Friday, March 29, 2024

Luật Sư Margaret Vũ: Từ ‘Terrify No More’ đến ước mơ giải thoát nạn nhân buôn người

Vũ Đình Trọng/Người Việt

SALT LAKE CITY, Utah (NV) – Margaret Vũ là một cô gái người Mỹ gốc Việt. Sinh ra và lớn lên ở Mỹ nhưng có lẽ, dòng máu Việt trong huyết quản khiến cô tự trăn trở với số phận của những bé gái người Việt không may mắn như cô. Đó là những cô gái sinh ra trong một đất nước nghèo khó, nghèo đến nỗi cha mẹ phải “bán” chúng cho những tay săn người quỷ quyệt.

Margaret Vũ nói: “Khi tôi khoảng 17 tuổi, tôi đọc được một bài báo trên tờ National Geographic viết về chế độ nô lệ thời hiện đại. Đấy là vào năm 2003, và trước đó, tôi chưa bao giờ nghe về vấn đề này. Đọc càng nhiều về đề tài này, tôi càng nhận ra phụ nữ và trẻ em Việt Nam thường bị những kẻ buôn người nhắm đến để khai thác.”

Số phận những bé gái Việt Nam bị bán vào các động mãi dâm đã động vào lòng trắc ẩn của Margaret. Cô không thể hiểu tại sao những bé gái đó phải phải chịu sự đày đọa trong chốn địa ngục đó. Và như một lẽ tự nhiên, khi cô cầm trên tay cuốn “Terrify No More” của Luật Sư Gary Haugen, cũng chính là lúc cô xác định hướng đi tương lai của mình.

Margaret kể: “Cuốn sách nói về một thị trấn ở Campuchia tên là Svay Pak. Svay Pak được biết đến như là một ngôi làng mại dâm chuyên phục vụ tình dục cho những khách hàng là người nước ngoài. Ở đấy, các bé gái chưa đến tuổi thành niên được bày bán công khai cho khách khi có nhu cầu. Đa phần, chúng bị bắt cóc đến đây, hoặc bị chính cha mẹ chúng rao bán…”

“Thật đáng buồn khi nhà thổ ở đó có các bé gái Việt Nam chỉ từ 10 đến 12 tuổi, thậm chí có đứa bé chỉ mới 4 tuổi thôi. Tôi đã đọc ngấu nghiến cuốn sách và đã khóc cho họ. Cuốn sách đã khai sáng tôi, và giá trị của nó đã ở lại trong tôi cho đến tận hôm nay.”

Cô nhận ra rằng, chỉ khóc thương cảm không thôi, sẽ chẳng giúp được gì cho họ. “Là một phụ nữ Việt Nam, tôi cảm thấy có mối liên hệ đặc biệt với những nạn nhân này và muốn tìm cho mình một nghề nghiệp có thể giúp đỡ họ bằng một cách nào đó.” Margaret quan niệm như thế, và cô quyết định thi vào trường luật.

Margaret Vũ đã chọn cho mình một con đường không chỉ muốn giúp những bé gái người Việt như trong những cuốn sách cô đã đọc, mà giúp tất cả nạn nhân của các tổ chức buôn người.

Ngày vào Đại Học Luật Utah S.J Quinney là một ngày đáng nhớ với cô gái 18 tuổi tràn đầy năng lực. Những gương mặt sợ hãi của những bé gái trong các nhà thổ như tiếp thêm động lực cho cô học, tìm hiểu luật thật cặn kẽ. Cô muốn trang bị thật kỹ kiến thức như một thứ vũ khí tri thức để đối đầu với những thế lực đen tối, giải thoát nô lệ tình dục. Một sứ mệnh cô tự đặt ra cho mình, không hề dễ dàng chút nào.

“Tôi tốt nghiệp năm 2014, và được nhận làm thư ký tư pháp cho một thẩm phán liên bang tại Utah hai năm. Sau đó tôi đã thực tập tại công ty luật Snow Christensen & Martineau ba năm ở Salt Lake City, nơi tập trung vào các vụ án về quốc phòng. Ở đó, tôi được tiếp cận và xử lý các vụ án liên quan đến sơ suất y tế, phòng chống tội phạm cổ cồn trắng, bảo vệ bảo hiểm và các loại tranh tụng dân sự khác.”

Các luật sư của công ty luật Teter & Vu. Từ trái: Andy Morelli, Michael Teter, và Margaret Vũ.  (Hình: Margaret cung cấp)

Mùa Hè đầu tiên khi ra trường, Margaret được tham dự một vài vụ án buôn người, cùng với cộng sự giải thoát được một vài người khỏi sự lạm dụng đã làm cô phấn chấn và tin rằng mình sẽ còn làm được nhiều hơn thế.

Cô kể: “Trong một vụ án buôn người tôi được tham gia, có một người phụ nữ bị gia đình chồng lừa đến New York, nói rằng sẽ để cô làm việc trong một nhà hàng. Khi đến nơi, cô mới biết rằng chẳng có nhà hàng nào cho cô làm cả. Gia đình chồng cô trở mặt, bắt cô ở nhà làm việc như một người hầu. Họ dấu giấy tờ của cô để cô không thể trốn về Nam Mỹ, quê hương của cô. Cô phải làm việc quần quật từ sáng đến tối, không chỉ bị chồng hành hạ, cô còn bị người anh chồng cũng quấy rối tình dục.”

Margaret kể thêm rằng, một hôm có hai nhà truyền giáo đạo Mormon tới nhà. May mắn lúc đó không ai ở nhà nên cô ấy mới kể cho họ nghe được tình trạng của mình. Họ đã giúp cô ấy trốn thoát khỏi căn nhà đó và đưa cô về Salt Lake City. “Chúng tôi đã giúp nạn nhân xin T-visa để cô ấy có thể ở lại Hoa Kỳ.”

Đường đời còn lắm chông gai

Luật Sư Margaret nhận ra rằng thời gian cô làm thư ký cho thẩm phán liên bang dù đã cho cô một cơ hội tốt để học kinh nghiệm thực tế, nhưng cô lại không thể tập trung vào loại công việc cô theo đuổi.

Cô nói: “Tôi đã đến trường luật vì tôi muốn một nghề nghiệp có thể giúp mọi người. Công việc thư ký không cho tôi cơ hội này. Khi chuyển qua công ty luật, khách hàng của tôi lại là các công ty bảo hiểm hoặc các cơ quan chính phủ, họ là những tổ chức, không phải là con người.”

Ba năm làm việc tại Snow Christensen & Martineau, dù đã tích lũy nhiều kinh nghiệm, nhưng với Margaret, đấy vẫn chưa phải là nơi chốn mà cô sẽ thuộc về. Mong muốn vừa tạo dựng sự nghiệp, vừa giúp người khốn khổ, tưởng chừng khó thành hiện thực thì một cơ hội mới mở ra cánh cửa mà cô mơ ước mấy lâu nay.

Margaret kể: “Hè năm 2019, Luật Sư Michael Teter, cựu giáo sư luật hiến pháp của tôi tại Đại Học Utah, đã tìm tôi và hỏi liệu tôi có nghĩ đến việc bắt đầu một công ty luật tập trung vào các quyền dân sự với ông ta không.”

Từ bỏ Snow Christensen & Martineau, một công ty luật có bề dày 134 năm, tập hợp nhiều luật sư nổi tiếng và những vụ án lớn, là một quyết định không dễ dàng cho Margaret Vũ. Đó là một môi trường làm việc trong mơ của nhiều luật sư tập sự tại Utah, và không phải ai cũng may mắn bước vào “thánh đường” đó, nếu không có bản lĩnh thực sự.

Luật sư Margaret Vũ (áo trắng, giữa) cùng đồng nghiệp tại công ty luật Snow Christensen & Martineau. (Hình: Margaret cung cấp)

Thế nhưng Margaret lại rất hào hứng trước lời mời này. “Đó chính là niềm đam mê của tôi, đó chính là lý do tại sao tôi chọn ngành luật.” Cô hồi tưởng trong nỗi vui mừng, và cả sự lo lắng khi biết mình phải tự bương chải để tồn tại, không dựa vào ai được nữa, ngoài người chồng rất mực yêu thương cô.

Cô kể: “Chồng tôi là bác sĩ. Anh đang nội trú năm thứ hai khoa Thần Kinh (Neurology) tại Bệnh Viện University of Utah Hospital. Tôi hỏi anh rằng anh có ủng hộ em không. Anh ấy khuyến khích tôi tiếp tục theo đuổi ước mơ, anh nói ‘hãy làm những gì em muốn.’ Anh ấy thật tuyệt vời! Anh chưa bao giờ phàn nàn tôi chuyện gì, và lúc nào cũng làm cho tôi cười hạnh phúc. Tôi cảm thấy mình rất may mắn khi có một người chồng như thế.”

Công ty luật Teter & Vu mau chóng được thành lập, và họ chuyển đến văn phòng mới vào ngày 2 Tháng Ba năm 2020.

Margaret kể tiếp: “Michael và tôi có hai nhân viên là Luật Sư Andy Morelli, và trợ lý pháp lý Chloe Lehman. Chúng tôi dành tuần lễ đầu tiên để sắp xếp đồ đạc trong niềm hạnh phúc khi được làm việc cùng nhau. Tuần sau, COVID-19 tấn công và chúng tôi phải đóng cửa văn phòng, làm việc tại nhà. Mọi việc chậm hẳn lại, vì vậy chúng tôi không nhận được nhiều lời giới thiệu. Kinh tế khó khăn có nghĩa là mọi người ít có khả năng thuê một luật sư. Nhưng tôi không chán nản vì đây là một thử thách quan trọng trong cuộc đời. Tôi vẫn xem đây là một cuộc phiêu lưu tuyệt diệu.”

Đề cập đến nạn buôn người trong thời đại mới, Luật Sư Margaret cho rằng Hoa Kỳ đã có một chặng đường dài để nhận ra vấn đề buôn người từ đầu những năm 2000. Đã có nhiều luật mới được thông qua để bảo vệ nạn nhân, và cũng có nhiều tổ chức và tài nguyên dành cho nạn nhân.

Cô nói: “Nạn buôn người trên thực tế có thể gia tăng trong đại dịch COVID-19. Thông thường, thiên tai khiến cuộc sống của mọi người trở nên khó khăn, làm tăng nguy cơ bị khai thác. Mọi người trong thời gian này dễ bị tổn thương nên dễ bị lợi dụng hơn.”

Luật Sư Margaret cho biết thêm, nạn nhân người nước ngoài thường lo ngại rằng họ sẽ bị trục xuất nếu họ báo cáo tình hình. Họ đến Hoa Kỳ bằng visa làm việc hợp pháp, nhưng bị thủ phạm lợi dụng, lấy hộ chiếu hoặc thị thực của họ và khiến nạn nhân cảm thấy nếu họ gọi ai đó giúp, họ sẽ bị trả về đất nước họ, nơi họ muốn thoát khỏi. “Chúng tôi có thể giúp họ bằng cách nộp đơn xin T-visa hoặc U-visa để được ở lại Hoa Kỳ tới bốn năm và sau đó có thể điều chỉnh trạng thái di trú của họ để trở thành thường trú nhân.”

Margaret giải thích: “Là một phần của việc xin T-visa hoặc U-visa, nạn nhân cần phải đồng ý giúp cơ quan thực thi pháp luật trong việc điều tra hoặc truy tố tội phạm. Nạn nhân cũng có thể kiện một công ty vì đã cố tình hưởng lợi từ việc khai thác sức lao động của họ.”

Những kẻ buôn người không bao giờ nghỉ ngơi. Họ đang tận dụng sự hỗn loạn trong đại dịch COVID-19 để tiếp tục khai thác con người. Đôi khi, thủ phạm lại chính là người thân trong gia đình, lúc bấy giờ nạn nhân thậm chí không muốn thoát ra ngoài vì sợ làm hại thủ phạm.

Những suy nghĩ về nạn buôn người cùng đại dịch COIVD-19 đang làm nữ luật sư trẻ trăn trở. Margaret biết, trên con đường chông gai này, cô cần nhiều niềm tin và sự hỗ trợ của cộng đồng để giải thoát cho nạn nhân, và bắt những kẻ buôn người phải đền tội trước pháp luật. [kn]

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT