‘Bước vào thế giới này chỉ để làm lông mi’ – Daniel Phú

“Cuộc đời của tôi trải qua nhiều thăng trầm với nghề nối mi, tôi sẽ không có thành công nếu như không vượt qua được những khó khăn cũng như không biết nắm bắt cơ hội mình có. Làm việc gì đều phải bắt đầu từ đam mê, nhiệt huyết, nhưng quan trọng nhất để thành công còn phụ thuộc vào năng khiếu và may mắn. Đặc biệt, hai điều này phải đi song hành cùng nhau.” --Daniel Phú

Sau hơn một tiếng “đổ mồ hôi” gắn, nối, vị khách nhìn vào gương và kêu lên, “Ôi lạy Chúa, tôi không thích!”

“Ông tổ” của nghề nối mi nhiều lớp cười giòn tan khi nhớ lại thành quả đầu tiên của mình. “Cũng nhờ lời nhận xét thẳng thắn đó mà tôi cố gắng tìm ra cách riêng cho mình để làm sao cho công việc nối lông mi dễ dàng, đơn giản hơn, bởi chính tôi cũng không thấy thích cách mà mình học được từ đĩa DVD đó,” anh nói.

Cũng từ đam mê đó mà anh nghỉ hẳn công việc tại Health Net để dốc toàn tâm cho công việc tóc, mi.

Bằng kiến thức học được từ việc nối tóc, kinh nghiệm thực hành nối mi từ ngày này sang ngày khác, cuối năm 2005, Daniel sáng chế ra phương thức nối mi của riêng mình và đặt tên là “nối mi nhiều lớp.”

Từ Little Saigon đến Beverly Hills

Có lẽ Daniel Phú vẫn là người thợ nối mi, dù giỏi, quanh vùng Little Saigon hay tại Orange County mà thôi, nếu như không có một cơ may đưa anh đến với Hollywood, kinh đô của giới tài tử điện ảnh.

Một khách nối lông mi của anh đi “wax” lông mày ở tiệm Anastasia Brow trên Beverley Hills (Anastasia Beverly Hills là thương hiệu mỹ phẩm và chuỗi thẩm mỹ viện nổi tiếng được nhiều siêu sao Hollywood ưa chuộng và thành công trên toàn thế giới). Bằng con mắt của người chuyên nghiệp, bà Anastasia nhìn ngay ra được sự độc đáo, khéo léo của người thợ nối lông mi này.

Một cơ hội bằng vàng vô tình mở ra cho Daniel Phú khi bà chủ hệ thống Anastasia Beverly Hills mời anh đến đó làm việc nối lông mi. Để từ nơi này, anh gặp Priscilla Presley, vợ của cố danh ca Elvis Presley, người mang đến cho cuộc đời anh một bước ngoặt lịch sử.

Ân nhân giúp Daniel Phú lấy được bằng sáng chế 'LôngMi Lashes by Daniel,' Priscilla Presley.
Ân nhân giúp Daniel Phú lấy được bằng sáng chế ‘LôngMi™ Lashes® by Daniel,’ Priscilla Presley. (Hình: Daniel Phú cung cấp)

Người đầu tiên sở bản quyền lông mi

Đầu năm 2006, Daniel có cơ may gặp được Priscilla Presley. Ấn tượng bởi những gì mà Daniel thực hiện, Priscilla đề nghị giúp Daniel ghi danh bảo vệ bằng sáng chế kỹ thuật mới của anh.

Tuy nhiên, con đường để có được bằng sáng chế của Daniel không hề bằng phẳng do những ý tưởng, phương pháp của anh bị người khác đánh cắp.

Theo Daniel, đó là khoảng thời gian anh cảm thấy khủng hoảng, đau buồn và cô đơn nhất bởi tất cả mọi người thân quen đều cho rằng anh sẽ không bao giờ thắng trong cuộc đấu tranh giành lại những gì thuộc về anh, từ trí tuệ của anh.

“Đó là một cuộc chiến dài hạn, nó không chỉ tốn tiền bạc, công sức mà còn cả tinh thần. Tôi vừa lo lắng, vừa sợ, vừa thấy mù mịt nhưng không dám nói với ai, không một ai bên cạnh chia sẻ với mình. Giống như nỗi đau của mình không được giải quyết, nó cứ âm ỉ trong người từ ngày này qua ngày khác,” anh bồi hồi nhớ lại.

“Anh vượt qua giai đoạn đó như thế nào?” Tôi hỏi.

NEWSLETTER Ghi danh để nhận bản tin Newsletter Người Việt thẳng vào hộp thư email của quý vị mỗi ngày, 7 ngày 1 tuần.  Newsletter là bản tin tóm lượt gồm những tin nổi bật nhất trong ngày.  Ghi danh nhanh và dễ dàng.  Hãy ghi danh ngay.Ghi Danh

Anh trầm ngâm, “trong lúc tuyệt vọng, đau khổ, tôi đi tìm một cái gì đó vô phàm để niềm tin mình bám víu. Tôi tự hứa với lòng rằng mình sẽ chăm sóc, lo lắng và nuôi dưỡng cho điều mình mong muốn. Tôi hứa là tôi chỉ làm lông mi mà thôi.”

“Câu ‘I came into this world to do lashes’™, ‘Tôi bước vào thế giới này chỉ để làm lông mi mà thôi’ bắt đầu từ lúc đó. Nó xuất phát từ trái tim, thay cho lời nói cám ơn và hứa hẹn. Nó không bi quan cũng không lạc quan. Tôi đến đó và làm việc đó, và chỉ làm duy nhất chuyện đó mà thôi,” anh giải thích thêm.

Để có được “patent”, công thức của Daniel Phú phải bảo đảm được ba đặc điểm: đầu tiên là tính “mới”, tức là sáng chế đó chưa được công bố hay sử dụng tại bất kỳ thời điểm và địa điểm nào trên thế giới. Thứ hai là phải bảo đảm nó là công thức sáng tạo, tức là sáng chế này trên thực tế chưa có lĩnh vực tương ứng nào nghĩ ra và có một bước tiến nổi bật so với các sáng chế khác trong cùng lĩnh vực. Và cuối cùng là khả năng áp dụng của công thức vào công nghiệp.

Sau hơn ba năm thử nghiệm, nghiên cứu, và tranh đấu, Daniel Phú cuối cùng đã được Cơ quan Chứng nhận Bằng sáng chế Hoa Kỳ cấp bằng sáng chế đầu tiên và duy nhất cho “Phương pháp Áp dụng lông mi đa lớp” vào ngày 13 tháng 10 năm 2009.


Daniel Phú nhận bằng sáng chế cho "Phương pháp Áp dụng lông mi đa lớp."
Daniel Phú nhận bằng sáng chế cho “Phương pháp Áp dụng lông mi đa lớp.” (Hình: Daniel Phú cung cấp)

LôngMi Lashes official logo by Daniel’

“Cầm lấy trong tay bằng sáng chế, tôi cảm thấy nhẹ nhõm vô cùng, bỏ qua được lo lắng và đạt được bằng phát minh, được người Mỹ coi trọng. Nó là bằng phát minh muôn đời. Tôi quyết định lấy tên LôngMi™ Lashes® làm thương hiệu của mình vì nó là tên tiếng Việt, là tượng trưng cho cả một dân tộc tôi,” anh giải thích. “Tôi cũng lấy ngày 13 tháng 10 làm ngày giỗ tổ cho nghề lông mi.”

Đến nay, sau gần 10 năm bén duyên với lông mi, Daniel Phú sở hữu chín tiệm salon chuyên làm lông mi tại khắp nước Mỹ, bao gồm ở Orange County, Beverly Hills, Downtown LA, Miami, Texas, Idaho, và Minnesota.

Bên cạnh đó, anh còn tự mở nhà máy sản xuất lông mi ở Việt Nam để tạo công ăn việc làm cho người dân ở quê nhà. Tại Mỹ, anh mở trường tại Little Saigon nhận đào tạo học viên làm lông mi. Học sinh của anh không chỉ ở địa phương mà còn từ các tiểu bang khác, và không chỉ có người Việt mà còn có cả người Mỹ và Hispanic.

Nhìn lại quãng thời gian trải qua, Daniel Phú cho biết, anh cảm thấy “như một giấc mơ.”

Anh tâm sự, “chưa bao giờ tôi nghĩ mình có thể thành công như ngày hôm nay, từ một người làm việc máy tính chuyển sang đi làm tóc rồi kết duyên với lông mi. Tôi sáng tạo ra phương thức làm mi chỉ để làm cho công đoạn nối mi của mình dễ hơn chứ chưa bao giờ nghĩ sẽ được cấp bằng phát minh.”

“Cuộc đời của tôi trải qua nhiều thăng trầm với nghề nối mi, tôi sẽ không có thành công nếu như không vượt qua được những khó khăn cũng như không biết nắm bắt cơ hội mình có. Làm việc gì đều phải bắt đầu từ đam mê, nhiệt huyết, nhưng quan trọng nhất để thành công còn phụ thuộc vào năng khiếu và may mắn. Đặc biệt, hai điều này phải đi song hành cùng nhau,” Anh nhận xét.

***

Câu chuyện của Daniel Phú quả thật đem lại rất nhiều suy nghĩ trong tôi.

Tôi từng có lúc cảm thấy mệt mỏi, sợ hãi và không tự tin vào chính bản thân mình, cũng như mông lung về tương lai trước mắt. Nhưng đến bây giờ, tôi tin rằng, con đường đi đến thành công không phải trải đầy hoa hồng mà phải vượt qua các chướng ngại.

Và, điều quan trọng nhất chính là cái tâm và lý trí của bản thân có vững tin để “biến điều bình thường thành phi thường” như chính lời Daniel Phú nói, hay không.

Cám ơn anh và câu chuyện của anh, nó thật sự làm tôi thay đổi và tự tin hơn trên con đường tìm kiếm thành công!
Corolla 2017 sponsored banner cho bài viết "Bước vào thế giới này chỉ để làm lông mi -- Daniel Phú"

« Trở về trang trước

1
2