Friday, April 26, 2024

Mì tương đen và thịt chiên Đại Hàn trong siêu thị Arirang ở Garden Grove

Thiện Lê/Người Việt

GARDEN GROVE, California (NV) – Trong mấy ngày vừa qua, tôi thèm ăn các món của Đại Hàn, nhất là món mì tương đen rất phổ biến. Chính vì vậy, lần này tôi đến tiệm mì Kyo-Dong trong siêu thị Arirang ở Garden Grove để thưởng thức món mì đó.

Mì tương đen Đại Hàn hay “jajangmyeon” thường xuất hiện trong các phim truyền hình của nước này, với sợi mì thấm nước sốt màu đen như mực rất hấp dẫn.

Các sử gia cho biết một đầu bếp đến từ tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc, làm việc cho nhà hàng Gonghwachung, tại khu phố người Hoa ở thành phố cảng Incheon, là người chế ra món mì này hồi năm 1905.

Món mì này từng là một món sang trọng ở Nam Hàn vì không có nhiều bột mì. Tuy nhiên, sau Chiến Tranh Triều Tiên của thập niên 1950, nhiều thương gia nước ngoài đổ bộ vào cảng Incheon, mang theo bột mì, giúp món “jajangmyeon” trở nên phổ biến hơn và thành món ăn bình dân mà ai cũng biết ngày hôm nay.

Với giá cả vừa túi tiền, “jajangmyeon” là một món khoái khẩu của dân Nam Hàn từ thập niên 1950, từ diễn viên đến giới trẻ ngồi chơi game trong các lâu bộ đều thích. Một khu phố ở Nam Hàn có không biết bao nhiêu tiệm bán món mì này và tiệm nào cũng giao mì đến tận nhà cho khách.

Không chỉ vậy, món mì này thường được ăn nhiều nhất vào “Ngày Lễ Đen,” tức là 14 Tháng Tư, của Nam Hàn. Trong ngày lễ này, những người độc thân hay thất tình phải ăn những món có màu đen và “jajangmyeong” không thể đen hơn được.

Tên gọi “jajangmyeon” của món mì tương đen này dựa theo món mì “zha jiang mian” của Trung Quốc, nhưng hai món rất khác nhau. Món mì của Trung Quốc dùng tương đậu nành và tô mì có ít nước sốt, còn mì của Đại Hàn thì dùng tương làm từ đậu đen và chan đầy nước sốt lên mì.

Bảng hiệu của tiệm Kyo-Dong. (Hình: Thiện Lê/Người Việt)

Tôi từng ăn nhiều món mì tương đen này của nhiều tiệm tại khu phố Koreatown của Garden Grove, nhưng thích tiệm Kyo-Dong trong khu ăn uống của siêu thị Arirang nhất.

Tiệm này mở cửa hồi năm 2015 và được nhiều thực khách gốc Đại Hàn, cũng như các sắc dân khác ủng hộ.

Vì dịch COVID-19, siêu thị Arirang không cho khách ngồi ăn trong khu ăn uống được, chỉ để vài bàn ngoài trời và cho khách mua “to go” là chính.

Mì tương đen sau khi trộn. (Hình: Thiện Lê/Người Việt)

Tôi gọi điện thoại đặt thức ăn trước sau đó ra lấy để khỏi phải đứng chờ. Vì món chính của tiệm này là mì tương “jajangmyeon” nên tôi gọi phải gọi một phần. Đi chung với món này lúc nào cũng phải có thịt heo chiên chua ngọt kiểu Đại Hàn, nên tôi cũng gọi một phần. Quán Kyo-Dong cho khách gọi mì và thịt heo chiên thành một phần “combo” để ăn được cả hai món, chỉ ít mì và ít thịt hơn so với gọi riêng từng món thôi. Tôi còn gọi thêm một phần bánh xếp chiên nữa cho đủ món.

Bà chủ hẹn tôi 20 phút thì có thể đến lấy thức ăn và nhà bếp làm xong rất đúng giờ. Vì nhà gần siêu thị Arirang, tôi có thể ăn ngay sau khi về nhà, không cần hâm nóng các món ăn lại.

Vì là phần “combo” nên mì với thịt heo chiên được để chung một hộp, nhưng được ngăn ra bằng giấy bạc để thịt không dính nước trên sợi mì. Nước sốt tương đậu đen thì được để trong hộp riêng, để khách trộn khi muốn ăn.

Thịt heo chiên chua ngọt. (Hình: Thiện Lê/Người Việt)

Màu đen rất đậm của “jajangmyeon” làm tôi từng nghĩ món này có mùi vị rất đậm đà, nhưng thật ra không phải vậy. Nước sốt làm từ đậu đen lên men, pha với chút bột và đường, có mùi vị rất vừa phải, không mặn chút nào, và thơm mùi đậu đen. Trong nước sốt còn có hành củ, khoai tây, thịt heo và bí ngòi (zucchini) xắt hạt lựu. Hành củ và bí làm nước sốt ngọt ngào hơn, thấm vào thịt và khoai tây thơm bùi. Các sợi mì vừa dai vừa trơn, thấm từng giọt nước sốt, khiến tôi phải hút “rột rột” liên tục.

Thịt heo chiên chua ngọt cũng là một món của người Hoa, nhưng những người Hoa sống ở Nam Hàn chế biến lại. Thịt heo chua ngọt kiểu Trung Quốc được xắt thành cục, thường có nước sốt màu đỏ vì có cà chua. Trong khi đó, kiểu Đại Hàn thì xắt thịt thành hình ngón tay và có nước sốt màu trắng hơi vàng vì dùng nước khóm.

Thịt heo được nhúng vào bột khoai, sau đó chiên giòn và chan nước sốt nên. Để giữ thịt giòn khi khách mang về nhà, tiệm Kyo-Dong để nước sốt riêng ra. Thịt heo thơm giòn, thấm nước sốt chua ngọt rất ngon. Không chỉ vậy, vị chua ngọt của nước sốt rất hợp với vị tương đậu của mì. Càng ăn tôi càng hiểu tại sao hai món này lúc nào cũng đi cùng nhau.

Bánh xếp chiên. (Hình: Thiện Lê/Người Việt)

Cuối cùng là bánh xếp chiên nhân thịt, hẹ và bún tàu. Vỏ bánh chiên giòn tan, nhưng vẫn còn chút độ dai rất hấp dẫn. Thịt bên trong thì mềm mại, nêm nếm vừa miệng và thơm mùi hẹ. Bánh xếp chỉ cần chấm vào chút nước tương là không chê được.

Từ khi mới mở cửa hồi năm 2015 đến nay, món mì “jajangmyeon” của quán Kyo-Dong lúc nào cũng làm tôi hài lòng. Thức ăn ngon miệng và giá cả vừa phải, một phần mì với thịt chiên khoảng $14, nhưng ăn rất no.

Quán Kyo-Dong nằm trong siêu thị Arirang tọa lạc tại địa chỉ 9580 W Garden Grove Blvd., #300, Garden Grove, CA 92844. (Thiện Lê) [qd]

—–
Liên lạc tác giả: [email protected]

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT