Monday, March 18, 2024

Nhà văn Lê Lạc Giao ra mắt ‘Có Một Thời Nhân Chứng’

Nguyên Huy/Người Việt

WESTMINSTER, California (NV) – Nhà văn Lê Lạc Giao đã gửi đến độc giả tác phẩm thứ ba của ông, truyện dài “Có Một Thời Nhân Chứng” trong buổi ra mắt sách tại phòng sinh hoạt nhật báo Việt Báo trên đường Moran, Westminster hôm 8 Tháng Chín.

Bìa sách in là “truyện dài” nhưng như nhà văn Phan Tấn Hải của nhật báo Việt Báo nhận định trong phần giới thiệu thì “tiểu thuyết này là một tấm gương chiếu rọi hình ảnh cả một thế hệ, trong những năm đầu của thập niên 1970 là sinh viên Saigon, nhập ngũ, và rồi đi tù cải tạo sau Tháng Tư, 1975. Trong tấm gương đó có chiến trường, có khói súng, có tình báo Quốc Cộng quan sát nhau nơi sân trường, có những mối tình không ghìm giữ lễ giáo được, và có những nụ hôn ngây thơ tới nỗi chàng không biết đặt tay vào đâu. Và độc đáo là một bài thơ đã trở thành kinh đọc hàng đêm cho một tù cải tạo và được thêm chữ Amen vào cuối bài thơ.”

Một khách tham dự tay ôm 10 quyển sách vừa được tác giả ký tên kỷ niệm sau khi ông đặt mua, nói với chúng tôi: “Tôi là Nguyễn Hữu Hạnh, cùng khóa 5/72 quân trường Thủ Đức với Lê Lạc Giao. Tôi mua sách thứ nhất là để ủng hộ tinh thần người bạn cùng khóa quân sự, thứ đến là để gửi cho bạn bè cùng khóa ở xa có nhờ mua dùm. Riêng tôi, tôi giữ hai cuốn, một để tôi đọc đi đọc lại cuốn sách này, một để trong tủ sách gia đình cho con cháu sau này chúng có muốn tìm hiểu về một thời gian sống của cha ông chúng.”

Nhà văn Phan Tấn Hải đang giới thiệu sách “Có Một Thời Nhân Chứng” của nhà văn Lê Lạc Giao. (Hình: Nguyên Huy/Người Việt)

“Tôi muốn gọi nó là sách mà không là tiểu thuyết, truyện dài vì tác phẩm tuy có hư cấu, các nhân vật là giới sinh viên trong các phân khoa Đại Học miền Nam nhưng dựa hoàn toàn vào một bối cảnh có thực, nên tôi cho tác phẩm này đã vượt khỏi phạm vi tiểu thuyết để bước vào phạm vi của nghiên cứu, nhận định một thời chinh chiến điêu linh đã đẩy xô tuổi trẻ vào những hướng đi sau này mới biết là đã góp tay vào sự sụp đổ của miền Nam thì đã muộn rồi! Điều mà tôi thích trong tác phẩm này là tác giả đã trải tâm nguyện của mình rất trung thực qua các nhân vật. Tâm nguyện ấy cũng là tâm trạng chung của đa số sinh viên thời bấy giờ. Với tôi cuốn sách này của Lê Lạc Giao đáng là một cuốn sách được gửi lại cho các thế hệ con em chúng ta,” ông Hạnh nói thêm.

Buổi ra mắt sách được sự phụ giúp của bạn bè Văn Khoa ngày xưa trong “Nhóm nghiên cứu Triết học” ở Đại Học Văn Khoa Saigon. Cô MC Phan Dụy duyên dáng và sôi động như trong những buổi ca nhạc của Khánh Ly hay của phong trào du ca mà có lẽ ngày xưa Phan Dụy đã tham gia nhiều lần.

Nhà văn Lê Lạc Giao trong phong thái ôn nhu đã trân trọng cảm ơn thân hữu và độc giả đến tham dự đông chật phòng sinh hoạt của Việt Báo. Trong phần phát biểu của mình, ông chỉ vắn tắt rằng: “Cuốn sách là những gì người viết nhớ đến những sự việc xẩy ra chung quanh trong dòng chảy hỗn mang vô định của cuộc chiến tranh.” Ông nói chỉ vỏn vẹn như thế, không thấy nói về “cái tôi”, kể cả trong bìa cuối sách cũng không có “vài dòng tiểu sử” như ta thường thấy trên các sách được in ra ở hải ngoại.

Trong vai trò diễn giả, Giáo Sư Nguyễn Văn Sâm không nói nhiều về nội dung sách, mà chỉ đề cập đến giới sinh viên mà giáo sư từng giảng dạy. Giáo sư nhận định đa số sinh viên vào thời ấy, ngoài việc học còn để ý đến những chuyển biến của xã hội chung quanh. Họ là những người đại diện cho một thời. Họ là những người trẻ có tâm huyết, sống có lý tưởng nhưng lại băn khoăn bởi lý tưởng nêu ra với những suy nghĩ ngây thơ, cực đoan có khi sai lầm…

MC Phan Dụy (áo đỏ) đang giới thiệu Nhóm Nghiên Cứu Triết của nhà văn Lê Lạc Giao. (Hình: Nguyên Huy/Người Việt)

Một bạn văn, bạn học, bạn cùng Nhóm “Nghiên Cứu Triết” ở Đại Học Văn Khoa ngày nào là nhà văn Phan Tấn Hải rất nhiệt tình trong việc giới thiệu cuốn sách mà ông coi là một “tấm gương chiếu rọi về một thời kỳ nửa thế kỷ trước,” trong đó có vui có buồn có những trăn trở, có những đau đớn khi nhìn thấy xóm làng chia cách vì lằn ranh nội chiến. Cái thời “văn khoa” đó ai cũng có một tâm sự trước thời cuộc trước cuộc sống mà không tìm được cách nào xứng hợp với lý tưởng tuổi trẻ…

Ngay tiếp sau phần phát biểu của nhà văn Phan Tấn Hải, ban tổ chức với cựu nữ sinh viên văn khoa Phan Dụy đã “lôi” những ông bà một thời sinh hoạt trong Nhóm Nghiên Cứu Triết lên sân khấu để như một nhân chứng “có thật” cho một thời khó thể quên được.

Bốn ca sĩ Thu Vàng, Nam Trân, Vy Hạ và Thái Hoàng đã thổi vào sân khấu từng mảng quá khứ dịu ngọt qua các ca khúc “một thời để nhớ” như Thuyền Viễn Xứ mà giọng ca cao vút điêu luyện nghệ sĩ của nữ ca sĩ Thu Vàng đã góp vào chương trình ra mắt cuốn sách giá trị này.

Quí độc giả muốn có sách xin liên lạc với ông Phan Tấn Hải tại tòa báo Việt Báo trên đường Moran, điện thoại (714) 894-2500. (Nguyên Huy)

MỚI CẬP NHẬT