Thursday, March 28, 2024

Tiệm giặt ủi của người gốc Việt ‘thê thảm’ vì dịch COVID-19

Thiện Lê/Người Việt

WESTMINSTER, California (NV) – Đại dịch COVID-19 đang làm nhiều cơ sở thương mại của người gốc Việt ở Little Saigon điêu đứng như các tiệm tóc, tiệm nail phải đóng cửa. Trong khi đó, các doanh nghiệp “cần thiết” như nhà hàng, tiệm ăn và chợ vẫn được mở cửa, nhưng cũng gặp nhiều trở ngại. Ngoài các cơ sở thương mại đó, các tiệm giặt ủi của người gốc Việt cũng đang điêu đứng, tuy vẫn được cho phép mở cửa.

Ngoài chợ, nhà hàng và các cơ quan y tế, trang web danh sách các doanh nghiệp “cần thiết” của California còn có các tiệm giặt đồ tiền xu và các tiệm giặt ủi.

Những tiệm giặt đồ tiền xu vẫn hoạt động bình thường vì là nơi để nhiều cư dân đến giặt giũ quần áo thường ngày.

Tuy cũng là nơi giặt đồ, nhưng dịch COVID-19 đang làm nhiều tiệm giặt ủi gặp nhiều khó khăn trong làm ăn, thậm chí phải đóng cửa vì không có khách. Một lý do là vì những tiệm này chuyên giặt những loại quần áo mà khách không thể tự giặt như đồ veston hay đồ mặc đi làm.

Theo nhật báo Sacramento Bee, California hiện nay có hơn 1 triệu người xin tiền thất nghiệp. Các chuyên gia kinh tế dự đoán tỷ lệ thất nghiệp của tiểu bang sẽ lên đến 18.8% vào Tháng Năm, có nghĩa là hơn 3 triệu cư dân California không có việc làm.

Chính vì vậy, nhiều người ở Orange County và Little Saigon mất việc làm vì dịch COVID-19. Nếu họ không đi làm, thì họ sẽ không có nhu cầu giặt ủi quần áo mặc để đi làm nữa. Điều đó gây nhiều khó khăn cho các tiệm giặt ủi.

Bà Linda Nguyễn, chủ tiệm B&B Cleaners trên đường Edinger ở Huntington Beach, chia sẻ về chuyện làm ăn trong thời dịch COVID-19: “Tiệm tôi ở khu người Mỹ nên không biết khu người Việt Nam mình ra sao, nhưng mấy tuần nay rất ít khách. Lúc trước, mỗi ngày tôi có khoảng 10 khách, bây giờ chỉ còn có ba người, giảm đến 70%.”

Bà cho hay khách thường đến tiệm để giặt đồ đi làm. Nhưng vì đại dịch COVID-19 làm họ thất nghiệp, nên không cầm quần áo ra giặt như trước nữa.

Vì các dịch vụ giặt đồ được California xếp vào danh sách doanh nghiệp “tất yếu” nên tiệm B&B Cleaners vẫn mở cửa, nhưng bà Linda phải thay đổi giờ làm việc vì ít khách.

“Bình thường thì tôi mở cửa sáu ngày trong tuần, từ 7 giờ sáng đến 7 giờ tối. Nhưng mấy tuần này ít khách, tôi chỉ mở từ 10 giờ sáng đến 3 giờ chiều,” bà nói.

Về phía nhân viên, bà cho hay phải cho họ nghỉ việc vì không đủ khách.

Tiệm White Dry Cleaners phải đóng cửa vì không có khách. (Hình: Thiện Lê/Người Việt)

Một khách hàng người bản xứ tên John, nói với phóng viên Người Việt: “Tôi làm việc cho một công ty ở Irvine, mới bị họ cho tạm nghỉ việc cách đây vài ngày vì dịch COVID-19. Tôi hay ra đây nhờ bà chủ giặt mấy bộ đồ mặc đi làm. Hôm nay tôi ra đây để giặt mấy bộ đồ đi làm trước khi nghỉ, để sẵn ở nhà cho đến bao giờ mọi thứ bình thường lại và được tiếp tục đi làm.”

Tiệm White Dry Cleaners, gần ngã tư đường Westminster và đường Newland ở Westminster, phải đóng cửa vì không có khách.

Tuy đóng cửa, chủ tiệm là bà Anh cùng con gái là cô Trúc vẫn trả lời phỏng vấn của nhật báo Người Việt.

Bà Anh cho biết: “Mấy hôm nay, chúng tôi phải đóng cửa vì không có khách, người ta không đi làm nên đâu cần cầm quần áo ra giặt. Với lại người ta cũng không dám ra đường vì sợ nhiễm bệnh nữa.”

Hai mẹ con chủ tiệm cho hay tiệm đóng cửa, nhưng chỉ giặt đồ cho một số người quen nếu cần gấp.

Trong lúc tiệm White Dry Cleaners đóng cửa, cô Trúc nói gia đình đang may khẩu trang để bán cho vài công ty ở địa phương, một số thì quyên góp cho những người cần.

“Nếu không may khẩu trang thì tôi ở nhà luôn rồi,” bà Anh tiếp lời.

Một nhân viên của tiệm giặt ủi bên cạnh bánh mì Chợ Cũ, góc đường Magnolia và đường Hazard ở Westminster, cho biết không trả lời phỏng vấn được vì không có ông chủ ở đó, nhưng bà chỉ nói chuyện làm ăn trong thời gian gần đây “rất thê thảm.”

Nhật báo Người Việt có liên lạc với nhiều tiệm giặt ủi khác ở Little Saigon, nhưng một số tiệm không trả lời và một số tiệm phải đóng cửa.

Cả nước Mỹ cũng như khu Little Saigon chưa biết tình hình căng thăng vì dịch bệnh này sẽ kéo dài đến bao giờ, nhưng nhiều tiểu thương ở khắp nước đang phải chịu đựng. (Thiện Lê)

—–
Liên lạc tác giả: [email protected]

MỚI CẬP NHẬT