vì ba của bạn gái em bệnh nặng, ông ước muốn được tham dự đám cưới trước khi qua đời, nên tụi em quyết định làm sớm,” chàng trai sắp tốt nghiệp đại học y khoa cho biết.

Từ trường học ở Florida, Thiện cùng vợ sắp cưới bay về Little Saigon vào đầu tuần trước để chuẩn bị cho đám cưới diễn ra vào cuối tuần này tại một nhà hàng ở thành phố Orange.

Theo lời Thiện, bốn tháng trước, khi gửi thiệp mời, có 220 khách cho biết sẽ tham dự. Khi gần đến ngày, thấy tình hình dịch bệnh ngày càng lan rộng, một số khách tự gọi đến báo họ sẽ không dự, một số khác thì gia đình Thiện gọi “confirm.”

“Một tuần trước đám cưới có khoảng 160 đến 170 người cho biết vẫn đi đám cưới,” Thiện kể.

Tuy nhiên, hôm Chủ Nhật, 15 Tháng Ba, Thống Đốc California ra lệnh tất cả các quán rượu tạm thời đóng cửa, các nhà hàng giảm 50% số chỗ ngồi cho khách và yêu cầu tất cả cư dân trên 65 tuổi tự cách ly tại nhà.

“Do khách em mời trên 200 người, mà lại có một ‘open bar’ cho tiệc nữa, nên hôm Thứ Hai nhà hàng gọi báo về việc sẽ không có quầy rượu và phải giảm lượng khách đi một nửa, chưa biết tính sao thì qua đến Thứ Ba, 17 Tháng Ba, Orange County lại ra lệnh cấm tụ tập, cấm luôn đãi tiệc ở nhà hàng, thế là bắt buộc phải hoãn đám cưới lại cho đến sang năm,” Thiện nói.

Nhà hàng Grand Garden trên đường Bolsa ngày Little Saigon cũng phải đóng cửa trong mùa vốn đắt khách này, vì COVID-19. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)

Về các thiệt hại xảy ra khi đám cưới bị hoãn vào phút chót, Thiện nói bằng giọng buồn thiu: “Như đã nói, tụi em chọn làm đám cưới trước khi em ra trường là vì ba của bạn gái em bị ung thư. Giờ hoãn lại thì không biết sức khỏe của ông có chờ được hay không. Mà từ đây đến cuối năm nhà hàng cũng không còn chỗ cho cuối tuần luôn. Đó là điều quan tâm nhất.”

Riêng về các chi phí, Thiện cho hay: “Tiền tiệc cưới thì tụi em đã trả đủ hết rồi, giờ hoãn lại thì họ vẫn giữ nguyên tiền đó cho mình, chỉ có điều tụi em muốn chọn ngày 321 cho đáng nhớ, tức là Tháng Ba, ngày 21, nhưng họ không còn chỗ cho ngày đó, nên tụi em đành chọn Tháng Hai, 2021.”

“Còn hoa, chụp hình, quay phim thì họ cũng giữ cho mình đến sang năm. Chỉ có quà tặng khách thì đến Tháng Ba năm tới hết hạn, nên có lẽ phải mua cái khác. Rồi năm tới cũng phải gọi đến báo ngày giờ cho khách một lần nữa, nếu như không in thiệp lại,” Thiện cười nói.

Cũng liên quan đến dịch vụ tiệc tùng, cưới hỏi, không chỉ khách hàng như Thiện Nguyễn bị rơi vào tình thế éo le mà cả giới chủ nhân nhà hàng cũng “dở khóc dở cười” với COVID-19.

“Tháng Ba này coi như thiệt hại trầm trọng, tháng tới thì chưa biết, vì quy định thay đổi liên tục trong giai đoạn này,” ông Don Phạm, chủ nhân nhà hàng Grand Garden ở Westminster, nói.

Ông Don cho biết: “Nhà hàng Grand Garden không chỉ tổ chức tiệc cưới, mà còn có hội họp, Tháng Ba là tháng có rất nhiều tiệc lớn nhỏ được đặt. Không chỉ cuối tuần, mà ngày thường cũng có hai, ba tiệc, giờ coi như ‘cancel’ hết, vì nhà hàng đã đóng cửa hoàn toàn.”

“Với khách hàng đã đặt tiệc thì việc hủy bỏ hay dời lại là tùy theo họ. Họ bị mất tiền, mình cũng bị thiệt. Nhà hàng đóng cửa nhưng vẫn phải trả tiền thuê, nhân viên bị nghỉ, mình phải giúp đỡ một phần, thức ăn đã chuẩn bị cũng mang cho vì đâu thể giữ lại. Thiệt hại tính ra nhiều lắm,” chủ nhân Grand Garden phân tích.

Nói về dự tính sắp tới, ông Don cho rằng: “Nếu qua Tháng Tư họ cho mở cửa lại thì dĩ nhiên ai cũng mừng. Còn không thì vẫn đóng cửa tiếp. Tình hình này cả nước đều chịu thiệt, thì mình cũng phải chịu theo thôi.”

‘Đám cưới hoãn được, đám tang thì không’

“Giờ có nhiều nơi đóng cửa, hoặc nhân viên làm việc tại nhà. Nhưng với nhà quàn thì không làm như vậy được,” cô Linda Nguyễn Trần, người chuyên lo việc sắp xếp các lễ tang cho Peek Funeral Home ở Westminster, nói.

Về cách dịch vụ đám tang trong giai đoạn đại dịch COVID-19, cô Linda cho biết: “Hôm qua chúng tôi có họp với giới chức Orange County, lúc thì họ cho phép tụ tập 25 đến 35 người, lúc nói chỉ 10 người. Cuối cùng sáng nay thông báo chỉ hạn chế tối đa 10 thân nhân của người chết có mặt trong nhà quàn mà thôi.”

Tuy  nhiên, theo cô Linda, “những ngày qua dù chưa có thông báo cấm tụ tập nhưng người đến viếng các đám tang cũng ít hẳn, vì ai cũng sợ. Biết là ít hoặc không có người viếng, nhưng cũng đành chịu vì nhà hàng còn ‘cancel’ được chứ đám tang thì sao hoãn được.”

Không có cảnh người đứng chuyện trò trước phòng tang lễ tại một đám tang ở nhà quàn Peek Family hôm Thứ Năm, 19 Tháng Ba, 2020. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)

“Để bảo đảm tình hình sức khỏe, vệ sinh chung, nhà quàn cũng không cho phép để đồ ăn, thức uống mời khách đến viếng như mọi khi. Khách đến viếng người mất thì vô từng người, rồi xong ra xe về luôn, chứ không đứng lại bên ngoài nói chuyện như trước,” cô Linda nói thêm.

Tương tự như Peek Family, nhà quàn An Lạc cũng thực hiện quy định không được phép có quá 10 người trong phòng tang lễ.

Ông Thạch Lê của nhà quàn An Lạc giải thích, “Chúng tôi cũng làm theo quy định thôi. Bắt đầu từ tuần này, chỉ tối đa 10 người có mặt trong phòng. Nếu gia đình đông con cháu thì phải thay phiên nhau vô, rồi ra. Mọi người cũng phải đứng cách xa nhau.”

Sức tàn phá của COVID-19 quả thật khủng khiếp hơn nhiều người tưởng. Bởi, cả trong phút chia lìa, người ta vẫn không thể tự do tiễn đưa nhau. (Ngọc Lan)

——–

Liên lạc tác giả: [email protected]

MỚI CẬP NHẬT